Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

LỜI NGUYỆN TRƯỚC KHI HỌC – HÔM NAY HỌC VỀ CHÚA THÁNH LINH – HL CN 28/06/2020


 Đức Chúa Thánh Linh được sai phái đến để hướng dẫn chúng ta, là những người được Chúa Giê-su cứu, để cho chúng ta trở thành Cơ Đốc nhân, và bước vào chân lý của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Thánh Linh là Thần chân lý.

Đức Chúa Thánh Linh không tự mình nói điều gì, nhưng sẽ nói những gì Ngài nghe từ Đức Chúa Trời. Một trong những công việc của Đức Chúa Thánh Linh được sai phái đến thế gian là để làm vinh hiển Chúa Cứu Thế Giê-su. Trong chúng ta, không ai hiểu hết ý muốn của Đức Chúa Trời ban cho đời sống của mỗi người. Cho nên, ai cũng cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Thánh Linh. Thánh Kinh cho biết không có sự giúp đỡ, dạy dỗ và rèn luyện của Đức Chúa Thánh Linh thì không ai có nếp sống đẹp lòng Chúa cho được: “Nhưng Đấng yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi” Giăng 14:26).

Công việc Chúa Thánh Linh làm là vô hình, Chúa Giê-su nói về Đức Thánh Linh như gió vậy, gió muốn thổi đâu thì thổi, người nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu. Ai được sinh ra từ thiên thượng, nghĩa là bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời cũng như vậy. Được sinh ra từ Chúa, Cơ Đốc nhân đã thoát khỏi chốn tối tăm, thế giới mà sa-tan cai trị hiện nay, Kinh Thánh Giăng 3:8, đã cho biết như vậy: “Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ.”  

Đức Thánh Linh đến như gió. Điều này mô tả quyền năng và sự hướng dẫn của Ngài trong cuộc đời của người tin cậy Chúa Giê-su. Đức Thánh Linh hà hơi của Ngài vào chúng ta, để chúng ta được đầy dẫy Ngài mà học Lời Chúa cho có kết quả. Điều này xảy ra cho chúng ta khi chúng ta được sinh lại từ thiên thượng từ trên bởi Đức Thánh Linh và Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, khi chúng ta luôn luôn ở trong Ngài.

Nhờ ơn Chúa, chúng ta giờ đây chịu ngồi học, suy ngẫm, và ăn nuốt Lời Chúa trong Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. GIỜ CHÚNG TA BẮT ĐẦU VÀO BÀI HỌC. Bài học sẽ kéo dài từ 45 phút đến 60 phút. Amen!

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ


Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

ĐỨC CHÚA GIÊ-SU ĐẾN THẾ GIAN ĐỂ CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI

KINH THÁNH: Đức Chúa Giê-su Christ Đấng cứu chuộc nhân loại, qua sự chết của Ngài trên thập tự giá đây là công việc mà chính Ngài đã công bố: “Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” Giăng 19:30. Mặt khác Kinh Thánh Lu-ca 4:43 chép rằng “Ta cũng phải rao Tin Lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; Vì cốt tại việc đó mà Ta đã được sai đến” (Lu-ca 4:43).
GS. PHẠM NGỌC HUỆ

DẪN NHẬP

“Ta cũng phải rao Tin Lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà Ta đã được sai đến” (Lu-ca 4:43). Chữ “phải” như là một mệnh lệnh từ Đức Chúa Cha, khiến Đức Chúa Giê-su  không ngần ngại đi từ nơi này đến nơi khác. Nhằm mục đích “rao Tin Lành của nước Đức Chúa Trời”. Đây là công việc của Đấng Christ khi đến thế gian. 

Đức Chúa Giê-su có mặt trên đất 33 năm. Trước khi Ngài bước lên thập tự giá làm trọn chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời ấy là rao truyền Tin Lành cho loài người tội lỗi. Trong đó, 30 năm đầu Ngài làm trọn bổn phận của người con. Ba năm còn lại Chúa Giê-su chuyên tâm trong việc rao giảng Tin Lành, đuổi quỉ để cho người bị nó ám ra khỏi xiềng xích của Sa-tan, chữa bệnh cho kẻ đau, hóa bánh cho đoàn dân đông. Ngài đến với người nghèo để an ủi, đến với những con người tội lỗi để họ được tha thứ. Có lúc Ngài không ngủ để cầu nguyện. Tất cả là để đáp ứng nhu cầu tâm linh và thể xác của mọi người đang cần được cứu giúp.

Trong ba năm, một thời gian ngắn ngủi mà đối với Ngài thì Tin Lành này cần được rao giảng khắp cùng trái đất. Chính vì vậy, công việc của Chúa Giê-su cần kêu gọi và đào tạo môn đồ. Khi bước vào chức vụ, Ngài thấy những người đánh cá là Si-môn, Anh-rê ... Ngài cất tiếng gọi: “Hãy theo ta, và ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người” (Mác 1:17). Ngài đã huấn luyện hiệu quả những môn đồ đi theo Ngài. Bởi chính họ sẽ là những người tiếp tục rao giảng Tin Lành “khi Ngài hết công vụ trên đất”. Dù rất bận rộn nhưng Ngài vẫn dành nhiều thời gian ở riêng với các môn đồ để dạy dỗ, huấn luyện họ. Ngài ban quyền năng Thánh Linh để sau này họ trở thành những người mở mang Nước Chúa. Chúa Giê-su từng nói: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha” (Giăng 14:12).

Khi Chúa Giê-su đi về cùng Cha, Ngài đi bằng con đường thập tự giá, như Phúc Âm Giăng ghi lại chính Chúa Giê-su đã công bố: “Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30). Căn cứ vào những phần tôi phân tích trên, bài viết này sẽ triển khai các vấn đề sau đây: Mục đích của Đức Chúa Giê-su được sai đến thế gian là phải giảng Tin Lành cho các nơi khác nhau. Cho đến khi Chúa lên thập tự giá và Ngài công bố: “Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.” Qua các sự việc cụ thể như sau:

. Sự nhập thể và mục đích của Chúa Giê-su đến thế gian.
. Công việc của Chúa Giê-su khi Ngài tại thế.
. Phạm vi của sự cứu rỗi.
. Chúa Giê-su lên thập tự giá

I. Sự nhập thể và mục đích của Chúa Giê-su đến thế gian

Chúa Giê-su giáng thế để bày tỏ Đức Chúa Trời vô hình, Kinh Thánh chép: “Chưa ai trông thấy Đức Chúa Trời bao giờ, chỉ Con Một Đức Chúa Trời ở tận trong lòng Cha mới giải bày được Đức Chúa Trời cho chúng ta” (Giăng 1:18). Chúa Giê-su giáng thế nhằm bày tỏ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời cho Con Ngài xuống thế gian nào phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Đức Con mà được cứu.” (Giăng 3:17). Chúa Giê-su nhập thể qua lòng trinh nữ Ma-ri nhằm để:

“Nhắc chúng ta nhớ rằng, sự cứu rỗi của chúng ta mang tính chất siêu nhiên... Giăng tuyên bố rằng những ai tin và nhận quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời thì được sinh lại: “Chẳng phải bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” (Giăng 1:13). Điểm nhấn mạnh ở đây sự cứu rỗi không đến từ sự nổ lực của con người... Loài người không những không thế giành lấy sự cứu rỗi cho mình, mà cũng chẳng thể tự đưa Đấng Cứu Rỗi vào trong xã hội loài người.”[1]

Chúa Giê-su khi nhập thể mang nhân tính và thể chất trọn vẹn của một người từng trải nghiệm sự phát triển cơ thể: “Con trẻ lớn lên, mạnh khoẻ, đầy dẫy sự khôn ngoan. Ân phúc của Đức Chúa Trời ở trên Ngài: Đức Giê-su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và loài người” (Lu-ca 2:40,52). Ngài cũng khát và mệt mỏi: “Tại đó có cái giếng của Gia-cốp. Vì đi đường mệt mỏi nên Đức Giê-su ngồi nghỉ bên giếng. Lúc đó, khoảng giữa trưa” (Giăng 4:6)....

Phúc Âm Mác giới thiệu Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời (Son of God) - Đấng vẫn còn mang thần tính. Trong Phúc Âm Mác 1:1. Bởi vì Ngài là Con Đức Chúa Trời, là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Ngài có thẩm quyền trong công tác giảng dạy, đuổi quỉ, tha thứ tội lỗi, cũng như Ngài đến thế gian để cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi. Chúa Giê-su là Đấng Vô Tội, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:21).

Phúc Âm Giăng mô tả Chúa Giê-su là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, giáng thế làm người để cứu chuộc nhân loại và luôn ở giữa chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha..” (Giăng 1:14). Chúa Giê-su là Đấng quyền uy, toàn năng “Đức Giê-su đến gần và bảo các môn đệ: “Tất cả quyền uy trên trời, dưới đất đều giao cho Ta” (Ma-thi-ơ 28:18).

Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế mang một ý nghĩa thần học sâu nhiệm, Ngài đã từ bỏ ngôi cao sang, Ngài hạ mình đến nỗi, được diễn tả như sau: “6Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8).

II. Công việc của Chúa Giê-su khi Ngài tại thế

Công việc của Đấng Christ gồm:

1/ CÁC CHỨC NĂNG CỦA ĐẤNG CHRIST: Vai trò khải thị; Sự cai trị và công tác giải hòa của Đấng Christ.
            2/ CÁC GIAI ĐOẠN TRONG CÔNG TÁC CỦA ĐẤNG CHRIST
            a/ Giai đoạn hạ mình: Nhập thể; Chịu chết; Xuống âm phủ.
            b/ Giai đoạn tôn cao: Phục sinh; Thăng thiên và cầu thay bên hữu Chúa Cha; Tái lâm.
            3/ ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

1/ CÁC CHỨC NĂNG CỦA ĐẤNG CHRIST: Vai trò khải thị; Sự cai trị và công tác giải hòa của Đấng Christ.

Trong bài thảo luận này, công việc của Đấng Christ được tôi trình bày sau đây: Công tác Đấng Christ gồm có ba chức năng: “Bày tỏ; Cai trị và Giải hòa”[2]. Gần gủi Chúa để hiểu ba chức năng: Bày tỏ, Cai trị và Giải hòa của Đấng Christ cho chính mình là thế nào. Chính mình hiểu thì mới kinh nghiệm được và chia sẻ cho người khác. Đây là về phương diện lịch sử được một số giáo phụ đề cập, nhưng chính Jonh Cavil là người quan tâm khai thác đặc biệt khái niệm này. Tuy nhiên, theo G. C. Berkouwer cho thấy: “Người ta phản đối khái niệm nhiều chức vụ vì cho rằng phân biệt dù bất cứ hình thức nào cũng đều là lý của con người và sặc mùi Kinh viện.” Tôi cũng học hỏi được từ SGK trang 118 “không nên nhấn mạnh một mặt nào làm giảm bớt giá trị của các mặt kia, cũng không nên tách riêng từng khía cạnh một cách quá rạch ròi thành ra những hành động riêng biệt của Đấng Christ.”

Theo tôi, Hội Thánh Tin Lành Việt nam chú trọng nhiều đến công tác truyền giáo, vì Đấng Christ xuống thế gian để tìm những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên, Ngài tìm kiếm kẻ hư mất, đỗ huyết trên thập tự giá, Ngài là giá chuộc cho nhiều người... Giăng 3:16 được nhấn mạnh, Hội Thánh nhấn mạnh đến ĐẠI MẠNG LỊNH trong Ma-thi-ơ 28:19-20, Công Vụ 1:8...

Kinh Thánh dạy Cơ Đốc nhân phải chu toàn các bổn phận ngay trong thế gian, tương ứng với chức phận trong cuộc sống dành cho mỗi người trong xã hội (1Cô-rinh-tô 7:17-24; Ê-phê-sô 6:1-9). “Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi. Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời” (1Cô 7:23-24). Như vậy, có nhiều cách để hầu việc Đức Chúa Trời chứ không phải chỉ nhấn mạnh đến việc truyền giáo. Chỉ nhấn mạnh riêng chức vụ nào thì điều này làm mất quân bình trong việc phát triển Hội Thánh trên đất này.

2/ CÁC GIAI ĐOẠN TRONG CÔNG TÁC CỦA ĐẤNG CHRIST

a/ Giai đoạn hạ mình: Nhập thể; Chịu chết; Xuống âm phủ

Sự nhập thể được tôi trình bày ở phần I, trong bài này.

Chịu chết: Bước thấp cùng cực trong sự hạ mình của Chúa Giê-su là chịu chết một cách nhục nhã. Mục đích của sự chết của Chúa Giê-su nhằm qua đó con người tội lỗi được Cứu Chúa chuộc tội. Ý nghĩa của sự chết chuộc tội: “Leon Morris viết: Sự chuộc tội là một giáo lý quan trọng của đức tin... do tầm quan trọng của giáo lý nên chúng ta phải nghiên cứu nó thật cẩn thận” (trích SGK, tr. 136).  Thuyết chuộc tội là quan trọng theo Erickson vì nó “liên quan đến sự cứu rỗi” và là nền tảng cho các giáo lý khác.  Có năm học thuyết chuộc tội được nêu ra ở sách Giáo Khoa là:
a/ Thuyết Socinus: Chuộc tội để làm gương.
b/ Thuyết Ảnh hưởng đạo đức: Chuộc tội là chứng minh tình yêu của Đức Chúa Trời.
c/ Thuyết Thần trị (Govermental Theory): Chuộc tội là chứng minh cho sự công bình của Đức Chúa Trời.
d/ Thuyết Giá chuộc: Chuộc tội là đác thắng các thế lực của tội lỗi và gian ác.
e/ Thuyết Đền bồi: Chuộc tội là sự bồi thường cho Đức Chúa Cha.

Sự cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su mang nhiều ý nghĩa về sự hy sinh và thay thế (Ê-sai 53) và giao ước mới: “Ngài phán rằng: Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người” (Mác 14:24). Chúng ta, cả thảy là những tội nhân không thể làm gì để được cứu rỗi, cũng chẳng ai có thể tự cứu rỗi chính mình. Song, bởi ân điển của Ðức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã giáng thế, tình nguyện chịu chết trên thập tự giá làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Nhờ tin nhận công lao cứu chuộc đó, chúng ta được kể là công bình, và đứng trong địa vị công bình của Chúa Giê-su. Ấy chẳng phải bởi việc làm của chúng ta nên chẳng ai có một cớ nhỏ để khoe mình, mà chỉ có cớ để cảm tạ Chúa mà thôi.

Xuống âm phủ: Bài Tín Điều Các Sứ Đồ có ghi việc Chúa Giê-su xuống âm phủ. Đây là một lẽ đạo ít được các nhà thần học đề cập đến.

b/ Giai đoạn tôn cao: Phục sinh; Thăng thiên và cầu thay bên hữu Chúa Cha; Tái lâm.

Việc Chúa Giê-su phục sinh là Ngài đã đánh bại sự chết, là bước đầu tiên trở lại sự tôn cao, việc này rất quan trọng, sự kiện phục sinh là khởi đầu cho những ngày sau rốt. Đó là chiến thắng khải hoàn của Chúa Giê-su trên tội lỗi, được giải thoát khỏi sự rủa sả giáng trên Ngài vì Ngài đã tình nguyện gánh tội thay cho toàn nhân loại. “Bằng cớ sự phục sinh của Chúa Giê-su”[3]:
“1. Ngôi mộ trống (Ma-thi-ơ 28:6; Lu-ca 24:3 ).
2. Lời chứng của các Thiên sứ (Ma-thi-ơ 28:46; Lu-ca 24:5-7 )
3. Những người nói chuyện với Ngài sau khi sống lại: Phi-e-rơ, Ma-ri, Thô-ma.
4. Giê-su đã ăn, uống, chỉ ra các dấu đinh ở tay, ở sườn, sau khi Ngài sống lại.
5. 500 tín đồ thấy Ngài cùng một lúc (1Cô-rinh-tô 15:6).
6. Chúa Giê-su hiện ra với Ê-tiên khi vị chấp sự tử đạo (Công vụ 7:56”.
7. Chúa hiện ra với Phao-lô trên đường Đa-mách (Công. 9:5”.
8. Bởi lời chứng của hàng triệu người đã chứng minh Ngài là cứu Chúa hằng sống.
9. Bởi những bằng chứng không thể chối bỏ (Công vụ 1:3).”

Phục Sinh của Chúa Giê-su là do quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, điều này gây dựng đức tin cho người tin Chúa: “Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại” (Cô-lô-se 2:12). Nhờ bởi vinh quang của Ngài, “Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4). Rao giảng Đức Chúa Giê-su Phục Sinh là rao giảng về Đức Chúa Cha đã cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết và như thế là làm vinh hiển danh Ngài.

Sau đó là biến cố thăng thiên của Chúa Giê-su, Công vụ 1:9 ghi: Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa”. Chúa Giê-su thăng thiên, và Ngài đã ngồi bên hữu Đức Chúa Cha và cầu thay cho loài người. Sau khi Chúa Giê-su thăng thiên 10 ngày, Đức ChúaThánh Linh giáng lâm ở với Hội Thánh cho đến bây giờ. Như vậy, sự thăng thiên của Chúa Giê-su đem đến kết quả lớn lao, “Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên Ủii sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến” (Giăng 16:7).

Còn khía cạnh tôn cao khác nữa của Chúa Giê-su là sự tái lâm. Khi đó mọi đầu gối sẽ quì xuống và mọi lưỡi sẽ xưng Giê-su Christ là Chúa (Phi-lip 2:10-11). Những lời tiên tri về sự giáng sinh của Chúa Giê-su đã được ứng nghiệm hoàn toàn, điều nầy giúp Cơ Đốc nhân hoàn toàn tin tưởng rằng những lời tiên tri về sự tái lâm của Ngài cũng sẽ được ứng nghiệm trong tương lai, như: Tiên tri thời Cựu Ước (Đa-ni-ên 7:13). Chính Chúa Giê-su nói tiên tri (Ma-thi-ơ 25:31). Sứ đồ Phao-lô cho biết (1Ti-mô-thê 6:14).... Chúa tái lâm lúc nào? Đây là sự mầu nhiệm của Chúa, và chỉ Đức Cha biết mà thôi: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:36).

3/ ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

Chúa Giê-su kêu gọi và đào tạo môn đồ để tiếp nối sứ mạng của Chúa trên đất sau khi Ngài về trời. Kinh Thánh: 16Ngài đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy Si-môn với Anh-rê, em người, đang thả lưới dưới biển; vì hai người vốn làm nghề chài. 17Đức Chúa Giê-su bèn phán cùng họ rằng: Hãy theo ta, và ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người. 18Tức thì hai người bỏ chài lưới mà theo Ngài. 19Đi một đỗi xa xa, Ngài thấy Gia-cơ, con Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang vá lưới trong thuyền. 20Ngài liền kêu hai người; thì họ để Xê-bê-đê, cha mình, ở lại trong thuyền với mấy người làm thuê, mà theo Ngài” (Mác 1:16-20).

Trước khi làm việc và thường xuyên có một việc làm Chúa Giê-su không quên đó là cầu nguyện, như trước khi chọn 12 môn đồ Ngài cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời: “Trong lúc đó, Đức Chúa Giê-su đi lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời. Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ” (Lu-ca 6:12-13).

Ngài Đi và THẤY:

. “Ngài đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy Si-môn với Anh-rê, em người, đang thả lưới dưới biển; vì hai người vốn làm nghề chài” (c.16). 

 . “Đi một đỗi xa xa, Ngài thấy Gia-cơ, con Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang vá lưới trong thuyền” (c.19). 

Động từ đi và thấy, cho thấy Chúa Giê-su không nề hà vất vã, mệt nhọc để đi bộ, Ngài đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, Ngài đi một đỗi xa xa. Quang cảnh trời nước mênh mông, vùng này tôi đoan chắc là tầm nhìn không bị che khuất nên Chúa thấy Si-môn và Anh-rê đang thả lưới dưới biển; với tốc độ của người đi bộ Chúa Giê-su thấy Gia-cơ với em là Giăng, đang vá lưới trong thuyền!

Ngài KÊU GỌI:

. “Đức Chúa Giê-su bèn phán cùng họ rằng: Hãy theo ta,....” (c.17a).

 . “Ngài liền kêu hai người;....” (c.20).

Sự kêu gọi này là một mạng lệnh: “Hãy Theo Ta”! Lời kêu gọi mạnh mẽ, xác định một lệnh truyền. Đây không phải là một lời đề nghị suông; cũng không phải là một lời khuyên... Mà là một mệnh lệnh! “Đi theo” hàm chứa ý niệm chịu dưới quyền điều khiển của người kêu gọi đưa ra cho người được kêu gọi...; “và ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” Một lời kêu gọi xác định cho người được kêu gọi biết được đích đến của họ.

Mục tiêu huấn luyện được đặt rõ ràng: Chúa Giê-su đã nêu lên rõ ràng về mục tiêu đào tạo: Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” (c.17b). Chúa Giê-su sẽ làm cho các môn đệ của Ngài trở thành những “tay đánh lưới người”, đầy ơn của Chúa.

Chúa Giê-su đào tạo môn đồ của Ngài:

Phương cách Chúa Giê-su đào tạo các môn đệ: Phương cách đào tạo của Chúa là ĐI THEO CHÚA: Chúa bảo, “Hãy theo ta,” (c.17a).” Chúa dùng phương pháp thính thị (“thính – tai nghe”; “thị – mắt thấy”), để Ngài giáo dục môn đồ; không những môn đồ nghe và thấy Chúa dạy, mà còn trực tiếp thấy một cách sống động. Đây là một phương cách giáo dục rất khó, nếu người dạy không “chuyên môn, không chuyên nghiệp” thì nhiều khi không thể giải quyết những tình huống khó, có thể xảy ra khi nan đề đến đột ngột! Khi đi theo, các môn đồ nhìn thấy, được nghe và ghi nhớ sau đó thuật lại những Lời dạy dỗ của Chúa Giê-su cho người khác (nhớ và làm theo).

Chúa Giê-su đưa môn đồ vào công trường của Ngài: Chúa Giê-su kêu mười hai sứ đồ, bắt đầu sai đi từng đôi. Ngài ban quyền phép trừ tà ma. Ngài còn dặn: Đi đường đừng đem chi theo hết... chỉ mang dép đừng mặc hai áo; hễ nhà nào cho sẽ vào, ở đó, cho đến khi đi; nếu chỗ nào người ta không chịu tiếp thì hãy đi khỏi đó. Công việc làm và kết quả của việc vâng Lời Chúa ra đi là: Các sứ đồ đi ra, giảng cho người ta phải ăn năn; đuổi nhiều ma quỉ, xức dầu cho nhiều kẻ bịnh và chữa cho được lành (theo Mác 6:7-13)[4] Phân đoạn Kinh Thánh trên, cho thấy rằng, trước khi làm việc gì cho Chúa thì phải qua các giai đoạn: Được Chúa kêu gọi (tuyển sinh), Ngài huấn luyện (đào tạo) và cuối cùng là Chúa sai đi.

Còn điều vô cùng quan trọng khác, đó là đi từng đôi để cầu nguyện cho nhau, cầu thay khi người kia đang nói chuyện với thân hữu, vì cuộc chiến này là giành lấy linh hồn tội nhân về cho Chúa, không phải là chiến đấu bởi thịt và huyết, bèn là chiến đấu với các thần dữ từ mọi miền trên trời, Ê-phê-sô 6:12 chép rằng: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” Và Kinh Thánh cũng cho biết hai người hơn một người: “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên!” (Truyền Đạo 4:9-10).

III. Phạm vi của sự cứu rỗi

Bản Thể của “Con Đức Chúa Trời” mà Đức Chúa Giê-su mang lấy là là một vấn đề vô cùng hệ trọng. Vì nếu Ngài chẳng phải là Đức Chúa Trời thì việc chịu chết của Ngài trên thập tự giá không có tác dụng đền tội thay, mà chính Ngài là Đức Chúa Trời: “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1Giăng 2:2). Và chỉ duy nhất Đức Chúa Trời mới là Đấng có thể hoàn thành một công trình như thế: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Đức Chúa Giê-su phải là Đức Chúa Trời thì cả nhân loại, không phân biệt dân tộc, màu da, giàu, nghèo mới được cứu ra khỏi tội, mới được đem vào sự sống đời đời và vào cuộc hòa giải với Đức Chúa Trời. Như vậy, phạm vi của sự cứu rỗi gồm cá nhân và cộng đồng cả thế gian.

IV. Chúa Giê-su lên thập tự giá

Trong phần câu hỏi có ghi: “Đức Chúa Giê-su Christ Đấng cứu chuộc nhân loại, qua sự chết của Ngài trên thập tự giá đây là công việc mà chính Ngài đã công bố: “Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30). Ngài đã xem chính Ngài như của lễ hy sinh đời đời vì tội lỗi của loài người. Hay nói cách khác thì Đức Chúa Giê-su Christ đã mua chuộc tất cả loài người khỏi sự hủy diệt của tội lỗi bằng sự đổ huyết của Ngài.

Trong 33 năm tại thế, có 3 năm Ngài đi làm công việc của Ngài khi giáng thế làm người. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng gánh lấy tội lỗi của thế gian bởi phép báp-tem của Ngài và rồi đến ngày Ngài lên thập tự giá (Ma-thi-ơ 3:13-17). Đấng Christ bày tỏ cho chúng ta rằng chính Ngài đã hy sinh như “Của Lễ Chiên Con của chính chúng ta.” Bởi sự hy sinh chính mình Ngài cho tội lỗi của con người, Ngài đã trả hết cái giá của sự cứu chuộc với Đức Chúa Trời vì dân sự của Ngài.

Trái ngược với sự dâng tế lễ tượng trưng và lặp đi lặp lại của A-rôn và những thầy tế lễ khác trong Cựu ước, Đấng Christ đã đến trong thế gian, gánh tội lỗi của thế gian trên thân thể Ngài qua phép báp-tem mà Ngài đã nhận từ Giăng Báp-tít và Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, Ngài đã làm trọn mọi sự công chính của Đức Chúa Trời một lần đủ cả. Đó là lý do Ngài đã chịu báp-tem và đã dâng mình làm tế lễ trọn vẹn trên thập tự giá, như trong Hê-bơ-rơ 9:26 chép: “Hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài chỉ hiện ra một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.” Chúa Giê-su giáng thế để làm sinh tế chuộc tội cho loài người, Kinh Thánh cho biết: “Và các con biết, Ngài đã đến để xóa bỏ tội lỗi và trong Ngài không có tội lỗi.” (1 Giăng 3:5).

Những yếu tố nền tảng liên quan đến ý nghĩa sự chuộc tội gồm những yếu tố sau: Bản tính của Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Thánh khiết và tình yêu thương. Ngài không chấp nhận tội lỗi của con người và chỉ có Ngài đủ năng quyền để cứu chuộc nhân loại  qua Đức Chúa Giê-su. Vai trò của luật pháp, luật pháp cho biết con người có tội không có khả năng thoát khỏi tội và qua Đức Chúa Giê-su chết trên Thập tự, người tin mới được Ngài cứu chuộc. Tình trạng của nhân loại, “Vì mọi người điều đã thiếu mất sự vinh hiển  của Đức Chúa Trời” (Rô ma 3:23).

Chỉ có  Đức Chúa Giê-su là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và con người và Ngài chuộc tội  cho chúng ta. Ngài là Đấng Christ, là Chúa Giê-su, là Đấng có thần tính và nhân tính, Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, mà cũng là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng vô tội, sự chết của Ngài có giá trị cho những kẻ tin Ngài, dù Đấng Christ chịu điều sỉ nhục bởi lằn roi của kẻ thù; đau đớn trên cây thập tự vì tội lỗi của nhân loại. Đức Chúa Trời sai Con Ngài … sanh ra dưới luật pháp, để chuộc  những người dưới luật pháp” (Ga-la-ti 4:5).

So sánh với hệ thống tế lễ trong Cựu ước: Trong Cựu Ước các của lễ dâng lên bàn thờ  là của lễ  dâng lên Đức Chúa Trời xin sự tha thứ. Khi dâng sinh tế  và nó sẽ chết thay cho người phạm tội (Lê-vi Ký 1:3-4). Hành động trình dâng và đặt tay lên đầu con sinh là sự xưng tội của tội nhân. Việc đặt tay tượng trưng sự chuyển tội từ tội nhân sang con sinh. Sau đó của dâng mới được thầy tế lễ tiếp nhận.

Ý Nghĩa của việc Chúa Giê-su lên thập tự giá và lời kết: Trong Cơ Đốc giáo, thập tự giá là giao điểm tình yêu của Đức Chúa Trời và công nghĩa của Ngài. Chúa Giê-su Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian đi (Giăng 1:29). Do sự cám dỗ của Sa-tan (Sáng-thế Ký 3:1-5), A-đam và Ê-va đã phạm tội và bị xa rời  khỏi ân điển của Đức Chúa Trời (Sáng. 3:21-24). Đức Chúa Cha đã sai Con một của Ngài vào thế gian để trở thành con người xác thịt, và là Đấng Cứu Chuộc cho loài người tội lỗi. Chúa Giê-su sinh ra bởi một nữ đồng trinh (Lu-ca 1:26-38). Ngài vô tội, bởi Ngài là Con Đức Chúa Trời, “ Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15), Ngài có thể cung ứng sự hy sinh vô giá mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Công lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự phán xét và đoán phạt tội lỗi: “Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta; linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Tình yêu của Đức Chúa Trời đã cảm động Ngài ban Con độc sinh của Ngài để làm của lễ chuộc tội (Giăng 3:16).

Cái chết trên thập giá của Đức Chúa Giê-su là cớ vấp phạm cho người Do-thái, và là sự điên rồ đối với dân ngoại: “Thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại” (1Cô-rinh-tô 1:23). Nhưng đối với những kẻ được tuyển chọn, đó là quyền năng và sự khôn ngoan của Chúa “Song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (1Cô. 1:24). Đức Chúa Trời bày tỏ sự hoàn tất sứ mạng của Chúa Giê-su: “Ta từ Cha xuống trần gian, rồi sẽ rời trần gian về với Cha” (Giăng 16:28)./.

GS. NGỌC HUỆ
(thevbi.net)



[1] Erickson, Thần học Cơ Đốc Giáo, NXB Tôn giáo, tr. 110.
[2] Erickson, Sđd, tr. 118.
[3] SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊ-SU, https://vietchristian.com/bhkt/reader.asp?pid=,src=/bhkt/thanhoc.txt,name=Bai,enc=2,nl=1,id=18,max=0, truy cập ngày 03/05/2020.
[4] 7 Ngài bèn kêu mười hai sứ đồ, bắt đầu sai đi từng đôi, ban quyền phép trừ tà ma. 8 Ngài truyền cho sứ đồ đi đường đừng đem chi theo hết, hoặc bánh, hoặc bao, hoặc tiền bạc trong dây lưng, chỉ đem một cây gậy mà thôi; 9 chỉ mang dép, đừng mặc hai áo. 10 Ngài phán cùng sứ đồ rằng: Hễ nhà nào các ngươi sẽ vào, hãy cứ ở đó, cho đến khi đi. 11Nếu có chỗ nào, người ta không chịu tiếp các ngươi, và cũng không nghe các ngươi nữa, thì hãy đi khỏi đó, và phủi bụi đã dính chân mình, để làm chứng cho họ. 12 Vậy, các sứ đồ đi ra, giảng cho người ta phải ăn năn; 13 đuổi nhiều ma quỉ, xức dầu cho nhiều kẻ bịnh và chữa cho được lành” (Mác 6:7-13).


Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

BẢY PHƯỚC HẠNH TRONG SÁCH KHẢI HUYỀN




"Sách Khải Huyền là sách kết thúc trong cả bộ Kinh thánh Cựu và Tân Ước, và cũng kết thúc với "7 Phước" (1:3; 14:13; 16:15; 19:9; 20:6; 22:7 & 14).


Sách Khải huyền vào thời tác giả nó chỉ đơn giản có nghĩa là sự cất đi, sự che phủ một vật được giấu kín, cũng như việc vén màn khỏi vật được che đậy. Sách nầy chủ yếu bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời trong lịch sử, đặc biệt trong sự đoán phạt trên kẻ gian ác trên đất và ban phước Ngài cho người công bình. Trong sách Khải Huyền có 7 phước được ghi như sau :
1/ 1:3        2/ 14;3        3/ 16:15           4/19:19            5/ 20:6        6-7/22:7,17

I/ Phước thứ nhất 1:3
Có thể gọi câu nầy là phước hạnh của việc đọc, nghe và vâng giữ lời Thượng Đế. Đây là lời chúc phước đầu tiên trong số 7 lời chúc phước. Hội Thánh đầu tiên đã sống trong tình trạng nóng nảy trông chờ sự tái lâm của Đấng Christ, hơn nữa Giăng bảo “thì giờ đã đến rồi”, mặt khác không ai biết giờ nào tiếng kèn sẽ đến để được cất mình lên khỏi đất nầy, với niềm hy vọng đó phước hạnh nầy được loan ra để mọi người biết cách đi vào với Thượng đế đời đời. Nhưng trong bối cảnh nầy người “đọc” là người đọc sách nầy công khai trước Hội Chúng, chứ không phải là đọc sách cho riêng mình.

II/  Phước thứ hai 14:13
Phước thay cho những người là người chết trong Chúa” có thể gọi đây là phước hạnh trong thiên đàng cho các Cơ Đốc nhân trung tín với Chúa cho đến cuối cuộc đời của họ. Với cụm từ “từ rày” chỉ về một thời điểm thì nó chính là “bây giờ” của việc cứu chuộc của Chúa (đối chiếu 12:10). Đây là lời hứa rất khích lệ “có kèn đến từ trên Trời rằng… và việc lành mình theo sau”. Giăng nói về việc làm của tín hữu tại Ê-phê-sô về sự lao khổ và nhịn nhục của họ (2:2) ; Ông nói về việc làm của tín hữu tại Thi-a-ti-rơ (2:19). Ý ông muốn nói rằng: Khi từ bỏ đời sống nầy tất cả những gì mang theo là chính mình, là cá tính đã được thử thách luyện  lọc phản chiếu chính Chúa, thì đó là người được phước hạnh thứ hai nầy.

III/ Phước hạnh thứ ba 16:15
Đây là phước hạnh của những người tỉnh thức như trong ví dụ về “10 người nữ đồng trinh” (Mat. 25:1-11). “Hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết  ngày, cũng không biết giờ” (Mat. 25:13), (ITê 5;8) khuyên “nhưng chúng ta thuộc về ban ngày…” phước hạnh sẽ đến với những kẻ sống trong sự sáng thuộc linh, giữ mình luôn cảnh giác và tỉnh thức.

IV/ Phước hạnh thứ tư 19:9
Phước lành thứ tư dự báo về đỉnh điểm của các mối liên hệ giữa Chúa Cứu Thế và những người thuộc về Ngài, những kẻ được mời đến dự tiệc cưới chiên con là những người tin theo Ngài. Theo các đời trong Kinh Thánh lễ cưới khá đơn giản, nhưng tiệc cưới là hội hè vui vẻ tiếp theo đó mất hết mấy ngày. Viễn cảnh Khải Thị 19:9 họ cũng sẽ được dự vào tiệc cưới chiên con, không loại trừ khả năng có cả thức ăn nữa (Mat 8:11  -  Luca 22:16)

V/ Phước hạnh thứ năm 20:6
          Câu 6 mô tả đặc quyền của Cơ Đốc nhân tận trung với Chúa Cứu Thế, gồm 3 điều: Đối với họ thì sự chết đã bị đánh bại hoàn toàn, sự chết thứ hai không còn quyền hành trên họ nữa. Sự chết thuộc thể đối với nhửng người nầy không còn là sự đáng sợ nữa vì đó chỉ là cánh cửa mở vào sự sống đời đời.
Họ sẽ làm Thầy Tế lể của Thượng Đế và Chúa Giê-xu. Theo như người Do Thái, Thầy Tế Lễ là người độc nhất có quyền vào để ra mắt Thượng Đế, là đặc quyền lớn lao của những người trung tín với Chúa Giê-xu. Họ sẽ đồng cai trị với Chúa.

VI/ Phước hạnh thứ sáu 22:7
Đoạn 22 nầy gây ấn tượng mạnh mẽ bởi cụm từ “Ta đến mau chóng” (22:7,10,12,20) Chúa Giê-xu nhắc lại rằng sự tái lâm của Ngài sẽ không trì hoãn lâu nữa. Ngài chúc phước cho những người đọc và tuân theo những gì Giăng đã viết trong Khải Thị.

VII/ Phước hạnh thứ bảy 22:14
Những kẻ giặt áo mình được vào trong thành cũng giống như phước cho những người giữ các điều răn Ngài. Cụm từ nầy vạch rõ phần của con người trong sự cứu rỗi và chính Chúa Giê-xu đã cung cấp phần ân điển ấy, và cũng bởi sự hy sinh của Chúa con người mới dược tha tội.

Những lời chúc phước nhắc nhở chúng ta sách Khải Huyền là một bức thư và những bài học trong đó là dành riêng cho từng cá nhân, chỉ nhờ ân điển của Chúa Giê-xu mà người ta mới có thể chiến thắng để nhận được phần thưởng như đã mô ta trong sách KhảiThị và phần của chúng ta phải luôn luôn mở rộng đời sống mình để tiếp nhận.
NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ
tinlanhvaxahoi@gmail.com



MẤY PHÚT SUY GẪM: CÚNG


Một trong những điều con người cho rằng quan trọng đó là lối sống đạo đức, cái gì phi đạo đức là khó được chấp nhận.

Để được “ông bà ban phước và phù hộ con cháu tai qua nạn khỏi!”. Nếu thế, thì có sự khiếm khuyết, đây là một sự bất nhân vô hình của thế giới siêu hình tác động vào cuộc sống của thế giới hữu hình, họ tiếp tay làm cho đạo đức càng suy đồi hơn nữa. Ví dụ: Con cháu làm điều tội lỗi, phạm vào luật pháp nhà nước, bị tù tội.v.v... thế là hương, hoa, trà, quả, cơm, canh cúng vái. Những linh hồn ông bà cha mẹ, vì thương con cháu nên phù hộ chúng, cho thoát nạn, ... Đây là việc làm phi đạo đức.

Còn nữa việc linh hồn người chết làm hao tốn tiền bạc, của người sống. Trong khi những linh hồn này không làm ra vật chất, mà đòi hỏi vật chất thế gian: Nào trà nước, giấy tiền vàng mã, quần áo, nhà cửa, xe cộ, tivi, tủ lạnh (dán bằng giấy có cái lên đến vài triệu đồng, rồi chỉ để đốt)...

Đó có phải thế giới linh hồn là một thế giới phi đạo đức không? Trong Thiên Chúa cho biết rằng, loài người chỉ có một kiếp đời này để sống, và ai cũng phải chết một lần, linh hồn người chết sẽ ở nơi gọi là ba-ra-đi và nơi nào đó theo ý của Thiên Chúa. Linh hồn người chết không giáng họa hay ban phước được, nhưng hiện nay người ta lại ít quan tâm đến đạo đức của Đức Chúa Trời họ hay làm theo ý mình thích.

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ

HẠT NGỌC TÌNH ĐẦU



(DNDT) Tôi cứ nhắc đi nhắc lại lời khuyên ngắn gọn: “thấy gì viết nấy” của người hướng dẫn, câu nói tưởng chừng đơn giản đó đã gậm nhấm tôi là người mới tập tành đi viết và cho mãi đến hôm nay vẫn thế.

Ngày đầu tiên đi thực tập, tôi vào một hội thi, tôi thấy thật nhiều, chính vì thấy nhiều đó làm tôi đâm hoảng “thấy gì viết nấy”: tôi thấy 9 đội thi, đội nào cũng có tiết mục hay, tôi giật mình nhìn lại và nhắc nhở chính mình – Lần này đi xem là để viết bài, không phải đi xem biểu diễn văn nghệ. Xác định lại vai trò hiện tại của mình là một người viết báo, đi lấy tin để viết bài, phải có mắt nhìn quan sát, mắt phải tinh, tai phải thính, ghi chép chân thật và ngắn gọn… tôi thật sự lúng túng vì bây giờ tôi thấy nhiều quá và diễn ra cùng một lúc, mà kinh nghiệm về góc nhìn sự kiện của tôi thì chưa có.
Bài học khác lại đến với tôi trong lúc nầy: Bài viết chỉ có một chủ đề chính, cả phần mở đề lẫn thân bài đều theo sát chủ đề đó. Tôi nhìn thật rỏ và nghiền ngẫm chủ đề của cuộc thi, thời gian 1 ngày, có ba vòng thi, sáng hai, chiều một và tối là chương trình Gala phát thưởng. Tôi tham dự đúng từ sáng cho đến tối vì làm phóng viên tham dự nửa vời, nửa còn lại là do đi tìm trên internet hay tản mát từ các báo khác đem biến chế thành của mình là điều không được ủng hộ, đạo báo là điều cấm kỵ.
Tối, tôi ngồi trầm ngâm trước máy tính, đầu óc đầy những câu hỏi, “thấy gì viết nấy”, hóa ra lại khó cho người mới vào nghề. Một bài viết chỉ có một chủ đề, một tấm ảnh cũng chỉ có một chủ đề.  “một chủ đề” xoắn lấy tôi trong lúc nầy, mình không thể dùng chủ đề của cuộc thi làm chủ đề bài viết của mình vì rộng quá. Nhiều ý tưởng, nhiều câu hỏi quần thảo trong đầu! tư tưởng của tôi chiến đấu với chính tôi. Cuối cùng cũng bật ra được, mà đến những hai chủ đề cơ đấy, nó ở ngay trước mắt mình “thấy gì viết nấy” có tác dụng với tôi rồi: - Chủ đề thứ nhất, tôi viết về người đạt giải cao tuổi nhất của cuộc thi. Về việc nầy tôi đã có phần chuẩn bị tài liệu “dự phòng”, số là theo dõi cả ngày tôi phỏng đoán anh Hải là người cao tuổi nhất nên tôi đã làm cuộc phỏng vấn anh trong giờ giải lao, nên giờ tôi có tài liệu để viết về anh. – Còn lại là đây, và là ấn tượng bất ngờ đến nhói tim:
Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy anh ngồi ở hàng ghế ban giám khảo chấm điểm cuộc thi, tôi muốn buông rơi máy ảnh. Ký ức ngày xưa trổi dậy, nhà anh cách nhà tôi chỉ bởi hàng dừa, trưa trưa có nhóm trẻ con vui đùa bên nhau, trong đó có cả anh và tôi. Thời gian đám trẻ lớn lên và anh cũng dần xa tôi. Anh đi học, tôi cũng đi học, chúng tôi học khác ngành. Xuôi theo dòng chảy thời gian đưa chúng tôi xa nhau hẳn và bây giờ: Anh ngồi đó, còn Tôi đứng đây. Đây là công việc mà từ thuở bé chúng tôi nào nghĩ ra được: Giờ anh là nhà khoa học, anh ngồi ghế ban giám khảo chấm điểm thi cho các thí sinh; còn tôi là phóng viên tôi làm công việc của một phóng viên, tất nhiên tôi cũng chụp hình anh trong lúc anh chú tâm làm việc. Anh nhìn thấy tôi và tôi cũng nhìn thấy anh, nhưng! cũng như ngày xưa anh cũng xa tầm tay với, nhìn thấy nhau mà lại cách xa nhau bởi một bức vách vô hình … ngày xưa anh vì sự nghiệp nên anh xa tôi. Không thể nào trách được vì con trai nếu không có sự nghiệp thì chẳng ra làm sao, làm trai phải cho đáng nên trai!…
          Còn bây giờ sau hơn 30 năm xa cách, anh cũng vì sự nghiệp đã cố công tạo dựng hàng bao nhiêu năm, nay dù không hay muốn cũng phải bảo vệ nó, nếu đàn ông không sự nghiệp chẳng ra thể thống gì… thế là anh lại tiếp tục xa tôi… tôi cũng thế, bên tôi còn có gia đình. Vâng! mình sống đây không chỉ cho riêng bản thân mình mà còn có gia đình và xã hội, mà giềng mối chính là một trong những chúng ta, đừng đảo lộn trật tự hiện tại làm chi dù trong anh, trong tôi chắc còn những dấu yêu nồng thắm! Thôi anh nhé! nếu còn yêu nhau trong tiềm thức thì hãy nhớ về nhau, còn trong thực tế mỗi chúng ta đều có bổn phận, trách nhiệm riêng. Ở cương vị của hai chúng ta bây giờ vô hình chung phải là tấm gương soi … ít nhất cũng cho dòng tộc mình “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, quanh mình còn nhiều mối dây ràng buộc và hôn nhân một vợ một chồng không có chổ cho tình yêu đầu đời bộc phát khi tình cờ mình gặp lại nhau. Nhưng dù sao đi nữa trong tôi cũng thỏa lòng và hãnh diện vì mình chọn đối tượng để gữi tình yêu ban đầu không sai chổ. Vâng! anh vẫn mãi là người sống trong ký ức thời con gái của tôi.

 Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố