Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

ĐỪNG BẢO THỦ - CỐ CHẤP

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ

Ranh giới giữa sự kiên định lập trường và sự bảo thủ cố chấp. Hai điều đó tác động đến công tác lãnh đạo như thế nào?

Bảo thủ và kiên định có lằn ranh rất mong manh.
Tính kiên định đi chung với lập trường cho thấy nó tạo nên một cái thế vững chắc. Kiên định lập trường cho thấy chiều hướng tích cực nhiều hơn, vì lập trường chính là suy nghĩ hay quan niệm của cá nhân về một vấn đề gì đó, một khi có lập trường rồi thì người ta sẽ bảo vệ quan điểm, lập trường, chính kiến của mình đến cùng. Kiên định không có nghĩa là tìm ra, mà là xây dựng niềm tin trong công việc, sức mạnh ý chí sẽ giúp tính kiên định phát triển. Thói quen cũng là yếu tố quan trọng giúp phát triển tính kiên định lập trường. Người có tính kiên định luôn được mọi người quí trọng.
Với bảo thủ cố chấp, là cố tình duy trì cái mà mình cho rằng đúng, nó trở thành định kiến của một cá nhân. Bảo thủ có tính cách không cởi mở, cứ ôm khư khư cái lăng kính chủ quan của mình, thiếu sự cảm thông, thiếu sự lắng nghe để thấu hiểu ý kiến của người khác.
Hai điều kiên định lập trường và bảo thủ cố chấp tác động rất nhiều đến công tác lãnh đạo. Với người lãnh đạo dạng kiên định lập trường họ có tính cởi mở, xem xét lại kinh nghiệm của người khác. Ích lợi của sự giao tiếp cởi mở có thể tiêu diệt mầm móng rắc rối, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Những sự khác biệt nhau sẽ không là rào cản trong sự giao tiếp mà qua đó còn giúp cho sự tiến bộ khi chấp nhận sự khác biệt mà bổ sung những khiếm khuyết cho từng cá nhân trong tập thể. Bởi vì cuộc sống này rất đa dạng cần sự đồng tâm hiệp lực của người khác, giải phóng sức mạnh bên trong của mỗi con người. Sức mạnh cộng lực bao giờ cũng mạnh hơn từng phần cộng lại.
Bảo thủ, xét về mặt cá nhân thì đó là một tính cách, một lối tư duy. Tuy nhiên, về mặt xã hội thì đó là một chủ nghĩa, một đường lối. Bảo thủ tự nó không hẳn là một điều xấu vì nó đối kháng với sự tự do quá độ. Nếu không bảo vệ cái cần bảo vệ, giữ lại cái cần bảo tồn thì khi tự do đến nó sẽ cuốn trôi đi những gì gọi là truyền thống. Nhưng bảo thủ đi với cố chấp thì là điều vô cùng tiêu cực sẽ dẫn đến sự cực đoan trong công tác quản lý của người lãnh đạo. Thí dụ: cũng thời là làm nông, xịt thuốc trừ sâu. Ngày trước nông dân không quan tâm đến việc mang khẩu trang khi dung thuốc bảo về thực vật, đôi khi xịt thuốc còn đi dưới gió. Nay theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp phải có phương tiện bảo hộ lao động. Nhưng cũng còn một  số lão nông khi xịt thuốc trừ sâu, rầy phá hại mùa màng, cũng không mang khẩu trang, bao tay, mang mắt kính vì chê cồng kềnh nên không dùng. Con cháu bác khuyên, hãy dùng dụng cụ bảo hộ khi xịt thuốc trừ sâu. Bác khư khư bảo tao làm vậy hoài có sao đâu! Nhưng khi phát bệnh thì bảo trời kêu ai nấy dạ, rồi bác mất, thế là gia đình bác mất đi một trụ cột.


Ảnh minh họa
Làm đúng là điều cần thiết trong mọi lãnh vực. Muốn biết thế nào là đúng thì cần phải học, không thể tự mình nghĩ ra và cho đó đúng là đúng và bắt buộc người ta phải theo mình
NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ