Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

TRẨY HỘI CHỢ HOA XUÂN BÍNH THÂN 2016 TẠI HỒ BÁN NGUYỆT PHÚ MỸ HƯNG

http://www.baodulich.net.vn/Tray-Hoi-Cho-Hoa-Xuan-Binh-Than-2016-tai-Ho-Ban-Nguyet-Phu-My-Hung-02-7275.html

Trẩy Hội Chợ Hoa Xuân Bính Thân 2016 tại Hồ Bán Nguyệt Phú Mỹ Hưng

BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG CƠ ĐỐC

Bí quyết để có hạnh phúc trong đời sống vợ chồng Cơ-đốc.
 Ngọc Huệ
Viết xong ngày 05 tháng 01 năm 2014


Dẫn nhập
Từ xưa đến nay, hầu như nền văn hoá nào cũng coi hôn nhân là việc thiêng liêng. Có thể nói, hôn nhân và gia đình là một trong những thể chế cổ xưa nhất, nằm trong chương trình của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên loài người [1]. Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là cộng đoàn nơi đó từ thời thơ ấu con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và con trẻ là thế hệ tương lai.
Ngày nay tình trạng ly hôn thường xảy ra ở những gia đình trẻ ở độ tuổi 20 – 30 chiếm hơn 60% [2]. Thật đau buồn về tỷ lệ ly dị trong vòng những người tự cho mình là cơ-đốc-nhân cao gần như là thế giới ngoại đạo [3]. Thế nên, nhu cầu cần nghiên cứu để đưa ra những bí quyết khiến vợ chồng sống hạnh phúc bền vững bên nhau và hiểu được ý nghĩa của đời gia đình là điều cấp thiết.
            Mục đích của hôn nhân là:  Để vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau (Sáng thế ký 2:18-20) và để sanh sản thêm nhiều trên đất (Sáng thế ký 1:28). Kinh Thánh cho biết điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly [4]. Trên cơ sở Lời Chúa nghiên cứu đề tài “Bí quyết để có hạnh phúc trong đời sống vợ chồng Cơ-đốc”. Từ đó nêu ra những cách sống, cách cư xử, bổn phận và trách nhiệm của vợ, chồng nhằm giúp cho cuộc sống đôi lứa được hạnh phúc. Nghiên cứu về hôn nhân hướng đến hai điều: Đối nội, đối ngoại trong đời sống của vợ chồng và lưu truyền nòi giống (sinh sản và giáo dục con cái.).
Luận Đề (Thesis Statement) 
            Hôn nhân là do Đức Chúa Trời thiết lập, muốn có cuộc hôn nhân hạnh phúc thì cần phải có sự  chuẩn bị để khi kết hôn cả hai cá thể sống với nhau không bị bỡ ngỡ, mà phải cùng chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong cuộc sống lứa đôi, cả hai không thể sống tách biệt với xã hội, mà cần phải sống hòa mình vào môi trường văn hóa hiện tại, với những công việc thường ngày, trong đó cũng có cả việc nuôi dạy con cái. Và Cơ đốc Nhân tìm được hạnh phúc lứa đôi ở đâu? Có phải Cơ Đốc Nhân chỉ tìm được hạnh phúc lứa đôi bền vững với người phối ngẫu cùng niềm tin?
            Hiện nay có rất nhiều bài viết, bài học nghiên cứu đề tài về hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con. Bài viết này mang đến một cái nhìn mới về cách sống thế nào để vợ chồng được thuận hòa, có mục đích để giáo dục thế hệ đi sau có niềm tin trong cuộc sống, không bị ảnh hưởng bởi lối sống thác loạn mất niềm tin, trong bối cảnh đạo đức xuống cấp như hiện nay.
Phương pháp thu thập thông tin: Người viết ghi chú lại những thông tin liên quan đến đề tài bằng cách tra xem tài liệu đánh dấu dòng nào, trang sách nào, tựa sách nào cần đọc và trích dẫn; đọc kỹ những đoạn sách để hiểu ý mà tóm tắt; Đánh giá giá trị của trang web cần trích dẫn, không dùng những trang web có tính cách nghi ngờ vì thông tin sai lạc không kiểm chứng được. Sau đó, tổng hợp lại những thông tin thu thập được, hệ thống lại cho có tính thống nhất.
Tầm quan trọng của bài nghiên cứu (Importance of the Study): Yếu tố căn bản của hôn nhân là tình yêu vì hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng của hôn nhân cũng chính là tình yêu. Hôn nhân có mục đích: - yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. - cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái nhằm làm vinh hiển danh Chúa. Qua bài nghiên cứu này sẽ cung cấp cho người đọc những kiến thức, kỹ năng, tình yêu thương, sự vâng phục Chúa, những cách cư xử giữa vợ chồng sống với nhau có trách nhiệm liên đới, phục vụ nhau trong tình yêu agapé, những sự chuẩn bị trước hôn nhân…để ứng dụng trong trong đời sống cho chính mình hay dùng đó làm tài lịêu để cung cấp cho thanh niên nam nữ đang muốn bước vào ngưỡng của tình yêu để tiến đến hôn nhân và cũng nhằm giúp họ có đời sống lứa đôi hạnh phúc.
Phương pháp nghiên cứu (Research Methodology): Người viết nghiên cứu theo phương pháp định tính, nghiên cứu trường hợp điển hình (case study).
Phạm vi/Giới hạn của bài nghiên cứu (Limitations): Đề tài nghiên cứu trong phạm vi đời sống vợ chồng Cơ-đốc.

Thân bài
Chuẩn bị trước hôn nhân, hôn nhân là gì?, hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái nhằm làm tròn nhiệm vụ làm cha, làm mẹ.
            Cha mẹ chuẩn bị cho con cái, hôn nhân có tầm quan trọng cả đời của một con người, con trẻ được sinh ra, được nuôi dưỡng lớn lên, được giáo dục trước nhất là từ gia đình, trong đó trách nhiệm của cha mẹ, hay người giám hộ rất quan trọng. Trẻ nhỏ từ 0 – 3 tuổi, là thời kỳ không ai có thể thay thế được vị trí và vai trò của người mẹ. Vì vậy, để cuộc hôn nhân của con cái sau này được hạnh phúc, các bậc làm cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con mình ngay từ buổi ấu thơ, như Kinh Thánh đã chép ở Châm ngôn 22:6 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dù khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”.
Giáo dục trẻ lứa tuổi ấu nhi, thiếu nhi
            “Những năm tháng đầu tiên của cuộc đời sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai về mọi mặt: tinh thần, thể chất, tình cảm và tâm linh…khi xây dựng xong một tòa nhà thì không còn thấy nên móng nữa, nhưng cả sức mạnh và sự bền vững của tòa nhà phụ thuộc vào nền móng đó” [5]

Đặc điểm tâm lý trẻ phát triển theo từng lứa tuổi, cha mẹ cần nắm bắt để có phương pháp dạy trẻ tốt hơn. Người viết phỏng vấn cô Thanh Trúc phụ trách thiếu nhi hội thánh Phúc Âm Liên Hiệp tại Bình Hưng về tâm lý của các lứa tuổi cô cho biết như sau: trẻ dưới 2 tuổi, trẻ thấy và để ý cha mẹ, thầy cô giáo dùng Kinh Thánh, biết có sự liên hệ giữa tên Chúa Jésus với Kinh Thánh, nghe được bài hát, truyện tích Kinh Thánh đơn giản…Trẻ từ 3 – 5 tuổi, biết Kinh Thánh là quyển sách quan trọng do quan sát cách dùng của người lớn. biết tha thứ, làm hòa với người khác, thích xem truyện tích kể bằng tranh…Trẻ từ 6 – 8 tuổi, Hiểu về Kinh Thánh nhiều hơn như: có hai phần Tân Ước và Cựu Ước, hiểu vài đoạn, chấp nhận dễ dàng những điều dạy về Chúa…Trẻ từ 9 – 12 tuổi, biết sử dụng mục lục quyển Kinh Thánh, biết quyết định điều đúng sai, làm hay không nên làm, có thể đặt những câu hỏi sâu hơn về Chúa.

               Giáo dục thanh thiếu niên trong gia đình, qua tuổi thiếu nhi, trẻ thành thanh thiếu niên là thời kỳ thay đổi lớn của đời người. Sự  thay đổi dễ nhận thấy là về thể chất, sự thay đổi về nhận thức cũng xảy ra. Thanh niên là tuổi từ 18 đến 35 tuổi, các bạn trẻ thường có nhiều quyết định ảnh hưởng đến chính bản thân và tương lai của mình như: Quyết định về đức tin, về ngành học, về mối tương quan xã hội, về hôn nhân… Tuổi này thường có nhiều nhu cầu, và khát vọng thầm kín mãnh liệt về đời sống thực tế, thí dụ như: muốn được cha mẹ chấp nhận những việc làm riêng tư; có ước muốn được lớn khôn trong sự chăm sóc và quan tâm của cha mẹ, bạn bè, có xu hướng về tình dục... ngay như khi chúng có những vấn đề khó khăn, chúng cũng muốn cha mẹ tiếp tay giải quyết. Nhu cầu giải quyết thì nhiều, nếu không được hướng dẫn bởi lời của Chúa thì sẽ dễ dẫn đến việc đi vào con đường tội lỗi. Chính vì vậy lứa tuổi nầy rất cần phải được chăm sóc để tăng trưởng thuộc linh, ý nghĩa đầu tiên là phải trở nên mới như trong câu kinh thánh IICô 5: 17 “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”. Hiểu những nhu cầu của lứa tuổi thanh niên, từng thành viên trong gia đình, cha mẹ  mới có cách dạy dỗ cho họ trong mối tương giao bởi tình yêu, để họ chấp nhận làm theo ý muốn đúng đắn bằng sự tự nguyện, từ đó không gây sự phản kháng từ phía người được dạy dỗ.
Nhận xét, từ “dạy” chỉ sự hướng dẫn đầu tiên mà người làm cha, mẹ cung cấp cho con cái. Sự huấn luyện được vạch rõ ràng cho chúng cách cư xử trong cuộc sống mà chúng được chuẩn bị như sự lễ phép, sự chân thật, sự trung tín, sự vâng lời... Bắt đầu giáo dục sớm cho con cái là một việc làm hết sức cần thiết và đó là thể hiện trách nhiệm của bậc làm cha, mẹ trong việc phát triển nhân cách của con mình. Hỡi ai làm mẹ cha, chăm sóc con quí Chúa ban, hãy luôn gắng dạy trẻ thơ học theo Chúa, quà cao quý nhất với con đời đời [6]. Lời Chúa dạy rằng: Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy (Phục 6: 6 – 7), dạy dỗ con cái là một mạng lịnh của Chúa truyền, dạy dỗ con cái cũng là cách sống đạo, làm sáng danh Chúa trong đời sống của một cơ-đốc-nhân.
            Tự chuẩn bị cho bản thân, hôn nhân được xếp thứ hạng quan trọng, có thể nói rằng chỉ đứng sau quyết định tin Chúa, bởi vì hôn nhân ảnh hưởng toàn diện đời sống, nên cơ-đốc-nhân phải chuẩn bị cho chính bản thân mình trước khi bước vào cuộc sống lứa đôi. Hôn nhân không hoàn toàn có màu hồng lãng mạn giống như khi hai người trong giai đoạn yêu nhau. Nên cần phải chuẩn bị với một tâm thế kỹ lưỡng biết xây dựng cho mình tình yêu thánh thiện trong Chúa, biết cho đi là điều phước hạnh, hơn là chỉ mong nhận lãnh mọi điều tốt lành về cho mình [7]. Những liệt kê dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức cho bạn trẻ để khi bước vào đời sống hôn nhân thì đem ra thực hành
Học và thực hành những điều đã học
 Tình yêu là nền tảng căn bản: Hôn nhân mà không có tình yêu thì ví như nấm mồ chôn sống tuổi thanh xuân của con người. Vì vậy, hãy kết hôn với người nào mà bạn thực sự cảm thấy yêu thương và tin tưởng. Tình yêu sẽ khiến cuộc sống của vợ chồng ngập tràn hạnh phúc, dễ dàng mở lòng tha thứ cho nhau, một đoạn kinh văn cho thấy yêu thương và tha thứ quan hệ mật thiết “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín nhịn mọi sự.(ICô 13:). Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Chín bỏ làm mười; Thương nhau cau sáu chẻ ba, ghét nhau cau sáu chẻ ra làm mười”. Yêu thương sinh ra cái đẹp, thì sự tha thứ là sự hồi sinh cái đẹp. Kinh tế là điều không thể thiếu: Nếu không có điều kiện kinh tế thì sẽ rất khó bảo đảm cho đời sống của hai người, mâu thuẫn về kinh tế đôi khi sẽ dẫn đến đổ vỡ về tình cảm!.Chỉ nên kết hôn khi cả hai đã có điều kiện về kinh tế để sống tự lập. Một điều cần yếu khác là sự Chung thủy và tin tưởng lẫn nhau: Khi một trong hai người có tính không chung thủy thì trước hay sau cuộc hôn nhân cũng sẽ rạn nứt, cuộc sống thiếu niềm tin sẽ dẫn đến nghi kỵ, ghen tuông. Trong đời sống hôn nhân, Kinh Thánh có dạy không chia rẻ những kẻ mà Đức Chúa Trời kết hợp [8], Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-el có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ [9]. Sứ đồ Phao-lô cũng nêu một quy luật khác về hôn nhân như sau: “Chồng còn sống bao lâu thì vợ phải buộc chặt với chồng bấy lâu; nếu chồng chết, vợ được tự do, muốn lấy ai tùy ý, miễn là theo ý Chúa” (I Cô 7:39). Đó là lý do vì sao trong lễ cưới chúng ta thường nghe cô dâu chú rể hứa nguyện với nhau: “Chỉ có cái chết mới chấm dứt cuộc hôn nhân này mà thôi”. Theo tiêu chuẩn của Chúa, hôn nhân là một ràng buộc suốt đời nên người phạm tội ngoại tình là người không vâng theo tiêu chuẩn của Chúa là phạm tội.
Tình dục tự nó tốt, con người có thể chất luôn luôn là con người có phái tính, vì thế cơ-đốc-nhân cũng không ngượng ngùng về tính dục, mà coi tình dục là một trong những điều quí giá Cha giàu có trên trời đã ban cho mình vui hưởng. [10]

Con cái là sợi dây kết nối giữa hai người: Sự thăng hoa trong tình yêu của vợ chồng, kết quả là con cái, đó là sợi dây kết nối kỳ diệu nhất giữa hai cá thể. Cùng nhau chăm sóc và yêu thương con cái sẽ khiến cả hai thực sự hạnh phúc và có cùng mục tiêu phấn đấu để xây dựng gia đình hòa thuận. Sự thông cảm và chia sẻ sẽ đưa hai bạn đi cùng nhau đến hết cuộc đời: Chỉ có sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu và chia sẻ với nhau trong mọi tình huống mới khiến hai bạn có thể ở bên nhau dù khó khăn hay vinh quang, hai người có nhau đến cuối cuộc đời mình.
Chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, mạng lệnh của Chúa cho hôn nhân: Người nam chỉ có một vợ, người nữ chỉ có một chồng mà thôi [11]. Hôn nhân có yếu tố phái tính (nam và nữ), trong đó có yếu tố tình dục. Tình dục là tốt lành trước khi loài người sa ngã. Tuy nhiên, nó có thể bị lạm dụng, khi được nâng lên hàng đầu yếu tố này bị Đức Chúa Trời lên án (Rô 1: 24 – 25). Chúa Jésus dạy: “Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham nuốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Mat 5:28). Chúa xem sự trinh khiết là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cho cả nam và nữ trong đời sống hôn nhân. Như vậy, sự giao hợp chỉ đúng và chỉ có trong hôn nhân mà thôi. Cả người nam và người nữ nên tham gia lớp học tiền hôn nhân trong đó cả hai người được học những điều như: Vợ phải phục tùng chồng (Êphêsô 5:22-24; Tít 2:4-5; I Phierơ 3:1-6.); Chồng phải yêu thương vợ (Êphêsô 5:25-29; I Phierơ 3:7; Vợ chồng không nên phân rẽ (ICô 7:10-16; Mathiơ 19:6); kỹ năng sử dụng tiền bạc…
            Kết hôn
Quan niệm của người Cơ đốc đối với hôn nhân,
Hôn nhân Cơ đốc nằm trong chương trình, kế hoạch của Đức Chúa Trời nên phải cẩn thận tìm biết ý Chúa. Tiêu chuẩn chọn lựa: về Đức tin: Cùng đức tin và kính sợ Chúa. Cảm xúc: yêu nhau thật. Lý trí: xem xét và thống nhât một số giá trị, nguyên tắc, quan điểm chung [12]

Vài khía cạnh khác nhau giữa hôn nhân Cơ đốc và phi Cơ đốc, thời phong kiến, có quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng ngày nay quan niệm đó không còn thích nghi nữa!. Ông bà cha mẹ chúng ta không phải hoàn toàn vô lý khi có quan niệm buộc con cái phải đi theo ý hướng của mình trong việc lập gia đình. Với lập luận đáng để cho chúng ta suy nghĩ như quan niệm “Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng” hay “Cha nào con nấy”. Khi phân tích kỹ, chúng ta mới thấy rằng ông bà xưa đã tích lũy hằng bao nhiêu kinh nghiệm để có được triết lý đó. Thật ra cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống của con cái, tục ngữ có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Một Triết Gia Tây Phương nói: “Thành phần xuất thân ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách”. Thường tình trong cuộc sống, người thế gian muốn dựng vợ gã chồng cho con cáí, họ hay đắn đo trước những vấn đề thực tế, họ có khuynh hướng chọn lựa theo các tiêu chuẩn sau: Sắc đẹp, địa vị, tiền tài, danh vọng... đôi khi lại còn có ẩn ý gì phía sau cuộc hôn nhân đó, như có ích lợi gì không! ... Như vậy khi hôn nhân được thành hình trên quan niệm duy lý thì lấy gì để bảo đảm vững bền khi gặp lúc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, sóng gió cuộc sống mang đến. Đối với hôn nhân Cơ đốc, những lý lẽ dường như có lý nêu trên, chưa phù hợp với cơ-đốc-nhân vì cơ sở để chọn lựa bạn đời là tìm kiếm người phối ngẫu đặt trên tình yêu không vụ lợi, không xét đoán, Chúa làm chủ.
Vài khía cạnh giống nhau giữa hôn nhân Cơ đốc và phi Cơ đốc, đối với người đời cũng như người trong Chúa. Hôn nhân trước hết cần phải có tình yêu xuất phát tự con tim, tận trong cõi lòng sâu thẳm của mỗi người. Chính tình yêu là yếu tố căn bản đầu tiên giống như chiếc cầu nối liền hai bên bờ của một dòng sông.
Nền tảng Kinh Thánh về hôn nhân
 Hôn nhân do Đức Chúa Trời thiết lập, Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng, hôn nhân không phải là sáng kiến của con người mà là một định chế do Đức Chúa Trời thiết lập. Sau khi tạo dựng nên ông A-đam, Ngài tuyên bố: “Loài người ở một mình thì không tốt, ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”. Sau đó Chúa dựng nên bà Ê-va và ban phước cho hai người. Sáng thế ký 2:24 ghi: “Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. Điều này cho thấy hôn nhân có những đặc điểm sau: (1) là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, (2) là sự kết hợp toàn vẹn vì vợ và chồng hợp làm một, (3) Con người không được chia rẽ cuộc hôn nhân.
            Đến với nhau bằng tình yêu tuyệt đỉnh, đây không phải là tình yêu xác thịt hay tính dục, mà là thứ tình yêu vượt lên trên tất cả cảm xúc của con người để sống theo nguyên tắc mà Đức Chúa Trời muốn con người sống. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, để ý tới người chung quanh mình, mà người bạn đời là một trong những người gần gũi nhất, giống như tinh thần của Galiti 6:2 [13].
            Tiền trong đời sống gia đình, đời sống hôn nhân cần có tình yêu là tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, không thể tách rời khỏi cuộc sống đời thường, nên vợ chồng phải cộng tác với nhau để lập ngân sách chi tiêu cho gia đình để đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống, tránh nạn nợ nần vì chi tiêu không kế hoạch, khoản khác cũng cần chú ý đến là chi phí giao tế họ hàng, bạn bè trong những ngày lễ tết, làm quà biếu…Nhưng tiền không thể giải quyết mọi nan đề.
            Mê tham tiền bạc là chuốc họa vào thân, cuối cùng cũng dẫn đến thất vọng và thậm chí gây ra tội ác chứ không đem lại hạnh phúc và thành công (Châm 28:20). Trái lại hạnh phúc và thành công nhiều tiền bạc liên hệ chặt chẽ với tính rộng lượng, tinh thần tha thứ, nhiều mối quan hệ khác nhất là đối với Đức Chúa Trời. [14]

Chìa khóa hạnh phúc cho gia đình cơ-đốc-nhân
            Bí quyết thứ nhất: Tình yêu thương, 1Giăng 4:8 “Đức Chúa Trời là sự yêu thương”, “Tình yêu thương che lấp mọi tội lỗi”(1Phi-e-rơ 4:8b). Có được tình yêu của Chúa đó là yếu tố căn bản cho mọi mối quan hệ của hạnh phúc gia đình. Có một bài thơ ví tình nghĩa vợ chồng giống như sự khắng khít của hai chiếc dép của Nguyễn Trung Kiên đăng trong Tạp chí Hướng đi số 20 [15].
Bí quyết thứ hai: Tôn trọng nhau Tôn trọng là quan tâm đến người phối ngẫu của mình và coi trọng họ. Lời của Đức Chúa Trời khuyên tất cả chúng ta “Hãy lấy lẽ kính nhường nhau (Rô 12:10b). Nếu là kẻ làm chồng thì không thể coi thường miệt thị vợ mình, đối xử thô bạo cũng như ăn nói sỗ sàng sẽ dẫn đến sự gãy đổ. Câu chuyện sau đây là bằng chứng cụ thể của sự thất bại, dành cho những ai không biết kính trọng người phối ngẫu của mình:
Có một bà mới được chồng bảo lãnh qua Mỹ được vài tháng, tiếng Anh không hiểu. Khi chồng đi làm về, bà đem vài bức thư của bưu điện cho chồng xem, bà nói: nhờ anh coi hộ họ nói cái gì đây?. Người chồng trả lời: Sao bà ngu quá vậy, thì mấy tờ quảng cáo chứ cái gì?. Kể từ đó người vợ không hề hỏi chồng một điều gì nữa. Bà ghi danh đi học đại học và miệt mài bốn năm. Sau đó  bà đi làm và bà li dị chồng chỉ vì câu nói: “Sao bà ngu quá ?” [16]

Tân Ước không dạy người đàn bà thấp kém hơn đàn ông “Chẳng chia ra hoặc… nam hay nữ, vì anh em thảy đều là một trong Christ Jésus[17]. Sự làm đầu của người chồng là một vấn đề trách nhiệm và trật tự của cấu trúc tổ chức vì mỗi cộng đồng đều có sự lãnh đạo và Đức Chúa Trời đã chọn người chồng làm người lãnh đạo trong gia đình [18]

Bí quyết thứ ba: Bổn phận của vợ chồng
             Đối với người đàn ông tốt bụng và khôn ngoan, không chọn vợ ở vẻ đẹp bề ngoài vì cái đẹp hình thể sẽ phai tàn theo năm tháng, nó cũng không phải là yếu tố tối cần thiết để có được một gia đình êm ấm, nhưng đôi khi chính cái đẹp lại là nguyên nhân của những đổ vỡ làm tan nát gia đình. Người vợ mà Đức Chúa trời tạo dựng từ buổi đầu sáng thế từ xương thịt của Adam, là người vợ dịu dàng để giúp đỡ (Sáng Thế Ký 2:18), chứ không phải kẻ để mà cạnh tranh.
            Bổn phận của người chồng, Theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh ở Ê-phê-sô 5:25-31 [19], chúng ta tìm hiểu thêm phần Kinh Thánh khác nữa là: Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn, vì họ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7). Trong nguyên tác của Thánh Kinh, nhóm chữ “như là với giống yếu đuối hơn”, có nghĩa như là người giúp việc có thể chất yếu đuối hơn. Mệnh lệnh khác được nhắc lại trong Cô-lô-se 3:19 [20]. Để bảo vệ hạnh phúc gia đình có những đề nghị cho ông: Nên cảm thông  nhẫn nại bằng cách chịu khó lắng nghe, lắng nghe 5, 10 phút, hơn là phải bị nghe cả ngày khi bà giận lên vì sự thiếu quan tâm của ông đối với vấn đề bà nêu ra. Nên có quà cho bà vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, tránh gây sự hiểu lầm, thỉnh thoảng nên tìm cách khen tài nội trợ của vợ…
            Người chồng phải yêu thương và thông cảm với vợ. Từ thông cảm không có nghĩa là chồng cảm thấy tiếc vì việc đó xảy ra cho vợ mình, nhưng có nghĩa là phải lo lắng, quan tâm không nên trách móc, cư xử không tốt hay cay nghiệt với vợ [21]
           
Con người ai cũng có những điều thiếu sót cũng như những điều bất toàn, nên khi chúng ta sống với nhau, vợ chồng phải tập chấp nhận sự yếu đuối của nhau. Chấp nhận có nghĩa là bỏ qua, đừng chú ý dến những lỗi lầm, sơ sót của nhau. Đừng chỉ trích, cũng đừng đòi hỏi người kia phải tốt đẹp, toàn hảo [22].

Bổn phận của người vợ, theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh ở Ê-phê-sô 5:22-24 [23]. Mệnh lệnh của Chúa đối với người làm vợ là vợ phải vâng phục chồng trong mọi sự như vâng phục Chúa. Lý do vợ phải vâng phục chồng là vì đàn bà được dựng nên từ đàn ông và để giúp đỡ cho đàn ông [24]. Đây là sự trật tự của Chúa, trong đó: vợ vâng phục chồng, con cái vâng phục cha mẹ, hội thánh vâng phục Đấng Christ. Tuy nhiên, không có nghĩa là người chồng có quyền cai trị vợ như một lãnh chúa độc tài. Mà chồng đối với vợ phải phát xuất từ tình yêu, vì ích lợi của vợ và con cái, cũng vì hạnh phúc gia đình mình nữa. Về phía người chồng, khi tiếp nhận sự vâng phục tuyệt đối của vợ đối với mình, thì cũng học được cách thức chính mình phải vâng phục Chúa trong mọi sự để làm gương cho vợ. Sự vâng phục Đấng Christ cần phải bắt đầu từ trong mỗi một gia đình của con dân Chúa.
Lời Chúa trong sách Châm ngôn dạy rất nhiều về trách nhiệm người vợ, bà nên đọc và học để làm theo: Châm ngôn 18:22 cho biết bà làm một người vợ thì bà là một điều phước cho người chồng; 31:10-19, người vợ phải biết quản trị công việc sinh hoạt trong gia đình, làm ích cho chồng (câu 12); 31:20-24, người vợ phải biết đối xử tốt với người chung quanh; 31:25-28, người vợ là người biết quan tâm đến con cái, quan tâm đến chồng. Tục ngữ Việt nam có những câu như: Vợ ngoan làm quan cho chồng (không phải là của chồng); người Việt gọi người vợ trong nhà là nội tướng, vị chỉ huy bên trong. Nhiều phụ nữ ngày nay đã bỏ qua trách nhiệm làm người nữ trong gia đình. Phải biết rằng, tâm lý của người chồng bao giờ cũng thích sự săn sóc của chính người vợ hơn là người giúp việc. Hạnh phúc gia đình một phần do việc nấu nước, xếp đặt nhà cửa. Người vợ cũng nên lưu ý cách ăn mặc, trang điểm, không phải là trang sức lòe loẹt, nhưng cần gọn gàng. Người nam nào cũng thích có người vợ đẹp tính, đẹp nết.
            Phỏng vấn bà: Trần Hạnh Thúy, phường 5, quận 5, Tp.HCM Tháng 11/2013. – Thưa bà, theo bà bí quyết sống thế nào để vợ chồng có hạnh phúc?. Bà Thúy cho rằng: Tôi sống rất đơn giản và chồng tôi cũng thế, chỉ có thành thật với nhau trong mọi sự là không có chuyện gì xích mích xảy ra, vì ông chả dối bà việc gì, bà cũng thế việc chi cũng to nhỏ bảo nhau. Cả hai không phát hiện điều chi khuất lấp khiến dẫ đến sự mất tin tưởng. Mọi việc khác cứ dung hòa mà sống.

            Thành thật với tất cả mọi người và quan trọng là thành thật với chính bản thân mình chính là cách tốt nhất để bạn có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mọi nỗi buồn trong cuộc sống. Dù bạn có lẩn tránh sự thật thì sự thật vẫn cứ là nó. [25]

Con cái là cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời ban cho,Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng[26]. Con cái là cơ nghiệp ra từ Đức Chúa Trời, một phương thức bảo tồn gia đình bằng thế hệ kế tiếp. Chẳng có khoái lạc nào trong cuộc sống có thể sánh bằng khoái lạc nhìn thấy con ruột của mình lớn lên. Cha mẹ không nên dễ dàng dung túng cho những sự không vâng lời trong những năm đầu đời của trẻ, nếu họ muốn kiểm soát chúng ở những năm tuổi thanh niên.
Dạy con em học Kinh Thánh,  Sách Các Quan xét 2:10-15 ghi lại một bài học cho các phụ huynh trong nhu cần phải dạy con em của mình học Kinh thánh. Lời Chúa phán rằng: Hết thảy người đời ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình, rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã đã làm nhơn vì Y-sơ-ra-ên”. Người đời ấy là những người đã nếm trải ơn cứu rỗi của Chúa ban cho họ, đem họ ra khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập, dẫn dắt họ bốn mươi năm trong đồng vắng, đưa họ vào đất hứa, bây giờ họ qua đời để lại một thế hệ mới không biết Chúa, không biết những công việc kỳ diệu mà Chúa đã làm để cứu tổ phụ họ, cho họ hưởng được cuộc sống tươi đẹp trù phú hiện nay. Tại sao? Câu trả lời là vì họ không được dạy dỗ về Lời Chúa. Chúng ta hãy xem hậu quả của thế hệ không có Lời Chúa và không được dạy về Đức Chúa Trời: - 2:11, làm ác, bỏ Đức Chúa Trời là chân thần, thờ lạy hình tượng, tà thần; - 2:14-15, thế hệ vô tín đó bị Đức Chúa Trời hình phạt. Kết quả là Kinh thánh đã có sách Các Quan xét với ít nhất bảy lần tường thuật cảnh dân Chúa làm nô lệ cho các dân chung quanh, rối loạn suýt chút nữa bị tiêu diệt (2:2-16).
            Quan tâm con trưởng thành, sứ đồ Phao-lô khen hai người đàn bà là Lô-ít và Ơ-nít, là bà và Mẹ của Ti-mô-thê. Hai người phụ nữ nầy đã biết dạy con cháu của họ về đức tin bằng chính đời sống của họ. Nói cách khác, Ti-mô-thê nên người hữu dụng cho hội thánh của Đức Chúa Trời, trở thành người hầu việc Chúa là nhờ sự dạy dỗ của bà và mẹ. đây là bài học làm gương đời sống đức tin của Lô-ít và Ơ-nít, phụ huynh nên nêu gương trung tín học Kinh thánh trước thì mới có thể dạy con em mình học Kinh thánh. Thánh Phao-lô đã để lại cho chúng ta một gương, ông đã cầu nguyện cho con nuôi hay con đức tin của ông là Timôthê (II Tim 1:3), dù lúc bấy giờ Ti-mô-thê đã làm một Mục sư tại thành Ê-phê-sô, còn cá nhân Phao-lô thì sắp bị tử hình. Đời người tuổi từ 14 đến 21 là tuổi hay mơ mộng, tâm trí có nhiều mong muốn giống người nầy người kia, thần tượng hóa điều mình thích. Cha mẹ biết như vậy để làm gì? Ngoài việc chánh yếu là cầu nguyện cho con, cần phải có hành động quan tâm đến phần tâm hồn chứ không chỉ lo cho con về phần vật chất. Dạy con ở lứa tuổi này phải nhẹ nhàng, thông cảm, nên làm một người bạn vong niên để chia sẻ tâm tư tình cảm, giải quyết kịp thời nan đề xảy đến. Không nên cứng ngắt, ra lệnh con phải làm thế này mới tốt, thế kia là xấu, nguy cơ thất bại trong việc dạy con sẽ cao hơn là làm người bạn.
Con cái là niềm hy vọng của gia đình Con cái của chúng ta là những ân điển đến từ Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus công bố rằng Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta [27]. Con cái ra từ tay của Đức Chúa Trời, là những ân điển được gửi đến đất từ trời, một phương thức bảo tồn gia đình bằng thế hệ kế tiếp. Không một ai bị nói là đã sống vô ích khi để lại con cái biết kính mến Chúa và bước theo dấu chân Ngài, điều đó không do tình cờ mà chính cha mẹ phải mài nhọn chúng giống như các mũi tên rồi ngắm cho chúng theo một hướng đúng đắn.
            Phỏng vấn cô Trần Thị Lệ Quyên[28] về việc dạy con có nên đánh trẻ không? Đối với cô Lệ Quyên là làm sao để dạy dỗ con cái tốt nhất là công việc khó. Kinh Thánh nói gì?, “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ[29]. Kinh Thánh nhấn mạnh về tầm quan trọng của kỷ luật, đó là điều bắt buộc phải có trong việc đào tạo nên con người. Con cái không có kỷ luật thường xuyên lớn lên bất trị, không tôn trọng người khác, không tôn trọng nhà cầm quyền và hậu quả dễ thấy chúng hay làm theo ý riêng của chúng và khó hướng về và đi theo Chúa. Chính Đức Chúa Trời dùng những kỷ luật để sửa dạy chúng ta và dẫn dắt chúng ta vào đường ngay thẳng và khuyên giục chúng ta ăn năn những việc làm sai quấy [30]. Phần cha mẹ không được chọc giận con cái [31]. Nuôi dạy con cái trong sự huấn luyện và hướng dẫn của Chúa, bao gồm những hành động như: nén giận, sửa dạy, và yêu thương.

            Kết luận
            Chúng ta phải nắm bắt lấy giá trị cao của gia đình, về mối hôn nhân một chồng một vợ, về sự tiết độ trước hôn nhân và về một đời sống cùng nhau hưởng phước hạnh sau hôn nhân. Chúng ta phải dạy dỗ con cái của chúng ta bằng tình yêu chân thật, bằng chức năng làm mẹ là một sự kêu gọi cao thượng, bằng một người cha tin kính thì quan trọng hơn là làm một người cứ mãi lo chuyện giao tế bên ngoài gia đình, cứ mãi lái xe sang trọng, tiệc tùng và ngồi trong văn phòng có máy lạnh đóng kín. Phải biết rằng con cái chúng ta thì có giá trị hơn mọi thứ tình cảm, mọi sự nổ lực, và mọi đầu tư của thì giờ và tài nguyên của chúng ta để kiếm vật chất đời này.
            Hôn nhân là do Đức Chúa Trời thiết lập, một định chế xã hội trong thế gian, một cuộc sống có trật tự, có trật tự để phát triển. Chúa Jésus đã cầu nguyện với Cha trên trời “Con không cần Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng cứu họ tránh khỏi điều ác.” Chúa Jésus không có tư tưởng đem cơ-đốc-nhân sống tách biệt với xã hội mà phải hòa nhập với xã hội để là ánh sáng cho đời, đem tình yêu thương đến những tấm lòng lạnh lẽo. Cơ-đốc-nhân cần có một tâm tình ban ra hơn là cứ ích kỷ thu vén mọi thứ của cải vật chất đời này vào cho mình, để cuối cùng những thứ hay ten rét này rồi cũng phải để lại cho người khác khi mình qua đời. Hãy yêu người lân cận, người lân cận gần nhất là những thành viên ở quanh mình, một sự kết nối có tính cách riêng tư giữa hai người (vợ - chồng), để sanh ra bông trái của tử cung, từ đó mục đích sống của hai người sống càng có ý nghĩa hơn. Hạnh phúc lứa đôi ở trong tầm tay của mỗi người, của mỗi gia đình có chung tiếng nói, chung ý tưởng, chung niềm tin…Có nhiều điểm chung thì cơ hội xung đột sẽ giảm đi, giá trị bền vững gắn kết nhau bởi tình yêu có cơ hội cho các cá thể có thể sống êm đềm chung một mái nhà, đó là một gia đình có niềm hạnh phúc thật sự. Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là cộng đoàn nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và con trẻ là thế hệ tương lai.
            Kinh thánh cho biết “nhìn cây biết trái, nhìn vào việc làm để biết con người” (Mat 7:16-20,12:33). Hôn nhân do Đức Chúa Trời thiết lập, Ngài là sự yêu thương [32]. Thể hiện sự yêu thương trong đời sống thường ngày, đó là điều cần thiết, để qua đời sống hàng ngày của chính mình cho người khác nhìn vào để thấy sự ấm áp, những người trong gia đình lo lắng cho nhau cách hết lòng, đó là cách sống làm gương, làm muối cho đất và ánh sáng cho thế gian. Kinh Thánh cho biết rằng muốn có một gia đình hạnh phúc thì vợ chồng phải có đồng một tâm tình, đồng tư tưởng, và đồng một tín ngưỡng (Amốt 3:3). Đời sống Cơ Đốc Nhân và người ngoại đạo là vô cùng khác biệt không thể hòa hợp được, sẽ gây xáo trộn trong gia đình và dễ dàng đưa đến đổ vỡ (II Côrinhtô 6:14-18).


Thư mục (Bibliography)

Cơ Đốc Giáo Dục Tập Giáo Viên. Thánh Kinh Căn Bản năm thứ hai. Sách             
     lưu hành nội bộ của Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt nam –      
     Miền Nam.

Dorothyl L.Johns. Giải Quyết Những Nan Đề Cuộc Sống. International Correspondence Institute,    
         Fist Edition 1982, Reprinted 1988

Đời Sống Mới.  Văn phẩm Nguồn Sống ấn hành.

Hôn Nhân & Gia Đình Tập Giáo Viên. Thánh Kinh Căn Bản năm thứ tư.
       Sách lưu hành nội bộ của Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt   
       nam – Miền Nam.

Kinh Thánh. Bản Truyền Thống. Việt Nam: Nhà Xuất bảnTôn Giáo, 2011

Joyce Meyer. Hãy Cầm Giữ Môi Miệng Bạn!. Không nơi xuất bản, Không
      Nhà xuất bản.


Tạp chí

Cố MS Phạm Xuân Tín. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20
Sáu bí quyết thành công thật”. Tạp chí Tỉnh thức. Quí I/2009, 6

Các link

http://nuoctroi.com/?q=node/6808.Thứ sáu,  22/11/2013.



[1] Kinh Thánh . Sáng 1:28
[2] Vì sao án ly hôn ngày càng tăng, Nguyễn Quốc Sử, http://tuphap.wordpress.com/2011/09/27/vi-sao-an-ly-hon-ngay-cang-tang/ 12/12/2013
[4] Sđd, Mat 19: 6
[5] Cơ Đốc Giáo Dục Tập Giáo Viên, Thánh Kinh Căn Bản năm thứ hai, Sách lưu hành nội bộ của Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt nam – Miền Nam, 49
[6] Sđd, “”Ê-phê-sô 6:4
[7] Kinh Thánh, “Ban ra thì có phước hơn nhận lãnh”(CV 20:35)
[8] Sđd, Mat-thi-ơ 19: 4 – 6
[9] Sđd, Ma-la-chi 2:16a
[10] Đời Sống Mới, Văn phẩm Nguồn Sống ấn hành, 58
[11] Malachi 2:13-16; Sáng thế ký 2:22-24; Rôma 7:2; I Côrinhtô 7:10-11.
[12] Hôn Nhân & Gia Đình Tập Giáo Viên. Thánh Kinh Căn Bản năm thứ tư. Sách lưu hành nội bộ của Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt nam – Miền Nam, 21

[13] Sđd, “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”. (Galiti đoạn 6:2)
[14] Tạp chí Tỉnh thức, Quí I/2009, bài Sáu bí quyết thành công thật, 6
[15]                … Không thể thiếu nhau trên mọi bước đời
                        Dẫu mỗi bước ở một bên phải trái
                        Nhưng anh yêu em ở những điều ngược lại
                        Gắn bó đời nhau một bước đi chung.
               Hai mảnh đời thầm lặmg bước song song
               Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
               Chỉ còn một là không còn gì hết
               Nếu không tìm được một chiếc thứ hai kia (Nguyễn Trung Kiên. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20)
[16] Cố MS Phạm Xuân Tín. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20
[17] Sđd, Ga-la-ti 3, 8, 28
[18] Dorothyl L.Johns, Giải Quyết Những Nan Đề Cuộc Sống, International Correspondence Institute, Fist Edition 1982, Reprinted 1988 , 106
[19] Sđd, “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội Thánh, vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài. Vậy nên người đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt.” (Ê-phê-sô 5:25-31)
[20] Sđd, “Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người” (Cô-lô-se 3:19)
[21] Joyce Meyer. Hãy Cầm Giữ Môi Miệng Bạn!. Không nơi xuất bản, Không Nhà xuất bản, 141
[22] 10 bí quyết để có cuộc sống gia đình hạnh phúc, http://nuoctroi.com/?q=node/6808.Thứ sáu,  22/11/2013.
[23] Sđd, "Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự." (Ê-phê-sô 5:22-24)
[24] Sđd, “Bởi chưng không phải đàn ông ra từ đàn bà, bèn là đàn bà ra từ đàn ông; không phải đàn ông vì cớ đàn bà mà được dựng nên, bèn là đàn bà vì cớ đàn ông vậy.” (I Cô-rinh-tô 11:8,9)
[25] Bí quyết để sống hạnh phúc, Tiến Thành, http://www.baomoi.com/Bi-quyet-de-song-hanh-phuc/139/11718615.epi, 25/12/2013
[26] Sđd, Thi thiên 127:3
[27] Sđd, Mathiơ 18:5
[28] Cô Lệ Quyên là người thành lập mái ấm nuôi trẻ mồ côi tại quận Tân bình.
[29] Sđd, Châm ngôn 23:13-14; cũng xem 13:24; 22:15; 20:30
[30] Sđd, Thi Thiên 94:12; Châm ngôn 1:7; 6:23; 12:1; 13:1; 15:5; Ê-sai 38:16; Hê-bơ-rơ 12:9
[31] Sđd, Ê-phê-sô 6:4
[32] Sđd, 1 Giăng 4:8