Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

BÍ ẨN VỀ LOÀI CHIM BÁO HIỆU CÁI CHẾT

Người Việt tin rằng, chim lợn kêu ở đầu hồi nhà ai thì nhà đó có người sắp chết.
Cú lợn là loài chim rất thông minh, đáng yêu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng bị coi là quỷ dữ, khi người ta tin rằng, chúng là điềm báo cho một cái chết. Người Việt tin rằng, chim lợn kêu ở đầu hồi nhà ai thì nhà đó có người sắp chết. Chim cú lợn kêu 7 tiếng thì cái chết ứng vào nam giới, còn 9 tiếng thì ứng vào nữ giới.
Người ta còn đồn rằng, khi con người sắp chết, sẽ giải phóng một thứ mùi đặc trưng và chim lợn với thính giác nhạy bén, đã phát hiện ra và báo hiệu. Vì quan niệm như vậy, nên khi tiếng chim lợn kêu éc éc thành tràng dài não nề trong đêm khuya tĩnh mịch, luôn tạo cảm giác rợn người.
Thậm chí, những tiếng chim lợn trong đêm, sẽ khiến cả làng bàn tán chuyện chết chóc sẽ xảy đến với một ai đó, rồi người ta thi nhau đoán già, đoán non. Vì niềm tin loài chim này mang lại những điềm xấu, nên chim lợn bị ghét bỏ, bị xua đuổi, thậm chí bị giết. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại không tin vào điều đó. Chim lợn thực sự là một loài động vật có ích.
Món ăn ưa thích nhất của chúng ăn chuột và một số loại côn trùng. Khi không săn được chuột, chúng ăn tạm thằn lằn và một số loài chim khác. Cú lợn là chim săn mồi, hoạt động chủ yếu về đêm, thường sống thành đôi hoặc đơn độc và không di trú.
Trông loài vật này có vẻ chậm chạp, điềm tĩnh và bí ẩn, nhưng chúng thực sự là những sát thủ, với tốc độ của một cơn gió và những móng chân sắc như dao. Trong bóng đêm đen đặc, đôi mắt tinh tường của nó không bỏ sót một chú chuột nhỏ đang chạy ở một khoảng cách cả trăm mét. 
Họ cú lợn là một trong hai họ động vật thuộc bộ cú. Một số loài thấy ở Việt Nam thường được gọi chung là chim lợn do tiếng kêu của nó giống tiếng lợn. Cú lợn là họ cú cỡ trung bình và lớn, đầu to, chân khỏe với móng vuốt sắc. Nét đặc thù của chúng là mặt dẹt như cái đĩa, hình trái tim, được tạo bởi lông vũ. Những lông vũ này còn có tác dụng định vị và khuyếch đại âm thanh khi săn mồi.
Lông vũ ở cánh cú lợn cũng có cấu tạo đặc biệt nên không phát ra tiếng động khi bay, giúp chúng nghe tốt hơn và tránh được sự phát hiện của con mồi. Cú lợn có lưng từ màu xám đến nâu, ngực và bụng màu sáng hơn, có thể có đốm
Cú lợn rừng thường nhỏ hơn và đĩa mặt không có hình trái tim mà được chia thành 3 phần, tai được lông bao bọc. Cú lợn phân bố khá rộng, nó có thể sống ở môi trường sa mạc, rừng, ở vùng có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới. Cú lợn có mặt ở khắp nơi, trừ Bắc Mỹ, sa mạc Sahara và một phần của châu Á.
Ở Việt Nam có 3 loài cú lợn, gồm cú lợn lưng xám (Tyto alba stertens), cú lợn rừng phương Đông (Phodilus badius saturatus) và cú lợn lưng nâu (Tyto longimembris). Cú lợn lưng xám và cú lợn lưng nâu được xếp vào các loài động vật là thiên địch của chuột (thức ăn chính là chuột), bị nghiêm cấm khai thác từ tự nhiên.
Cú lợn rừng được đưa vào sách đỏ Việt Nam (mức độ nguy cấp bậc T – bị đe dọa). Đây là loài có giá trị thẩm mỹ và khoa học, là nguồn gene quý. Mặc dù cú lợn rừng có vùng phân bố rộng nhưng số lượng cá thể ít, hiếm gặp. Hiện tại cũng chưa xác định được còn bao nhiêu cá thể tồn tại trong tự nhiên.
Mặc dù chim lợn là loài thiên địch, rất quý, song vì quan niệm dị đoan, nên chúng ta đang có sự phân biệt đối xử với loài chim này. Trong tiếng lóng của người Việt, “chim lợn” chỉ những người xấu, chuyên rình mò như cú và bới móc người khác.
Từ “chim lợn” cũng dành cho những người làm ăn phi pháp, buôn lậu. Sự gán ghép oan uổng đó khiến việc bảo tồn loài vật này càng thêm khó khăn. Trên thế giới, người ta coi đây là một loài chim có vẻ đẹp độc đáo, được yêu thích. Chúng có khuôn mặt hình trái tim rất ngộ nghĩnh. Bộ lông mượt có nhiều hoa văn khá đẹp mắt.
Theo VTC

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

CÙNG VỚI BÙI TRUNG LẦN CUỐI

Bùi Trung người ngồi bên phải cười rất tươi
Thế là từ đây không còn gặp anh trên cõi đời này nữa, bùi ngùi nhớ lại chân tình của anh đối với bạn bè Nông Lâm Súc Tây Ninh, anh không khách sáo, xa lạ mà tâm tình của Bùi Trung giống như anh em một nhà, hay góp ý việc gì trái tai gai mắt một cách thẳng thắng trong tinh thần xây dựng chứ không đã phá hay nói cho “đã cái miệng”.
Gặp anh lần cuối cùng lúc đám cưới con anh. Mời tôi qua điện thoại, dù rằng đang bệnh nhưng giọng nói vẫn mạnh mẽ, rỏ ràng, tôi nhận lời thì anh cười to và rất vui vì cô em gái thông cảm nhận lời cái rụp. Đúng ngày giờ tôi xuất hiện thấy tôi anh hồ hởi đón chào, như là sự bất ngờ dù biết rằng ngày đám cưới con anh đã định trước và tôi nhận lời đến chia vui với anh cùng gia đình và mừng cho cháu thành nhân chi mỹ. Thật sự khi đó trong thâm tâm tôi đây là lần cuối cùng tôi còn được gặp anh bằng xương bằng thịt, bằng tất cả tấm lòng của tình anh em, vỗ vai thân mật, bắt tay nhau nắm chặt thật lâu. Nhìn anh, biết sức khỏe của anh, tôi ngăn không cho anh nói nhiều, nhưng vui quá không nói thì không cầm lòng được. Anh kể, trong và ngoài của gia đình hiện nay đều do bàn tay vợ anh quán xuyến, “cái đám cưới này bả lo hết đó em”!..., Trong giọng nói của anh có chút gì xa xăm, cam chịu, bằng lòng với hiện tại, thỏa mãn về quá khứ không hề tiếc nuối. Công sức một thời vẫy vùng, giờ để lại sự nghiệp này nếu một mai anh ra đi thì chị ở lại vẫn tiếp tục lo cho các con được chu toàn, anh nói liên hồi rồi thở phào nhẹ nhõm của người vừa trút đi gánh nặng, mắt anh nhìn vào cõi hư vô.
Gặp anh lần đầu tiên vào lúc trường Nông Lâm Súc Tây Ninh họp mặt lần thứ 10 ngày 20/01/2009 lúc 7g30 sáng, tại quán cà-phê trên đường vào trường ở Bến Kéo. Đây cũng là năm cuối cùng thầy cô cùng học trò của trường được dẫm trên dấu chân xưa của chính mình để rồi mãi mãi kỷ niệm trường xưa dấu yêu đi vào ký ức. Vài ngày trước khi đến ngày họp mặt anh Bùi Trung thường xuyên gọi điện thoại cho tôi để trò chuyện, làm quen với thành viên Tây ninh để khi gặp mặt không là người xa lạ!. Cách kết thân của Bùi Trung rất hay, đến lần họp mặt lần thứ 11 (07/03/2010) Bùi Trung không đi được đã gọi điện thoại nhờ tôi tìm giúp lẳng hoa thật đẹp để tặng trường. Tôi đã làm theo lời của anh Trung, tậu lẳng hoa hồng thật tươi, chọn những cành hoa đẹp nhất như tình anh nồng ấm dành cho buổi họp mặt trường Nông Lâm Súc Tây ninh. Anh trả tiền lại cho tôi bằng cách gửi qua điện thoại tôi dãy số nạp tiền, tôi nói với anh Trung, chờ chừng nào mà Mobi khuyến mãi 100% thì hãy cào thẻ gửi qua, anh cười bảo: cái cô này khôn quá. Quả là xa mặt mà chẳng cách lòng vì có những cách giao lưu rất độc đáo của thần dân Nông Lâm Súc.
Giờ thì thật rồi, người “ngoài hành tinh”, tôi gọi đùa và anh cười trả lời tôi chầm chậm “ừa, tại hai cái cọng vắt vào mang tai nên anh chẳng giống ai”. Tôi còn kịp chụp chung anh một tấm ảnh cuối cùng trước lúc chia tay. Giờ anh đã đi xa thật xa, vĩnh viễn không còn buồn, vui, lo lắng …
NGỌC HUỆ K3


VÔ TƯ NHƯ … HỌC TRÒ

Ép lá cây rừng … chấm điểm

Cây Phượng Vàng 2 năm tuổi tại Tòa Thánh Tây Ninh
Nhân đọc bài Cây phượng vàng ở Tòa Thánh Tây ninh của thầy Bùi Tho, rồi thầy lại nhắc đến cụm từ “Rừng thiên nhiên” làm trong NH “sôi sục” tính cách của một cô bé ở tuổi đôi sáu, đôi tám thuở xa xưa. Tinh nghịch là một phần không thể thiếu trong bản tánh của tuổi nhỏ, nhất là học trò, nhất là nhờ vào “sức mạnh của tập thể” và “lệnh truyền” thôi thúc bởi nổi ám ảnh của những con số … “Điểm – điểm – điểm”, thế là lũ chúng tôi kéo bè đi “tàn sát”.
          Giờ Lâm học, học các loại cây rừng, phân biệt các loại cây bởi lá, tán cây, vỏ cây, … Ngoài giờ học lý thuyết còn có giờ thực hành, điều hạnh phúc này các bạn học trường Phổ thông không bao giờ có. Lâm học, thầy dẫn các em đi vào “Rừng thiên nhiên” nằm trong khuôn viên Tòa thánh Tây ninh, để cho các em nhìn tận mắt, sờ tận tay. Vì chỉ có nơi đây là gần nhất, an ninh nhất và tương đối đầy đủ các loại sắc mộc đáp ứng đúng yêu cầu cho việc thực tập. Và sau đó, còn có phần “ép lá cây rừng chấm điểm”, điều đáng ghi nhớ là ở đây đây!.
          Lũ con gái, không leo trèo được, nên lãnh phần đứng ở dưới đất chỉ lên lá cây nào đẹp hình dạng, già đủ độ để ép ra sản phẩm đẹp, mục đích là nhận được điểm cao, mấy đứa con trai trèo lên cây hái. Trước khi leo nó cũng ngắm nghía kỹ càng, cành nào, lá nằm ở đâu. Nhưng khi leo lên cây thì thấy khác hẳn, nó hái quăng xuống, trật lất. Thế là hái lá khác, đứa đứng dưới đất chỉ lá này thì đứa ở trên cây hái lá khác, lá rơi, không dùng được, bỏ xanh cả gốc cây. Đến lúc đứa ngước lên thì mõi cổ, đứa trèo hái thì vịn mõi tay. Thế là, nó vận nội công… rắc, rắc, r  ắ  c …, cành cây đổ xuống …cái đùng! (tiếng động, âm vang trong rừng rất to). Đứa ở dưới đất lặt lấy, lặt để. Đứa ở trên cây nhảy xuống té cái ạch, chưa lấy lại được hơi thở… bổng có tiếng la “Bảo thể 1 tụi bây ơi!”… cả bọn thồn chiến lợi phẩm vào cặp, cùng chạy … thoát.
          Oan cho kẻ đi “hôi”2
          Cả bọn chúng tôi chạy rồi, đi xa xa và đứng lại nhìn tiếc rẻ những chiếc lá đẹp chưa kịp lặt. Mấy chú bảo thể lại không chộp được thủ phạm, nên đi chổ khác, khi đó có hai cô bé thủng thẳng đến hái lá (bạn cùng lớp, nhưng là nhóm khác) Thế là, các chú quay lại “bắt quả tang thủ phạm” bẻ cành cây!!!. Thời đó, ai vi phạm điều gì trong khuôn viên của Chùa thì bị dẫn độ vào “Hòa viện” để lãnh hình phạt “quì hương” (là quì gối cầm cây nhang chờ cho cháy đến tàn, tùy tội phạm mà quì mấy cây nhang, nhang là cây hương ấy mà”.
          Oan ơi! Là oan … thế là hai cô bé khóc như mưa, năn nỉ chú bảo thể lâu lắm, đứng xa xa nhìn thấy thương bạn quá, thế là mấy đứa con trai ra tay nghĩa hiệp, trước khi hành hiệp tụi nó đưa cặp táp cho mấy đứa con gái cầm (có dại gì mà cầm theo hén! Vì bên trong đầy lá cây chứ có cuốn tập nào đâu). Đi năn nỉ phụ mà có kết quả, nhìn cành cây nằm ngổn ngang, biết được mục đích hái lá cây để làm gì nên các chú bảo thể cho chúng tôi nhặt lá, thế là hai nhóm bạn ung dung cười nói ríu rít. Chúng tôi chỉ nhặt lá đẹp, có đứa nêu sáng kiến, lựa thêm đi, đem về đổi lá cây khác với bạn nào chưa có loại chúng tôi đã có.
          Sự vô tư của chúng tôi chưa dừng ở những cây lớn. Nhiều nhóm đi “oanh tạc” cây rừng nên bảo thể cảnh giác hơn với đám học trò áo xanh (khi đó chưa mặc áo màu nâu), và lũ chúng tôi cũng kháo nhau về hai đứa con gái xém bị bắt quì hương hôm trước, nên để tránh nguy hiễm xảy ra, chúng tôi đi khủng bố các cây nào vừa tầm hái, chúng tôi đem theo sào móc (như là đi thọc kiến vàng), móc thì không gây kinh động trong rừng, chúng tôi móc “đầu nó” xuống, đứa nắm ngọn, đứa khác lặt lá, cười khúc khích không dám cười to. Tụi tôi thoát cách an toàn.
         
Tính đến nay cũng có ngoài 40 năm, cây rừng bị chúng tôi gịt đầu gịt cổ nay đã cao lớn thành cây đại thụ cả rồi, giờ đi ngang cánh rừng thiên nhiên ngày ấy, không khỏi bùi ngùi nhớ nhung. Thầy Bùi Tho nói đúng, sở dĩ có tên gọi là “Rừng thiên nhiên”, vì là cây mọc lên từ thuở vùng đất này còn là rừng thâm sâu, cây lớn, cây nhỏ, cây bụi đủ cả, khi khai phá, xây dựng số cây này được qui hoạch để lại.
Triệu Ngọc Hạ
 
(1)“Bảo thể”: Sau đổi thành Thánh vệ, là người bảo vệ trong khuôn viên Chùa.

(2) “Hôi”: Từ ngữ dùng cho những người đi nhặt sản phẩm còn sót lại sau khi người chủ đã thu hoạch.

HOA XINH VÀ CÁNH BƯỚM

Ngày kia, con người xin Thượng Đế ban tặng bông hoa và cánh bướm.
Ngài liền trao cho anh một nhánh xương rồng, và ban tặng cho anh một con sâu đen đủi. Con người buồn rầu, anh không thể hiểu được cách đáp ứng của Chúa. Anh tự an ủi : Ồ ! Thiên Chúa phải đáp ứng quá nhiều người, chắc Ngài đã gởi món quà nhầm địa chỉ. Bẵng đi một thời gian, anh chợt nhớ tới món quà “gởi nhầm địa chỉ”. Quá ngạc nhiên, từ nhánh xương rồng khẳng khiu đầy gai nhọn, một bông hoa tuyệt vời hé nở, và con sâu xấu xí đã hóa thân thành một cánh bướm rực rỡ. Thiên Chúa luôn có lý ! Cách Ngài đáp ứng, luôn là cách tốt nhất dù đối với chúng ta, đôi khi thật khó hiểu. Nếu bạn xin Thiên Chúa điều này, nhưng lại nhận được điều khác không mong chờ HÃY VỮNG TIN. 
          Bạn hãy tin chắc rằng Ngài sẽ ban cho bạn điều bạn cần vào đúng thời đúng buổi! Điều bạn mong chờ... không phải luôn là điều bạn thực sự cần đến! Thiên Chúa không bao giờ gởi những món quà “nhầm địa chỉ”, vì thế hãy vững lòng tin tưởng và kiên trì cậy trông. Hôm nay là GAI NHỌN... Mai ngày là HOA XINH! THIÊN CHÚA LUÔN BAN NHỮNG GÌ TUYỆT HẢO NHẤT CHO NHỮNG AI DÀNH CHO NGƯỜI TOÀN QUYỀN HÀNH ĐỘNG!
LH: tinlanhvaxahoi@gmail.com

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

TPHCM: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI BÒ SỮA

Thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ sinh trong chăn nuôi bò sữa
Cập nhật lúc:  14:08 06/11/2012

Trong những năm qua, công nghệ sinh học (CNSH) đã có những tiến bộ nhanh chóng, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm và phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.

Công nghệ cao (CNC) đã được áp dụng trong nông nghiệp nước ta và bước đầu có một số thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cung cấp những sản phẩm cơ bản và cần thiết để chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống và phát triển liên đới nhiều ngành công nghiệp khác.

Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) là thành phố đầu tiên trong cả nước xác định vị trí ưu tiên cho phát triển công nghệ sinh học (CNSH) và đã xây dựng chương trình CNSH có ban chỉ đạo để định hướng chiến lược cho phát triển CNSH của thành phố,với định hướng phát triển 03 con vật nuôi, đó là: cá sấu, tôm sú và bò sữa. Trong đó, bò sữa là đối tượng vật nuôi cần được ưu tiên vì Tp.HCM là nơi cung cấp giống bò sữa cho cả nước.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 của Tp.HCM (QĐ số 13/2011/QĐ-UBND) định hướng tiếp tục chương trình phát triển bò sữa, đã đề ra những mục tiêu cụ thể, bao gồm:

- Xây dựng vùng chăn nuôi theo hướng GAHP, duy trì đàn bò sữa đến năm 2015 là 80.000 con, trong đó bò cái vắt sữa đạt 45.000 con, sản lượng sữa tươi đạt 292.500 tấn, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này là 4,2%. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên tổng số hộ chăn nuôi bò sữa đạt tỷ lệ dưới 50%.

– Ứng dụng quản lý giống bò sữa theo các chương trình quản lý giống tiên tiến như đánh giá tiến bộ di truyền theo phương pháp BLUP và chương trình cải thiện đàn bò theo phương pháp DHI. Tăng tỉ lệ tiêm phòng bắt buộc lên 100% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm. Khống chế được bệnh lở mồm long móng, lao, leptosspirosis, brucellosis và ký sinh trùng đường máu. Tỉ lệ viêm vú trên bò sữa không quá 15%. Cũng đến năm 2015, môi trường trong chăn nuôi phải được kiểm soát bằng hệ thống xử lý chất thải chiếm 65 – 67%, tỉ lệ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) tăng 20 – 25%, tỉ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa đạt 30 – 35%.

Muốn cải thiện nhanh chất lượng đàn bò sữa ở Tp.HCM, cần phải áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới. TS. Chung Anh Dũng, Phòng Công nghệ sinh học - Viện KHKT miền Nam đã trình bày tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp”, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghệ Thực phẩm 2012 (Hi-Tech – 2012) về những công nghệ như: Công nghệ cấy truyền phôi (MOET) để nhân nhanh đàn bò cái cao sản; Công nghệ sản xuất phôi bò in vivo và in vitro, trong đó ưu tiên sử dụng tinh bò đã phân tách (Sorted semen) để sản xuất phôi bò cái cao sản; Công nghệ sản xuất tinh bò đã phân tách (sexed semen) và đông lạnh trong đó sử dụng kỹ thuật MOET để sản xuất bò đực giống nhằm tiết kiệm ngoại tệ nhập bò và rút ngắn thời gian thời gian tiến hành kiểm tra qua đời sau (progeny test)… cung cấp tinh bò đông lạnh chất lượng cao cho công tác gieo tinh nhân tạo toàn quốc; Công nghệ sử dụng Bovine Geadchip kết hợp với các chương trình quản lý giống DHI hay đánh giá giá trị giống BLUP để nâng cao hiệu quả của công tác chọn giống bò; Công nghệ chuồng trại nhằm giảm stress: Tạo điều kiện môi trường phù hợp sinh lý bò sữa, giảm ô nhiễm môi trường (từ phân, nước tiểu, khí thải ra từ bò sữa), sản xuất sữa sạch; Công nghệ sản xuất thức ăn hoàn chỉnh (Total Mixed Ration – TMR) cho bò sữa để khai thác tốt khả năng sản xuất và sinh sản của bò nuôi tại trung tâm và làm tiền đề ứng dụng TMR trong chăn nuôi bò sữa toàn khu vực Tp.HCM…

Tuy nhiên, những kỹ thuật, công nghệ cao không thể áp dụng đại trà ngay vì đòi hỏi phải đầu tư lớn và cũng cần có đội ngũ cán bộ có tay nghề cao để sử dụng được những thiết bị hiện đại. Cho nên, cần thiết phải xây dựng trung tâm sản xuất giống bò sữa cao sản từ việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao là một trong những địa điểm thích hợp để xây dựng trung tâm này.

Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố
Nguồn Khuyennongvn

An giang: HỖ TRỢ VIỆC XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC SẢN XUẤT - CUNG ỨNG LÚA GIỐNG

An Giang: Hỗ trợ việc xã hội hóa công tác sản xuất, cung ứng lúa giống
Cập nhật lúc:  11:06 14/07/2011

Bài phỏng vấn ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc TT KN tỉnh An Giang do phóng viên Ngọc Huệ thực hiện tại Diễn đàn KN@NN “Sản xuất cung ứng giống lúa các tỉnh phía Nam” ngày 12/07/2011. 
Bài phỏng vấn ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc TT KN tỉnh An Giang do phóng viên Ngọc Huệ thực hiện tại Diễn đàn KN@NN “Sản xuất cung ứng giống lúa các tỉnh phía Nam” ngày 12/07/2011.
An Giang là tỉnh tổ chức công tác xã hội hóa giống lúa thành công nhất so với các tỉnh khác vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ năm 2008, An Giang có hơn 200 tổ, đội, hợp tác xã nhân giống với diện tích tăng dần mỗi năm, mức độ thỏa mãn nhu cầu hạt giống lúa cấp xác nhận trong tỉnh là hơn 50%. So với yêu cầu, số lượng giống tốt còn thiếu dẫn đến việc canh tác giống lúa kém chất lượng vẫn còn diễn ra phổ biến và chiếm tỉ lệ diện tích khá cao ở một số vùng.
PV: Chất lượng giống lúa góp phần gia tăng giá trị hạt gạo trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, gia tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng hiện nay các giống lúa không đúng chất lượng vẫn được nông dân dùng làm lúa giống để sản xuất. Xin ông vui lòng cho biết những nguy hại của việc sản xuất giống lúa không đúng chất lượng thế nào?
Ông Huỳnh Hiệp Thành:  Trong sản xuất lúa, khâu chọn giống và bố trí thời vụ quyết định sự thành công rất lớn. Nếu dùng lúa giống không tốt trước mắt làm sản lượng lúa không ổn định trong từng vụ, từng năm. Thu nhập bị tụt giảm, không khuyến khích phát triển các hình thức cung ứng giống vào sản xuất. Quan trọng hơn nữa là việc chỉ đạo cơ cấu giống lúa sản xuất phù hợp với tình hình biến động của dịch hại, thị trường tiêu thụ và biến đổi khí hậu sẽ gặp nhiều trở ngại ở từng địa phương và trong toàn vùng.
PV: Trong vai trò của nhà nước, TTKN tỉnh An Giang làm gì để giải quyết vấn đề trên?
Ông Huỳnh Hiệp Thành: Trước đây, tỉnh đã tham gia vào dự án CBDC (Đa dạng hóa sinh học) của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ để đào tạo cán bộ kỹ thuật tỉnh An Giang về kỹ năng chọn tạo giống lúa; Và dự án xã hội hóa công tác giống tỉnh An Giang. Dự án này tập huấn cho bà con nông dân kỹ năng chọn tạo giống; Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm của TTKN và kinh phí dự án xã hội hóa công tác giống tỉnh An Giang… Hiện nay bà con tạo ra được các giống như: Hồng ngọc óc eo, CM (chợ mới), NV (Núi voi), TC (Tân châu)…
PV: Bằng những hướng dẫn cụ thể nào để người nông dân làm theo các văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng của Nhà nước?
Ông Huỳnh Hiệp Thành: Lồng vào những lớp kỹ năng chọn tạo giống, thì người học được phổ biến về những văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng tương đối đầy đủ từ Pháp lệnh giống cây trồng đến các Nghị định, Quyết định, Thông tư, Quy định…để khi họ tiến tới thương mại hóa công tác giống thì họ biết mà chấp hành theo.
PV: Sản xuất giống là việc làm đòi hỏi kỹ năng và cơ sở vật chất. Ngoài những lớp tập huấn TTKN tỉnh An Giang trong thời gian qua đã giúp nông dân những gì? Và định hướng sắp tới?
Ông Huỳnh Hiệp Thành: Nhà nước hỗ trợ cho bà con nông dân được 6 máy phân ly hạt; 22 máy sấy; 50 máy đo ẩm độ; hỗ trợ 50% giống siêu nguyên chủng cho các tổ đội sản xuất giống. Trong thời gian tới, TTKN tỉnh dự kiến: Giúp bà con nông dân được kiểm định, kiểm nghiệm giống thực hiện kiểm định theo qui định của Bộ NN&PTNT; Đào tạo lại tổ đội nào yếu và phát triển thêm những tổ đội mới cho những vùng nào chưa có; Tiến tới thương mại hóa về giống như: hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập công ty, tạo được thương hiệu…; Đề nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ cho bà con thêm những trang thiết bị sản xuất giống cũng như nguồn giống siêu nguyên chủng.
Để phát huy những thành tựu trong thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng định hướng cho công tác xã hội hoá giống đến năm 2015: Tiếp tục duy trì và củng cố mạng lưới nhân giống lúa để đảm bảo lượng giống xác nhận (cộng đồng) mỗi năm phục vụ được 90% diện tích sản xuất.
PV: Xin cảm ơn ông

Để nông hộ sản xuất lúa giống có chất lượng rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương về mặt chính sách. Theo qui định hiện nay, kết luận kiểm định của đơn vị có chức năng là cơ sở pháp lý để lô hạt giống đó được phép đưa vào kinh doanh hay không. Cấp hạt xác nhận phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn sau: 1/ Độ sạch tối thiểu: 99,0%; 2/ Hạt giống khác có thể phân biệt: < 0,25%; 3/ Hạt cỏ tối đa 10 hạt/kg; 4/ Tỷ lệ nảy mầm tối thiểu: 85%; 5/ Độ ẩm tối đa: 13,0%. Thực hiện kiểm định theo qui định của Bộ NN&PTNT, gồm 2 bước: a/ Kiểm định đồng ruộng 3 lần (-Sau xuống giống 10-12 ngày; - Khi lúa trổ 50%; - và trước thu hoạch 5-7 ngày). b/ Kiểm nghiệm trong phòng: Lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu: Độ sạch, hạt giống khác, hạt cỏ, tỷ lệ nảy mầm, ẩm độ theo TCVN 1776-2004. (Theo kỷ yếu DĐ KN@NN lần 5 – 2011.)
Nguồn TT Khuyennongvn