Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

BẢN CHẤT CON NGƯỜI

Đề tài: BẢN CHẤT CON NGƯỜI
DẪN NHẬP
            Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật. Theo quan niệm của triết học Mác - Lê-nin về bản chất con người, K.C.Mác vạch rõ: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội” [1]. "Con người là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội, con người là chủ thể và là sản phẩm của lịch sử... Theo Ky tô giáo quan niệm con người có thể xác và linh hồn. Thể xác thì mất đi nhưng linh hồn tồn tại vĩnh cửu. Vì vậy, phải thường xuyên chăm sóc linh hồn để hướng đến Thiên đường vĩnh cữu. " [2]. Theo Cơ đốc giáo "thân, hồn, linh là các phần trọng yếu của bản chất người"[3]
            Hai người đầu tiên được Đức Chúa Trời tạo dựng cách thiêng liêng và trực tiếp là A-đam và Eva (Sáng 1:26-27), Đức Chúa Trời tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Hình ảnh của Ngài trong con người nhằm nói lên rằng đây là nét đặc trưng là cái thuộc về bản chất của Đức Chúa Trời đặt trong con người làm cho con người có nhân vị, có nhân cách một giá trị làm người để phân biệt với các loài thọ tạo khác mà muôn loài tạo vật khác không có. Chính gía trị làm người nên con người giao thông với Đức Chúa Trời qua đó khi tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, bởi việc thánh hóa của Ngài trong đời sống của người tin Chúa, Đức Thánh Linh làm sản sinh trong người đó các phẩm chất đạo đức của Chúa. Tùy theo mối quan hệ thuộc linh của con người với Đức Chúa Trời, họ sẽ được hưởng phước hạnh hoặc sự phán xét khi Chúa Giê-xu Christ tái lâm. Con người có nhân vị, sự phạm tội không làm cho họ mất bản chất làm người, trong đó kể cả những người vô tín, ngoại giáo, hay người theo Tín ngưỡng Thờ thần hay Thờ cúng ông bà tổ tiên...
            Người viết nghiên cứu  khái niệm về bản chất con người theo Cơ-đốc-giáo trong xã hội Việt nam và khái niệm về bản chất con người của người theo Tín ngưỡng Thờ cúng ông bà. Bài viết cũng nêu các ảnh hưởng của khái niệm này trên đời sống cá nhân và xã hội của các khuynh hướng trên, bằng các phương pháp nghiên cứu tài liệu và tổng hợp trên đời sống thực tế của xã hội.

THÂN BÀI
I/ Bản chất con người Cơ đốc giáo
            I.1. Được tái sinh:
            Sự tái sinh là hành động của Đức Chúa Trời, Ngài thanh tẩy tội lỗi của tội nhân, đổi mới họ thành con người mới trong Chúa chuyển giao cho họ sự sống thuộc linh, họ trở thành công dân thuộc vương quốc của Đức Chúa Trời. Những người được cứu, được tái sinh trong Chúa Cứu Thế Giê-xu (2Cô 5:17) bởi Đức Chúa Trời, người được tái sinh tiếp tục được Chúa thánh hóa, quá trình thánh hóa được tiếp diễn trong suốt cuộc đời người tin Chúa, đồng hành cùng Chúa cho đến cuối cuộc đời của mình trên đất này. Đến khi Chúa Giê-xu tái lâm, Ngài sẽ biến hóa thân thể của họ (1Cô 15:50-57), Trong trạng thái đã được biến đổi, những người được cứu sẽ mãi mãi có hình dạng giống như Chúa Giê-xu vinh hiển (1Gi 3:2), con người mãi mãi là loài thọ tạo có thân vị của Ngài.
            I.2. Sự làm việc[P11] 
            Khi tạo dựng A-dam và đặt ông vào vườn E-đen, Đức Chúa Trời ban cho con người việc làm (Sáng 2:15), công việc làm còn vượt ra xa quá phạm vi của vườn E-đen là quản trị chim trời cá biển. Đức Chúa Trời cũng tạo dựng E-va, công việc của E-va làm người người giúp đỡ cho A-đam (Sáng 2:18). Tuy nhiên, họ đã phạm tội, từ đó công việc trở thành kế sinh nhai cho con người và đất cũng bị rủa sả do thiên thượng, con người phải vã mồ hôi, kiếm miếng ăn nhọc nhằn (Sáng 3:17-19). Dầu làm việc khổ nhọc nhưng sự lao động mang lại lợi ích cho con người (Truyền đạo 2:24). Giúp cho họ sáng tạo, phát huy những sở trường, khắc phục sở đoản của bản thân, kết quả của lao động là mang lại lợi nhuận, đem lại cho chính bản thân họ và người trong gia đình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sự bảo đảm về vật chất cho chính cá thể, song song theo đó cũng đóng góp cho cộng đồng mà họ sinh sống. Chúa Giê-xu có nguyên tắc là người làm công đáng nhận tiền công của mình (Lu-ca 10:7). Ngược lại Kinh thánh cũng lên án sự lười biếng mà phải lấy chính tay mình làm lụng (1 Tês 4:11).
            I.3. Sống làm theo Lời Chúa
            Toàn bộ sự sống của người đã được cứu phải được xem như là để hầu việc Chúa (Rô 12:1-2; 2Cô 5:15). Khi tuân theo ý Chúa, vâng Lời Chúa để Ngài dẫn dắt từng bước và làm theo ý Ngài (Gi 15:4-5). Khi cơ đốc nhân đang làm công việc đời thường, qua công việc có thể Đức Chúa Trời chăm sóc tha nhân qua những việc làm của người Cơ đốc. Đó cũng là mục đích làm vinh hiển Đức Chúa Trời qua đời sống của cơ đốc nhân, nghĩa là con cái Chúa phải làm ống dẫn tình yêu, phước hạnh của Chúa, làm muối cho đất và làm ánh sáng cho thế gian, để cho người lân cận trong cộng đồng mình đang sống nhìn thấy Chúa qua đời sống của chính mình.
            Sứ đồ Phao-lô dạy dỗ những người làm công như sau: - Thực hiện như sự trung thành với chủ (Êph 6:5-6; Côl 3:22); - Phải có lòng tốt đối với chủ (Êph 6:7); - Phải làm công việc như làm cho Chúa chứ không phải cho người ta (Côl 3:23). Sứ đồ Phao-lô cũng đưa ra những lời dạy dỗ cho người làm chủ (Êph 6:9; Côl 4:1). Đức Chúa Trời là chủ nhân đích thực của công việc, nếu phải chọn lựa giữa ý muốn Đức Chúa Trời và ý muốn con người thì phải chọn lựa vâng lời Đức Chúa Trời (CV 5:29), cũng giống như Chúa Giê-xu đã từ bỏ nơi cao sang, vâng lời Đức Chúa Trời làm Đấng Cứu Thế của nhân loại (Gi 3:16).
            I.4. Sự chết
            Sự chết không phải là một phần trong sự sáng tạo nguyên thủy của Đức Chúa Trời, mà là án phạt của tội lỗi (Rô 6:23). Sự chết thâm nhập vào loài người qua sự vi phạm đầu tiên của E-va và A-đam (Sáng 2:17; Rô 5:12), những người chưa được Chúa cứu trước sự chết rất kinh hãi vì đó là sự chia ly vĩnh viễn, mang đến đau thương cho người thân, còn đối với cơ đốc nhân sự chết chẳng phải điều gì để lo âu (Khải 1:17-18). Theo Kinh thánh sự chết có ba loại: Sự chết thuộc linh , sự chết thuộc thể và sự chết đời đời.
            Sự chết thuộc linh: Sự chết thuộc linh cũng gọi là sự phân cách khỏi Đức Chúa Trời "Bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 4:18). Sự chết diễn ra cho nhân loại, Kinh thánh cho biết: "... vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết" (Sáng 2:17). Trong vườn Ê-đen, ông A-đam và bà Ê-va không chết ngay về phần xác khi họ ăn trái cấm mà họ chết trên phương diện thuộc linh. Sự chết thuộc linh là kết quả của sự sa ngã, sự chết thuộc linh là sự chết thiên nhiên của loài người (Mat 8:22; Lu 9:60). Sự chết này có giải cứu được không? Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời giải cứu khỏi sự chết thuộc linh (Êp 2:5). Lời kêu hãy vùng dậy từ sự chết thuộc linh (Êp 5:14). Các tín đồ được sống lại khỏi sự chết thuộc linh (Gi 5:24). Ví dụ về sự chết thuộc linh, những hài cốt khô Ê-xê-chi-ên 37:1-10.       
            Sự chết thuộc thể: Đức Chúa Trời giết thú vật lấy da mặc cho ông A-đam và bà Ê-va (Sáng 3:21). Người đầu tiên chịu chết là A-bên con của A-đam, bị anh là Ca-in giết "Ca-in xông đến A-bên là em mình và giết đi." (Sáng 4:8b). Sự chết thuộc thể được mô tả là: (1) Ngủ, "La-xa-rơ, bạn ta, đang ngủ" (Giăng 11); (2) Linh hồn bị đòi lại, "Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?" (Lu-ca 12:20) ; (3) Đi con đường không trở lại. "Vì ít số năm còn phải đến, rồi tôi sẽ đi con đường mà tôi chẳng hề trở lại." (Gióp 16:22)...
            Sự chết đời đời: Dành cho người không được biên tên vào danh sách sự sống: "Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời... Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa." (Khải huyền 20:10, 14b-15)
            Sự chết thuộc linh gây nên do sự không vâng lời Đức Chúa Trời, sự chết là hệ quả trực tiếp của tội lỗi "lòng tư dục cưu mang sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết." (Gia-cơ 1:15), "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết." (Ê-xê-chi-ên 18:20), "Tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23).

II/  Bản chất con người Thờ cúng tổ tiên
            II.1. Chưa được tái sanh
            Con người là loài thọ tạo, đều mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Con người là một thực thể có nhân vị, là một thực thể cơ bản thuộc cá nhân,  nhân vị cũng có thể được gọi là cái tôi của một con người. Nhờ có nhân vị mà một người nhận thức được chính mình và phân biệt giữa mình với người và mọi vật chung quanh. Những hoạt động của con người khác với tất cả các loại máy móc nhờ có nhận thức. Sự ý thức có đặc thù của mỗi cá thể, từ đó những hành động của cá thể họ phải chịu lấy trách nhiệm cho chính mình. Nhờ có nhân vị mà trong toàn thể nhân loại dù có phạm tội vẫn không mất đi hình ảnh của Đức Chúa Trời trong con người. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đòi hỏi án tử hình cho ai mang trọng tội giết người (Sáng 9:5-6). Ngược lại, những người đã phục hòa cùng Chúa bằng sự cứu rỗi có thể tương tác với Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong đó có sự thờ phượng.
            "Các nhà nhân loại học nhận xét, thờ phượng là một thôi thúc phổ cập được Thiên Chúa đan quyện chặt chẻ trong bản thể con người chúng ta, đó là một nhu cầu đặt sẵn trong con người để con người có thể thông hiệp với Thiên Chúa. Thờ phượng cũng tự nhiên như ăn uống hay hít thở. Nếu không thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm một cái gì đó để thế chỗ Người, dù cái đó cuối cùng là chính bản thân chúng ta." [4]
            Chúa Giê-xu nói: “Này, Ta đứng bên ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào với người ấy...” (Khải 3:20), sự chọn lựa Chúa hay không chọn lựa con đường để theo Chúa mà thờ cúng theo ngoại giáo hay theo tín ngưỡng, đó là quyền cá nhân tự do chọn lựa, không chọn Đức Chúa Trời làm đối tượng để thờ phượng, để sống theo ý muốn của Ngài thì lúc đó con người chưa được tái sanh. Người viết xin trình bày về nguồn gốc việc thờ cúng tổ tiên mà một số đông người Việt nam đang thờ cúng.
            II.2. Nguồn gốc việc thờ cúng tổ tiên
            Người ta không thể xác định được tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt bắt đầu xuất hiện từ lúc nào. Nhưng tục lệ này đã được duy trì, trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Nguồn gốc của Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên trước hết là đề cập đến chế độ phụ quyền, vai trò của người đàn ông trở nên quan trọng trong họat động kinh tế và sinh họat của gia đình. Con cái mang họ cha và con trai kế tiếp ý thức về uy quyền trong gia đình của mình. Không chỉ chịu ảnh hưởng từ chế độ phụ quyền, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn chịu ảnh hưởng từ ba tôn giáo chính ở Việt Nam, đó là:
            - Nho giáo: Theo Khổng Tử, sự sống của con người không phải do tạo hóa sinh ra mà nhờ cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn với ông bà và cứ như vậy thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước, vì thế mà thế hệ sau phải biết ơn thế hệ trước. Cùng với tư tưởng tôn quân, quyền huynh thế phụ đã củng cố thêm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta ngày một thể chế hóa.
            - Đạo giáo: Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên của người Việt thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, đốt vàng mã...
            - Phật giáo: Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, kiếp luân hồi và nghiệp báo.
            II.3. Chữ hiếu
        Thờ cúng là thực hành Đạo Hiếu. Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất. Họ tin rằng đấy là ngày con người qua đời và đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mùng một, ngày rằm và các dịp lễ tết khác trong năm như: Tết Nguyên Đán, tết Thanh minh…Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ, gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử…Đây là một lễ vô cùng quan trọng bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất. Trong mỗi gia đình theo Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành “đạo hiếu”. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Cùng với sự thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn là sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. Số đông người Việt Nam quan niệm rằng cha mẹ tổ tiên luôn lo lắng, quan tâm cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, vong hồn người chết sẽ quan tâm đến sự sống của người đang sống.

III/ Ảnh hưởng
            1- Ảnh hưởng cho cá nhân
            a. Đối với Cơ đốc nhân: Nếu chỉ coi lễ nghi đối với tổ tiên là cách bày tỏ lòng hiếu để, tức là thuộc phạm vi luân lý, cũng là ngầm xác định căn bản của luân lý không thể tách rời khỏi niềm tin tôn giáo. Hiểu như thế, việc tôn kính ông bà tổ tiên không những không đối nghịch với Cơ đốc giáo mà còn bộc lộ được tính cách đặc biệt Đông phương và trong đạo hiếu của người Việt nam. Qua hành động tôn kính này hòa hợp với lời dạy của Kinh thánh, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ vì Chúa đã dạy như thế theo Điều Răn thứ năm. Tuy nhiên, có sự khác nhau là Kinh thánh dạy phải hiếu với cha mẹ, khi cha mẹ còn sống, khi cha mẹ qua đời thì không phải thờ cúng, kỵ cơm hàng năm. Người qua đời trong Chúa, linh hồn của họ sẽ được ở bên Chúa[P12] .
            b. Đối với người Thờ cúng tổ tiên: Người thờ cúng tổ tiên không quan tâm đến truyền giáo. Lý do có thể kể như: - Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo vì không có giáo lý, tổ chức, cũng như không có giáo chủ nên không ai chủ trương đề xướng, tổ chức điều hành. - Đặc tính hỗn dung của tín ngưỡng Việt nam khiến cho họ nghĩ rằng đạo nào cũng tốt, họ còn chủ động tiếp thu những phù hợp của các đạo khác không cần phải tốn công sức kêu người ta chuyển sang đạo của mình, có khi họ cũng không tin mấy nơi thần của mình.! - Đặc tính cục bộ của các thần: Mỗi Thần có công dụng riêng, nên nếu có thể thì thờ càng nhiều càng tốt (hỗn dung), ví dụ, Ông Địa thì có chức năng mang lại lợi lộc vật chất, nếu cần biết tương lai hậu vận thì đến các đền miếu có xin xăm bói quẻ, nếu chữa bệnh thì đến Phật Dược Sư, nếu cần con cái thì đến miếu Bà Chúa Thai Sinh...- Một lý do khác khiến cho tín ngưỡng Việt nam không cần truyền giáo là vì nó vốn đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt nam, đã là một phần trong bản sắc văn hóa Việt nam, nên khuynh hướng tự nhiên của người Việt nam là hướng về những tín ngưỡng đó. Chúa Giê-xu đã dạy: "Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi" (Giăng 15:19). Các tín ngưỡng thuộc về thế gian nên thế gian tự nhiên hướng về đó, và họ không cần phải khổ công truyền giáo nữa làm gì. - Còn một lý do quan trọng nữa là không có tính cấp bách. Nếu đi sâu vào tư tưởng giáo lý thì thấy Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên chỉ nhắm vào đời này, ai cần gì thì đến với các thần phụ trách lĩnh vực đó, sau khi chết thì hoặc là biến mất hoặc là về một cõi nào đó của linh hồn hoặc là đầu thai nên không đặt vấn đề cứu rỗi. Chính vì thế Chúa Giê-xu đã phán: "Chớ tưởng rằng Ta đến để đem sự bình an cho thế gian; Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo" (Ma-thi-ơ 10:34). Sự bình an Chúa nói ở đây là cái bình an giả tạo của con người , họ cứ tưởng là không có vấn đề gì, không biết sự đóan phạt sắp đến. Chúa đến đem gươm giáo để cắt đứt sự ỷ lại đó, cho họ thức tỉnh và thấy rõ tình trạng thuộc linh của mình. Trong các tôn giáo trên thế giới này chỉ có Tin lành là ý thức sự cấp bách của sự cứu rỗi và đó là một trong những động cơ chính của việc truyền giảng Tin lành. Nếu không tin Chúa đời này thì con người sẽ chết đời đời chớ không có cơ hội thứ hai, thứ ba, như là quan niệm đầu thai nhiều kiếp (luân hồi).

            2 - Ảnh hưởng cho xã hội
            a. Đối với Cơ đốc nhân: Cơ đốc giáo là một tôn giáo, vì trong tôn giáo không có khái niệm quốc gia, không có biên giới. Mục tiêu của tôn giáo là phần đời sau cái chết thuộc thể, tôn giáo hoạt động có tổ chức, có hệ thống chặt chẽ. Có trường lớp đào tạo cơ bản, có nơi chốn thờ phượng. Tôn giáo hoạt động trên lãnh vực tâm linh, với đức tin là chính. Đối tượng để thờ của mỗi tôn giáo khác nhau, đối tượng thờ phượng của Cơ đốc giáo là Đức Chúa Trời. Hậu quả của việc lầm lẫn xem Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên gần như một tôn giáo đã đưa tâm trí người Việt tiến dần đến ảo tưởng: Tổ tiên có quyền lực trừng phạt hay độ trì cho con cháu. [P13] Trong Cơ đốc giáo có lời hứa của Đức Chúa Trời, "Hễ ai tin con ấy thì được sự sống đời đời" (Gi 3:16), Lời của Chúa Giê-xu trước khi về trời được Kinh thánh ghi lại, đây cũng là mạng lệnh cho sự truyền giáo của Cơ đốc giáo qua Cơ đốc nhân (Mat 28:19-20)
            b. Đối với người Thờ cúng tổ tiên: Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên thể hiện được tính nhân văn, những người đã khuất không bị lãng quên trong tâm tưởng của những người thân còn lại, thể hiện tính đạo đức trong bản chất làm người. Thờ cúng tổ tiên của người Việt vừa là vô thức, vừa là tiềm thức và ý thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, đó không phải là một tín ngưỡng hay một đạo lý bị áp đặt. Bản chất thờ cúng là một nét văn hóa tâm linh vừa mang tính bản địa vừa mang tính nhân loại di truyền từ đời này sang đời khác. Việc thờ cúng tổ tiên có thể coi như một thứ "gen" văn hóa tinh thần của người Việt. Với quan niệm “trần sao âm vậy” vì thế mà nhiều người đã suy bụng ta ra bụng thần, áp đặt cách ứng xử nhuốm màu tiêu cực. Hậu quả nguy hại nhất là làm gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, phủ nhận khoa học, coi thường lao động, sự trung thực và những giá trị chân chính của cuộc sống. Huyễn hoặc khi tin rằng tổ tiên đã chết có quyền lực che chở phù hộ cho con cháu. Những mâm cao cỗ đầy cũng gây nhiều khó khăn là hao phí tiền của, công sức của con cháu. Vì trong thực tế hiện nay, ai ai cũng đều hiểu người chết không thể về ăn những mâm cỗ cúng của con cháu. Làm giỗ cũng có khi chỉ là để trả nợ miệng cho những người đang còn sống và cũng để không bị miệng đời đàm tiếu cho rằng con cháu bất hiếu để cho ông bà tổ tiên phải đói lạnh! Việc cúng giỗ, đôi khi khơi dậy bản chất tội lỗi của con người do phát sinh thêm những sự việc ngoài ý muốn như: Uống rượu say sưa có khi sinh ra ra cải vã làm mất hòa khí, hay mất tự chủ đi đến việc đánh nhau, chém  nhau... sinh ra án mạng. Trải qua nhiều thế hệ, tập tục thờ cúng tổ tiên được hệ thống hóa dần dần và xem tập tục này gần như là một tôn giáo. Bất cứ người Việt nào, nếu không có tôn giáo nào khác, khi được hỏi đến thường cho rằng mình theo đạo thờ cúng ông bà!
            Yếu tố tôn giáo là niềm tin cho rằng ông bà đã chết có thể trở về phù hộ cho con cháu và thụ hưởng bằng một cách nào đó những của cúng mà con cháu dâng lên. Còn yếu tố nhân bản là chữ hiếu, đạo làm người, uống nước nhớ nguồn. Các yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng hòa trộn lẫn nhau, tùy theo ảnh hưởng của mỗi yếu tố nhiều ít mà người ta có thể chia tín ngưỡng thờ ông bà làm ba loại chính:
1-
Loại mê tín: Tin ông bà là một dạng thần linh có thể theo dõi phù hộ độ trì cho con cháu hoặc quở phạt con cháu. Theo những người này thì việc thờ ông bà nhắm vào lợi ích cá nhân nhiều hơn là vì chữ hiếu (yếu tố tôn giáo lấn lướt yếu tố nhân bản).
2-
Loại kết hợp với Trời, Phật: Tin Trời, Phật là Đấng cao nhất đáng tôn thờ, còn ông bà là gần gũi nhất, nên việc thờ ông bà vừa nhằm thể hiện chữ hiếu, vừa mong được phù hộ độ trì (yếu tố tôn giáo và nhân bản ngang nhau).
3-
Loại vô thần: không tin thần thánh hay đời sau, thờ ông bà chỉ để bày tỏ chữ hiếu mà thôi (chỉ có yếu tố nhân bản). Ở đây việc thờ ông bà không có ý nghĩa tâm linh mà chỉ mang ý nghĩa văn hoá, nhang đèn chỉ cho có để thêm phần long trọng[P14] .
             Chính theo nghĩa này mà Nhà Nước Việt Nam đề cao và ủng hộ việc thờ cúng tổ tiên và mở rộng ra là thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Điều này nếu không hiểu đã vội nói Nhà Nước Việt nam mê tín dị đoan, thật ra họ thờ ông bà chỉ vì yếu tố nhân bản (Chữ hiếu) mà thôi chớ không tin ông bà có thể phù hộ độ trì gì cả. Đối với những người này khi làm chứng về Chúa cho họ, cơ đốc nhân chỉ cần điều chỉnh là khái niệm về chữ hiếu là được.  Người Việt Nam dù theo tôn giáo nào hoặc thậm chí là vô thần, cũng không muốn lìa bỏ tín ngưỡng thờ tổ tiên. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng của người Việt Nam, chính vì thế đã trở ngại rất lớn cho việc truyền bá Cơ Đốc giáo ở Việt Nam.

KẾT LUẬN  
            "Luận điểm của Robinson: Người Hê-bơ-rơ có quan điểm cho con người về bản chất là một thể thống nhất. Họ không có thuật ngữ riêng để phân biệt "xác thịt" với "thân thể" vì họ không phân biệt con người toàn thể nói chung với phương diện thể chất của con người. Sứ đồ Phao lô chấp nhận quan niệm hay cách suy nghĩ của người Hê-bơ-rơ. Cả Tân ước và Cựu ước không dạy bản chất con người là nhị nguyên. Tư tưởng nhị nguyên phân biệt thân với hồn không phải là quan điểm của Kinh thánh... sự dạy dỗ của Kinh thánh về bản chất của con người không loại trừ khả năng cấu tạo phức hợp." [5] 
            Con người đã bị "ấn định phải chết" (Hê-bơ-rơ 9:27). Khoa học hiện đại và các bác sĩ có thể làm nhiều điều để kéo dài cuộc sống. Đời người được dài ra, nhưng điều đó chỉ tạm đình hoãn lại sự chết mà thôi. Chỉ có một giải đáp duy nhất là đến Chúa Cứu Thế Jêsus "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống" (Giăng 5:24). "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi." (Thi Thiên 23:4). Những ai nói một cách chân thành rằng: "Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi" cũng đều có thể nhận lấy cho chính mình lời hứa này: "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào..."
            Bất chấp các sự khác biệt chủng tộc, đa dạng các cộng đồng ngôn ngữ, các thể chế chính trị thì nhân loại chỉ có một. Mọi cá thể đều xuất phát chung một tổ tiên làm thành một sự đơn nhất, có cùng bản thể vì cùng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, con người phạm tội thì hình ảnh của Đức Chúa Trời cũng không bị mất đi. Cho dù người còn sống trong tội lỗi hay đã tiếp nhận Chúa để tội được tha và linh hồn được cứu, Kinh thánh cũng cho biết: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét." (Hê-bơ-rơ 9:27). Sự chết của người công bình là quí báu đối với Đức Chúa Trời "Sự chết của các người thánh là quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va" (Thi Thiên 116:15). Sự chết của người gian ác là không làm Chúa vui "Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui... Các ngươi khá xây bỏ, xây bỏ đường lối xấu của mình" (Ê-xê-chi-ên 33:11). Bản chất con người của cơ đốc nhân và người theo Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên đều mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đã qua đời thì cơ đốc nhân và người theo Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên có hai lối rẻ khác nhau, đến ngày Chúa tái lâm thì "Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người này với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra" (Mat 25:32). Chúa sẽ chọn lựa ra và mỗi nhóm người sẽ có số phận khác nhau tùy theo hành động khi con người còn sống ở thế gian./.
TĐ NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ
Ngày 21/12/2014



[1] Toàn tập, tập 3, tr.11
[2] http://www.triethoc.info/2014/04/con-nguoi-va-ban-chat-cua-con-nguoi.html
[3] Barnabas, dịch ra tiếng Việt, Thần Học Cơ Đốc Thực Hành. Không  NXB, 2001, tr 237.
[4] http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=chapter&id=69&ib=51&ict=683
[5] Millard J.Erickson, Thần Học Cơ đốc giáo. Bản Việt ngữ Viện Thần Học Tin lành Việt nam (UUC). NXB Văn Hóa Thông Tin, tr 558.






 [P11]Khá đặc biệt – như con người là một đơn vị kinh tế so với con người được Chúa kêu gọi (vocation – nghề nghiệp).


 [P12]Nên liên hệ với Công Giáo, cũng là một nhánh lớn của Cơ-đốc-giáo (thuộc quan điểm Cơ-đốc).  Họ cho phép một số điều – giỗ, đốt nhan v.v.


 [P13]Niềm tin dường như rằng linh có tác động trên đời sống con người.  Thần cây, sống, núi, thú, v.v.
Khái niệm “tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu” có lẽ đến từ đây.

Tư tưởng thần học về con người theo Kinh Thánh nhấn mạnh – hình ảnh Đức Chúa Trời trong con người – vì vậy liên hệ đến sự sáng tạo, sự sa ngã và sự cứu chuộc.
Trời sinh có phần tương tự với sáng tạo.  Sa ngã và cứu chuộc liên hệ thế nào với con người theo quan điểm thờ cúng ông bà?



 [P14]Phân tích tốt.