Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

ĐÔI ĐIỀU VỀ NHIỆT ĐIỆN THAN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Có những điều cần quan tâm về những nhà máy nhiệt điện than, theo TS. Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ trình bày trong buổi Tọa đàm do Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường phát triển (CHANGE) tổ chức tại TP.HCM vừa qua.

Văn bản phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua ngày 18/3/2016. Theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh này, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ có công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm 49,3% điện sản xuất toàn quốc, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than. Đến năm 2030, tổng công suất điện than sẽ tăng lên đến khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỷ kWh, chiếm 53,3% điện sản xuất toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm. Đến giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 85 triệu tấn than/năm cho sản xuất điện, gấp hai lần khả năng cung cấp than trong nước (40 triệu tấn than/năm), vì đến thời điểm này nguồn than ở Việt Nam đã dần cạn kiệt hoặc khó khai thác thương mại.

Theo Quy hoạch này, một loạt các nhà máy nhiệt điện than sẽ được xây dựng ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ, xuống tỉnh Hậu Giang và tiếp ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện. Ngoài các nhà máy dọc theo dòng sông Hậu ra đến biển, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng ở Long An (Long An I và II, với công suất lắp đặt 1.200 MW/nhà máy) và Bạc Liêu (1.200 MW). Các dự án nhiệt điện khác ở Kiên Lương, Kiên Giang (Kiên Lương I, II, III), Than An Giang (2.000 MW) và Sông Hậu III (2.000 MW) đã được loại bỏ trong QHĐ VII Điều chỉnh. Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau I và Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí - điện - đạm với công suất ước tính mỗi nhà máy là 750 MW khi đốt khí; 669,8 MW khi đốt dầu DO.

Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, một số ít dùng dầu DO hoặc khí đốt. Than hiện nay được cung cấp một phần từ các mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh và tương lai gần các nhà máy này sẽ sử dụng than nhập khẩu từ Úc, Indonesia, hoặc Nga.

Trong các nguồn nhiên liệu hoá thạch dùng để phát điện, than được xem là loại chất đốt gây ô nhiễm không khí cao nhất, kể cả các chất thải rắn và lỏng phát sinh trong quá trình sản xuất điện năng. Điều này đang dấy lên nhiều quan ngại từ cộng đồng dân cư và các nhà khoa học, các tổ chức hoạt động về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, trên các diễn đàn báo chí, các cuộc hội thảo, toạ đàm và các trao đổi không chính thức gần đây, xuất hiện một số quan điểm và phát biểu khẳng định sự lựa chọn nhiệt điện than là tất yếu không thể thay thế để trấn an cộng đồng. Sau đây sẽ là những sự tập trung phân tích và làm rõ các vấn đề liên quan tới 10 câu hỏi thường gặp sau đây.

1/ Phải chọn nhiệt than, như là cứu cánh cho an ninh năng lượng quốc gia.

Theo ông Tuấn: Nguồn than ở Việt Nam chủ yếu là than anthracite ở Quảng Ninh, than nâu vùng đồng bằng phía Bắc ở độ sâu 600 - 2.000 m dưới đất, khó khai thác. Tương lai, khi nguồn than trong nước cạn kiệt, phải nhập than từ nước ngoài như ở Indonesia và Úc, chủ yếu là than bitum. Với loại than bitum, các nhà máy trong nước phải điều chỉnh quy trình đốt và phát điện. Nếu trên 50% nguồn năng lượng cung ứng cho một hệ thống điện quốc gia phải nhập từ bên ngoài, nghĩa là chúng ta sẽ rơi vào thế lệ thuộc vào bên ngoài và chịu nhiều rủi ro. Thực tế, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một hợp đồng dài hạn nào để nhập khẩu than cho tương lai vì vẫn chưa xác định nguồn nhập khẩu than từ nước nào, sẽ thoả thuận nhập với giá bao nhiêu, tất cả đều là ẩn số và chứa đựng nhiều bất trắc.

An ninh năng lượng phải bao gồm chuỗi các hoạt động từ nguồn cung nguyên liệu, lắp đặt nhà máy và thiết bị sản xuất điện, vận hành nhà máy, hệ thống truyền tải điện đến nơi tiêu thụ cuối cùng. An ninh năng lượng phải gắn với các an ninh khác như an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh chính trị, ... nếu không, tính bền vững của an ninh năng lượng sẽ không bảo đảm vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.

2/ Chọn nhiệt điên than vì giá thành sản xuất rẽ hơn các nguồn điện khác, nhất là so với điện từ nang lượng tái tạo

Cần đánh giá lại lập luận này, vì có nhiều chứng cớ cho thấy là giá thành nhiệt điện than không hề rẽ, nếu không muốn nói là khá đắt! Nhiệt điện than tính theo giá bán sản phẩm điện hiện nay là giá không thật, có nhiều yếu tố “bao cấp”, như kiểm soát giá nhiên liệu (ví dụ như than và khí đốt), được chỉ đạo theo phê duyệt từ Nhà nước, không bao hàm giá cả thị trường tự do. Việc tính giá sản xuất từ nhiệt điện than cũng đã bỏ qua chi phí môi trường, sức khoẻ người dân và tác động tiêu cực gián tiếp lên xã hội. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trợ giá cho các nhiên liệu hóa thạch đã chiếm 2,93 tỷ USD năm 2012 (2,8% GDP của Việt Nam).

Nhiều ý kiến cho rằng giá thành điện từ năng lượng tái tạo không thể rẻ hơn điện than. Thực tế, giá điện gió hiện hành là 7,8 US$ cent/kWh và điện mặt trời quy mô lớn hiện nay là 11,2 US$ cent/kWh và điện mặt trời lắp trên mái nhà là 15 US$ cent/kWh (theo đề xuất của Bộ Công Thương trình Chính phủ). Tuy nhiên, một số quốc gia khác nhờ chính sách đầu tư hiệu quả vào năng lượng tái tạo, giá điện “xanh” đang rẻ hơn rất nhiều. Năm 2015, Công ty điện Enel Green đã ký một hợp đồng bán điện mặt trời cho Mexico với giá 3,6 US$ cent/kWh và giá 3 US$ cent/kWh ở Morroco. Ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) giá điện mặt trời chỉ có 2,99 US$ cent/ kWh. 

Nếu so với giá điện mặt trời năm 2014 ở Mỹ là 5 US$ cent/kWh thì chỉ sau 16 tháng, dự án điện 800 MW ở Dubai năm 2015 đã làm giá điện mặt trời ở đây giảm xuống 50%. Nếu đưa giá xã hội liên quan đến carbon vào và so sánh lợi ích khi giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và các phí tổn phải trả trong tương lai theo tính toán của Sundqvist and Soderholm (2002) thì giá điện than trung bình có thể lên đến 18,75 US$ cent/kWh, trong khi điện gió xuống còn 0,41 US$ cent/kWh và điện mặt trời là 1,12 US$ cent/kWh.

3/ Nguồn thuỷ điện ở Việt Nam (chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia) phải chịu tác động do biến đổi khí hậu nên phải có nhiệt điện than bù đắp các thiệt hại và thiếu hụt khi lượng mưa - dòng chảy lưu vực thay đổi thất thường.

Biến nguy cơ thành lợi thế. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuỷ điện do quy luật mưa thay đổi bất thường, làm gia tăng mức độ khô hạn, lũ lụt cực đoan khiến nguồn nước cung cấp cho nhà máy thuỷ điện trở nên bấp bênh. Các yếu tố khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng có khuynh hướng kéo dài hơn, thời gian của mùa mưa bị rút ngắn lại, nước biển dâng và sóng biển mạnh hơn, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc sẽ mạnh dần lên trong tương lai,... nếu xét cho kỹ, đôi khi lại là một lợi thế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo nếu chúng ta biết tận dụng những yếu tố thay đổi có vẻ như là “nguy cơ” này trở thành các lợi thế.

Vùng Đồng bằng là khu vực bán đảo thấp và phẳng, giáp mặt cả biển về phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam với đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 km và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km2, rộng gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Với thuận lợi về mặt địa hình như vậy và với điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6,0 m/s ở độ cao 80 m (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu) thì tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500 MW. Năng lượng sóng biển, năng lượng thuỷ triều, năng lượng sinh khối đều rất dồi dào ở ĐBSCL và chưa có điều kiện đầu tư khai thác đáng kể.

Mô hình PRECIS cho vùng ĐBSCL khẳng định mùa nắng dự đoán là sẽ kéo dài hơn vào khoảng 2 tuần lễ, nghĩa là mùa khô trong năm có thể là 7,5 tháng. Số ngày có nhiệt độ nóng trên 35oC sẽ tăng từ 150 – 180 ngày/năm như hiện nay có thể lên đến 180 - 210 ngày/năm. Điều này có thể là điều kiện rất tốt cho khai thác điện mặt trời, giúp gia tăng hiệu quả khai thác khiến giá thành điện sẽ rẻ hơn. Tốc độ gió của các tháng trong năm từ 2020 - 2050 trung bình sẽ gia tăng từ 10 - 20% so với hiện nay. Năng lượng sóng biển sẽ gia tăng tương ứng với mức gia tăng tốc độ gió. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió gần bờ và cả xa bờ, nguồn cung ứng động lực cho các turbine gió ngày càng dồi dào.

4/ Quy hoạch, kế hoạch bố trí chuỗi 14-15 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL là trên cơ sở xem xét đây là vùng kinh tế trọng điểm nên có nhu cầu sử dụng điện gia tăng.

Ý kiến trên được xét qua thực tế là ĐBSCL có lợi thế là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đây là vùng kinh tế “ít sử dụng điện” vì đây là khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất nước . Ngoài ra, vùng ĐBSCL là vùng có đặc điểm đa dạng sinh học cao, nơi có nhiều khu đất ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, các Vườn Quốc gia nên rất nhạy cảm với ô nhiễm không khí, nguồn nước. Các hoạt động du lịch sinh thái ở những nơi này đều không có nhu cầu sử dụng điện cao. Tiêu thụ điện sinh hoạt ở ĐBSCL cũng thấp do phần đông người dân có thu nhập thấp và sống ở vùng nông thôn (trên 70% dân số).

5/ Các dự án điện than sẽ giúp tạo thêm công ăn - việc làm và gia tăng chỉ tiêu GDP cho quốc gia và địa phương ở ĐBSCL?

Điều này phải nhìn lại vì tại các khu công nghiệp điện than, trước tiên người dân sở tại bị mất đất sản xuất và cư trú phải di dời vào các vùng tập trung chật hẹp và khó sống khác. Nhiều nơi chi phí đền bù đất đai, hoa màu, nhà cửa rất thấp, không thể tái tạo khả năng sản xuất và điều kiện sống cho người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều nhà máy nhiệt điện than lại hợp đồng với các công ty Trung Quốc để sử dụng lao động từ Trung Quốc tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh khác. Việc đóng góp thêm cho ngân sách địa phương không thể nào bù được những mất mát sinh kế và tổn hại sức khoẻ của cộng đồng người dân và cả chính cán bộ chính quyền địa phương.

6/ Việc bố trí 14 nhà máy nhiệt điện than tập trungở ĐBSCL còn 1 lý do khác nữa là đất đai ở đây còn rẻ và chi phí đền bù mất đất cho người dân tại chỗ không đáng kể nếu so với các khu vực khác ở đồng bằng miền Bắc, duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ?

Giá đất đai và quy định cho việc đền bù cho người dân ở ĐBSCL còn khá thấp so với các vùng đất khác nhưng cần phải xem xét các yếu tố khác. Thứ nhất, đây là vùng nhạy cảm về hệ sinh thái tự nhiên và nơi đất đai màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Làm thu hẹp các diện tích này sẽ trực tiếp đánh vào an ninh lương thực và xã hội của đất nước. Thứ hai về mặt địa chất và nền móng, vùng châu thổ phía Nam này hình thành do phù sa bồi tụ nên có kết cấu đất rất yếu. Thi công các nhà máy công nghiệp nặng lên vùng địa chất yếu sẽ rất tốn kém chi phí nền móng công trình và khối lượng cát đá san lấp rất lớn. Chi phí này cao hơn rất nhiều so với tiền đền bù đất đai nếu so với làm công trình ở những vùng khác có cấu trúc địa chất cứng chắc hơn và nguồn vật liệu xây dựng gần hơn.

7//Các cảnh báo, dự báo ô nhiễm không khí, gây bệnh tật, chết người từ các công cụ mô hình tính toán từ nước ngoài, có vẻ như được “thổi phồng”, gây tâm lý sợ hãi, chưa được kiểm chứng ở Việt Nam?

Tại Mỹ, tổ chức Clean Air Task Force (CATF) đã tiến hành nhiều nghiên cứu về tác  sức khỏe do ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than. Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn tới 13.000 ca tử vong hàng năm tại Mỹ. về nguy cơ các hạt PM2.5 chủ yếu do nhiệt điện than đã gây ra 366.000 ca chết yểu ở Trung Quốc trong năm 2013. Theo kết quả một nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học từ Đại học Harvard, Hoa kỳ (2015)16 dựa vào QH điện VII thì sự hiện diện các hạt PM 2.5 ô nhiễm từ nhiệt than tại Việt Nam đã gây ra khoảng 4.300 cái chết yểu trong năm 2011. Báo cáo nhấn mạnh, dự báo đến năm 2030, con số tử vong do nhiệt điện than ở Việt Nam hằng năm có thể sẽ lên đến 25.000 người, nếu tất cả các nhà máy trong quy hoạch điện VII được xây dựng.

8/ Hiện nay đã có những công nghệ mới trong nhiệt điện than có thể áp dụng để giảm thiểu đáng kể ô nhiễm không khí, nước thải, tro bụi và xỉ than từ nhà máy?

Do những áp lực phải gia tăng hiệu suất phát điện, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường, các nhà đầu tư và cung cấp tài chính cho nhiệt điện than đã đưa ra các giải pháp công nghệ mới gọi là “than sạch” và ứng dụng các thiết bị xử lý môi trường khử bụi, khử S02, NOx… Một số công nghệ về nhiệt điện than đã được đề xuất và áp dụng như đốt than tầng sôi tuần hoàn, đốt than tầng sôi áp lực, khí hóa than. Ở Đức, còn giới thiệu công nghệ chôn carbon từ nhà máy nhiện điện than xuống sâu trong lòng đất. Các chất thải khác như tro xỉ được đề xuất như chất phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông, vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, hầu hết các công nghệ này đều rất đắt đỏ, áp dụng phức tạp, khó thương mại. Gần đây nhất vào ngày 14/11/2016 tại COP22, Kiko Network (Nhật Bản) đã công bố kết quả nghiên cứu về công nghệ hiện đại nhất của nhà máy nhiệt điện than - Chu trình hỗn hợp khí hóa tích hợp (IGCC). Nghiên cứu chỉ rằng công nghệ này không thể giúp giảm phát thải triệt để và chi phí của nó quá đắt. Cụ thể, công nghệ này chỉ có thể giảm mức phát thải nhiều hơn 20% so với công nghệ đốt than phun truyền thống. Trong khi đó chi phí lại đắt hơn 35%. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chi phí xây dựng một nhà máy điện than IGCC sẽ là 4,4 tỷ USD/GW.

9/ Thế giới vẫn phát triển điện than, tại sao ta lại không?  

GreenID
Thông tin tham khảo về các quốc gia sử dụng than có thể tìm dễ dàng trên Internet. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nhiều quốc gia có chủ trương giảm dần hoặc chấm dứt phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Tại Mỹ, nhiệt điện than đã giảm từ 50% vào năm 2006 xuống dưới 30% năm 2016. Chính phủ Mỹ đã quyết định đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than toàn quốc từ 2009 - 2022. Tính tới tháng 12/2015, đã có 189/236 nhà máy điện than bị hủy bỏ. Trong khi đó ở Việt Nam, nhiệt điện than vẫn đang tiếp tục gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là từ năm 2009 trở lại đây. Theo Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris: Nếu muốn đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính GHG nhằm giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng hơn 2oC thì điều kiện bắt buộc là không một nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng. Phát triển nhiều nhà máy điện than là đi ngược với cam kết trước đó.

10/ Quy hoạch phát triển điện than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phải theo đó mà thực hiện, không có thể thay đổi được?

Sự kiện ngày 10/11/2016, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội việc dừng dự án điện hạt nhân Bình Thuận, cho thấy, trước kia Bộ Công Thương cũng đã khẳng định phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân như một chọn lựa không tránh khỏi, đồng thời quy hoạch điện hạt nhân cũng đã được đưa chính thức vào Quy hoạch điện VII (kể cả lúc điều chỉnh) nhưng nay phải thay đổi. Điều này chứng tỏ, không phải quy hoạch là bất biến. 

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ
(Nguồn CHANGE)