Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

KINH THÁNH - SÁCH GIÓP

M.A Ngọc Huệ

ĐỀ TÀI  :                 ĐỨC TIN CẦN ĐƯỢC THỬ THÁCH
CHỦ ĐỀ:           VỮNG ĐỨC TIN TRƯỚC SỰ THỬ THÁCH.

          Kinh Thánh Gióp 2:1-10
Câu Gốc: Gióp 2:10
Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy,
còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?"

 

DẪN NHẬP

Sách Gióp là một phần thiết yếu của Kinh Thánh vì nó cho thấy rõ vấn đề chính giữa Ðức Chúa Trời và Sa-tan. Liên quan đến sự trung kiên của con người đối với Ðức Giê-hô-va. Sách cũng chứng minh là Ðức Chúa Trời không gây đau khổ, bệnh tật và chết chóc cho nhân loại và còn cho biết lý do tại sao người công bình bị khổ. Gíóp là hình ảnh của người công bình kính yêu Chúa vẫn chịu sự khổ nạn. 

Theo sách Gióp các thiên sứ ra mắt Đức Chúa Trời, trong khung cảnh của cuộc họp trên trời, có một nhân vật khác lạ mà Kinh Thánh gọi là Satan (2:1), theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Kẻ đối địch”, nhân vật này cũng là một trong những con trai của Đức Chúa Trời. Cụm từ “con trai của Đức Chúa Trời” mang ý nghĩa “từ Đức Chúa Trời”, được Đức Chúa Trời tạo nên, ở đây chỉ về các thiên sứ kể cả satan đều là những vật thọ tạo thuộc lãnh vực siêu nhiên.

   I/ CHUYỆN XẢY RA TRÊN THIÊN ĐÀNG (2: 2 – 6)
a. Nhân vật: Đức Chúa Trời và Satan đối thoại nhau
b. Câu chuyện:
Vấn đề được đặt ra là “Tại sao người ngay lành, trung tín, có đời sống đạo yêu kính, thờ phượng Đức Chúa Trời được Ngài có lời chứng tốt vẫn gặp khổ nạn?”.
Đức Giê-hô-va hỏi Satan từ đâu đến. Satan trả lời rằng: “tôi trải qua đây đó trên đất và dạo chơi”. Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng? Trên đất chẳng có ai giống như người, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác; lại người bền đỗ trong sự hoàn toàn mình, mặc dầu ngươi có giục ta phá hủy người vô cớ.”
          Cụm từ “ngươi có giục ta” (2:3) không có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể bị thúc đẩy làm điều nghịch lại ý chỉ của Ngài. Đức Chúa Trời chỉ vạch ra rằng Satan đã thách đố những lý do khiến Gióp trung thành với Đức Chúa Trời nên Ngài đã cho phép Satan “thử” Gióp. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ cho Satan gây đau đớn thân thể Gióp, nhưng không được cất đi mạng sống của ông (2:6). Ở đây cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời có thể cho điều ác xảy ra trong thế giới nhưng trong tầm Ngài kiểm soát và cho phép. Từ đó mà dẫn đến sự đau khổ cho ông Gióp.
          Lời Chúa khẳng định Gióp là một nhân vật có thật: “Dẫu trong đất có ba người này, là Nô-ê; Đa-ni-ên và Gióp cũng chỉ cứu được linh hồn mình, bỏi sự công bình mình” (Ê-xê-chi-ên 14: 14, 20). Nếu chúng ta nghi ngờ sự hiện diện của Gióp trên cõi đời này thì có lẽ chúng ta cũng sẽ chối bỏ Nô-ê; Đa-ni-ên.
          Satan không đồng ý với sự đánh giá của Đức Chúa Trời về phẩm hạnh của ông Gióp. Hắn nghĩ rằng Gióp sẳn sàng hy sinh về “da” của mình {(“Lấy da đền da” (c 4), có nghĩa là miễn còn sống, chẳng màn chi đến của cải.}. Thành ngữ Việt Nam có câu: “Của đi thay người”. Đức Chúa Trời đã bác bỏ lời buộc đó và cho phép Satan thử Gióp để nó thấy rằng lời của nó là không đúng.
          Đức Chúa Trời đã cho Satan “thử” vì Ngài biết phẩm chất trung thành của Gióp. Còn chúng ta thì sao? Có phải chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời vì những quyền lợi vật chất không? Liệu Đức Chúa Trời có phải thừa nhận rằng Satan đã nói đúng nếu nó chỉ ra ai đó trong chúng ta đã hầu việc Đức Chúa Trời vì những lợi ích cá nhân không?.
         
          c. Hậu quả:
Chuyện xảy ra trên trời có hậu quả thế nào?. Sự công kích của Satan không phải có ý chống lại ông Gióp mà chống lại chính Đức Chúa Trời.
Bởi vì, Satan cũng là vua cầm quyền chốn không trung (Êp 2:2), nó là “kẻ chống đối” Đức Chúa Trời luôn luôn. Satan đã tra tay hành hại ông Gióp bị ung độc, cơ thể ngứa ngái đến độ phải gãi bằng miễn sành và ngồi trong đống tro (C 8). Bởi vì, Satan cũng có quyền năng, nó đã làm đau khổ người được Chúa có lời chứng là công bình. Bệnh tật đến từ Satan, điều này đã chứng minh đã đi ngược với suy nghĩ, quan niệm truyền thống “…nào bao giờ có kẻ vô tội bị hư mất” (Gióp 4:7).
Satan lý giải rằng Gióp sẽ rủa sả Đức Chúa Trời nếu Ngài cho phép nó làm đau đớn trên thân thể Gióp. Đức Chúa Trời cho phép, song giới hạn là không được cướp đi sinh mạng của Gióp.   
Đức Chúa Trời không nói gì về sự thông minh, tài năng hay sự giàu có của Gióp với Satan, vì những điều này không có giá trị gì với Ngài. Ngài chỉ nói đến sự thánh khiết và công bình của Gióp, cũng giống như Chúa Jêsus, chính phẩm chất này đã làm Đức Chúa Trời đẹp lòng, chứ không phải những thành đạt hay sự giàu sang.
Vì vậy câu hỏi quan trọng nhất không phải là “Người khác nghĩ gì về trình độ thuộc linh của tôi, tài cán, học vị của tôi?” mà là “Liệu Đức Chúa Trời có thể tự hào về tôi và làm chứng về tôi với Satan không?”.
Chuyện xảy ra trên trời, phản ảnh bản chất của cuộc chiến đấu giữa thiện và ác. Không chỉ ngày xưa mới có mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn diễn ra. Điều này cho thấy truyền thống cho rằng “Ác giả, ác báo”, sự đau khổ là hậu quả của tội lỗi là không đúng với mọi hoàn cảnh. Mà có khi là do ý muốn của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cũng cho biết rằng: Đức Chúa Trời sửa phạt kẻ Ngài yêu – Như Ngài cho phép Ê-tiên bị ném đá (CV 7:59); Sứ Đồ Phao-Lô bị dằm xóc; Chúa Jésus đã từng chịu thống khổ.

II/ CHUYỆN XẢY RA TRÊN ĐẤT (2:7 – 10):
a. Sự đau khổ của Gióp (2: 7 – 8)
Trước đó, ông Gióp là nhân vật rất giàu, ông có những mười người con, bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều, ông lớn hơn hết trong dân Đông phương (Gióp 1:2 – 3). Nhưng giờ thì ông mất tất cả, mà còn bị đau đớn “từ bàn chân đến chót đầu” (C 7), rồi lại ngồi trên đống tro (2:8). Đây là thứ bệnh hiếm gặp, thời của ông Gióp hành động ngồi trên đống tro là một cách để người ta than vãn về tình trạng của mình. 

b. Lời trách móc của vợ Gióp (2:9)
Khi nhìn chồng mình trong cảnh đau khổ, bà còn quở trách ông vì cố giữ “sự hoàn toàn” (2:9) và bà thúc giục ông rủa sả hoàn cảnh theo lẽ thường tình của người đời. Bà bảo ông Gióp “hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi” (2:9).
Vợ ông Gióp là thành viên trong gia đình còn sống sót bên Gióp sau cơn thử nghiệm lần thứ nhất của satan ở đoạn 1. Satan làm 10 người con của ông Gióp chết, nó để lại vợ ông, kề cận bên ông xúi ông làm chuyện sai trái với Đức Giê-hô-va; Đây là mưu mô của satan, nó dùng bà để thực hiện mục tiêu độc ác của nó.
Trong cảnh đau đớn, có vợ kề bên không an ủi mà còn xúc xiểm vào niềm tin của chính mình, vào Đấng mình tôn thờ nhưng ông Gióp cũng không nghe theo, cho thấy rằng kế hoạch gian ác muốn ngăn cách Đức Chúa Trời và con cái Ngài của ma quỉ không phải lúc nào cũng thành công.

c. Bởi vì ĐỨC TIN của Gióp không bị lung lay (2:10)
          Ông Gióp đã từng thực hành ý nghĩ, “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về. Đức Giêhôva đã ban cho, Đức Giêhôva lại cất đi, đáng ngợi khen danh Đức Giêhôva " (Gióp 1: 21). Trong cảnh nguy khốn, ông Gióp đã không phạm tội vì ông không nói lời phạm thượng Đức Chúa Trời mà còn ngợi khen Danh Đức Giê-hô-va. Cao trào lên đỉnh điểm của sự thờ phượng Đức Chúa Trời ông Gióp đã hỏi vợ ông: “Uả sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?” (2: 10). Chắc chắn là ông Gióp tin rằng Đức Giê-hô-va ban cho điều tốt nhất.
  
           III/ ÁP DỤNG
          Khi nghiên cứu sách Gióp, chúng ta thấy rằng sách không đào sâu về sự đau khổ mà đặc biệt nói về quyền năng cao cả và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
Gióp cũng không biết vì sao ông chịu mất mát, khổ đau về tinh thần cả thể chất.
Ông cũng không biết đây là sự bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời.    
Chúa biết ông trung tín đến mức cùng tận của sự đau khổ, Chúa đã dùng ông để thử nghiệm về đức tin, sự trung thành của con cái Chúa.
Nhờ cứ trung thành với Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh, Gióp đã minh chứng rằng sự khôn ngoan thật, sự thịnh vượng chỉ xuất phát từ Đức Chúa Trời và khi luôn luôn có Ngài ở cùng và luôn luôn ở trong Ngài.
          Chúng ta không biết những gì đang diễn ra trong thế giới “linh”, gây ảnh hưởng đến hoàn cảnh sống của chúng ta trên đất. Hay những hoạn nạn mà chúng ta gặp có thể là sự phản ảnh cuộc chiến thuộc linh diễn ra tại các nơi trên trời là thế nào!. Đôi khi Đức Chúa Trời cất đi tất cả những chỗ mà chúng ta nghĩ rằng có thể dựa dẫm được như gia đình, con cái…của cải, để chúng ta ngã hẳn về Ngài.
          Truyền thống và thế gian hay cho rằng “Ác giả, ác báo”, sự đau khổ là hậu quả của tội lỗi, khi học về Gióp cho thấy điều này là không đúng với mọi hoàn cảnh. Hoàn cảnh của ông Gióp khiến chúng ta nhìn lại động cơ của chúng ta khi phục vụ Chúa. Nó cũng buộc chúng ta xét lại ý tưởng sai lầm rằng: Đức tin và ơn phước luôn luôn đi song đôi với nhau.
          Những điều xảy đến cho chúng ta không phải là ngẫu nhiên nhưng đã được hoạch định đặc biệt cho chúng ta để thử chúng ta (nhưng sẽ không quá sức chịu đựng) “theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời” (CV 2: 23). Sự thử thách có mục đích biến đổi chúng ta giống ảnh tượng của Đấng Christ và bày tỏ cho các tà linh của Satan ở các miền trên trời và mọi nơi trên đất biết rằng Đức Chúa Trời vẫn còn có những người trên đất này yêu Ngài, vâng lời Ngài, ngợi khen Ngài bằng đức tin trong mọi hoàn cảnh, thuận phục mọi cách giải quyết của Ngài đối với họ, mà còn chấp nhận mọi thử thách một cách vui mừng. Và Lời Kinh Thánh khích lệ: “Chớ lo phiền chi hết... Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn... trong mọi sự hãy... tạ ơn” (Philip 4:4,6).