Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GÂY DỰNG HỘI THÁNH MỚI

 PHẠM THỊ NGỌC HUỆ
Fb Ngọc Huệ.Pv

******************************************************
************


I. DẪN NHẬP

Từ cuối thế kỷ XIX, Giáo hội Tin lành cải cách Pháp (Église Réformée de France), chủ yếu thuộc Tin lành Calvin, tăng cường truyền giáo ở các xứ thuộc địa trong đó có Việt Nam.  Sau Hiệp ước Paternotre (1884), giới Tin lành Pháp đã cử một số mục sư đến Việt Nam làm tuyên úy cho những tín đồ Tin lành trong các cơ quan quân sự và hành chính tại Đông Dương.[1]

Chủ đích truyền giáo của giới Tin lành Pháp được triển khai khá bài bản. Năm 1918 họ thành lập Phái bộ nghiên cứu kế hoạch truyền giáo ở Đông Dương. Năm 1921, bốn thành viên của phái bộ, đứng đầu là mục sư nổi tiếng P. Monet (trong đó có hai truyền đạo người Việt Vũ Tam Thất và Đội Dương) rời Paris đến Hà Nội. Năm 1922 phái bộ của P.Monet đã thu được những kết quả ban đầu không nhỏ: thành lập Hội Sinh viên An Nam, trung tâm hoạt động sinh viên do Tin lành bảo trợ ở số 5 Vọng Đức, Hà Nội, đặc biệt cho xuất bản Tạp chí song ngữ Pháp – Việt để lôi cuốn giới trí thức trẻ ở Hà Nội. [2]

Đạo Tin lành du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX do tổ chức Tin lành “Liên hiệp phúc âm truyền giáo” (CMA) truyền vào. Năm 1911 tổ chức này đã xây dựng được cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. Các Hội thánh tin lành được lần lượt được xây dựng tại các địa phương. Năm 1927, Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam được thành lập.[3]

Hiện nay, tại Việt nam theo đà hội nhập quốc tế, đã ký các hiệp định thương mại tự do (Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam – EU, TPP), thành lập cộng đồng kinh tế chung AEC, Việt Nam gia nhập APEC, ASEAN, “gia nhập WTO”[4]. Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ và tham luận của các bộ, ngành, địa phương cho thấy Chỉ thị số 01 đã làm thay đổi rõ nét nhận thức về đạo Tin lành và công tác đối với đạo Tin lành trong toàn hệ thống chính trị. Qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 012005/CT-TTg, ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành (2005-2015) cũng có sự thoáng hơn thời gian trước đó.

Hiện nay (Thứ tư, 11/11/2015), 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có đạo Tin lành đã được công nhận và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho hơn 600 chi hội, hơn 2.700 điểm nhóm của gần 40 tổ chức, nhóm, phái Tin lành. Mối quan hệ giữa chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Tin lành với chính quyền các cấp được cải thiện, chuyển từ xa lánh, co cụm sang gần gũi, tin cậy, chia sẻ trách nhiệm và hợp tác.[5]

“Tin lành đến Việt Nam tính đến nay 104 năm (Năm 2011, Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Đến Việt Nam được tổ chức Tại Hoa Kỳ)”[6]. “Tại Việt Nam chương trình Khai mạc Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng”[7]. Theo Cv 1:8, các giáo sĩ người Pháp đã đến Việt Nam để rao giảng về Tin lành của Chúa từ cuối thế kỷ XIX. Từ lúc chưa có hội thánh nào của Chúa, đến nay đã có rất nhiều hội thánh được mở ra trên khắp ba miền nam, Trung và Bắc.

Để hoàn thành bài viết này, người viết sẽ nghiên cứu những điều nói lên tầm quan trọng của việc mở hội thánh mới. Theo đó, cũng nghiên cứu sách Công Vụ Các Sứ Đồ nói về việc Sứ đồ Phao lô trong những chuyến ông đi truyền giáo. Cùng nêu điển hình – phỏng vấn MS A về những kinh nghiệm thực tế qua việc thành lập hội thánh mới. Qua đó, phước hạnh lớn lao cho người nào, vùng đất nào có Chúa. Cho dù Chúa khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, ban mưa, nắng đồng đều cho kẻ ác, cùng kẻ hiền (Mat 5:45). Tuy nhiên, chỉ có những người nào làm theo Lời Chúa mới được vào Nước của Đức Chúa Trời, chứ không phải kêu gọi Chúa ngoài môi miệng là vào được Nước Ngài đâu (Mat 7:21).

Thành lập Hội thánh mới rất quan trọng, nên các giáo sĩ đã không quản ngại khó khăn vâng theo mạng lịnh của Chúa Giê-xu (Mat 28:18-20), truyền bá Phúc âm của Ngài đến Việt Nam, việc này cho thấy tầm quan trọng của việc mở rộng Vương quốc Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi theo mạng lịnh của Chúa (Cv 1:8).  
           
II. THÂN BÀI
1/ Tầm quan trọng của việc gây dựng hội thánh mới
                 a. Thực hiện Đại mạng lịnh của Chúa Giê-xu: “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin lành cho mọi người” (Mác 16:15). Truyền giáo phải trong quyền năng của Đức Thánh Linh (Cv 1:8), thế nên trước khi thăng thiên Chúa Giê-xu phán bảo “Còn về phần các ngươi hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu 24:49). Thánh Linh ban cho chúng ta khả năng yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương chúng ta, Ngài ban cho năng lực, ân tứ hầu việc Chúa… chúng ta không thể tự phấn đấu để trở nên giống Chúa Giê-xu. Đó cũng chính là lý do mà Đức Chúa Trời đã ban Thánh Linh của Ngài để giúp chúng ta sống một đời sống mới. Chúa Giê-xu phán: “Nhưng Ðấng An ủi, Ðức Thánh Linh, Ðấng Cha nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi nhớ mọi  điều Ta đã phán cùng các ngươi.” (Gi 14:26)

            Sứ đồ Phao-lô dạy giống như một thuyết nhân quả phổ biến, nói ra ai cũng hiểu là “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.” (Ga-la-ti 6:7-8). Giả sử, chính mình là một người nông dân, thì cuộc đời của chính mình là một cánh đồng. Như vậy, bạn muốn điều gì lớn lên trong cuộc đời của bạn? Theo nguyên tắc giống chi sẽ sinh ra giống ấy thì: Nếu chúng ta gieo hạt giống của sự ích kỷ, cả cánh đồng sẽ thể hiện điều mà chúng ta đã gieo! Cũng theo nguyên tắc ấy, thì hội thánh của Đức Chúa Trời sẽ sinh ra hội thánh của Đức Chúa Trời.

Sự gieo trồng hội thánh có nhiều điểm chung với việc làm vườn: “Đó là bắt buộc rằng những người tham gia chuẩn bị đất bằng cách suy nghĩ thông qua một số vấn đề quan trọng trước khi cố gắng để trồng các hạt giống.”[8] Một khi điều này được thực hiện, cơ hội của một mùa thu hoạch bội thu là rất nhiều khả năng đạt được. Chúng ta rất cần có Hội thánh mới vì: “Chúa Giê-xu Christ là người xây dựng các hội thánh. Ngài là một trong những người gieo trồng chúng, và Ngài là một trong những người phát triển chúng.”[9]. Hội thánh là thân thể của Đấng Christ (Êp 1:23), không ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Giê-xu Christ (1 Cô 3:11). “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ…” (Mat 28: 19-20). Khi Tin lành của Chúa được gieo ra, có người tin nhận, thì rất cần có nơi nhóm lại. Nơi nào có đôi ba người nhóm lại dưới Danh Chúa, vì Đức Chúa Trời thì sẽ có Ngài ngự trong vòng nhóm người đó. Nhóm nhỏ là nơi bắt đầu hội thánh của Đức Chúa Trời. Nhiều hội thánh mới được mở ra thì Vương quốc Đức Chúa Trời được mở rộng.

                        b. Mở rộng Vương quốc Đức Chúa Trời trên đất:
Vương quốc Đức Chúa Trời trên đất, là ý chỉ hội thánh hữu hình được thành lập ở khắp mọi nơi trên đất này. Kinh thánh cho biết: Vương quốc Đức Chúa Trời không ở đây, ở kia, mà ở trong lòng của con người (Lu 17:21). Sứ đồ Phao lô nói lên kinh nghiệm khi có Chúa của ông: “Nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Thánh Linh vậy” (Rô 14:17). Sứ đồ Phao lô đã từ bỏ vinh hoa của đời này mà ông có được (Cv 22:3-4), sau khi Chúa bắt phục ông, và ông đã phục vụ Chúa cách hết lòng.

            Qua con người Vương quốc Đức Chúa Trời được mở rộng qua việc thành lập các hội thánh Chúa ở khắp nơi. Nghiên cứu Cv 2:41-47, hội Thánh đầu tiên là hội Thánh kiểu mẫu: Sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi-e-rơ đã giảng một bài kết quả có cả 3.000 người ăn năn tin Chúa Giê-xu. Hội Thánh bắt đầu được thành lập và sinh hoạt như sau: - Bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ; - Bền lòng giữ sự thông công của anh em; - Bền lòng giữ lễ bẻ bánh; - Bền lòng giữ sự cầu nguyện. Họ được dạy dỗ, họ ham thích như trẻ con ham thích sữa mẹ, nên được lớn lên trong sự sống thuộc linh. Họ thông công với nhau thân mật, bẻ bánh dự tiệc thánh, rồi ăn chung với nhau một cách vui vẻ thật thà… Có sự chia xẻ vật chất với nhau. Đặc biệt, là bền lòng cầu nguyện cách sốt sắng, hết lòng. Đó là mọi hành động  phát xuất từ tấm lòng đầy dẫy Đức Thánh Linh, đầy tình yêu thương vô vị lợi. Nhờ vậy mà Đức Chúa Trời đã thi hành nhiều dấu kỳ phép lạ trong hội Thánh làm cho mọi người cảm biết sự hiện diện của Ngài mà kính sợ. Kết quả: “Mỗi ngày, Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh”.

            Hội thánh của Chúa không phải là một tổ chức của một hội đoàn, một tổ chức tôn giáo. Cho nên khi mở hội thánh mới cũng cần theo những điều có giá trị nền tảng như:
            - Hội thánh ngày nay gồm có các sinh hoạt theo gương mẫu của hội thánh đầu tiên và phù hợp theo địa phương, đa số đều có các hoạt động: Thờ phượng – truyền giảng – môn đồ hóa – thông công – làm công tác xã hội từ thiện.
            - Lãnh đạo hội thánh biết nhận diện những người có ân tứ (trong và ngoài hàng giáo phẩm) để trang bị cho những người này làm giáo sĩ, đi mở hội thánh mới. Đồng thời cũng phát huy khả năng lãnh đạo của họ để họ làm hạt nhân trong việc tạo dựng, lãnh đạo nhóm nhỏ nơi gieo hạt giống Tin lành của Chúa; Và cũng nhằm tìm ra người làm hạt nhân của vùng đất mới mở theo Lời Kinh thánh, “Ấy chính Ngài đã làm cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ” (Êp 4: 11-12).
            - Có sự hiểu biết Kinh thánh, hiểu biết vững chắc về bản chất của hội thánh. Vì không ai có thể bắt đầu một công việc nếu không biết chính mình phải làm gì và công việc đó ra sao.
            - Nhận biết được những vùng đất có người đáp ứng với Lời Chúa. Theo ngụ ngôn "Người gieo giống", là dụ ngôn của Chúa Giê-xu được chép trong ba sách Phúc âm Cộng quan (Mác 4:1-20, Ma 13: 1-23, và Lu-ca 8: 1-15). Dụ ngôn này cho thấy rằng Tin lành của Chúa gieo ra chỉ là một, nhưng sự đáp ứng, sự lớn lên của hạt giống thì tùy theo từng loại đất. Trong bốn loại đất chỉ có loại đất mà hạt giống đâm chồi lên được (Mat 13:23). Cho nên để ứng dụng Kinh thánh vào thực tế đời sống phải tuân theo lời dạy của Kinh thánh, không phải làm theo sự suy nghĩ của cá nhân cho là phải.
            - Nhiệt tình truyền đạt đức tin của chính mình trong Đấng Christ cho thân hữu: Sự làm gương bao giờ cũng mang lại kết quả phản ảnh lại kết quả mang tính nhân quả, ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” (Ga-la-ti 6:7-8). Kinh thánh cho biết: “Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rãi. Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình” (Thi 126:6). Việc công bố Phúc âm cũng chưa đủ sức thuyết phục người ta tin theo, mà cần cho thân hữu thấy được nhu cầu cần có Chúa trong đời sống của họ, cho họ có cơ hội hưởng ứng và dâng cuộc đời của họ cho chính Chúa, để Chúa làm chủ, chứ không phải một thần nào khác.
            - Nhóm nhỏ là khởi đầu một hội thánh: Sứ đồ Phao lô rao giảng Phúc âm cho người Do thái cũng như người ngoại, rồi ông thờ phượng Chúa tại các tư gia được Kinh thánh ghi lại như: Cv 16:40 (nhà Ly-đi), Cv 17:5-7 (nhà của Gia-sôn)… Sứ đồ Phao lô không cố định ở một chỗ, ông cũng di chuyển từ nhà này sang nhà kia cách không trễ nãi (Cv 20:20). Điều này nhấn mạnh việc hội thánh bắt đầu nhóm lại tại tư gia. Ngày nay, các hội thánh “Tư gia” cũng theo mô hình này.
            - Thờ phượng Chúa: Bước đi cùng Chúa, bước vào sự hiện diện của Ngài qua nhóm nhỏ mới được thành lập là điều cần thiết được làm càng sớm càng tốt vì sẽ thu hút người ta đến để được biết Chúa Giê-xu là ai? Ngài đã làm gì cho con người? Ngài là Đấng chân thần duy nhất. Tin lành của Chúa không phải là một tôn giáo chỉ dạy làm lành, lánh dữ. Tin lành của Chúa rất khác biệt và cần hiểu cho đúng, đó là: Chúa Giê-xu đến thế gian để cứu rỗi linh hồn tội nhân (Giăng 3:16).
            - Hội thánh mẹ cần chuẩn bị chu đáo về tài chánh: Nhằm để tránh đặt gánh nặng tiền bạc lên nhân sự mới và đừng để cho dân sự mới hiểu lầm về việc dâng hiến là đóng góp của cải vật chất như là một cách làm phước để hưởng phước theo quan niệm truyền thống của người trong thế gian.
            - Khi mở hội thánh mới, đồng lúc với sự huấn luyện cho dân sự mới cần có nội dung có khải tượng bắt đầu những hội thánh mới khác. Thật giống như quan điểm của người Việt “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”, vì khi còn là măng không uốn nắn, thì khi thành tre rồi thì làm sao uốn được! Tục ngữ Việt Nam có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Việc làm phù hợp với phong tục tập quán của địa phương thì dễ dàng được sự chấp nhận của người địa phương. Rao giảng Tin lành của Chúa cũng thế, không thể bỏ qua mà không nghiên cứu đến phong tục tập quán, tín ngưỡng, niềm tin…của người dân nơi đó. Nghĩa là hội thánh của Chúa phải “phù hợp với văn hóa… phải liên quan khi bắt đầu và phải tiếp tục có liên quan.”[10]. Hội thánh mới của Chúa được thành lập khi có sự tham gia, tin nhận Chúa của người địa phương. Qua đó, phước hạnh của Chúa sẽ được ban cho con cái Ngài, là những người nhận được sự cứu rỗi của Chúa qua sự nghe và tin nhận, “Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là  khi Lời của  Đấng Christ được rao giảng” (Rô 10:17). Từ phước hạnh sẽ dẫn đến phước hạnh, vì “Ai kêu cầu Danh chúa thì sẽ được cứu” (Rô 10:13; Giô ên 2:32).

                        c. Dẫn phước Chúa đến cho người được cứu rỗi:
            “Mùa gặt không thể xảy ra trước kỳ gieo, thì phước lành của Chúa không hề xảy đến trước khi gieo giống” [11]. Kinh thánh cho biết rằng Ðức Chúa Trời giáng thế thành người là vì yêu thương cả nhân loại và muốn mọi người đều được cứu (Gi 3:16). Chúa đến trong trần gian, thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài, Ngài dâng chính mạng sống Ngài trên thập tự giá để chuộc tội cho cả loài người. Hễ ai thành thật tin nhận sự chuộc tội ấy cho cá nhân mình thì sẽ được tái sanh, được đổi mới để có thể nhận lấy sự cứu rỗi từ nơi Chúa trong hiện tại và tương lai (1Gi 3:5-9). Vì vậy Ðức Chúa Giê-xu sẽ đến trong trần gian lần nữa để đón tiếp những người được cứu vào trong nước đời đời của Ngài (Hê-bơ-rơ 9: 28; Khải 22:4), để được sự vui mừng lớn trong sự hiện diện vinh hiển của Chúa (Giu-đe 24).

            Người truyền đạo cần nói rõ ràng, minh bạch. Như trong câu Kinh thánh Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Câu này có hai vế rõ ràng: Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài/ hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mấtmà được sự sống đời đời. Bản chất của Đức Chúa Trời là tình yêu thương nhưng Ngài cũng là Đấng thánh kiết, công bình. Tuy nhiên, dù tình yêu của Ngài ban ra, Ngài cho không điều kiện, nhưng để trở thành con cái của Chúa, được sự sống đời đời, phải có điều kiện là “tin và nhận” đó là sự vâng phục lời dạy từ Kinh thánh, do Chúa Giê-xu là chân lý và sự sống, chẳng bởi Ngài thì không có ai có thể vào được Nước thiên đàng của Đức Chúa Trời (Giăng 14:6).

            Đức Chúa Trời mong muốn thiết lập Vương quốc Đức Chúa Trời. Ngài mong muốn mọi tạo vật của Ngài đều chấp nhận uy quyền của Ngài. Làm thế nào Chúa thiết lập vương quốc của Đức Chúa Trời? Đó là Ngài thực hiện qua sự thuận phục của loài người. Mọi sự đều ở trong sự thuận phục, ở trong sự hợp tác hoàn toàn giữa con người thuận phục dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Ngày nay, hội thánh cũng phải để uy quyền của Đức Chúa Trời tự do hành động trong hội thánh của Ngài, dưới sự vận hành của Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Chỉ những hội thánh có Chúa làm chủ, Ngài sẽ giữ gìn hội thánh của Ngài và không có hội nào thắng được hội thánh của Chúa (Mat 16:18b), và qua hội thánh của Chúa, cơ đốc nhân sẽ được lớn lên làm hội thánh được vững mạnh phát triển, cũng nhằm con người sẽ nhận được phước hạnh của Chúa càng thêm.

            2/ Đức Chúa Trời gìn giữ hội thánh Ngài
            a. Hội thánh hữu hình cũng có khi khó phát triển và cũng có khi bị tan rã:
Hiện nay, dân số trên thế giới đang gia tăng theo nhịp độ kinh khủng. Cứ mỗi giây lại có thêm hai người. Theo ước tính của liên hiệp quốc thì sau một ngày sẽ có thêm gần 200.000 người. Nếu đà này cứ tiếp tục, dân số thế giới sẽ vượt quá mức bảy tỉ trong thế hệ chúng ta. Trong khi dân số thế giới tăng gia tốc, mà những người được nghe Tin lành tăng theo nhịp tiến của xe bò. Tỉ lệ tín hữu trên thế giới trong những thập niên gần đây càng lúc càng thấp. Một nhà truyền giảng nổi tiếng đã nói: “Chúng ta không chinh phục thế gian về cho Chúa, chúng ta đang đánh mất họ. Nhưng cũng còn một hy vọng cho chúng ta ngăn cơn thủy triều nầy lại, đó là hội thánh phải trở lại với kế hoạch giảng Tin Lành của Chúa Giê-xu.”[12]. George Barna trong những năm 1990 đã viết:

Trong bảy năm qua, tỷ lệ người lớn đã chấp nhận Chúa Giê-su Cơ Đốc là Đấng Cứu Rỗi cá nhân của họ (34%) đã không tăng lên. Mọi thứ đã không thay đổi nhiều kể từ năm 1990. Vấn đề là quá nhiều hội thánh Mỹ thành lập đã bị mất nhiệm vụ của họ. Điều này sẽ làm cho chúng ta tự hỏi họ đang làm gì.? [13]

Tại sao hội thánh và Cơ Đốc giáo và ở Mỹ đang suy giảm? Đó là sự tăng trưởng của các tà giáo và tín ngưỡng không thuộc Cơ Đốc giáo khác nhau trên khắp Bắc Mỹ. Sự sụt giảm trong các hội thánh Cơ Đốc giáo đã tạo ra một khoảng trống tinh thần mà người khác đã vội vã để điền vào.[14]

Tại Việt Nam tình hình này cũng không khác mấy. Gần đây, có tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đến Việt Nam (đầu thế kỷ 21)[15], tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự xuất hiện của tà giáo này được ghi nhận đầu tiên vào khoảng năm 2007, riêng tại Hà Nội, có lẽ nó đã bắt đầu hoạt động từ vài năm trước đó. Tại Hàn Quốc tổ chức này hoạt động dưới danh xưng World Mission Society Church of God, mặc dù với một danh xưng đầy thuộc linh nhưng thực chất công việc của tà giáo không nhắm vào những người chưa tin nhưng lại hướng về tín hữu Cơ Đốc thuộc các hội thánh chánh giáo. Một hội đồng với đại diện các hội thánh tại Hàn quốc đã tuyên bố World Mission Society Church of God là một tà giáo, và nhắc nhở các tín hữu cẩn thận với hoạt động của tà giáo này.

            Sở dĩ Tà giáo phát triển được vì phần lớn họ chú tâm thỏa mãn yêu cầu của con người. Thông thường, một số người theo tà giáo vì người đó có vấn đề khó giải quyết, và tà giáo đó hứa sẽ giải quyết nan đề cho họ! Thường các nan đề của họ đều là về tình cảm, kinh tế thất thu do mất việc làm gây lo buồn… Nếu Hội Thánh không thể cung cấp sự ấm áp về tinh thần một cách chu đáo và nghiêm túc và sự giải bày về Lời Đức Chúa Trời chân thật, thì những ai có nhu cầu về tinh thần sẽ tìm đại lộ thênh thang khác để được thỏa mãn, nơi mà họ có thể nương cậy về đời này. Những người dính dáng đến tà giáo thường là từ hội thánh Cơ Đốc, nhưng lại là những người không được học hay có được học nhưng không hiểu giáo lý Cơ Đốc căn bản, khiến họ trở thành con mồi cho tà giáo quyến rũ. Từ thời các Sứ đồ, Phaolô đã cảnh báo có Christ giả và tiên tri giả sẽ tìm cách lừa dối hội thánh thật và thế gian (IICô 11:13-15), chứ không phải ngày nay mới có tà giáo.

Cảnh báo về việc hội thánh bị chết đi: “Hội Thánh đang suy giảm  tại Hoa Kỳ, Hội Thánh đang chết và sẽ tiếp tục chết trong những năm tương lai. Có đến 3500-4000 Hội Thánh phải đóng cửa gần như mỗi năm.”[16]. Tại Việt Nam cũng có nhiều hội thánh đã được thành lập, đi vào hoạt động không bao lâu cũng không còn tồn tại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có các lý do phổ biến như: Mất đoàn kết nội bộ, không hợp nhất của lãnh đạo hội thánh; Cạn kiệt nguồn kinh phí do tín hữu nghèo hay không rộng lòng dâng hiến, phần lớn do người quản nhiệm hội thánh không được trang bị thần học cách chính qui nên việc dạy dỗ Lời Chúa không thấu đáo, khiến tín hữu không hiểu được sự phước hạnh của người dâng hiến cách rời rộng; Mặt khác, không có tài chánh để duy trì hoạt động là không còn nhận được sự tài trợ tài chánh của tổ chức nào đó; Cũng đôi khi do sự chuyển đổi vị trí đặt hội thánh khiến tín hữu cũ thì không đi đến nơi mới nhóm thờ phượng được, trong khi truyền giáo không hiệu quả, dẫn đến việc không có thêm người; Hội thánh cũ đã mất sự năng động, mất sự nóng cháy như lúc ban đầu, trở nên ì ạch, bảo thủ… không tươi mới trong Lời Chúa; Một lý do khác đáng chú ý là do hội thánh chỉ còn là một tổ chức dưới sự lãnh đạo của con người, không còn có Chúa Thánh Linh vận hành mà lãnh đạo hội thánh không hay biết.

            Gây dựng hội thánh mới là phương pháp tốt nhất của việc truyền giáo. Tuy nhiên mọi sự phải dưới sự tể trị của Chúa, dưới sự vận hành của Đức Thánh Linh thì hội thánh của Chúa mới tồn tại được. Tin lành đã đến Việt Nam hơn 100 năm, dù qua nhiều lần “hội thánh bị bách hại”[17]; Tuy nhiên, cửa địa ngục không thắng được hội thánh của Chúa [18] vì có Ngài gìn giữ hội thánh của Ngài.
           
b. Đức Chúa Trời gìn giữ hội thánh Ngài
“Đấng Cứu Rỗi đã không từ bỏ hội thánh của Ngài.”[19]. Theo sự phát triển trong lịch sử Cơ đốc giáo, có thời kỳ có những hoạt động truyền giáo hăng say, mạnh mẽ và đa dạng, nhưng cũng có nhiều giai đoạn hoạt động truyền giáo yếu ớt hoặc dường như dừng lại hay bế tắc. Tuy nhiên, hội thánh của Chúa là công cụ của Ngài dùng để mở rộng Vương quốc của Ngài trên thế gian. Và do sứ mạng của Chúa Giê-xu khi đến thế gian là “tìm và cứu kẻ bị hư mất”(Lu 19:10), trước khi Chúa Giê-xu thăng thiên, Ngài truyền lại Đại mạng lệnh (Mat 28:19-20), đã được các sứ đồ nhờ ơn Chúa đã thành lập được nhiều hội thánh mới được sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại. Đồng thời, hội Thánh là thân thể của Ðấng Christ (Ê-phê-sô 1:22-23); "Chính Ngài là đầu của thân thể tức là hội thánh" (Cô-lô-se 1:18). Chúa Giê-xu đã nói “Còn Ta, Ta bảo các ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập hội thánh Ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Mat 16:18). Thêm nữa, một trong những chức năng của hội thánh là truyền giáo, hội thánh cũng là nơi sai phái giáo sĩ ra đi để đem Tin lành đến những vùng đất mới và gây dựng nên những cơ đốc nhân mới và nơi nào có hai ba người nhân danh Chúa nhóm lại thì có Chúa ở cùng họ (Mat 18:20); “Chúa là Đức Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó” (II Cô 3:17). Cho nên, hội thánh của Chúa dưới quyền năng tể trị của Ngài, cho dù hội thánh hữu hình vì lý do nào đó mà tan rã ở một địa phương nào đó, thì hội thánh của Chúa vẫn còn tồn tại ở những nơi khác trên quả địa cầu này. Và tiếp nối bởi những thế hệ con người, thì những giáo sĩ ra đi truyền giáo sẽ tiếp tục mở những hội thánh mới, báp-tem cho người mới và môn đồ hóa họ qua hội thánh cho đến ngày Chúa Giê-xu Christ tái lâm.

            3/ Gương mẫu mở hội thánh mới của Sứ đồ Phao lô
                        a. Những việc làm của Sứ đồ Phao lô khi lập hội thánh mới:
Sứ đồ Phao-lô là một giáo sĩ, một nhà truyền giáo hiệu quả, ông không muốn đến giảng những nơi đạo Chúa đã được rao giảng rồi.  Ông chỉ muốn đến những vùng đất mới, nơi Tin Lành chưa được rao giảng. Ông là là nhà truyền giáo tiên phong, đi vỡ đất mới và xây nền cho công việc Chúa. Tuy nhiên, ông không làm việc một mình, vì ông biết công việc Chúa là công việc cần có nhiều người hợp tác. Ông đặt nền móng đức tin cho con cái Chúa xong rồi thì ông đến giảng chỗ khác. Ông đào tạo lãnh đạo địa phương, để các vị khác có thể tiếp tục công việc xây dựng hội thánh. Khi ông rời khỏi ông không bỏ hẳn nơi đã lập hội thánh, Sứ đồ Phao lô đã viết thư thăm hỏi, dạy dỗ qua các thư tín được Tân ước ghi lại.

Nghiên cứu Kinh thánh Sứ đồ Phao lô đã làm những việc sau:
* Ông vào thành phố (Cv 19:1); * Ông chinh phục những linh hồn hư mất (Cv 14:21; 19:8,10,20); * Ông dạy dỗ tân tín hữu (Cv 14:22; 19:9,10); * Huấn luyện lãnh đạo địa phương (Cv14:22; 20:17-21); * Thành lập hội thánh và chọn trưởng lão để lãnh đạo địa phương (Cv 14:23; 19:1-20, 35); * Ông rời và đi đến nơi khác (Cv 20:36-38).

Theo truyền thống, Sứ đồ Phao lô đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo và cũng có cuộc truyền giáo thứ tư: hành trình I vào khoảng năm 46-48 (Cv 13:1-14:28), hành trình II khoảng năm 50-52 (Cv 15:6- 18:22), hành trình III vào khoảng 53-58 (Cv 18:23-21:17) và cuối cùng (khoảng năm 60) là hành trình đến Rô-ma trong tư thế chứng nhân bị xiềng xích. “Trong câu chuyện sống động về vụ đắm tàu trong Cv 27:1-28:16, Lu-ca cũng cho chúng ta thấy rõ ràng rằng việc Sứ đồ Phao lô đến được Rô-ma suy cho cùng là công việc của Đức Chúa Trời"[20], nên đây không phải là một tai nạn.

Trong Tân ước, người ngoài hàng giáo phẩm như Phi-lip đã rao giảng Phúc âm cho người hư mất và làm báp-tem cho họ (Cv 8:12). Như vậy, việc việc rao giảng Tin lành, làm báp-tem cho thân hữu không phải chỉ dành độc quyền cho người được phong chức mục sư. Hiện nay, nhiều nơi chưa có mục sư, nhưng việc thành lập hội thánh mới thì luôn luôn cần thiết và mang nhiều ích lợi cho dân chúng, hơn là việc cứng ngắt theo truyền thống cho rằng duy chỉ có mục sư mới có quyền làm báp-tem cho người mới!

            b. Ích lợi của việc mở hội thánh mới:
Mở hội thánh mới đó là làm việc lành, mà cơ đốc nhân vâng phục Thiên Chúa để khỏi phạm tội, “kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17). Chính việc lành này là làm theo gương của Đức Chúa Trời (Êp 2:10) “Đức Chúa Trời sắm sẳn trước cho chúng ta làm theo”.

Hội Thánh đem lại sự bảo vệ thuộc linh cho những người tin kính. Đức Chúa Trời giao cho những người lãnh đạo bầy chiên trách nhiệm trông chừng, bảo vệ, phòng thủ và chăm lo cho sức khỏe thuộc linh của bầy mình. Đời sống Cơ-đốc không chỉ có sự cam kết với Đấng Christ mà nó bao gồm cả sự cam kết với các Cơ-đốc nhân khác nữa. Các Cơ-đốc nhân ở Ma-xê-đoan hiểu rõ điều này, Phao-lô viết: “Họ lại làm quá lòng trông cậy của chúng tôi, vì trước hết đã dâng chính mình cho Chúa, và sau lại cho chúng tôi, theo ý muốn Đức Chúa Trời” (II Cô 8:5). Hội Thánh sai phái người ra đi truyền giáo, đồng nghĩa hội thánh đó sẽ được phước hơn, và điều này cũng ích lợi cho những người được sai phái và ích lợi cho công việc Chúa chung nữa, vì hội thánh của Chúa được thành lập thì lãnh thổ của “chúa đời này” là sa-tan sẽ bị đẩy lùi, thu hẹp.

Làm vinh hiển Danh Chúa, mọi việc làm thể hiện đặc tính của Đức Thánh Linh, “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ ” (Ga-la-ti 5:22). Nghĩa là, động cơ của việc làm là vì lòng yêu thương, thể hiện bản tính của Đức Chúa Trời, đây là nếp sống đạo được thực hành qua đời sống của người Cơ-đốc, nhằm chinh phục nhiều người cho Đấng Christ.

Thêm hội thánh mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các Cơ đốc nhân ở vùng xa hội thánh mẹ, có nơi nhóm lại. Theo đó, có thể tạo thêm nhiều nơi đào tạo người hầu việc Chúa nhiều hơn nữa. Tương lai của hội thánh phần lớn nằm trong việc phát triển hội thánh mới hiện tại, “Đâu không có nghị luận, đó mưu định phải phế; Nhưng nhờ có nhiều mưu sĩ, mưu định bèn được thành.” (Châm 15:22).

Trong Chúa không có sự phân biệt giới, Chúa đã dùng người nam, còn người nữ vẫn được Chúa đại dụng: “Bê-rít-sin, bà và chồng là A-qui-la làm nghề may trại và giảng dạy, bà có hội thánh nhóm lại tại nhà (1 Cô 16:19)… bà đóng vai trò quan trọng trong hội thánh đầu tiên.”[21]

“Những cộng đồng địa phương được thay đổi” [22]: Có lẽ chúng ta cần nhìn xem sự tấn tới vẻ vang, vui mừng của Tin lành vào thế giới của người ngoại, việc tấn tới này được làm cho mạnh sức nhờ Đức Thánh Linh và kết quả dẫn đến việc: những cuộc đời và cộng đồng địa phương được thay đổi theo như ý định của Đức Chúa Trời cho hội thánh.

            Hội thánh là một thực thể sống nên lẽ dĩ nhiên là nếu khỏe mạnh thì hội thánh sẽ phát triển. Hội thánh là một Thân thể, không phải là một công ty kinh doanh; Hội thánh không phải là một tổ chức mà là một thực thể sống động. Nếu Hội thánh không phát triển, nghĩa là nó đang chết dần, chết dần. Gây dựng hội thánh mới là phương pháp tốt nhất của việc truyền giáo để thay thế những hội thánh đã tan rã. Trên thế giới này còn có hàng tỉ người chưa được cứu rỗi linh hồn nên phải cần đến hàng triệu hội thánh mới để rao giảng Phúc âm cho họ. Việc mở hội thánh còn nhiều lợi ích khác nhau trong đó có sự đẹp lòng của Đức Chúa Trời vì sự vâng phục của Cơ đốc nhân.

                        c. Tác hại của việc không mở hội thánh mới:
            Nghiên cứu thư tín Cô-rinh-tô, để thấy rõ ràng về tác hại của nơi không có hội thánh của Chúa.

            Thành phố Cô-rinh-tô là một trục giao thông giữa hai miền bắc và nam của xứ Hy Lạp. Chúng ta cũng thấy phía tây và phía đông của xứ Hy Lạp là biển Mediterranean, nên thành phố Cô-rinh-tô cũng là trục giao thông giữa đông và tây. Vì nằm trong một vị thế rất đặc biệt như vậy, thành phố Cô-rinh-tô rất giàu có… điểm xấu là đây là thành phố trụy lạc. Người ta để ý rất nhiều về tình dục, người ta tìm kiếm những điều về thể xác. Đặc biệt hơn hết, thành phố này là thành phố đầy những đạo lạc. Trong thành phố có nhiều nhà thờ dành cho nữ thần Aphrodite, một nữ thần chuyên dạy người ta theo tình dục. Người ta coi việc làm tình ở trong những đền thờ nữ thần Aphrodite là một cách thờ phượng. Những người nhận mình làm việc trong những đền thờ như vậy thật ra chỉ là những gái mại dâm ngụy trang.[23]

            1 Cô-rinh-tô là “một hội thánh chia rẽ[24]: họ chia rẽ về sự lãnh đạo (1:12); chia rẽ về các tiêu chuẩn đạo đức (5:1-8); chia rẽ giữa cơ đốc nhân yếu và cơ đốc nhân mạnh (8:7-12); chia rẽ giữa người giàu và người nghèo (11:17-22); Thậm chí các ân tứ thuộc linh cũng chia rẽ họ (12:12-26)

            Gương xấu tại Cô-rinh-tô: Loạn luân (1 Cô 5:1); Kiện cáo nhau trước mặt kẻ ngoại đạo (1 Cô 6:6); 1 Cô 8, nói về ăn của cúng thần tượng… Sứ đồ Phao lô đến thành phố Cô-rinh-tô (Cv 18) và hội thánh được thành lập (Cv 18:1-11). Những giải pháp của Sứ đồ Phao lô đưa ra để đem đến phước hạnh nơi đó là: Ông nhắc nhở rằng dân Y-sơ-ra-ên dưới sự dẫn dắt của Môi-se đã uống nước chảy ra từ một hòn đá thiêng liêng, đó là Đấng Christ (1 Cô 10:4; Dân 20:11). Sau đó, ông nhắc đến hậu quả tai hại của việc ham muốn những điều xấu như trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Môi-se, và ông nói thêm: “Những sự ấy có nghĩa hình-bóng, và họ đã lưu-truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời”. Chúng ta đừng bao giờ trở nên quá tự tin và nghĩ rằng chúng ta không thể ngã! (1 Cô 10:11-12; Dân 14:2; 21:5; 25:9).

Tình trạng bên trong hội thánh, cũng như môi trường thịnh vượng và phóng túng của thành Cô-rinh-tô ngày trước, phần lớn có sự tương đồng với thời nay, cho nên Lời của Đức Chúa Trời đã soi dẫn Phao-lô viết ra thật đáng cho chúng ta suy gẫm mà từ bỏ thói xấu, không thuộc vào đạo đức của Đức Chúa Trời, được ghi trong Mười điều răn (Xuất 20:1-17; Mat 22: 37-40). Những gì Phao-lô nói mang rất nhiều ý nghĩa cho thời kỳ của chúng ta. Vì thế, việc xem xét cẩn thận lá thư 1 Cô-rinh-tô mà ông gửi cho các anh em yêu dấu ở thành Cô-rinh-tô sẽ thật ích lợi. Vì đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng những lý do không được vào Nước Trời (1 Cô 6:9-10). Nước Trời là đích đến của mọi cơ đốc nhân, nếu không được vào thì sự sống đời đời của Đức Chúa Trời sẽ không có trên họ. Tác hại của việc không mở hội thánh mới là nơi đó không được nghe Phúc âm của Chúa, dân chúng nơi đó không được cảnh báo những tội lỗi phải từ bỏ để được vào Nước trời.

            4/ Kinh nghiệm mở hội thánh mới tại Tây ninh của mục sư A:
Mở hội thánh mới, mục sư A hiểu rằng chính bởi Đức Thánh Linh, tin cậy Ngài dẫn dắt mình đi đến những người khao khát thuộc linh, kết quả mở hội thánh mới không phải bởi sự khôn ngoan, mạnh mẽ ra đi theo ý riêng của con người.

* Trước khi đi gây dựng hội thánh: Cầu nguyện dốc đỗ - tìm hiểu văn hóa phong tục, tập quán của nơi sẽ đến truyền giáo - huấn luyện nhân sự truyền giáo - chọn người ra đi (làm giáo sĩ) - Chuẩn bị tài liệu (Truyền đạo đơn, phim về Cơ đốc, sách truyện tích Kinh thánh cho thiếu nhi) - Chuẩn bị tài chánh - Cầu nguyện hướng đến vùng đất mới sẽ đến – MS đi thăm viếng một số người quen (bà con, bạn bè…) - Lập thành nhóm nồng cốt để ra đi…

* Giai đoạn ra đi: Nhóm nồng cốt đi tiên phong (khoảng 2-3 người), chọn nhà người quen mà MS đã đến thăm viếng để khởi đầu gieo hạt giống Tin lành. Mục sư tìm người tìm kiếm người muốn có sự bình an cho linh hồn mình. Bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời theo cách thực tiễn (Gi 13:34-35), là người theo Chúa Giê-xu chúng ta không chọn lựa người để chúng ta yêu thương, bởi vì trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng, nhất là trong nhu cầu cứu rỗi linh hồn. Trong tuần, nhóm nồng cốt đến thăm viếng thân hữu và chứng đạo thường xuyên, cùng đi với người quen đến thăm láng giềng để mở rộng mối quan hệ và là để thực hiện mục đích chứng đạo. Nhờ người mới giới thiệu bạn mình và mời họ đến nghe Tin lành của Chúa. Trong thời gian này, tìm ra hộ gia đình nào đó có tâm tình, khả dĩ nhờ nhà của họ để làm nơi nhóm lại, giao lưu, kết nối để thêm sự hiểu biết nhau. Đồng thời để người địa phương có mối tương giao, để gây dựng làm nơi nhóm lại của nhóm tế bào đầu tiên.

* Nhóm nhỏ: Nhóm tế bào nhanh chóng hình thành vì nơi nào có hai, ba người nhóm lại thì có Chúa ở cùng (Mat 18:20), dạy dỗ lẽ thật của Kinh thánh để tín hữu nơi đó được lớn lên trong Lời của Chúa. Xây dựng những người chịu trách nhiệm với nhóm mới, dần dần để tín hữu được trưởng thành để lập những người lãnh đạo.

Những điều mục sư A thực hiện trên mang lại kết quả là thành lập được hai nhóm nhỏ trong thời gian năm tháng, trong đó có một nhóm mới và một nhóm tập trung lại những tín hữu cũ của một hội thánh đã tan rã trước đó do thiếu người chăm sóc.

III. KẾT LUẬN
Tin tức được thuvienhoasen.org nhận định[25]:
Đặc biệt, lại có ông Minh Ngọc ở trong nước phản hồi bài viết nầy của Allen Carr bằng một cách tiếp cận rất khoa học là “xét người thì cũng nên ngẫm lại ta” để mô tả những “hạn chế và yếu kém” của Phật giáo Việt Nam hiện nay, khiến chúng ta trở thành đối tượng “cải đạo” hấp dẫn của các nhóm Tin Lành. 
 Ông liệt kê bốn lãnh vực bất cập: 
- Hoằng pháp: Không thu hút giới trẻ, chùa chiền thưa thớt xuống cấp, tu sĩ quá ít, Phật sự tẻ nhạt đìu hiu.
- Tác phong tu sĩ: Trên tay phì phèo điếu thuốc, quá thân mật với nữ Phật tử, phát ngôn linh tinh, xuyên tạc chính trị.
- Hình ảnh ngôi chùa: Nhà chùa là cơ sở kinh doanh, nơi buôn thần bán thánh mê tín dị đoan.
- Gia đình Phật tử: Quá yếu về số lượng và chất lượng.

Những điều liệt kê trên, đi sát với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay. Nên đời sống đạo Cơ đốc cần được phát huy nhiều hơn nữa để cơ đốc nhân làm muối cho đất, làm ánh sáng cho thế gian, chính đời sống đạo là kênh truyền giáo mềm mại nhất và mang kết quả rất cao qua việc cá nhân chứng đạo. Việc mở nhiều hội thánh mới là điều cấp thiết hiện nay.

            “Nước Thiên đàng trở thành hội thánh (Mat 16:13-23). Đây là sứ điệp rất quan trọng trong các sách Phúc âm, bởi vì đó là lần đầu tiên Chúa Giê-xu đề cập đến từ “hội thánh". Ngài và Giăng Báp-tít đã bắt đầu thi hành chức vụ bằng việc rao giảng Tin lành về Nước Đức Chúa Trời. Khi ở trên núi và trong các ẩn dụ của Ngài, Ngài đã công bố Phúc âm của nước thiên đàng tức là Nước Trời.”[26]

Lời Đức Chúa Trời dạy rõ: “người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau” (1 Côrinhtô 3:8). Việc mở một Hội Thánh mới thật ra có thể không cần phải bắt đầu với một cơ sở nhà thờ, cũng có khi không nhất thiết phải bởi mục sư đã được phong chức. Trong lịch sử của hội thánh, đã có rất nhiều những hội thánh nhỏ, lớn, và rất lớn, đã được hình thành theo cách “Hội thánh nhóm trong nhà người” (Cô-lô-se 4:15; Phi-lê-môn 1:2; 1Cô-rinh-tô 16:19; Rô-ma 16:5...) vốn vẫn là hình mẫu của hội thánh Tân Ước. 

            Mặc dù Kinh Thánh không đề cập cụ thể đến sự lớn lên của hội thánh, mà sự lớn mạnh trong hội thánh là nhờ sự dốc lòng học hỏi, thấu hiểu điều Chúa Giê-xu nói, “Ta sẽ xây dựng hội thánh của Ta, và các cửa âm phủ sẽ không thắng được hội thánh ấy” (Ma-thi-ơ 16:18). Phao-lô khẳng định hội thánh có nền tảng ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ (1 Cô-rinh-tô 3:11). Đức Chúa Giê-xu Christ cũng là người đứng đầu của hội thánh (Ê-phê-sô 1:18-23) và sự sống của hội thánh (Giăng 10:10). Một hội thánh có thể tồn tại và lớn lên mặc dù số lượng thành viên không thay đổi, nếu người trong hội thánh lớn lên trong ân sủng và sự hiểu biết về Chúa Giê-xu, thuận phục ý của Ngài cho đời sống của họ, cả cá nhân và cả hội thánh, đó là một hội thánh đang trải qua sự lớn lên đích thực. Sự lớn lên thông thường theo một khuôn mẫu điển hình: Có những người gieo trồng (ra đi truyền giáo), có những người tưới nước (mục vụ chăn bầy của hội thánh), và những người khác sử dụng các ân tứ thuộc linh của họ để giúp mọi người khác trong hội thánh. Nhưng điều cốt lõi là Đức Chúa Trời làm cho lớn lên (1 Cô-rinh-tô 3:7). Người gieo trồng và người tưới nước sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc họ đã làm (1 Cô-rinh-tô 3:8). 

            Ðấng Christ đã thiết lập hội thánh như một trung gian để thực hiện công trình của Ngài ở thế gian. Khi Chúa Giê-xu giáng sinh, cũng như khi Ngài thăng thiên, hội thánh của Chúa chưa được thành lập. Đến nay, bước qua thế kỷ XXI, trên thế giới hội thánh của Chúa xuất hiện trên khắp các châu lục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi chưa được nghe Tin lành của Chúa vì nhiều lý do, trong đó tại Việt Nam cũng vậy. Thế nên, việc cần nhiều người đi rao ra Tin lành của Chúa, để lập nên những nhóm nhỏ cầu nguyện, học Lời Chúa, phát triển những nhóm lớn hơn nữa để thành lập điểm nhóm mới, hội thánh mới để Tin lành của Chúa được rao ra khắp đất, để môn đệ hóa muôn dân cho Chúa. Thành lập hội thánh mới cho Chúa trong quyền năng của Chúa, chắc chắn Chúa sẽ gìn giữ để “Ý Cha được nên ở đất cũng như trời”. Kinh Thánh Châm ngôn 29:18 chép rằng: “Đâu thiếu sự mặc thị ,dân sự bèn phóng tứ; Nhưng ai gìn giữ luật pháp lấy làm có phước thay!”



PHẠM THỊ NGỌC HUỆ
Fb Ngọc Huệ.Pv

*********************
************

THƯ MỤC:

SÁCH THAM KHẢO:
* Aubrey, Malphurs. Gây dựng Hội thánh phát triển. (Phiên bản 3).Grand Rapids: Baker Book House, 2004.
* Kinh thánh
* Dick Woodward, Các Sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ, Hội Truyền Giáo Quốc Tế - Trường Cao Đẳng Thánh Kinh, không NXB, NXB.
* Đỗ Hữu Nghiêm, Phương pháp truyền giáo của Tin Lành giáo tại Việt Nam, Viện Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Khoa, luận án cao học sử, Sài Gòn, 1968.
* Edith Deen, Tất Cả Những Người Nữ Trong Kinh thánh, không NXb, NXB.
* Hướng Dẫn Học Phần 4, Môn học Xây Dựng Hội Thánh, Viện UUC.
* Gordon D.Free & Douglas Stuart, Làm Thế nào Để Đọc và Hiểu Kinh Thánh Theo Từng Sách, Sách hướng dẫn để am hiểu Kinh thánh, ZONDERVAN Grand Rapids, Michigan 49530, Lưu hành nội bộ, không NXB, NXB.
* Gordon D.Free & Douglas Stuart, Cách Đọc Hiểu Kinh Thánh Theo Từng Sách, Sách lưu hành nội bộ, không NXB, NXB.
* RobbThompson, Tối Ưu Trong Gieo Và Gặt, Dịch giả Ngô Minh Hòa, Không NXB – NXB.
* Robert E. Coleman, Kế Hoạch Phổ Biến Tin lành của Chúa Giê-xu 2, Không NXB, NXB.
* John Balchin. Peter cotterell. Mary Evans. Gilbert kirb. Peggy Knight. Derek Tidball, Kinh Thánh Theo Bố Cục, Printed and Published in Vietnam – 2005, không NXb, NXB.

CÁC WEBSITE:

* Mission Handbook: North American Protestant Ministries Overseas, 10thEdition, NewYork, 1973. 01/02/2016
*http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/TDKT/index.php?option=com_content&task=view&id=7140. 03/02/2016.
* https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_Tứ_Ân_Hiếu_Nghĩa, ngày 03/03/2016

**********************************
*********************
************

I. DẪN NHẬP
            II. THÂN BÀI
1/ Tầm quan trọng của việc gây dựng hội thánh mới
                        a. Thực hiện Đại mạng lịnh của Chúa Giê-xu
                        b. Mở rộng Vương quốc Đức Chúa Trời
                        c. Dẫn phước Chúa đến cho người được cứu rỗi
            2/ Đức Chúa Trời gìn giữ hội thánh Ngài
            a. Hội thánh hữu hình cũng có khi khó phát triển và cũng có khi bị tan rã
                        b. Đức Chúa Trời gìn giữ hội thánh Ngài
            3/ Gương mẫu mở hội thánh mới của Sứ đồ Phao lô
                        a. Những việc làm của Sứ đồ Phao lô khi lập hội thánh mới
            b. Ích lợi của việc mở hội thánh mới
                        c. Tác hại của việc không mở hội thánh mới
            4/ Kinh nghiệm mở hội thánh mới tại Tây ninh của mục sư A
III. KẾT LUẬN

      [1] Mission Handbook: North American Protestant Ministries Overseas, 10thEdition, NewYork, 1973. 01/02/2016
[2] Đỗ Hữu Nghiêm, Phương pháp truyền giáo của Tin Lành giáo tại Việt Nam, Viện Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Khoa, luận án cao học sử, Sài Gòn, 1968, tr 319 .
[4] http://vietbao.vn/Kinh-te/Viet-Nam-chinh-thuc-gia-nhap-WTO-ngay-11-1-2007/45220802/87/ - Ngày 19/12, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã gửi công hàm tới phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ), trong đó thông báo: Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, ký tại Geneva ngày 7/11/2006, sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2007 và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên của WTO từ 11/1/2007. 05.02.2016
[8] Aubrey, Malphurs. Gây dựng Hội thánh phát triển. (Phiên bản 3).Grand Rapids: Baker Book House, 2004, Tr 30.
[9] Aubrey, Malphurs, Sđd, tr 54.
[10] Aubrey, Malphurs, Sđd, phụ lục B, mục Một Mục Vụ Phù Hợp Văn Hóa, tr 548
[11] RobbThompson, Tối Ưu Trong Gieo Và Gặt, Dịch giả Ngô Minh Hòa, Không NXB – NXB, tr 5.
[12] Robert E. Coleman, Kế Hoạch Phổ Biến Tin lành của Chúa Giê-xu 2, Không NXB, NXB, tr 26.
[13] Aubrey, Malphurs, Sđd, tr 58.
[14] Aubrey, Malphurs, Sđd, tr 74.
[16] Hướng Dẫn Học Phần 4, Môn học Xây Dựng Hội Thánh, Viện UUC, tr 4.
[17] http://hoithanh.com/10022/100-nam-tin-lanh-viet-anm-phat-trien-trong-kho-khan-1927-1954.html, ngày 03/04/2016: “Năm 1928 Nhà nước thuộc địa Pháp và Triều Đình Huế ra lệnh cấm các tôn giáo ngoài Công giáo. Tin Lành bị bắt bớ. Ông bà Cadman bị giữ passport vì vi phạm luật. Mục sư Phan Ðình Liệu bị bắt và giam tù vì giảng đạo.” 
[18] Kinh thánh, Mat 16:18.
[19] Aubrey Malphurs, Sđd, tr 56.
[20] Gordon D.Free & Douglas Stuart, Cách Đọc Hiểu Kinh Thánh Theo Từng Sách, Sách lưu hành nội bộ, không NXB, NXB, tr 365
[21]  Edith Deen, Tất Cả Những Người Nữ Trong Kinh thánh, Không NXB, NXB, tr 224
[22] Gordon D.Free & Douglas Stuart, Làm Thế nào Để Đọc và Hiểu Kinh Thánh Theo Từng Sách, Sách hướng dẫn để am hiểu Kinh thánh, ZONDERVAN Grand Rapids, Michigan 49530, Lưu hành nội bộ, không NXB, NXB. Tr 133
[24] John Balchin. Peter cotterell. Mary Evans. Gilbert kirb. Peggy Knight. Derek Tidball, Kinh Thánh Theo Bố Cục, Printed and Published in Vietnam – 2005, không NXb, NXB, tr 215.
[26] Dick Woodward, Các Sách Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ, Hội Truyền Giáo Quốc Tế - Trường Cao Đẳng Thánh Kinh, không NXB, NXB, tr 83