Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN...



SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TIN LÀNH TẠI SÀI GÒN (TP.HCM) TỪ NĂM 1924 ĐẾN NAY - TĐ NGỌC HUỆ

 
Sự hình thành và phát triển của Tin lành tại Sài gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 1924 đến nay: Vài hội thánh tiêu biểu (Chi hội Bình Trị Đông, Chi hội Sài Gòn, Chi hội Ngô Gia Tự)
TĐ: NGỌC HUỆ
Viết Xong Ngày 10/10/2014

DẪN NHẬP
Đạo Tin lành được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX do Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp của Mỹ (The Christian and Missionary of Alliance - CMA) truyền vào, đến năm 1911 thiết lập được tổ chức đầu tiên ở Đà Nẵng, đánh dấu mốc lịch sử cho đạo Tin lành ở Việt Nam. Với Những bước đi đầu tiên: - Năm 1887: Tiến sĩ A.B.Simpson, người sáng lập Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp  (C&MA), đến Đông Dương và tìm cách truyền giáo đến Việt Nam. - Năm 1893: Ms D.Lelacheur đến Sài Gòn. - Năm 1897: Ms C.H. Reeves từ Long Châu (Trung Quốc) đến Lạng Sơn. - Năm 1899: giáo sĩ R.A.Jaffray đến Hà Nội. - Năm 1901: Ms Dryan đến Hải Phòng.
            Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Lãnh thổ được chia thành ba miền: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Nam kỳ là nhượng địa nằm dưới sự cai quản trực tiếp của người Pháp. Nói chung, tuy ngai vàng của triều Nguyễn vẫn còn tồn tại ở Trung kỳ (Huế là đế đô), nhưng chỉ là bù nhìn, còn về thực chất thì thực dân Pháp nắm toàn quyền cai trị trên toàn lãnh thổ. Ba miền của Việt nam cùng với Cam-bốt và Lào hiệp thành Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, đặt dưới quyền của một viên Toàn quyền Đông Dương (người Pháp).
            Tình hình kinh tế-xã hội: Việt nam là một nước nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số là nông dân. Cùng với chính sách khai thác thuộc địa của Pháp, hình thành một bộ phận công nhân làm việc trong các đồn điền và hầm mỏ của Pháp. Hầu hết dân cư đều nghèo khổ, thu nhập thấp, ngoại trừ một số địa chủ, thương gia và viên chức làm việc cho chính quyền Pháp. Đầu thế kỷ XX, các đô thị ở Việt nam bắt đầu hình thành và phát triển ngày càng nhiều (Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn - Chợ Lớn, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Biên Hòa, Mỹ Tho, . . . ). Từ đó đã hình thành tầng lớp thị dân, thương gia và tiểu tư sản. Dân số có khoảng 20 triệu người và giữa thế kỷ XX là 25 triệu người. Việt Nam có tất cả 54 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm khoảng 86% dân số, còn lại là các dân tộc ít người (Ba-na, Chăm, Cơ-ho, Ê-đê, Dao, Gia-rai, Hơ-rê, Khơ-me, H’Mông, Mường, Nùng, Sán Dìu, Tày, Thái, Sê-đăng, Hoa,...)
            Tình hình văn hóa-giáo dục: Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp vẫn cho duy trì hệ thống giáo dục và thi cử phong kiến, trong đó chủ yếu sử dụng chữ Hán. Chữ Nôm cũng thịnh hành trong giai đoạn này (một số sách Kinh Thánh đã được dịch ra chữ Nôm). Về sau, Pháp mở hệ thống giáo dục mới (gồm ba bậc Sơ học, Tiểu học và Trung học), dạy cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Đặc biệt là sự phát triển của chữ Quốc ngữ có vai trò hết sức quan trọng trong sự phổ biến Kinh Thánh và truyền bá Tin Lành.
            Tình hình tôn giáo: ngoài việc thờ cúng tổ tiên và thờ Thành Hoàng (vị thần của làng xã), người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Ngoài ra, khoảng giữa hai cuộc thế chiến, ở miền Nam còn xuất hiện hai tôn giáo mới là đạo Cao Đài (1926) và Phật Giáo Hòa Hảo (1936).
            Người viết chọn đề tài Sự hình thành và phát triển của Tin lành tại Sài gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 1924 đến nay. Vì hiện nay, chưa có tài liệu tổng hợp chuyên khảo cứu về lịch sử Cơ đốc giáo tại Sài gòn. Nghiên cứu này với mong mõi đóng góp phần nào để làm tư liệu cho việc nghiên cứu về Tin lành tại Sài gòn (thành phố Hồ Chí Minh) trong hiện tại cũng như trong tương lai, theo phương pháp tra cứu tài liệu và tư liệu nội bộ của các hội thánh liên quan và phỏng vấn các mục sư quản nhiệm hội thánh. Trong phạm vi bài viết này người viết chỉ tập trung tìm hiểu khái quát lịch sử của Hội thánh Tin lành Việt Nam tại Sài gòn (thành phố Hồ Chí Minh) với ba chi hội tiêu biểu như: Chi hội Bình Trị Đông, chi hội Sài Gòn, chi hội Ngô Gia Tự.

II/ THÂN BÀI
            "Mục đích của Hội Truyền Giáo CMA là truyền giáo thế giới, là khải tượng của Mục sư A. B. Simpson, người sáng lập Hội. Mục sư Simpson đã nói: “Xin chúng ta đừng bao giờ quên tiếng gọi đặc biệt trong công tác của Hội Liên Hiệp. Chúng ta không được kêu gọi để thành lập một giáo phái hay để lập lại một công tác đã làm rồi, cũng không phải để biện hộ cho một chủ trương một hệ thống thần học đặc biệt nào, hay cũng không phải để tôn vinh một cá nhân hay tập thể nào. Nhiệm vụ trên hết là cho mọi người nhìn thấy Chúa Giê-xu . . . là khích lệ và thúc giục con cái Chúa thực hiện những công việc bị lãng quên trong thời đại này đối với những tầng lớp dân chúng chưa tin Chúa trong nước cũng như các dân tộc đang bị hư mất ở ngoại quốc." [1]

A/  Tin lành đến Sài gòn.
1. Sự hình thành - Chi hội Bình Trị Đông
Chi hội Bình Trị Đông được thành lập năm 1924, hiện nay tọa lạc tại số 758 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Mính. Điện thoại số 083 762 3521, email: binhtridongchurch@gmail.com. Mục sư Lê Văn Tính, quản nhiệm hội thánh.
a. Bối cảnh lịch sử
Năm 1911, Tin lành được truyền đến Việt Nam. Năm 1918 từ Đà Nẵng hai giáo sĩ J.D.Olsen và I.R.Stebbins được cử đến Sài Gòn mở mang hội thánh. Năm 1922 trụ sở truyền giáo tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn được thiết lập. Việc giảng Tin Lành trong thời kỳ đầu không mấy kết quả. Lúc bấy giờ, Bình Trị Đông thuộc tổng Long Hưng Thượng, quận Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn. Là một làng nhỏ, nằm cạnh tuyến đường xe lửa dùng để chở cát, nối vào tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Tại đây có người thanh niên thường được gọi là thầy Lê, làm trưởng ga thuộc công ty Hỏa Xa. Sau những lần tự tìm đến trụ sở Hội truyền giáo để hỏi thăm cặn kẻ về Tin Lành cứu rỗi, thầy Lê đã tiếp nhận Chúa, chịu Báp-tem và sốt sắng hầu việc Chúa cùng nhóm tín hữu ít ỏi vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Thế nhưng chỉ thời gian ngắn thầy Lê lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời. Chúa mở đường khiến gia đình mời các giáo sĩ đến cử hành tang lễ. Các giáo sĩ nhân cơ hội này giảng Tin Lành cho người đến tham dự lễ tang, trong đó có tang khách và thân bằng quyến thuộc của người vừa về với Chúa. Thêm nữa, khi giúp dọn dẹp ngôi nhà của thầy Lê, cha vợ ông là ông Hai Tri, đã bắt gặp một truyền đạo đơn. Ông tò mò đọc tài liệu này, nhận ra chân lý cứu rỗi. Từ chỗ kịch liệt chống đối đức tin của thầy Lê, ông đã dẫn dắt toàn bộ gia đình mình tin nhận Chúa. Nhiều người trong làng trước đây nghe lời làm chứng nhiệt thành của thầy Lê bây giờ cũng trở lại tin Chúa. Thật lạ lùng, sự qua đời của thầy Lê xem ra dường như là thất bại của hội thánh, lại được Chúa dùng để cứu dân làng và gia đình người thân của thầy. Theo cố mục sư Lê Văn Thái đây là sự kiện rất có ý nghĩa, khởi đầu cho giai đoạn mới, khởi sắc hơn của hội thánh Sài Gòn - Gia định. [2]
b. Lược sử 90 năm thành lập
Chi hội Bình Trị Đông được thành lập Năm 1924, lễ Báp-tem được cử hành cho 20 tín hữu tại làng Bình Trị Đông, nơi có những người được cứu là gia quyến, thân tộc, cũng như láng giềng của thầy Lê. Với tấm lòng yêu mến Chúa, nhạc mẫu của thầy Lê là bà Khưu Thị Chung, đã mua một căn nhà ngói dâng Chúa. Tại ngôi nhà thờ tạm này, buổi nhóm đầu tiên được cử hành đánh dấu việc thành lập hội thánh Bình Trị Đông năm 1924, đến nay tròn 90 năm. Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, lịch sử Hội thánh Tin lành Chi hội Bình Trị Đông có thể tạm chia thành 5 giai đoạn dưới đây[3] :
* Giai đoạn hình thành (1924 - 1928)
* Những nền tảng ban đầu (1928 - 1941)
* Phát triển giữa những khó khăn (1941 - 1975)
* Hụt hẩng và củng cố (1975 - 2002)
* Ổn định và xây dựng (2002 đến nay)
Những mốc thời gian với các sự kiện nổi bật trong thời gian này được ghi chép trong tài liệu nội bộ của Chi hội Bình Trị Đông mà người viết đã tham khảo và ghi chép lại.
* Giai đoạn hình thành (1924 - 1928)
Năm 1924, lễ Báp-tem được cử hành cho 20 tín hữu tại làng Bình Trị Đông, đánh dấu việc thành lập hội thánh Bình Trị Đông. Trong thời gian này các giáo sĩ đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, thường xuyên đi xe đạp từ Sài Gòn vào làng Bình Trị Đông trên con đường cây cối rậm rạp, tối tăm để dạy đạo. Sau đó, các vị mục sư: Bùi Tự Do, Lê Văn Long, Trần Dĩnh, Kiều Công Thảo, Dương Nhữ Tiếp lần lượt đến giúp đỡ. Tạ ơn Chúa, số tín hữu mới tăng lên rất đông.
Năm 1927, nhà thờ tạm không còn đủ chỗ nhóm nữa, nên các tín hữu đầu tiên đã cùng nhau xây dựng một nhà thờ bằng gỗ, lợp ngói, nền lót gạch tàu, với diện tích 4mx12m trên nền nhà cũ. Lúc này hội thánh chưa có chủ tọa chính thức, ông Phạm Văn Tứ (Đội Tứ) là một tín hữu sốt sắng đã tình nguyện đến lo công việc hội thánh, để lại tấm gương sáng với những ấn tượng sâu sắc trong lòng con cái Chúa tại hội thánh Bình Trị Đông. Trong những tín hữu đầu tiên có hai người nổi bật về tâm tình yêu mến Chúa, hiệp tác với lãnh đạo hội thánh là ông Nguyễn Văn Tri (ông Hai Tri) và ông Trần Văn Ba (ông Mười Ba).
* Những nền tảng ban đầu (1928 - 1941)
Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ IV, năm 1927 đã bầu ra Ban Trị sự Tổng Liên Hội. Từ đây các chi hội được Tổng Liên Hội bổ nhiệm chủ tọa theo qui định. Đây là giai đoạn hội thánh Bình Trị Đông còn rất non trẻ, bắt đầu được chăm sóc từ các vị chủ tọa. Hầu hết các đầy tớ Chúa chỉ đến trong nhiệm kỳ một, hai năm rồi thuyên chuyển đi nơi khác. Công việc Chúa chưa có sự liên tục, kết quả còn hạn chế. Tuy nhiên, Chúa cho những nền tảng ban đầu được thiết lập. Hội thánh dần đi vào nề nếp và từng bước có tiến bộ nhất định, đặc biệt trong nổ lực mở hội thánh mới.
Năm 1928, Tổng Liên Hội bổ nhiệm Truyền đạoNguyễn Tấn chủ tọa hội thánh Bình Trị Đông. Ông bà đã vui vẻ hầu việc Chúa, mở mang và gây dựng công việc Chúa trong lúc hội thánh còn rất mới mẻ, đơn sơ và thiếu thốn mọi bề. Năm sau đó, lại bổ nhiệm ông đến nhiệm sở khác.
Năm 1929, Mục sư Trần Vô Tư được Địa hạt Nam phần bổ nhiệm đến chủ tọa hội thánh, ông tiếp tục làm chứng, phát sách kêu gọi đồng bào tin Chúa. Năm 1930 ông bà cảm động dâng mình hầu việc Chúa cho người sắc tộc ở Tây nguyên.
Năm 1930, Truyền đạo sinh Nguyễn Châu Đường được bổ nhiệm thay thế Mục sư Trần Vô Tư. Đến năm 1932, ông phải trở về trường Kinh thánh Đà Nẳng để học năm tốt nghiệp.
Năm 1932, Địa hạt bổ nhiệm Mục sư Thái Văn Nghĩa đến chủ tọa hội thánh. Lúc này hội thánh phát triển mạnh mẽ, con cái Chúa sốt sắng có nhiều người tin Chúa. Hội thánh quyết định trùng tu nới rộng nhà thờ, cất thêm tư thất cho gia đình mục sư chủ tọa vì trước đây vẫn ở trong nhà thờ. Một năm sau, Địa hạt thuyên chuyển mục sư đến hội thánh Long Xuyên.
Năm 1933, Mục sư Châu Văn Cương được bổ nhiệm chủ tọa hội thánh. Hội thánh tiếp tục phát triển, đức tin con cái Chúa được vững vàng, trung tín trong việc chứng đạo, phát sách, công bố Tin Lành cứu rỗi cho đồng bào. Đến năm, 1935 Địa hạt bổ ông bà đến hầu việc Chúa nơi khác.
Năm 1935, Mục sư Lê Văn Ngọ được bổ nhiệm chủ tọa hội thánh. Hội thánh vẫn phát triển, nhưng vẫn ở phạm vi trong làng và vài nơi lân cận, năm 1937 ông được chuyển đến hội thánh Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Năm 1937, Truyền đạo Nguyễn Ngọc Chiếu được bổ nhiệm chủ tọa hội thánh. Hội thánh nổ lực mở mang nước Chúa, thành lập một nhà nguyện tại quận Đức Hòa, tỉnh Tân An. Hàng tuần đầy tớ Chúa và Ban trị sự đi xe đạp đến Đức Hòa hiệp nguyện với con cái Chúa, tại đây nhóm lại thờ phượng Chúa và rao giảng Tin Lành. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, Đức Hòa là vùng chiến sự ác liệt, con cái Chúa tản lạc khắp nơi, nhà nguyện phải tạm đóng cửa. Dầu vậy, Lời Chúa gieo ra thì chẳng trở về luống công nhưng chắc chắn sẽ có kết quả.
Trong lúc này vì hoàn cảnh chiến tranh, có khoảng thời gian nhà thờ Bình Trị Đông tạm đóng cửa, hội thánh nhóm lại tại gia đình các con cái Chúa. Khi mở cửa lại, tinh thần con cái Chúa mạnh mẽ thêm lên. Nhân cơ hội có một số người tại làng Long Trạch huyện Cần Giuộc, tỉnh Tân An cầu nguyện tin Chúa tại hội thánh Bình Trị Đông và trở về quê mình. Truyền đạo Nguyễn Ngọc Chiếu và các con cái Chúa đến thăm viếng, chứng đạo, phát sách. Năm 1938, hội thánh Long Trạch được thành lập và trong ơn Chúa đã duy trì phát triển đến ngày nay. Đến năm 1939 ông Truyền đạo được Địa hạt cử đi nơi khác.
Năm 1939 Địa hạt Nam phần bổ nhiệm Truyền đạo Nguyễn Hữu Tâm đến chủ tọa hội thánh, chỉ trong một năm ông lâm trọng bệnh, về nước Chúa năm 1940 tại hội thánh Bình Trị Đông.
* Phát triển giữa những khó khăn (1941 - 1975)
Tháng 7/1941, sau khi tốt nghiệp trường Kinh Thánh Đà Nẳng, Truyền đạo Nguyễn Văn Xuyến được bổ nhiệm chủ tọa hội thánh Bình Trị Đông. Chúa dùng ông bà để gây dựng hội thánh lớn mạnh về phương diện thuộc linh lẫn tổ chức. Hội thánh được công nhận là chi hội tự tri, không còn nhận trợ cấp của Hội Truyền giáo, được cử đại biểu đại hội đồng, được đề nghị Địa hạt, Tổng Liên Hội cho mời chủ tọa.
Năm 1942, hội thánh xây dựng nhà thờ bằng vật liệu nặng, diện tích 7mx16m. Cũng trong năm này có hai niềm vui đặc biệt là hội thánh Bình Trị Đông đón tiếp Hội đồng Địa hạt lần thứ 15 và Truyền đạo Nguyễn Văn Xuyến được tấn phong Mục sư ngày 21/10/1942 tại nhà thờ Tin Lành Thủ Đức. Lúc này chiến tranh diễn ra ác liệt, hội thánh Bình Trị Đông nằm giữa hai làn đạn của Việt minh và quân đội Pháp vì vậy cơ sở vật chất và sinh hoạt của hội thánh chịu nhiều thiệt hại, gían đoạn. Nhân cơ hội một số tín hữu hội thánh Long trạch đến định cư tại Gò đen, mục sư và ban trị sự đến thăm viếng, chứng đạo. Đến năm 1944 hội thánh Gò đen được thành lập, nay là chi hội Phước Lợi, Long An.
Năm 1945, nhà thờ và nhà tín hữu chung quanh bị quân đội Pháp chiếm đóng, sau đó cháy sập. Mục sư bị quân đội Pháp bắt giữ, Chúa đã giải cứu ông cách kỳ lạ, bà và các con phải lánh sang Kam-pu-chia mưu sinh.
Năm 1947, Mục sư và Ban trị sự tổ chức nhóm tại nhà ông Lưu Trúc Ký, nhưng nhà ông Ký cũng bị đốt, hội thánh nhóm tại nhà ông Nguyễn Văn Lựu.
Năm 1948, hội thánh xây dựng nhà thờ tạm 4mx12m trên khu đất của bà hai Vàng do ông Nguyễn Văn Bờ quản lý, bằng vật liệu do ông bà Trần Văn Huê mua và dâng lại. Đây chính là khu đất hiện hữu hội thánh tọa lạc hôm nay (số 758 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Mính.) Được một thời gian, nhà thờ bị đóng cửa vì chiến tranh. Các tín hữu hội thánh Bình Trị Đông phải qua Bình Tây, Xóm Củi thờ phượng Chúa tại nhà của ông bà Lý Thành Sự. Đây là cơ hội Chúa dùng để mở hội thánh mới. Tại đây, hội thánh mua căn nhà bỏ hoang, sửa sang lại làm nhà thờ. Năm 1949, hội thánh Bình Tây được thành lập về sau được đổi tên thành chi hội Tuy Lý Vương cho đến ngày nay.
Năm 1948-1951, trong giai đoạn khó khăn này mục sư Nguyễn Văn Xuyến và Ban trị sự đã mở điểm nhóm tại nhà  ông bà Bùi Văn Ý ở khu vực Bình Tiên - Phú Lâm, làm tiền đề để thành lập hội thánh Phú Lâm sau này.
Năm 1954, hội thánh cất lại tư thất, gia đình mục sư Nguyễn Văn Xuyến quay về Bình Trị Đông. Mọi sinh hoạt hội thánh trở lại bình thường.
Ngày 29/07/1957, hội thánh Bình Trị Đông được xây cất lại, với diện tích 16mx7m, công việc hoàn thành vào ngày 02/10/1957, nhưng đến năm 1962 lễ cung hiến nhà thờ mới được cử hành sau khi trả hết nợ. Tháng 07/1959, Mục sư Nguyễn Văn Xuyến rời hội thánh đến Long Xuyên hầu việc Chúa, kết thúc 18 năm chức vụ của ông tại chi hội Bình Trị Đông.
Năm 1959, hội thánh mời Truyền Đạo Nguyễn Hàm Hoàng làm chủ tọa, ông bà được ơn Chúa đẩy mạnh công tác thanh niên và âm nhạc thờ phượng. Trong lúc này Chúa cho giáo sĩ Sơn Thủy Lâm vào hợp tác với ông bà để lo cho thanh niên. Ban thanh niên được Chúa thăm viếng thăm viếng họ trở thành trụ cột của hội thánh sau này. Truyền Đạo Nguyễn Hàm Hoàng hiệp với hội thánh phát động chương trình làm chứng, phát sách, tiếp tục gây dựng điểm nhóm tại nhà ông bà Bùi Văn Ý, xin giấy phép chính thức thành lập hội thánh ở khu vực Bình Tiên - Phú Lâm. Ngày 04,4/1962, hội thánh Bình Tiên được thành lập.
Đầu năm 1963, Truyền Đạo Nguyễn Hàm Hoàng được Hội đồng Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cử làm Tổng Đoàn Trưởng Thanh niên Tin Lành. Địa hạt Nam phần bổ nhiệm Truyền đạo Phan Thanh Khai đến chủ tọa hội thánh. Cũng trong năm đó, vì lý do riêng ông xin thôi chức vụ hầu việc Chúa.
Cuối năm 1963, Mục sư Nguyễn Văn Nhung được mời về chủ tọa hội thánh. Năm 1965 ông cùng Ban trị sự hội thánh Bình Trị Đông và các con cái Chúa tại Bình Tiên xây dựng trên đường Hậu giang một nhà thờ bằng vật liệu nặng. Sau lễ cung hiến nhà thờ, hội thánh Bình Tiên tách khỏi hội thánh Bình Trị Đông và đổi tên thành chi hội Phú Lâm cho đến ngày. Mục sư Nguyễn Văn Nhung kiêm nhiệm hội thánh Phú Lâm khoảng 2 năm nữa trước khi hội thánh có chủ tọa chính thức. Đến năm 1971, Mục sư Nguyễn Văn Nhung được thuyên chuyển đến Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Năm 1971, hội thánh mời Mục sư Huỳnh Văn Thiện làm chủ tọa. Ông bà được ơn Chúa trong công tác thanh thiếu niên, nhi đồng, khích lệ một số thanh niên dâng mình hầu việc Chúa.
Năm 1974, Mục sư Huỳnh Văn Thiện được chuyển nhiệm sở đến phụ trách Trung tâm Giáo dục Tin lành. Địa hạt Nam phần thuận bổ nhiệm mục sư Lương Văn Sấm đến chủ tọa hội thánh.
* Hụt hẩng và củng cố (1975 - 2002)
Năm 1975, Mục sư Lương Văn Sấm đến hầu việc Chúa tại hội thánh. Cũng trong năm này hội thánh thành lập Ban Phụ nữ, tổ chức Kinh Thánh mùa hè cho thanh thiếu niên nhi đồng, dạy nhạc, dạy đàn Tây ban cầm, dương cầm cho một số thanh niên trong hội thánh. Kêu gọi mua các nhạc cụ, khí cụ cho hội thánh như: đàn organ, thiết bị âm thanh, ánh sáng... Do áp lực công việc năm 1987 mục sư lâm trọng bệnh phải điều trị thời gian.
Năm 1984, thành lập Ban Tráng niên, với độ tuổi trên 40, thế hệ Tráng niên sau này chuyển thành Ban Trung, lão niên. Tháng 12/1988, Mục sư Lương Văn Sấm chuyển đến chủ tọa hội thánh Lữ Gia. Đến tháng 03/1989 ông trở bệnh nặng về nước Chúa ngày 15/03/1989.
Từ tháng 12/1988 và trong năm 1989, Ban trị sự tự điều hành công việc nhà Chúa. Mỗi tối các Chấp sự phải luân phiên đến trực đêm tại nhà thờ cho đến năm 1992.
Từ Giáng sinh năm 1989, Chúa đưa dắt Truyền đạo Nguyễn Ase về hiệp tác chăm lo công việc Chúa. Tuy nhiên, ông bà không thể đến ở tư thất. Ông được ơn Chúa trong lãnh vực âm nhạc. Ông đẩy mạnh công viêc tập hát, đặc biệt xây dựng ban hát thanh niên lên đến trên 60 người, có thể hát hòa âm đủ bốn giọng. Cùng năm này có Lễ Cảm tạ Chúa 65 năm thành lập hội thánh rất phước hạnh. Mặc dù không được bổ nhiệm chính thức nhưng ông Truyền đạo Nguyễn Ase và bà hết lòng chăm lo công việc Chúa, được Ngài ban cho nhiều kết quả, số tín hữu trước kia nhóm lại khỏang 50 - 60 người, đã tăng lên trên dưới 100 người. Cuối năm 1991, ông bà rời khỏi công việc Chúa để định cư ở nước ngoài.
Ngày 16/02/1992, Truyền đạo Nguyễn Thành Huệ được hội thánh mời, chính thức nhậm chức chủ tọa. Công tác thăm viếng và truyền giảng của hội thánh được đẩy mạnh. Đặc biệt, chủ tọa đề ra chỉ tiêu hàng năm để cầu nguyện. Chúa thăm viếng, chỉ tiêu hàng năm tăng lên, năm nào cũng vượt hơn số đã định. Trong giai đoạn này quả phụ Gíao sư Nguyễn Kiên Trinh được mời cộng tác hầu việc Chúa: Chia sẻ Lời Chúa cho hội thánh và điểm nhóm Cầu Xáng, hướng dẫn giáo viên Trường Chúa Nhật, lớp học Phước Âm Yếu Chỉ, cố vấn Ban Phụ nữ... Để các phụ nữ có con nhỏ yên tâm nhóm thờ phượng, ông bà Truyền đạo đề nghị thành lập phòng ấu nhi ngay tại tư thất.
Năm 1995 thành lập Ban Tráng niên.
Trong giai đoạn này, Truyền đạo chủ tọa và hội thánh dốc lòng cầu nguyện, Chuá mở đường thực hiện hai việc quan trọng về cơ sở vật chất: * Tại điểm nhóm Cầu Xáng, gia đình bà Nguyễn Thị Nhơn dâng tiền mua một lô đất 20x50m, đường Tỉnh lộ 10 để làm điểm nhóm. Đây chính là nền đất của Chi hội An Hạ hiện nay. * Tại khuôn viên nhà thờ Bình Trị Đông, Chúa thúc giục ông bà Nguyễn Văn Mân dâng hiến tài chánh (5 lượng vàng) khi hội thánh tiến hành đền bồi hoa lợi trên nền đất đã thuê của gia đình bà hai Vàng từ năm 1957. Kể từ đây hội thánh được chính thức sử dụng diện tích đất nằm trong khuôn viên hiện tại. Kết thúc nhiệm kỳ, ông bà Truyền đạo Nguyễn Thành Huệ chuyển về quản nhiệm Chi hội Lữ gia.
Ngày 04/06/1996, Mục sư Trương Đoan Dương được mời chủ tọa hội thánh. Hội thánh mời Truyền đạo Lê Thy Lam cộng tác cùng mục sư chủ tọa lo công việc Chúa tại Cầu Xáng. Với sự hỗ trợ của con cái Chúa Hàn quốc, hội thánh Bình Trị Đông đã tiến hành xây dựng cơ sở Cầu Xáng thành ngôi nhà nguyện khang trang và sau đó được đổi thành chi hội An Hạ. Về công tác xây dựng nhà thờ Bình Trị Đông, Mục sư Trương Đoan Dương đã nổ lực vận động tài chánh, lập hồ sơ, bản vẽ để xin phép chính quyền xây cất lại. Chúa cho chính quyền chấp thuận, nhưng hội thánh vẫn chưa có tiền để tái thiết. Tháng 06/2001 Mục sư Trương Đoan Dương được Ban trị sự Tổng Liên Hội chấp nhận hưu trí. Hội thánh mời ông bà Truyền đạo Lê Thy Lam chính thức lo công việc Chúa tại Bình Trị Đông và nhà nguyện Cầu Xáng.
Năm 2001, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) được nhà nước cho phép tổ chức đại hội đồng tổng liên hội lần thứ 43 và được công nhận tư cách pháp nhân.
* Ổn định và xây dựng (2002 đến nay)  
Đây là giai đoạn hội thánh tập trung lo xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu gia tăng tín hữu nhóm lại. Việc gây dựng đời sống tâm linh của con cái Chúa lần hồi được ổn định.
Ngày 17/02/2002, hội thánh cử hành lễ đặt viên đá xây dựng lại nhà Chúa, diện tích 10mx17m. Truyền đạo Lê Thy Lam được Tổng Liên Hội và chính quyền chấp nhận tạm thời lo phần linh vụ cho hội thánh và nhà nguyện Cầu Xáng. Chúa nhật ngày 24/02/2002, hội thánh nhóm thờ phượng Chúa trong ngôi nhà thờ cũ lần cuối cùng. Chúa nhật ngày 08/09/2002, hội thánh có buổi nhóm đầu tiên cảm tạ Chúa tại nhà thờ mới. Mục sư Dương Thạnh, quyền Hội trưởng Tổng Liên Hội đã đến giảng luận và công bố chức danh Mục sư nhiệm chức cho Truyền đạo Lê Thy Lam.
Ngày 06/04/2003, lễ bổ nhiệm mục sư nhiệm chức Lê Thy Lam, chính thức quản nhiệm hội thánh, được cử hành, dưới sự chủ trì của Mục sư Thái Phước Trường, Hội trưởng Tổng Liên Hội. Chúa nhật 21/05/2003 có lễ Cung hiến đền thờ mới cho Chúa. Hội thánh bắt đầu tổ chức hai lễ nhóm thờ phượng (sáng và tối). Hội thánh bàn giao nhà nguyện lại cho Tổng Liên Hội, Tổng Liên Hội bổ nhiệm Mục sư Huỳnh Văn Nhúm quản nhiệm nhà nguyện Cầu Xáng. Đến năm 2007, được công nhận thành Chi hội và đổi tên thành hội thánh An Hạ.
Một số tín hữu sinh hoạt tại nhà nguyện Cầu Xáng, sống ở vùng Đức Hòa, cách xa nhà Chúa. Hầu hết họ đều nghèo khổ, không có điều kiện đi lại. Vì vậy mục sư quản nhiệm và ban trị sự hội thánh Bình Trị Đông thành lập một điểm nhóm tại nhà con cái Chúa ở Đức Hòa, từ đây hội thánh có điều kiện cưu mang và chăm sóc họ. Công cuộc tái thiết nhà Chúa còn một số nợ, hội thánh kêu gọi con cái Chúa tiết kiệm 1000đ/ngày. Quí tín hữu hưởng ứng, chỉ một thời gian sau số nợ được trả hết. Hội thánh duy trì quỹ tiết kiệm, đến khi gia đình phía sau nhà thờ bán lô đất 68m2, hội thánh mượn thêm khoản tiền của ông bà Nguyễn Văn Chót để mua ngay phần đất liền kề nhà thờ này. Cuối năm 2007, mục sư nhiệm chức Lê Thy Lam, kết thúc nhiệm kỳ tại Bình Trị Đông. Sau đó, ông bà định cư ở nước ngoài.
Ngày 26/01/2008, ông bà Mục sư Lê Văn Tính chính thức được mời quản nhiệm hội thánh. Ông bà rất năng nổ trong việc hầu việc Chúa. Ông chăm lo củng cố các ban ngành trong hội thánh, nhất là Ban Trường Chúa nhật, Ban hướng dẫn Thiếu nhi - Ấu nhi, Ban Nhân sự lo điểm nhóm Đức Hòa... nhờ thế, nhiều con cái Chúa có cơ hội góp phần vào sinh hoạt của hội thánh. Hội thánh trang bị nhạc cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ nhà Chúa, lắp máy điều hòa, đóng thêm băng ghế... làm thêm các phòng chức năng để phục vụ công tác Cơ đốc Giáo dục.
Năm 2010, trước nhu cầu gia tăng công việc Chúa trong hội thánh, Mục sư quản nhiệm và Ban trị sự xin Tổng Liên Hội bổ nhiệmTruyền đạo Trần Công Thành phụ tá quản nhiệm với nhiệm kỳ bốn năm. Đặc trách: Truyền giáo, Thanh niên, Thiếu niên, Thiếu nhi, Ấu nhi. Trong thời gian này cô Trần Thị Lý tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học tại Úc trở về Việt Nam hầu việc Chúa, sinh sống trong khu vực. Cô cũng hết lòng góp phần trong việc thờ phượng Chúa, giảng dạy, đặc biệt gắn bó với Ban Phụ nữ hội thánh Bình Trị Đông.
Sau khi dành nhiều thì giờ cầu nguyện, với không ít trở ngại và nhiều đắn đo, Mục sư quản nhiệm và Ban Chấp sự xin biểu quyết trước hội thánh quyết định mượn tiền của con cái Chúa mua ngôi nhà phía sau tiếp giáp với nhà thờ (số tiền là 750 triệu đồng) để tiến hành hợp thửa với 68m2 đất mua trước đó nhằm xây dựng nới rộng nhà Chúa, với sự đồng thuận rất cao.
Năm 2012, Mục sư Lê Văn Tính được hội thánh tín nhiệm lưu mời nhiệm kỳ thứ hai. Ông tiếp tục bắt tay vào những công tác Chúa đã giao phó và hướng dẫn.
Ngày 13/05/2012, chính quyền chấp thuận đơn của Mục sư quản nhiệm, công nhận điểm nhóm Đức Hòa là hội nhánh cuả hội thánh Bình Trị Đông, mở ra giai đoạn mới cho công việc phát triển nhà Chúa tại đây.
Ngày 24/09/2013, sau thời gian chuẩn bị và nhờ Chúa cảm động, chính quyền quận Bình Tân giúp đỡ, hội thánh hoàn thành các hồ sơ cần thiết để tiến hành xây cất nới rộng nhà Chúa. Và ngày 04/10/2013 hội thánh cầu nguyện Chúa khởi công xây dựng. Ngày 15/04/2014, về cơ bản công trình đã hoàn thành, kịp đưa vào sử dụng trong dịp lễ kỷ niệm Chúa Phục sinh 2014. Vì gánh nặng công việc Chúa nặng nề và lo lắng xây dựng mục sư lâm trọng bệnh. Hội thánh tiếp tục cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho Mục sư.
2. Sự hình thành - Chi hội Sài gòn, lược sử 90 năm thành lập [4]
Chi hội Sài Gòn được thành lập năm 1925, hiện nay tọa lạc tại số 155 Trần Hưng Đạo, quận 1, thành phố Hồ Chí Mính. Điện thoại số 083 836 7148, email: httlsg@yahoo.com. Mục sư Nguyễn Thế Hiển, quản nhiệm hội thánh.
a. Bối cảnh lịch sử
Tin lành của Đức Chúa Trời được truyền đến Sài Gòn năm 1918, một trong những hạt giống đó là cụ Huỳnh Minh Ý. Năm 1925, hội thánh đã thuê căn phố gần cổng xe lửa trên đường Phạm Ngũ Lão. Một con cái Chúa là ông Phạm Đình Khương đã sốt sắng đi chứng đạo, phát sách Tin Lành cho đồng bào. Mục sư Đoàn Văn Khánh chủ tọa hội thánh.
b. Lược sử 90 năm thành lập
* Giai đoạn 1925 - 1940
* Công cuộc xây cất nhà thờ
* Hội thánh phát triển
* Tái thiết nhà thờ
* Giai đoạn từ 1971 - 1975
* Hội thánh trong giai đoạn thống nhất đất nước
* Hội thánh trong giai đoạn mới của giáo hội

* Giai đoạn 1925 - 1940
Năm 1926, nơi nhóm lại gần cổng xe lửa được dời đến một căn phố mướn ở chợ Cầu Ông Lãnh trên đường Cô Giang quận 1. Mục sư Trần Xuân Phan chủ tọa hội thánh, sau đó Mục sư Bùi Tự Do đến thay Mục sư Trần Xuân Phan.
Năm 1927, hội thánh dời về đường Cống Quỳnh, quận 1. Với số tín hữu khoảng 40 - 50 người. Có các quí ông Huỳnh Minh Ý, bà Trần Quốc Anh... cùng hiệp tác chung lo công việc Chúa. Mục sư Kiều Công Thảo chủ tọa hội thánh.
Năm 1928 - 1932, số tín hữu tăng lên được 90 người, hội thánh thuê một phần của khách sạn Đại Nam, nằm trên góc đường Hàm Nghi và Phó Đức Chính, đối ngang ga xe lửa và khu chợ Bến Thành. Nơi nhóm gồm tầng trệt làm phòng đọc sách và chỗ cắt nghĩa đạo. Ông Hứa Văn Chính, phụ trách tầng trên dùng để thờ phượng Chúa và giảng Tin Lành.
Năm 1933, Hội thánh Sài Gòn mượn nơi nhóm lại của hội thánh người Hoa tại số 464, đường Nguyễn Trải, Chợ lớn do Mục sư Vi Úc Lương chủ quản.
Năm 1935 - 1937, Mục sư Lê Văn Quế, đắc cử Chủ nhiệm địa hạt Nam phần nên phải đi Cần thơ nhận chức vụ. Mục sư Lê Văn Trầm là em của Mục sư Lê Văn Quế đến thay thế.
Năm 1937 - 1941, Mục sư Lê Đình Tươi, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam, được đề cử kiêm nhiệm hội thánh Sài gòn, ông là người khởi công xây cất nhà thờ Sài gòn. Trong thời gian này với sự cộng tác đắc lực của cố giáo sĩ D.I. Jeffrey, hội thánh Sài gòn đã thành lập được các hội thánh sau: Hội thánh Phú Xuân (năm 1938); Hội thánh Cần Giuộc (năm 1940); hội thánh Gia Định (năm 1940).
* Công cuộc xây cất nhà thờ
Trên Thánh kinh báo số 63, tháng 06/1936, chủ nhiệm Nam hạt là Mục sư Lê Văn Quế đã đăng lời kêu gọi các tín hữu toàn cỏi Đông Pháp cầu nguyện cho hội thánh Sài Gòn có đủ tiền mua đất và cất nhà thờ. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá lâu công việc mới được thành, tọa lạc trên địa chỉ hiện nay. Với sự gíup đỡ về kỹ thuật của ông bà giáo sĩ D.I. Jeffrey và Mục sư Vi Úc Lương, Mục sư Lê Đình Tươi cùng hội thánh tiến hành xây cất nhà thờ. Ngày 05/02/1940, hội thánh Sài Gòn đã long trọng làm lễ khánh thành, cung hiến đền thờ cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Hội thánh giảng đạo hàng đêm trong suốt một năm sau đó.
* Hội thánh phát triển
Năm 1941, Toàn quyền Pháp chính thức công nhận Hội thánh Tin lành Việt Nam được tự trị, tự lập, đổi danh hiệu Tin lành Đông Pháp thành Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Mục sư Lê Đình Tươi bị tai biến, nên Mục sư Trần Xuân Hỉ được mời đến thay thế.
Năm 1951 - 1957, Mục sư Lê Văn Phải được mời đến chăn bầy chiên thay thế cụ Mục sư Trần Xuân Hỉ. Thành lập được các hội thánh: Hội thánh Nguyễn Tri Phương (1952); hội thánh Khánh Hội (1954); hội thánh Trương Minh Giảng (1957). Trong thời gian này có các vị Mục sự, Truyền đạo giúp đỡ như: Truyền đạo Nguyễn Văn Phách, Nguyễn Sơn Hà, Ms Lưu Văn Mão.
Năm 1958 - 1961, Mục sư Trần Thự Quang được mời về làm chủ tọa hội thánh, sửa sang nhiều công việc Chúa, đời sống thuộc linh của tín hữu được tăng trưởng sâu nhiệm và đồng thời lập được hội thánh mới là hội thánh Chánh Hưng (năm 1958). Trong thời gian này có Truyền đạo Đoàn Văn Mạnh và Mục sư Nguyễn Văn Trình cộng tác hầu việc Chúa, ông cũng là người có công khó thành lập hội thánh Hòa Hưng năm 1958.
* Tái thiết nhà thờ
Năm 1961, Mục sư Lê Văn Phải được mời về làm chủ tọa hội thánh lần thứ hai (1961 - 1971), trong thời gian này xây cất được các công trình như: từ 10/10/1963 đến 20/10/1966, xây cất khu tư thất hội thánh tọa lạc tại số 161 Đề Thám, quận 1 gồm có 6 căn 4 tầng, bằng vật liệu nặng; Từ 14/07 đến 25/10/1970, thực hiện được công trình lớn lao là xây cất ngôi nhà thờ mới lớn hơn ở tại trên nền nhà thờ cũ, gồm tầng dưới là văn phòng Tổng Liên Hội, tầng trên là thánh đường hội thánh Sài Gòn. Cùng lúc công trình tái thiết nhà thờ Sài Gòn, hội thánh còn cử ông Bùi Văn An cộng tác với Mục sư Lê Văn Phải lo xây cất hội thánh Phạm Thế Hiển (1968); Hội thánh Thị Nghè (1969). Ngày 25/10/1970, hội thánh Sài Gòn long trọng cử hành lễ Khánh thành cung hiến đền thờ mới xây cất cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong thời gian kể trên có quí Truyền đạo sát cánh với Mục sư quản nhiệm như: Nguyễn Hữu Viễn, Trần Thiên Tứ...
* Giai đoạn từ 1971 - 1975
Năm 1971, Mục sư Nguyễn Văn Quan được hội thánh mời đến làm chủ tọa hội thánh cho đến năm 1974 thì ông đắc cử Chủ nhiệm Địa hạt Miền Đông Nam phần. Trong thời gian này có ban chứng đạo hoạt động mạnh vào mỗi chiều chúa nhật. Qua đó thành lập thêm hai hội thánh là hội thánh Bình Đông (1972) và hội thánh Minh Mạng (Ngô Gia Tự năm 1973).
* Hội thánh trong giai đoạn thống nhất đất nước
Từ tháng 03/1975 - 06/1975, ông Trần Huy Minh, lúc bấy giờ là thư ký hội thánh, tạm thời giữ quyền xử lý thường vụ trong lúc chờ Địa hạt bổ nhiệm mục sư mới thay thế Mục sư Phạm Xuân Hiển.
Tháng 06/1975 - 1983, Mục sư Phạm Văn Phải, Chủ nhiệm Địa hạt Đông Nam Bộ được mời đến chủ tọa hội thánh với sự cộng tác của các Mục sư, Truyền đạo phụ tá như: Mục sư Nguyễn Phú Ngọc, Truyền đạo Lê Trọng Nghĩa, Lê Phước Lạc, Huỳnh Thiên Tứ, Ngô Tấn Lợi.
Năm 1983 - 1990, ngày 23/11/1983 Mục sư Phạm Văn Thâu xuất cảnh đoàn tụ gia đình. Cụ Mục sư Ông Văn Huyên, Hội trưởng Hội thánh Tin lành kiêm quyền Chủ nhiệm Địa Hạt Đông Nam Bộ từ hội thánh Trần Cao Vân dời về 155 Trần Hưng Đạo kiêm nhiệm chủ tọa hội thánh Sài Gòn. Trong thời gian này có các vị cộng tác như: Mục sư Nguyễn Phú Ngọc, Truyền đạo Nguyễn Thành Huệ. Do nhu cầu cần hiểu biết Lời Chúa của các tín hữu. Hội thánh đã tổ chức những buổi học Kinh thánh vào chiều thứ tư và thứ năm hàng tuần, công tác do cố Mục sư Phó Hội trưởng Đoàn Văn Miêng đã tận tụy dành hết thì giờ để nghiên cứu, đem Lời Chúa giúp đỡ cho các tôi con của Chúa. Quí đầy tớ Chúa và ban trị sự hội thánh đã thực hiện những công trình lớn như: Xây hồ Báp-tem tại tòa giảng như hiện có, xây dựng hàng rào quanh khuôn viên nhà thờ. Có một số con cái Chúa dâng hiến 01 chiếc xe Volkwagen để dùng trong công việc của hội thánh, 01 cây đàn Piano. Một điều vinh dự đáng ghi nhớ, vào năm 1990 cũng là năm Mục sư Hội trưởng Ông Văn Huyên được 90 tuổi. Hội thánh Sài Gòn đã tổ chức Lễ Cảm tạ mừng thượng thọ của cụ. Tạ ơn Chúa đã sử dụng cụ cho hội thánh Ngài tại Việt Nam nói chung và hội thánh Sài Gòn nói riêng.
Năm 1990 - 1992, ngày 22/06/1990 Ban trị sự Địa hạt Đông Nam Bộ đã đề cử Mục sư Nguyễn Thành Sơn, Nghị viên Địa hạt, chủ tọa hội thánh Gia định kiêm quyền chủ tọa hội thánh Sài Gòn cho đến cuối tháng 02/1992. Trong thời gian này dù tuổi cao sức yếu, nhưng vì tiền đồ của hội thánh, cụ vẫn không quản ngại di chuyển từ Gia định qua Sài Gòn rồi về Gia định. Dầu vậy Chúa cho mọi sinh hoạt đều bình thường.  
Năm 1992 - 2000, Mục sư Phan Quang Thiệu chủ tọa hội thánh Tin Lành Tô Hiến Thành được giáo hội và chính quyền cho phép chuyển về hội thánh Sài Gòn. Mục sư tân chủ tọa cùng bắt tay hầu việc Chúa, xây dựng các ban ngành, tu bổ sửa chữa cơ sở nhà Chúa. Những điều cần ghi nhận trong thời gian này như:
- Ổn định tổ chức: Bầu cử lại từng ban điều hành của các ban ngành trong hội thánh. Phân công, phân nhiệm, sắp đặt các chức vụ, công tác, trách nhiệm từng người. Qui định nội qui ban viên các Ban hát lễ.
- Chỉnh trang cơ sở vật chất: Sân thượng cơ sở Cơ đốc giáo dục nhiều năm hoang phế, được xây sửa lại thành một hội trường có thể chứa được khoảng 400 người. Tu sửa lại phần nội thất bên trong nhà thờ như: Cung thánh, trần nhà, hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng... Chỉnh trang bộ mặt trang bộ mặt tiền bên ngoài nhà thờ như hiện có.
- Tổ chức hai kỳ lễ kỷ niệm: 70 và 75 năm thành lập hội thánh Tin lành Chi hội Sài Gòn.
* Hội thánh trong giai đoạn mới của giáo hội
Từ năm 2000 - 2005, hội thánh phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện:
- Tăng trưởng tâm linh và ổn định tổ chức: Sinh hoạt các ban ngành qua các chương trình thờ phượng, Bồi linh, Thánh kinh hè được tổ chức đa dạng và phong phú hơn. Các tín hữu được tăng trưởng đức tin, tùy theo khả năng góp phần hầu việc Chúa. Thành lập thêm Ban hát lễ Tráng niên, nâng tổng số ban hát lễ lên được 7 ban. Thống kê, tổng số tín hữu được trên 2.500 người ở đủ hạng tuổi. Chia làm 13 khu vực do Ban Thăm viếng Chăm sóc của hội thánh chịu trách nhiệm. Ban Trường Chúa nhật có 38 lớp với gần 600 học viên. Tổng số ban viên của 7 ban hát lễ là 600 người. Có tất cả 21 ban ngành trong hội thánh, với tổng số nhân sự cộng tác là 180 vị. Số tín hữu nhóm lại thờ phượng mỗi sáng chúa nhật từ khoảng 900 - 1000 tín hữu. Thờ phượng & truyền giảng mỗi chiều chúa nhật khoảng 400 tín hữu. Thờ phượng mỗi chiều thứ tư khoảng 100 tín hữu.
- Truyền giảng Tin lành: Với mục tiêu không đặt tiêu chuẩn ở con số, nhưng mong muốn thực tế làm cho tân tín hữu được vững vàng, các lớp giáo lý Báp-tem và Hậu Báp-tem đã dạy đạo và mỗi năm tổ chức 5 kỳ lễ Báp-tem giúp cho các tân tín hữu trở nên tín hữu chính thức, tỷ lệ đạt hơn 35%. Mỗi năm có khoảng 400 thân hữu tin nhận Chúa.
- Công tác đặc biệt: Dành riêng ngân quỹ ủy lạo hằng quí cho tất cả các vị mục sư, quý bà quả phụ mục sư, truyền đạo có liện hệ hội thánh Sài Gòn và quý tôi tớ Chúa, quý tín hữu các nơi khi về thành phố điều trị bệnh ngặt nghèo; Dành riêng ngân quỹ giúp các lớp bồi dưỡng thần học, các khóa Thánh kinh căn bản, xây dựng, tu bổ - sửa chữa.. khi các nơi có thư yêu cầu trợ giúp gửi đến. Tuy số lượng giúp đỡ còn hạn chế, nhưng với số lượng hàng năm khoảng 40 trường hợp đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của hội thánh đối với những nhu cầu cần thiết phải giải quyết.

B/ Tin lành tại thành phố Hồ Chí Minh
Sự hình thành - Chi hội Ngô Gia Tự
Chi hội Ngô Gia Tự được thành lập năm 1973, hiện nay tọa lạc tại số 27 - Lô V chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Mục sư Phan Quang Vũ, quản nhiệm hội thánh.
1. Bối cảnh lịch sử
Sau biến cố tết Mậu thân năm 1968, khu vực Vườn lài sau cơn hỏa hoạn đã hoàn toàn đỗ nát. Tổng cục Gia cư Địa ốc Sài gòn đã xây dựng lại toàn bộ khu vực này thành những dãy chung cư sạch đẹp. Năm 1972 chung cư Minh Mạng được đưa vào sử dụng. Đây là nơi có mật độ dân cư đông đúc, chưa có nhà thờ Tin Lành nào.  Vì thế mục sư Nguyễn Văn Quan chủ tọa hội thánh Tin Lành Sài Gòn đã họp Ban chấp sự hội thánh và nhận định đây là nơi tốt nhất để truyền giảng Tin lành. Lúc bấy giờ các nơi đang phát động chương trình truyền đạo sâu rộng "Tất cả cho nguời chưa được cứu" hoặc "Chinh phục 10 triệu linh hồn người Việt Nam cho Chuá Giê-xu". Hưởng ứng lời kêu gọi trên, ngoài đoàn truyền giáo lưu hành của mục sư Phạm Văn Thâu thường xuyên đến đây để truyền giảng. Mục sư chủ tọa cùng với ban chứng đạo của hội thánh Sài gòn vẫn thường xuyên đến để giảng đạo, làm chứng về ơn cứu rỗi của Chúa và phân phát truyền đạo đơn. Lúc đầu ít ỏi người tin Chúa cùng với số tín hữu địa phương, hội thánh Tin lành Sài Gòn quyết định mua căn hộ số 027-Lô V chung cư Minh Mạng nhờ vào nguồn tài chính của hội thánh Tin lành Sài Gòn cùng với sự hỗ trợ của Hội truyền giáo Phước âm Liên hiệp để làm nơi nhóm lại. Sau khi khánh thành đền thờ với tên gọi Giảng đường Tin lành Minh Mạng.
2. Lược sử 41 năm thành lập
* Giai Đoạn sơ khai (1972 - 1981)
Năm 1972 - 1973 Truyền đạo sinh Dương Hoàng Lang được Địa hạt bổ nhiệm chủ tọa hội thánh Minh Mạng 01 nhiệm kỳ. Số tín hữu nhóm lại hàng tuần khoảng 20 người. Sau khi ổn định tổ chức, cử ban chấp sự để điều hành công việc của hội thánh. Tháng 07/1973 ông rời nhiệm sở trở về trường Thần học.
Năm 1973 - 1974, Truyền đạo sinh Cao Tiến Dũng được Địa hạt bổ nhiệm chủ tọa hội thánh Minh Mạng. Đây là vị truyền đạo trẻ tổi nhất khi nhận nhiệm sở, lúc đó ông vừa tròn 19 tuổi. Tháng 07/1973 ông rời nhiệm sở.
Năm 1974 - 1975, Truyền đạo sinh Huỳnh Thiên Bửu được Địa hạt bổ nhiệm chủ tọa hội thánh. Trong giai đoạn này hội thánh có nhiều thay đổi. Năm 1974, ban Thanh niên được thành lập, ông Nguyễn Kỳ Tân làm trưởng ban. Ngày 19/01/1975, Hội đồng thường niên của hội thánh được tổ chức, có 24 người tham dự. Ban chấp sự gồm các người: Ông Lê Tấn Ứng, ông Nguyễn Kỳ Nam, ông Nguyễn Văn Hiền. Số tín hữu gia tăng lên từ 30 - 40 người, là nhờ sự cộng tác của anh em sinh viên Tin Lành khu ký túc xá 39 Nguyễn Duy Dương, quận 5. Truyền đạo sinh Huỳnh Thiên Bửu hầu việc Chúa một năm, sau đó thuyên chuyển đi nơi khác.
Năm 1975, Mục sư Nguyễn Thái Dương được Địa hạt bổ nhiệm chủ tọa hội thánh.     Ngày 10/08/1980, một sự kiện quan trọng là hội thánh Minh Mạng đổi tên thành hội thánh Ngô Gia Tự.
Tháng 06/1981, do tuổi cao sức yếu Mục sư Nguyễn Thái Dương được Địa hạt chấp nhận cho hưu trí. Kết thúc 6 năm hầu việc Chúa tại hội thánh Ngô Gia tự.
* Giai đoạn chuyển mình (1981 - 1991)
Tháng 06/1981, Truyền đạo Phan Quang Trung được Địa hạt bổ nhiệm làm chủ tọa hội thánh Ngô Gia Tự. Số tín hữu nhóm lại khoảng 30 người, đa số là người lớn tuổi.
Tháng 06/1983, tín hữu ở An Đông có khoảng 20 người đến nhóm tại hội thánh Ngô Gia Tự. Công tác truyền giảng mỗi tháng 01 lần, sau đó tăng lên 2 lần mỗi tháng. Đây là bước chuyển mình, hội thánh đặt ba mục tiêu: - Gây dựng đời sống thánh khiết. - Nổ lực truyền giảng Tin Lành. - Mở rộng mặt bằng nhà Chúa.
Trong giai đoạn này các Mục sư trí sự như: Ms Nguyễn Văn Bàng, Ms Nguyễn Văn Tôi, Ms Lương Văn Mão, Ms Nguyễn Văn Long thường xuyên nhóm lại và giảng dạy Lời Chúa. Truyền đạo Phan Quang Trung mời cô nữ Truyền giáo Nguyễn Thị Ngọc Liên cộng tác, dạy Kinh thánh cho các ban ngành, hội thánh được phước, vô cùng phấn khởi hết lòng thờ phượng Chúa hàng tuần.
Năm 1982, khôi phục giờ cầu nguyện buổi sáng, ban đầu chỉ có truyền đạo chủ tọa và hai thanh niên, sau đó số người tăng lên trên dưới 20 người, thời giờ cầu nguyện được duy trì cho đến ngày nay.
Năm 1983, khôi phục ban Thanh niên, Thiếu niên, Thiếu nhi, Nhi đồng; ban Trường Chúa nhật, giờ cầu nguyện tuần hoàn, giờ hiệp nguyện thứ tư hàng tuần.
Năm 1985, thành lập Ban Tráng niên, nay là ban Trung niên.
Năm 1991, hội thánh được phép tổ chức hội đồng thường niên sau 14 năm gián đoạn. Ban Chấp sự mới được bầu như sau: Ông Hồ Hoàng Anh, ông Võ Văn Chí,  ông Võ Nguyên Hoàng, ông Nguyễn Văn Tiến, bà Nguyễn Thị Kiều, thầy Đặng Thế Quân, cô Phan Thị Nguyệt Dung, cô Trương Thị Dân, ông Lâm Vạn Toàn, bà Lương Thích Muội. Sau khi ổn định tổ chức, Truyền đạo Phan Quang Trung được hội thánh Tô Hiến Thành mời hầu việc Chúa tháng 06/1991. Hội thánh khuyết quản nhiệm.
* Giai đoạn trưởng thành, kiện toàn tổ chức (1991 - 2008)
Tháng 06/1991, hội thánh khuyết quản nhiệm. Ban Chấp sự tạm điều hành hội thánh.
Tháng 06/1992 đến tháng 12/2000, Mục sư Trần Bá Thành thủ quỹ Địa hạt Đông Nam Bộ, chủ tọa hội thánh Nguyễn Tri Phương kiêm nhiệm hội thánh Ngô Gia Tự.
Ngày 11/03/1994, ban chấp sự biểu quyết mời Truyền đạo Châu Văn Sáng phụ trách nội bộ, nhưng trên thực tế ông đã hầu việc Chúa với hội thánh từ năm 1992. Trong giai đoạn này hội thánh gặp nhiều khó khăn vì một số nhân sự dần dần xuất cảnh, số người khác di chuyển chổ ở. Nhưng trong ơn Chúa, công việc nhà Chúa vẫn được duy trì. Trong giai đoạn này những người mới tin Chúa trở thành nồng cốt
Năm 1994, Truyền đạo Châu Văn Sáng đề nghị ban chấp sự tổ chức chương trình nghỉ dưỡng hàng năm cho nhân sự và tín hữu trong hội thánh và được duy trì cho đến ngày hôm nay. Hội thánh làm tốt công tác xã hội, giúp đỡ cho người dân và các tín hữu vùng thiên tai lũ lụt.
Năm 1997, ban Tráng niên được thành lập.
Năm 1998, hội thánh mua thêm căn hộ số 029-Lô V Ngô Gia Tự do Mục sư Trần Bá Thành thay mặt hội thánh đứng tên.
Năm 1999, Ban Nữ giới được thành lập, lúc đầu nhóm mỗi tháng 1 lần, sau nhóm tăng lên 2 lần/tháng, ban nữ giới giúp đỡ rất tích cực và hiệu quả cho hội thánh.
Năm 2010, hội thánh mua thêm căn hộ số 127-Lô V chung cư Ngô Gia Tự do thầy cô Truyền đạo Châu Văn Sáng nhượng lại làm nơi sinh hoạt và thờ phượng Chúa cho các em thiếu nhi. Thầy cô Truyền đạo Châu Văn Sáng đã đóng góp tài chánh của mình cách rộng rãi. Cả hai lần hội thánh mở rộng mặt bằng đều dùng nội lực không quyên góp bên ngoài.
Tháng 12/2000, sau khi Mục sư Trần Bá Thành thôi kiêm nhiệm. Mục sư Phan Quang Thiệu quản nhiệm hội thánh Sài Gòn được Địa hạt cử kiêm nhiệm hội thánh Ngô Gia Tự đến tháng 08/2004. Thời gian này hội thánh được tấn tới cả phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh, các ban ngành vững vàng trong sự hầu việc Chúa.
Năm 2001, Truyền đạo Châu Văn Sáng được công nhận Mục sư nhiệm chức và được Ban Tôn giáo thành phố chấp thuận bổ nhiệm chức vụ phụ tá hội thánh Ngô Gia Tự.
Ngày 02/08/2003, Mục sư Châu Văn Sáng được ban Tôn giáo thành phố chấp nhận việc Giáo hội bổ nhiệm chức vụ quản nhiệm hội thánh Tin lành Ngô Gia Tự. Đây là niềm vui chung của hội thánh sau nhiều năm ông bà âm thầm hầu việc Chúa.
Năm 2006, hội thánh dâng hiến rộng rãi cho việc dâng hiến cho việc xây cất Viện Thánh Kinh Thần Học số tiền 40 triệu đồng. Cũng trong năm này ban chấp sự biểu quyết nhóm 2 lễ vào sáng chúa nhật hàng tuần.
            Tháng 04/2008, ông bà Mục sư Châu Văn Sáng được hội thánh Tin Lành Sài Gòn mời làm quản nhiệm sau 16 năm hầu việc Chúa tại hội thánh Ngô Gia Tự.
            * Giai đoạn ổn định và phát triển (Từ 2008 đến nay)
            Ngày/04/2008, ông bà Mục sư Phan Quang Vũ được mời về làm quản nhiệm hội thánh Ngô Gia Tự. Lễ bổ nhiệm được diễn ra long trọng dưới sự chủ lễ của Mục sư Phan Vĩnh Cự - Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin lành Việt nam (MN). Nhận thấy mặt bằng hội thánh chật hẹp, ông bà bàn với ban chấp sự biểu quyết thành lập ban xây dựng, tiến hành việc quyên góp tài chánh để mở rộng mặt bằng nhà thờ. Cầu nguyện Chúa, sau hai năm quyên góp hội thánh đã mua căn hộ số 028 vào năm 2011, căn hộ này nằm chính giữa hai căn hộ của hội thánh. Việc này cũng là công việc đột phá trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ms Phan Quang Vũ cùng ban chấp sự hội thánh. Hội thánh coi trọng công tác truyền giáo và Cơ đốc giáo dục. Xem đây là hai mũi nhọn mở rộng hội thánh về chiều sâu lẫn chiều rộng. Hội thánh duy trì giờ cầu nguyện buổi sáng từ 5g30 - 6g15, giờ hiệp nguyện tối thứ tư hàng tuần, giờ kiêng ăn cầu nguyện lúc 10g00 sáng thứ bảy đầu tháng, kêu gọi nhân sự và các tín hữu tham dự. Ngoài ra, hội thánh còn hỗ trợ tài chánh hàng tháng cho các hội thánh vùng sâu, vùng xa chưa đủ điều kiện cung lương cho đầy tớ Chúa, hội thánh kêu gọi con cái Chúa tham gia công tác xã hội, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
            Tối chúa nhật 27/11/2012, trong buổi nhóm bồi linh đặc biệt của hội thánh, đã quyên góp được số tiền khá lớn, trên 200 triệu đồng dâng xây nhà thờ Viện Thánh Kinh Thần Học. Qua việc này, nhiều tín hữu kinh nghiệm, khám phá trở thành người quản lý tiền tốt cho Chúa. Ông Mục sư Phan Quang Vũ và bà hầu việc Chúa tại hội thánh Ngô Gia Tự từ tháng 04/2008 đến nay, công việc Chúa tiếp tục phát triển, bà luôn luôn sát cánh, hỗ trợ ông trong chức vụ một cách tích cực.
 C/ Hoạt động của các chi hội
1. Chi hội Bình Trị Đông
Sinh hoạt của Chi hội Bình Trị Đông gồm có:
a. Cầu nguyện: Từ năm 1975, Mục sư Lương Văn Sấm tổ chức thì giờ cầu nguyện sáng tại nhà thờ, đến nay vẫn được duy trì từ 5g00 - 5g45 mỗi sáng. Tối thứ tư hàng tuần Ban Cầu nguyện tuần hoàn đến cầu nguyện tại các gia đình. Cảm tạ Chúa, qua sự cầu nguyện Chúa đã thăm viếng, mở đường và làm thành những việc lớn cho hội thánh Chúa vượt qua những lần khó khăn, vượt hơn những điều mà tôi con Chúa cầu xin.
b. Thăm viếng, chăm sóc: Thứ ba hàng tuần, Ban Thăm viếng của hội thánh thăm gia đình của con cái Chúa, chia thành 6 khu vực. Phương án thăm viếng: thăm viếng theo khu vực, tổ chức cầu nguyện tuần hoàn, có chấp sự đặc trách - nhằm tạo sự gần gủi, sâu sát từng gia đình tín hữu.
c. Truyền giáo: Tiếp nối công tác truyền giảng của thế hệ đi trước, lịch sinh hoạt trong tháng: Tối thứ sáu tuần 1 đi thăm viếng, chăm sóc tân tín hữu; Tối thứ bảy tuần 2 & 3 cầu nguyện và trang bị Lời Chúa cho công tác truyền giáo; Tối thứ bảy cuối tháng cùng với hội thánh tổ chức truyền giảng. Ban truyền giáo cũng phối hợp với các ban ngành khác trong hội thánh thực hiện các buổi huấn luyện tại chổ nhằm trang bị và kêu gọi nhiều người tham gia hoạt động truyền giáo. Trung bình có khoảng 180 - 200 thân hữu tin nhận Chúa, tỷ lệ Báp-tem đạt khoảng 22%.
d. Trường Chúa Nhật: Đến khi Mục sư Nguyễn Văn Xuyến chủ tọa, Trường Chúa nhật mới thật sự vững vàng. Hiện nay, Mục sư quản nhiệm Lê Văn Tính rất quan tâm, củng cố, số lượng con cái Chúa tham gia học hiện nay khoảng 80 học viên các lớp Trung lão, Trung tráng niên, Thanh tráng, Thanh niên, Thiếu niên; Khoảng 30 học viên tại hội thánh Đức Hòa; ...Tài liệu học theo giáo trình của cố Hội trưởng Đoàn Văn Miên biên soạn.
e. Các ban ngành: Ban Trung lão; Ban Phụ nữ; Ban Trung tráng niên; Ban Thanh tráng; Ban Thanh niên; Ban Thiếu niên; Ban Ấu nhi; Ban Âm nhạc, Ban Kỹ thuật; Ban Máy chiếu; Ban Trang trí; Ban Tiếp tân; Ban Giữ xe; Ban Ẩm thực; Ban tương trợ; Ban Khuyến học hoạt động theo sự quan phòng của Chúa khiến hội thánh phát triển nhịp nhàng, mỗi ngày phát triển hon.
f. Các hội thánh nhánh do chi hội Bình Trị Đông thành lập: Hội thánh Long Trạch (1938), hội thánh Gò Đen (1944), hội thánh Bình Tây (1949), hội thánh Bình Tiên (1962), hội thánh An Hạ (2007).
2. Chi hội Sài Gòn
Chi hội Sài gòn sinh hoạt các ban ngành:
a. Ban cầu nguyện: Nếu ví sánh Lời Chúa như là thức ăn thuộc linh thì cầu nguyện như là hơi thở của Cơ đốc nhân, sự phát triển của hội thánh Chúa tại Chi hội Sài Gòn chắc hẳn luôn có sự tham gia của các chiến sĩ cầu nguyện. Mỗi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy cầu nguyện lúc 5g30, riêng sáng Chúa nhật từ lúc 6g30.
b. Ban Trường Chúa Nhật: Theo truyền thống của Chi hội Sài Gòn từ năm 1925 đến nay thì đã dạy trường Chúa nhật, nhằm mục đích dạy Lời Chúa cho tín hữu hầu cho đức tin của họ được vững vàng, được lớn lên trong Chúa, góp phần xây dựng, phục vụ hội thánh có kết quả cho Chúa vinh hiển. Mỗi buổi sáng Chúa nhật từ 7g15 - 8g15 dạy cho tín hữu học Lời Chúa; Mỗi chiều thứ tư từ 19g00 - 20g00 các giáo viên học bài mẫu. Sáu tháng đầu năm tổ chức thi Thượng bán niên và cuối năm tổ chức ôn thi hạ bán niên, tổng kết phát thưởng trước hội thánh. Hàng năm các giáo viên bầu ra ban điều hành để lo công tác của Ban.
c. Ban Truyền giảng: Được hội thánh quan tâm nhiều, Lời Chúa, Ma-thi-ơ 5: 15-16 là nằm lòng, để mỗi người thật sự là muối của đất và ánh sáng của thế gian.
d. Ban Thăm viếng - Chăm sóc: Mục sư quản nhiệm và ban chấp sự, trị sự rất quan tâm công tác này. Thành lập các tiểu ban như: ban Tang trợ lo tang lễ... Bồi linh và sinh hoạt tối thứ ba hàng tuần. Chia làm 13 khu vực thăm viếng. Câu Kinh thánh nền tảng là I Tê 5:11.
e. Ban Tu bổ, sửa chữa: Các ban ngành khác trong hội thánh chăm lo về phần thuộc linh, còn ban này chăm lo phần cơ sở vật chất nhà Chúa.
f. Các ban ngành khác đồng sinh hoạt như: Ban Âm nhạc, Ban Tiếp tân - Trật tự, Ban Phiên dịch, Ban Âm thanh - ánh sáng, Ban Kỹ thuật phóng ảnh, Ban Trang trí, Ban cắm hoa, Ban giữ xe, Ban Bảo vệ - Vệ sinh.
* Các hội thánh nhánh do hội thánh Sài Gòn thành lập:
Hội thánh Phú Xuân (1938), hội thánh Cần Giuộc (1940), hội thánh Gia Định (1940), hội thánh Nguyễn Tri Phương (1952), hội thánh Khánh Hội (1954), hội thánh Trương Minh Giảng (1957), hội thánh Chánh Hưng (1958), hội thánh Hòa Hưng (1958), hội thánh Phạm Thế Hiển (1968), hội thánh Thị Nghè (1969), hội thánh Bình Đông (1972), hội thánh Ngô Gia Tự (1973).
3. Chi hội Ngô Gia Tự
Sinh hoạt của Chi hội Ngô Gia Tự gồm có:
a. Ban Thiếu nhi: Thiếu nhi là tương lai của hội thánh, hạt giống được ươm trồng trong nhà Chúa, chính vì thế từ ngày đầu thành lập, công tác dạy đạo cho các em được chú trọng. Tổng số Thiếu nhi (9 - 12 tuổi), Nhi đồng (7 - 8 tuổi), Ấu nhi (3 - 6 tuổi) hiện nay là 60 em. Các em có phòng nhóm riêng, giờ thờ phượng Chúa trùng với giờ thờ phượng của hội thánh để phụ huynh tiện đưa đón. Hàng năm các em được học Thánh Kinh hè vào đầu tháng 6, có khoảng 50 - 60 em tham dự. Mục tiêu năm 2014 của Ban Thiếu nhi là luôn tăng trưởng trong đời sống thuộc linh, giúp cho các em thêm sự tin kính, biết quan tâm chia sẻ với mọi người, chăm chỉ học tập, vâng lời cha mẹ, thầy cô. Thể hiện mình là Thiếu nhi Tin Lành: Kính Chúa - yêu thương mọi người.
b. Ban Thiếu niên: Được thành lập từ năm 1983, hiện nay có 25 em, số lượng thường xuyên nhóm lại từ 16 - 20 em, lứa tuổi từ 13 - 19 tuổi. Nội dung chương trình sinh hoạt hàng tuần là: Bồi linh, học Kinh thánh, thảo luận, làm chứng, ngợi khen, câu chuyện đức tin, đố Kinh thánh, tập hát...Các em còn dự phần tôn vinh Chúa vào sáng Chúa nhật. Hàng năm có khoảng 20 - 25 em tham dự Thánh kinh hè tại Đà lạt. Tươnglai không xa các em là lực lượng kế thừa của hội thánh.
c. Ban Thanh niên: Vào mỗi tối thứ năm từ 19g15 - 21g ban Thanh niên nhóm lại, giờ học Kinh thánh và tập hát vào mỗi tối thứ ba từ 19g15 - 21g. Nội dung sinh hoạt gồm: Học Lời Chúa qua các diễn giả, học Kinh thánh, thảo luận, làm chứng, trò chơi âm nhạc, câu chuyện đức tin, đố Kinh thánh... Số thanh niên học Trường Chúa nhật khá đông, ngoài ra còn học lớp Cuộc Đời Chúa Cứu Thế. Học Kinh thánh theo giáo trinh của Ủy Ban Cơ Đốc Gíao Dục Tổng Liên Hội.
d. Ban Tráng niên: Nội dung sinh hoạt: Nghe Lời Chúa qua các diễn giả, học Kinh thánh thảo luận, hàng quí có chuyên đề gia đình, vợ chồng, nuôi dạy con cái,...ngoài ra, các bạn còn có giờ ngợi khen, làm chứng, đố Kinh thánh, thế giới quanh ta... họp bạn với những hội thánh bạn. Giờ nhóm cuả ban là 16g30 chiều chúa nhật hàng tuần, hiện nay tổng số ban viên là 75 người, thường xuyên nhóm lại khoảng 35 - 45 người.
e. Các ban ngành khác: Ban Nữ giới, Ban Trung niên, Khối Cơ đốc giáo dục, Khối Truyền giáo, Ban Xây dựng, Ban Hát dẫn Thanh niên, Ban Đàn lễ I, Ban Đàn lễ II, Ban Âm thanh - Ánh sáng, Ban Tiếp tân.
                                                                                                                                      
III/ KẾT LUẬN
1. Sự tăng trưởng từ ba hội thánh tiêu biểu nêu trên.
Năm 1893, Ms D.Lelacheur đến Sài Gòn, Tin lành của Đức Chúa Trời đến Sài Gòn năm 1918 [5]. "Tại khu vực Miền Đông Nam phần, nhất là vùng Sài Gòn - Chợ lớn công tác truyền giáo thật khó khăn. Đây là thành phố lớn văn minh với tất cả những tiện nghi xa hoa vật chất, nhưng lại không có Đấng Chirst"[6]. Trong ơn thần hựu của Chúa, Tin Lành của Ngài dù không được đón nhận để phát triển nhanh chóng như vùng miền Tây Nam phần, nhưng Ngài cũng làm thành kế hoạch của những giáo sĩ cậy ơn Chúa truyền rao Tin lành đến Việt Nam. Năm nay (2014) Chi hội Bình Trị Đông đã làm lễ kỷ niệm 90 năm thành lập hội thánh. Năm sau (2015) Chi hội Sài gòn sẽ làm lễ kỷ niệm 90 năm thành lập hội thánh, trong khi đó một chi hội trẻ hơn được thành lập từ chi hội Sài Gòn, đó là chi hội Ngô Gia Tự đã kỷ niệm 40 năm thành lập vào năm 2013. Nhà thờ Ngô Gia Tự được hình thành trên vùng đất trước kia đầy tệ nạn xã hội, từ năm 1973 đến nay, hội thánh đã không ngừng phát triển, lúc đầu chỉ 10 - 15 người, dần dần lớn lên, hiện nay theo danh sách có gần 500 người (2014) sinh hoạt cùng hội thánh.
Bài viết Tin lành đến Sài gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 1924 đến nay: Vài hội thánh tiêu biểu (Chi hội Bình Trị Đông, Chi hội Sài Gòn, Chi hội Ngô Gia Tự). Đã cho thấy được sự tăng trưởng của Tin Lành khi đến Sài Gòn (Trước 1975) và tại thành phố Hồ Chí Minh (sau năm 1975). Năm 1924, hội thánh Bình Trị Đông được thành lập nhân kỷ niệm 90 năm thành lập hội thánh, chi hội đã tổng kết có 5 hội nhánh ra từ chi hội này. Đến nay chi hội Sài gòn đã thành lập được 12 hội nhánh, tất cả các hội thánh nhánh của chi hội Bình Trị Đông và chi hội Sài gòn đều được hình thành trước khi đất nước thống nhất năm 1975. Năm 1975 đến nay cũng có những giai đoạn hội thánh hoạt động  khó khăn, không thấy sự tăng trưởng về số lượng hội nhánh mới được thêm lên, có lẽ vì chưa có khảo sát, thống kê cụ thể về việc sự hình thành và phát triển của Tin lành tại Sài gòn. Dù không có tài liệu thống kê chính thức, trong ơn dẫn dắt của Chúa, Ngài soi sáng cho người viết bài này tìm được những tư liệu chính xác từ các hội thánh có liên quan, với mong chia sẻ phần nào sự khó khăn trong việc tra kiếm tài liệu lịch sử của Tin lành khi đến Sài Gòn. Chúa là Đấng sống, hội thánh của Chúa là hội thánh sống và tăng trưởng, hướng đến tương lai, một số ý kiến của các mục sư quản nhiệm được người viết ghi lại như sau:
2. Hướng đến tương lai
            Mục sư Lê Văn tính - Quản nhiệm hội thánh Bình Trị Đông phát biểu: Nhìn lại lịch sử 90 năm qua, vô cùng cảm tạ ơn Chúa. Trải qua bao thăng trầm hội thánh vẫn đứng vững và phát triển. Noi dấu tiền nhân, con dân Chúa tại hội thánh Bình Trị Đông nhờ ơn Chúa hướng đến tương lai, với những công việc sau: Trung tín thờ phượng Chúa, học hỏi Lời Chúa mỗi ngày để đời sống tâm linh tăng trưởng vững vàng. Sẳn sàng được trang bị và đứng vào vị trí Chúa muốn để phục vụ Ngài. Hết lòng giúp đỡ đức tin cho thế hệ kế tiếp, rao truyền sự cứu rỗi của Chúa cho nhiều người.
            Mục sư Nguyễn Thế Hiển - Quản nhiệm hội thánh Sài Gòn phát biểu: Là hậu tự của cơ đồ vững vàng đã được gây dựng nay đã 89 năm. Là con cháu của các bậc tiền bối trung tín, yêu mến Chúa trải qua các thời kỳ, là con cái của Chúa được kế thừa sự nghiệp to lớn của cha ông. Đoàn hậu tấn chúng tôi, đứng vững trên nền tảng thiêng liêng cao quí của hội thánh mà Đức Chúa Giê-xu Christ đã mua bằng chính huyết báu của Ngài. Ngày nay phải xây dựng công việc của Chúa ngày càng to đẹp hơn với cả quyết tâm và trách nhiệm, hầu cho Danh Chúa được cả sáng, nhiều linh hồn đồng bào được cứu. "Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu" (1 Cô 15:8). "Mọi điều anh em làm hãy lấy lòng yêu thương mà làm"(1 Cô 16:14). "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban hêm sức cho tôi"(Phi 4:13).
            Mục sư Phan Quang Vũ - Quản nhiệm hội thánh Ngô Gia Tự phát biểu: Mục sư cùng Ban Chấp sự kêu gọi hội thánh yêu thương hiệp một vì Danh Chúa, vì tiền đồ của hội thánh, cùng hợp tác hầu việc Chúa, gây dựng thân thể Đấng Christ mạnh mẽ. Cùng góp phần đưa hội thánh đến sự tăng trưởng, gây dựng chiều sâu thuộc linh cho các tín hữu đồng thời chăm sóc thế hệ trẻ để có lực lượng kế thừa. Gây dựng các ban, ngành để thành lực lượng nồng cốt, mạnh mẽ về số lượng lẫn chất lượng, đây là cơ sở để hội thánh phát triển, trang bị Lời Chúa cho nhân sự, kêu gọi mọi người hầu việc Chúa, góp phần mở rộng vương quốc của Chúa trên đất. Nổ lực truyền giảng Tin lành, kêu gọi cá nhân chứng đạo. Nhận biết khải tượng trong công tác truyền giảng, tận dụng cơ hội để hầu việc Chúa, đưa dẫn nhiều tội nhân đến sự cứu rỗi. Kế hoạch lâu dài của hội thánh trong tương lai, nhà thờ được di dời đến nơi chốn rộng rãi hơn, nhà Chúa được xây dựng khang trang đẹp đẽ. Bốn mươi năm qua, các vị tiền bối đã viết nên trang sử đẹp cho hội thánh. Ngày nay, chúng ta là những người thuộc thế hệ kế thừa, phải tiếp tục sứ mạng Chúa giao, tận dụng mọi cơ hội sốt sắng phục vụ Chúa. Xin Chúa cho thấy được tương lai tươi sáng của hội thánh, hầu khích lệ các thế hệ nối tiếp sự nghiệp của tiền nhân.
            Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt Nam nói chung, của dân sự tại Sài gòn (thành phố Hồ Chí Minh) nói riêng. Trên sự nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước đã gây dựng nền tảng Tin Lành tại Sài Gòn, ơn Chúa, Ngài không muốn những linh hồn tại vùng này phải chết mất trong tội lỗi, nên Ngài đã bằng nhiều cách, sử dụng nhiều người trong suốt chiều dài lịch sử Tin Lành nhiều thế hệ con dân con dân Chúa đã làm nên trang lịch sử qui vinh hiển cho Danh Chúa "Dòng dõi này sẽ ca tụng công việc Chúa cho dòng dõi kia, và rao truyền quyền năng của Chúa”(Thi thiên 145:4). "Anh em đã nhận Đức Chúa Giê-xu Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy; Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ"(Cô-lô-se 2:6-7). "Còn chúng tôi là dân sự Chúa, và là bầy chiên của đồng cỏ Chúa. Chúng tôi sẽ cảm tạ Chúa mãi mãi; Từ đời này qua đời kia chúng tôi sẽ truyền ra sự ngợi khen Chúa"(Thi Thiên 79:13).

TĐ: NGỌC HUỆ
Ngày 10/10/2014

THƯ MỤC:
1. Kinh Thánh
2. Cố Mục sư Lê Văn Thái. Hồi ký Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ. Cơ quan Xuất bản Tin Lành phát hành, năm 1971
3. MS. Lê Hoàng Phu, Ph.D. Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965)
4. Tư liệu nội bộ chi hội Bình Trị Đông.
5. Tư liệu nội bộ chi hội Sài Gòn.
6. Tư liệu nội bộ chi hội Ngô Gia Tự.




[1] MS Lê Hoàng Phu, PH.D. Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam 1911-1965. Chương trình Thần học Phúc Âm. 1996, tr 89
[2] Cố Mục sư Lê Văn Thái. Hồi ký Bốn Mươi Sáu Năm Trong Chức Vụ. Cơ quan Xuất bản Tin Lành phát hành, năm 1971, tr 114-118
[3] Ngừoi viết ghi lại từ tư liệu nội bộ của hội thánh Bình Trị Đông. Tháng 09/ 2014
[4] Người viết ghi chép theo tư liệu lưu trử nội bộ của Chi hội Sài Sòn, từ năm 1925 - 2005.
[5] Người viết ghi theo tài liệu nội bộ được lưu trữ tại Chi hội Tin Lành Sài Gòn, 2014.
[6] MS Lê Văn Thái, Sđd, tr 114.