Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

TÌNH YÊU CỦA ANH

  









TÌNH YÊU CỦA ANH

Xưa cứ ngỡ... là yêu... tình sâu lắng, 
Trải cõi lòng, dang rộng cả vòng tay. 
Đón yêu thương, sống trọn vẹn tháng ngày 
Cho hạnh phúc riêng mình... nhiều mơ ước. 

Nhưng! với anh... tình yêu là say đắm, 
Mộng tưởng cuộc đời anh cất bước xa tôi. 
Tuổi mười lăm, yêu... nhưng mà đâu dám nói. 
Xa nhau rồi, biền biệt mất tin nhau. 

Giờ biết được “anh tôi", như vầng quang tỏa sáng, 
mộng năm xưa, nay đã thực cho đời. 
Tôi gặp anh trên trang “khuyến nông”... “thường trực” 
Trên trang Google, trên sóng phát hình. 

Vâng! Tiến bước nữa đi anh...
Hành trình khuyến nông còn đợi, còn chờ 
Nhiều bàn tay, chung lòng, chung sức, 
Làm bức tranh quê...

Nên ruộng đồng cò bay thẳng cánh, 
Với tiếng máy cày, cơ giới hóa cánh đồng xanh 
Gửi lại nhé anh, nhiều ước mơ cháy bỏng, 
“Cây trái chín ngọt lành 
Như kết quả đời anh”.

                                   NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: CHỮ HIẾU TRONG CƠ ĐỐC GIÁO

 

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: CHỮ HIẾU TRONG CƠ ĐỐC GIÁO

Giáo Sư Phạm Ngọc Huệ

(thevbi.net) 


Điều răn thứ Năm, Lời của Đức Chúa Trời, trong nền tảng Kinh Thánh: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất-ê-díp-tô Ký 20:12).

Sau bốn điều răn, dạy về bổn phận của con người đối với Đức Chúa Trời, đến điều răn thứ năm là mối quan hệ giữa người với người, điều răn đầu tiên Chúa muốn con người phải thực hiện với nhau là mối quan hệ trong gia đình: “Hiếu kính cha mẹ.” Điều này có nghĩa sự liên hệ giữa con cái với cha mẹ chỉ đứng sau mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa mà thôi. Cơ Đốc giáo đặt nặng bổn phận con cái đối với cha mẹ đó là những lời dạy trong Cựu Ước, sách Châm Ngôn: “Con ơi, phải nghe lời cha khuyên dạy, đừng bỏ khuôn phép của mẹ con” (1:8). “Này con, nghe cha khuyên dạy, lắng tai để có sự hiểu biết” (4:1). “Hành hung cha và xô đuổi mẹ, là con làm điều nhục gia phong” (19:26). “Lắng tai nghe lời khuyên dạy của cha, khi mẹ yếu già con chớ khinh khi” (23:22)...

Điều răn “Hiếu kính cha mẹ” được kèm theo lời hứa của Chúa, “hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” Đây là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa của Chúa cho thấy tầm quan trọng của điều răn này. Trong Tân Ước Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhỡ: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3). Sự hiếu kính, Chúa dạy là áp dụng cho mọi trường hợp, dù cha mẹ trẻ, khỏe mạnh hay già nua, đau yếu; cha mẹ giàu hay nghèo....

Cũng cần hiểu quan niệm hiếu kính trong đạo Chúa khác biệt với quan niệm của các nền văn hóa, nhất là văn hóa phương Đông. Chữ hiếu trong đạo Chúa không phải là những nghi lễ mà là mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ. Trong Cựu ước, hiếu kính là Kabad (Xuất. 20:12) có nghĩa là tôn kính, kính sợ. Trong Tân Ước thì dùng từ Timao (Ê-phê-sô 6:2) cũng có ý nghĩa tương tự, và từ Eusebeo (I Ti-mô-thê 5:4) được dịch là “hiếu thảo”. Hiếu kính theo Kinh Thánh là thái độ thương yêu, kính trọng, có mối quan hệ tốt đẹp với bậc sinh thành, cũng như quan tâm chăm sóc cha mẹ lúc già yếu.[1]


Phúc Âm Ma-thi-ơ 15:4 “Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết.” Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương và tôn kính cha mẹ. Chúng ta yêu thương cha mẹ vì ngoài Chúa ra, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Kinh Thánh dạy rất nghiêm khắc về việc phải tôn kính cha mẹ. Theo luật của Thánh Kinh Cựu Ước tội bất hiếu với cha mẹ được xử rất nặng như sau: “Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử. Kẻ nào bắt người và bán, hoặc giữ lại trong tay mình, sẽ bị xử tử. Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” (Xuất-ê-díp-tô Ký 21:15-17).

Ca dao Việt Nam cũng dạy con cái biết ơn cha mẹ mình:

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, nuôi dạy và mong mỏi chúng ta lớn lên, trở nên người hữu dụng. Cho nên, chúng ta phải biết ơn cha mẹ, và bày tỏ lòng biết ơn đó qua lời nói, hành động và cách cư xử, nhất là làm theo lời cha mẹ khuyên răn, theo sự dạy dỗ của Lời Chúa thì con cái phải “vâng phục cha mẹ mình vì điều đó là phải” (Ê-phê-sô 6:1-3). Đối với người làm cha, mẹ cũng phải dạy dỗ con trẻ khi chúng còn ấu thơ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

Đáp đền ơn nghĩa sinh thành

Theo diễn biến tự nhiên của đời người, bốn giai đoạn này có lẽ đa số người sẽ trải qua: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Cha mẹ chúng ta cũng không thoát khỏi vòng sinh hóa ấy. Vậy nên, làm con cái chúng ta phải lo phụng dưỡng cha mẹ, nghĩa là chu cấp cho cha mẹ về tình yêu, sự kính trọng, tài chánh, sự chăm sóc thăm hỏi thường xuyên để tỏ lòng hiếu thảo khi cha mẹ còn sống, nếu không, khi cha mẹ qua đời rồi thì người làm con chẳng thể báo hiếu được cho bậc sanh thành nữa!

Sự tôn kính cha mẹ còn được thể hiện qua cách sống của người làm cha, mẹ. “Cha người công bình sẽ có sự vui vẻ lớn, và người nào sanh con khôn ngoan sẽ khoái lạc nơi nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn hở, và người đã sanh con lấy làm vui mừng” (Châm Ngôn 23:24-25). Mặc dầu vấn đề hiếu kính của con cái đối với cha mẹ, là bổn phận của những người làm con, nhưng lời Chúa cũng dạy trách nhiệm của các bậc phụ huynh phải biết dạy dỗ và hướng dẫn con cái mình về sự hiếu thảo với cha mẹ là việc cha mẹ cần phải làm gương cho con cái noi theo.  


Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có gương hiếu thảo của Ru-tơ, dù rằng nàng Ru-tơ là con dâu của bà Na-ô-mi: “Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi! Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa” (Ru-tơ 1:16-18).

Chính vì sự hiếu thảo của Ru-tơ, bà Na-ô-mi phác thảo một kế hoạch cho con dâu và ông Bô-ô cưới nàng Ru-tơ làm vợ, kết quả tốt đẹp đó là “Ô-bết sanh Y-sai, và Y-sai sanh Đa-vít” (Ru-tơ 4:21). Chúng ta hãy xem phân đoạn Kinh Thánh: “9Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-li-ôn, và về Mạc-lôn, 10và cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi, đặng nối danh kẻ chết cho sản nghiệp người; hầu cho danh kẻ chết không mất khỏi giữa anh em mình và khỏi dân sự của thành người; ngày nay các ông làm chứng về điều đó.... 13Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai.... 17Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết... 22Ô-bết sanh Y-sai, và Y-sai sanh Đa-vít” (Ru-tơ 4 :1-17).

Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương đối đãi với Ru-tơ rất nhân từ, ban cho nàng đức tin để nàng tin cậy Ngài và được cứu rỗi, do nàng đã rời khỏi Mô-áp. Hồng ân của Chúa còn tiếp tục tuôn đổ trên đời sống của Ru-tơ khi bà chuyển đến Bết-lê-hem, Chúa đưa dẫn bà đến đồng lúa của Bô-ô và tại nơi đó Bô-ô đã biết và phải lòng nàng. Chúa cho bà với Bô-ô sanh được một bé trai, người ta đặt tên đứa trẻ đó là Ô-bết. Và Ô-bết là ông nội của Đa-vit (sau này là vua của Y-sơ-ra-ên).

Sách Ru-tơ nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời đang làm việc trong thế giới chúng ta, Ngài đang tìm kiếm cô dâu và đang thu hoạch mùa màng; chúng ta phải tìm cho mình vị trí trong chương trình tìm kiếm những linh hồn hư mất của Ngài. Những sự kiện trong sách Ru-tơ xảy ra thuộc thời kỳ Các Quan Xét, là thời kỳ chẳng khác gì mấy so với thời hiện tại này của chúng ta. Nếu bạn chỉ cứ mãi lo nghĩ về những điều xấu, điều ác trong xã hội thời nay thì chắc chắn bạn sẽ trở nên người bi quan, yếm thế và hay hoài nghi; nhưng, nếu bạn cầu hỏi Đức Chúa Trời để biết Ngài muốn bạn đến làm việc tại cánh đồng nào của Ngài và bạn hãy trung tín hầu việc Ngài, thì bạn sẽ nếm trải được ân huệ, tình yêu thương và niềm vui thoả từ nơi Ngài.[2]

Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa (Cô-lô-se 3:20). Khi lớn tuổi, cha mẹ có thể cần sự hỗ trợ thực tế. Con cái hành động hiếu kính cha mẹ bằng cách bảo đảm rằng họ có được những điều cần thiết trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, nói chuyện với họ bằng những lời tử tế, lễ phép, và ân cần. Hiếu kính cha mẹ không chỉ là một lời khuyên mà là một mệnh lệnh. Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ phát xuất từ sự biết ơn đối với Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta. Gương của Chúa Giê-su cũng sẵn sàng vâng lời cha mẹ (Lu-ca 2:51[3]). Tại bên thập tự giá, Đức Chúa Giê-su thấy có mẹ Ngài đứng đó, Chúa Giê-su sắp xếp để mẹ ngài được chăm sóc (Giăng 19:25-27).

Chối bỏ cha mẹ, bất kính đối với ông bà cha mẹ là một tội lớn. Khi cha mẹ còn sống, nếu chúng ta làm cho cha mẹ có đời sống an nhàn, vui thỏa, đó là chúng ta đã hiếu kính cha mẹ và làm trọn điều răn của Chúa. Khi cha mẹ mất: “.... bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12:7), tức là khi chúng ta qua đời, thể xác sẽ trở thành bụi đất, còn phần linh hồn sẽ phải trình diện Đức Chúa Trời. Thực hành đạo hiếu với cha mẹ cũng là phục vụ Chúa của người Cơ Đốc, cho nên “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta,” (Cô-lô-se 3:23 ).



[1] Trịnh Phan, Cơ Đốc Nhân Và Chữ Hiếu, https://httlvn.org/co-doc-nhan-va-chu-hieu.html, truy cập ngày 25/11/2020.

[2] Warren W. Wiersbe, Ru-tơ, http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/kinh-thanh-7635/gia-i-ngh-a-kinh-tha-nh-warren-w-wiersbe/4421-ru-to, truy cập ngày 30/11/2020.

[3] Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng” (Lu-ca 2:51).

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

DẠY CHO TRẺ THƠ CON ĐƯỜNG NÓ PHẢI THEO

 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dù khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Động từ “dạy”, chỉ sự hướng dẫn đầu tiên mà người làm cha, mẹ cung cấp cho con cái của mình. Sự huấn luyện được vạch rõ ràng cho chúng cách cư xử trong cuộc sống mà chúng được chuẩn bị như sự lễ phép, trung tín, nhẫn nhịn... Bắt đầu giáo dục sớm cho con cái là một việc làm hết sức cần thiết và đó là thể hiện trách nhiệm của bậc làm cha, mẹ trong việc phát triển nhân cách của con mình.

          Gương mẫu của cha mẹ đối với con cái

          Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa trang, thấy người ta đào huyệt, chôn, lăn khóc. Về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: Chỗ nầy không phải chỗ con ta ở được. Rồi dọn nhà ra gần chợ, thấy người buôn bán giành mối nhau, chửi bới nhau, về nhà cũng bắt chước cách nói năng thô tục. Bà mẹ thấy thế lại nói: Chỗ nầy cũng không phải chỗ con ta ở được. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: Chỗ nầy là chỗ con ta ở được.

          Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà láng giềng giết lợn, về hỏi mẹ: Người ta giết lợn làm gì thế?.  Bà mẹ nói đùa: Để cho con ăn đấy. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: Ta nói lỡ lời rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối hay sao? Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con thật. Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cưởi; trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng giống mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt đứt đi vậy. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi sau thành một bậc đại hiền, thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quý báo của mẹ hay sao?

          Dạy con biết lễ phép

         

Lễ phép là phẩm chất cần có trong mối quan hệ giao tiếp, giúp giảm những mâu thuẫn và tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người. Theo chuyên gia giáo dục Ngô Hải Khê: Thời kỳ trẻ từ 0 đến 6 tuổi được coi là thời kỳ nhạy cảm nhất, thời kỳ phát triển nhanh nhất của trẻ do não bộ phát triển mạnh, nên trẻ học hỏi và tiếp thu rất nhanh vì vậy, trách nhiệm của cha mẹ là phải tạo môi trường phù hợp để trẻ được phát triển toàn diện.

          Có một số cha, mẹ tỏ ra bàng quan với tính tình của trẻ, họ cho rằng một số thái độ, lời nói vô lễ là sự tự nhiên, con còn nhỏ nên chưa biết gì, khi lớn lên sẽ khác đi. Thực chất, trẻ rất cần bồi dưỡng, rèn luyện tính tình từ khi còn thơ ấu. Lễ phép cũng là khởi đầu việc trẻ học làm người, là một trong những tố chất cơ bản giúp trẻ đạt được thành công trong công việc khi trẻ lớn lên.

Trong cuộc sống, các bậc cha mẹ thiếu đi các yếu tố sau thì không thể nào dạy con trẻ thành công được đó là: Yêu thương, Kiên nhẫn, Trò chuyện và Khen ngợi. Những điều đó cha mẹ nào cũng có thể cho con cái mình, có khác chăng là cách mà mỗi cha mẹ làm mà thôi. Từ 0-3 tuổi là giai đoạn mà tất cả những gì trẻ được tiếp nhận, được dạy sẽ được lưu giữ và hấp thụ hoàn toàn trong ý thức của não, thời kỳ này không một ai có thể thay thế được vị trí và vai trò của người mẹ. Từ 3 – 6 tuổi kỹ năng tư duy của trẻ được phát triển. Một triết gia phương Tây nói rằng: “Thành phần xuất thân ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách.” Cho thấy rằng môi trường giáo dục trẻ cũng cần được chú ý đến.

          Luôn gần gũi con trẻ

Từ 4 – 6 tuổi, hãy tập cho trẻ giúp việc lặt vặt trong nhà, đây cũng là một cách giúp trẻ vận động và luyện kỹ năng cầm nắm, xử lý đồ vật. Thường xuyên khen ngợi mỗi khi trẻ giúp mình làm việc. Cũng có nhiều bà mẹ không để cho trẻ làm, vì nghĩ trẻ con còn nhỏ chưa biết gì, nên để trẻ chơi một mình hay giao trẻ làm bạn với điện thoại, các game vô cảm, còn mình thì bận rộn! Đây là, suy nghĩ sai lầm vì đã làm lỡ dịp dạy trẻ luyện kỹ năng làm việc, tuy nhiên, công việc phải phù hợp cho trẻ. Mẹ cùng bé làm việc mang lại lợi ích là vừa giúp mình giảm gánh nặng, tâm tình mẹ con gần gủi hơn và là một cách dạy trẻ học tập trực tiếp-cầm tay chỉ việc, kịp thời chấn chỉnh những sự sai sót. Qua việc tiếp xúc thường xuyên với con những kỹ năng được phát triển tốt như: khả năng sử dụng ngôn ngữ sẽ được rèn luyện, diễn đạt chính xác cảm xúc của mình, giao tiếp, ứng phó tình huống, giúp trẻ hướng thiện, biết yêu thương, đặc biệt là trẻ biết cư xử lễ phép….

Hãy để trẻ quyết định mọi việc liên quan đến bản thân như ăn gì, mặc gì. Trẻ có làm gì sai hay thất bại thì cũng không nên la mắng mà nên dùng lời dễ hiểu phân tích, khuyến khích cho trẻ làm lại và cũng hãy tích cực trả lời những câu hỏi của con. Dạy cho con trẻ con đường nó phải theo là một đề tài mà từ xưa đến nay các bậc làm cho mẹ không hề xao lãng. Trẻ con không phải là một người lớn thu nhỏ, tục ngữ Việt Nam có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ


 

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

GIẢI QUYẾT MỆT MỎI VÀ GÁNH NẶNG

 Kính thưa Quý vị!

Nếu Quý vị đang cảm thấy mệt mỏi vì những khó khăn trên đời, hôm nay tôi xin chia sẻ với Quý vị một lời mời gọi của Chúa Giê-xu mà có thể sẽ thay đổi đời sống của Quý vị.

Phúc Âm Ma-thi-ơ 11: 28-30 ghi lại lời hứa của Chúa Giê-xu cho những người đang cảm thấy mệt mỏi và gánh nặng như sau:

28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.
30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.


CÂU GỐC: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11: 28)

Chúng ta nghiên cứu hai phần:

I.             Vấn đề: Mệt mỏi và gánh nặng 

Và phần thứ 2 là GIẢI PHÁP của Chúa; giải pháp đó là Chúa kêu gọi Hãy đến cùng với Chúa. Chúa Giê-xu bảo rằng:

II.           Giải pháp: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”  

Giờ đây chúng ta xem phần thứ nhất

I.             Vấn đề: Mệt mỏi và gánh nặng 

Trước hết, chúng ta tự hỏi Chúa Giê-xu đang nói chuyện với ai? Câu trả lời đó là: Với “những kẻ mệt mỏi và gánh nặng.

Chúng ta thấy rằng: Mệt mỏi khác với mệt nhọc.

Mệt nhọc sau một ngày làm việc là bình thường, nhưng mệt mỏi nói đến một tình trạng mệt nhọc kéo dài, có bóng dáng của sự chán nản xuất hiện, gây thiếu ý chí phấn đấu trong công việc. 

* Ở đây, điều Chúa Giê-xu muốn nói là do những hậu quả của những cố gắng của con người để làm cho mình được tốt hơn. Chúng ta cũng bị mệt mỏi trong những cố gắng tìm kiếm tiền tài danh vọng trong xã hội, những gánh nặng lo âu chúng không làm giảm đi những khó khăn, nhưng lại gây mệt mỏi làm giảm đi sức mạnh ngày hôm nay.

* Nhưng quan trọng hơn hết là sự mệt mỏi về phương diện thuộc linh. Như những cố gắng làm việc thiện, cố gắng ăn hiền ở lành để gây công đức; những sự chống trả cám dỗ khiến người ta mệt mỏi và phải làm biết bao nhiêu để biết rằng mình đã làm đủ công đức để hưởng được phước hạnh để tự cứu lấy mình. 

·        Chúng ta xem phần Chúa Giê-xu nói đến “gánh nặng” 

Gánh nặng nó đang đè nặng tấm lòng; khác với “mệt mỏi”, “mệt mỏi” đó là hậu quả của những cố gắng cho tương lai mai hậu! Còn “gánh nặng” là hậu quả của những điều xảy ra trong hiện tại hay quá khứ. Ðặc biệt, là gánh nặng do mặc cảm tội lỗi.

Nói đến tội lỗi, thì có những tội thấy được, định được tội. Có những tội mà không ai biết, nhưng cứ dai dẳng cắn rứt lương tâm của người phạm tội. Có những tội giấu kín chưa ai biết, nhưng người mang nó cứ sợ hãi là một ngày nào đó sẽ có người biết. Những gánh nặng này là những điều làm con người mệt mỏi.

Có ai trong chúng ta trước khi tin Chúa mà không mang những gánh nặng cũng như sự mệt mỏi nói trên? 

Lời kêu gọi của Chúa Giê-xu, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng” là bao trùm hết tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay giàu, nghèo. Vấn đề không phải là chúng ta có những gánh nặng trên đời hay không, nhưng có chịu công nhận mình có đang mang gánh nặng hay không. Chúng ta phải có sự thành thật với mình và khiêm nhường với Ðức Chúa Trời để công nhận điều này.

Như vậy giải quyết mệt mỏi và gánh nặng phải làm sao? GIẢI PHÁP CỦA CHÚA GIÊ-XU LÀ: “Hãy đến cùng Ta”, nghĩa là hãy đến cùng Chúa Giê-xu.

II. Giải pháp: “Hãy đến cùng Ta.” 

Khi mang gánh nặng. Có người muốn trút gánh nặng bằng cách đi tìm sự giải trí trong những thú vui trên đời, trong những chén rượu cay hay canh bạc thâu đêm suốt sáng.... Có người trốn đời bằng cách rút lui vào rừng sâu, hay đi chơi xa. Có tôn giáo dạy con người phải ngồi thiền, tĩnh tâm. Có người tìm đến nhà thờ, hay nhóm nhỏ. Nhưng Chúa Jésus bảo mọi người đến với Ngài.

Khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu, Ngài hứa chắc chắn, “Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Sự yên nghỉ ở đây không phải là sự nhàn hạ, trốn chạy khỏi đời, hay “ngồi chơi xơi nước.”

Thưa quí vị! Trong âm nhạc có dấu nghỉ, và tất cả mọi bài hát đều cần có những lúc nghỉ, nhưng những lúc nghỉ này không là sự cuối cùng của bài hát. Không những Chúa chỉ hứa là Ngài sẽ cho chúng ta sự an nghỉ hoàn toàn trong ngày cuối cùng, Ngài cũng hứa là ngay trên thế gian này, Ngài sẽ ban những quán trọ dọc đường, để chúng ta có thể dừng lại, lấy sức tiếp tục bước đi.

 Chúa Giê-xu muốn chúng ta đến với Ngài để có một mối liên hệ mật thiết với Ngài, và chỉ qua mối liên hệ này mà Ngài cất lấy những gánh nặng trên chúng ta. 
 

Có câu chuyện rằng: Có một người mẹ đang mệt nhọc vì phải thức đêm bên cạnh người con bị bịnh. Rồi có một người khác đến tình nguyện trông chừng em bé, để người mẹ có thì giờ nghỉ ngơi. Người mẹ này chỉ có thể giao con, nếu tin rằng người đó sẽ trung tín trông chừng con mình chu đáo, và biết phải làm gì nếu có điều bất trắc xảy ra. 

Cũng vậy, chúng ta chỉ có được sự bình an nếu có sự liên hệ cá nhân mật thiết với Chúa Giê-xu, để biết Ngài, và vì đó có thể tin vào quyền năng và sự thành tín của Ngài. Với niềm tin đó, chúng ta không còn phải đi tìm những điều tạm bợ trên đời, nhưng có sự yên nghỉ vì biết nương cậy vào một ĐẤNG bền chắc vững vàng, chính là Ðức Chúa Trời.

Chúa Giê-xu không tự ý, khống chế để giúp những người không yêu cầu Ngài giúp. Mà Ngài chủ động mời gọi chúng ta đến với Ngài. 

THƯA QUÍ VỊ Chúng ta phải đến với Ngài ngay lúc này, không chần chờ cho đến khi mình thành tốt hơn, hay xứng đáng hơn. Ðến với Ngài không phải là đến với một thượng đế do chúng ta tạo dựng theo sự suy nghĩ của mình, nhưng đến với Ðấng mà Kinh Thánh là Lời của Ngài. Ý nghĩa của việc đến với Chúa cũng không phải do chúng ta định đoạt muốn làm gì thì làm, nhưng bao gồm ít nhất hai điều mà Chúa nói sau đây:

     1) “Hãy gánh lấy ách của Ta” 

Cái ách ở xứ Do thái trong thời Chúa Giê-xu cũng giống như cái ách đôi ở Việt Nam sử dụng. Ðây là vật dụng người ta mang vào cổ con bò (trâu) để nó kéo xe hay cày bừa. Trước hết chúng ta để ý rằng Chúa Giê-xu không nói, “Hãy đến cùng ta, ta sẽ tháo gỡ mọi cái ách trên các ngươi.”

Tại sao Ngài không cho chúng ta một cái giường, cái gối để ngủ yên, nhưng lại là một cái ách? Thưa! Vì sống trên thế gian này, chúng ta không thể không làm gì hết, nhưng phải “đi cày” (làm việc), đó là như mang một cái ách.

Vấn đề không phải là chúng ta có mang ách hay không, nhưng mang cái ách nào. Trước khi đến với Chúa, có người mang cái ách ích kỷ, chỉ để phục vụ chính mình. Có người cao thượng hơn mang một cái ách để phục vụ tha nhân hay một tổ chức tôn giáo, như trong câu hỏi Phi-e-rơ đặt với các sứ đồ và các trưởng lão trong sách Công Vụ 15:10, “Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Ðức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi?” Khi chúng ta đến với Chúa, Ngài không tháo gỡ cái ách trên chúng ta để chúng ta không làm gì hết, nhưng cho chúng ta mang lấy cái ách của Ngài, để phục vụ Ngài.

Một đàng Chúa hứa trong Giăng là đến với Ngài, “Giăng 8:32 Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi,” nhưng đàng khác, Ngài lại trói buộc chúng ta bằng một cái ách. Có phải đây là một điều mâu thuẫn?

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:1-6 có một điều luật về sự nô lệ như sau: “Ðây là luật lệ ngươi phải truyền cho dân sự: Nếu ngươi mua một người đầy tớ Hê-bơ-rơ, nó sẽ hầu việc cho sáu năm;// nhưng qua năm thứ bảy nó sẽ được thả ra, không phải thối tiền. Nếu nó vào ở một mình, thì sẽ ra một mình; nếu có vợ, thì sẽ ra với vợ //. Nếu người chủ cưới vợ cho, và nếu vợ sanh được con trai hay gái, thì nó sẽ ra một mình, vợ và con thuộc về chủ// . Nếu kẻ tôi mọi nói rằng: Tôi thương chủ, vợ và con tôi, không muốn ra được tự do, thì người chủ sẽ dẫn nó đến trước mặt Ðức Chúa Trời, biểu lại gần cửa hay là cột, rồi lấy mũi dùi xỏ tai; nó sẽ hầu việc người chủ đó trọn đời.

Chúa Giê-xu không tự ý đặt một cái ách trên chúng ta, và ép chúng ta mang. Chúng ta yêu Ngài, vì Ngài đã yêu chúng ta trước. Từ tình yêu Chúa đó, trong sự tự do chọn lựa, chúng ta chọn mang ách của Ngài, như Ngài nói trong Giăng 14:15, “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn ta.

Ðọc qua lời dạy “Hãy gánh lấy ách của ta,” chúng ta có cảm tưởng rằng Chúa bảo chúng ta đến với Ngài, rồi ngồi đó, và đặt trên chúng ta một cái ách để chúng ta mang. Thế thì điều này có khác gì với việc mang cái ách của thế gian trước kia?

Tại sao mang lấy ách của Chúa lại được sự yên nghỉ?     

Ðiều quan trọng chúng ta cần phải để ý là mỗi cái ách đôi cần có hai con bò. Trong hình ảnh này, mỗi người chúng ta là một con bò, nhưng con bò thứ hai là ai? Thưa, chính là Chúa Giê-xu. Ngài không muốn chúng ta mang cái ách của Ngài một mình. Không những sẽ ban cho chúng ta thêm ơn sức để tiếp tục sống trên đời, Ngài làm việc bên cạnh chúng ta như một người bạn đồng lao.

Mang ách của Chúa Giê-xu, mang ý nghĩa chúng ta được nối liền với Ngài, và được sự giúp đỡ của Ngài. Trên thực tế, người ta thường không để hai con bò ngang sức với nhau mang cùng một ách, nhưng để một con to lớn, khỏe mạnh, chung với một con yếu đuối hơn để có thể kéo xe hay kéo cày (làm việc chung).

Như một con bò yếu, chúng ta có thể chuyển những gánh nặng trên vai chúng ta lên trên vai Chúa Giê-xu. Như vậy, sự yên nghỉ không phải là không có ách trên đời, nhưng đến từ việc có được một Ðấng quyền năng và yêu thương đang ghé vai mang ách chung. Vì thế, Ngài nói “Ách Ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.

Chữ “dễ chịu” trong nguyên bản nói đến sự thích hợp. Người ta làm những cái ách thể theo tầm vóc của mỗi con bò. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những gì vượt ra ngoài khả năng của chúng ta. Ách của Chúa cũng dễ chịu ở điểm là nó cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống.

Nếu cái ách Do thái giáo ngày xưa gồm biết bao nhiêu luật lệ phức tạp, ách của Chúa thật giản dị, bao gồm hai chữ “Yêu thương.” Thư IGiăng 5:3 viết, “Vì nầy là sự yêu mến Ðức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Ðiều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” Chúa Giê-xu tóm tắt điều răn của Ngài trong Phúc Âm Ma-thi-ơ: “Nầy là điều đầu nhất: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Ðức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.

Điều kế tiếp chúng ta học là Chúa Giê-xu nói:

 2) “và học theo Ta” 

Như đã bàn ở trên là người ta thường cho một con bò lớn mạnh mẽ mang ách chung với một con bò nhỏ yếu hơn. Ðã được huấn luyện từ lâu, đã quen đường đi nước bước, con bò lớn mang ách chung với con bò nhỏ để huấn luyện cho con bò nhỏ. Chúa gọi chúng ta đến với Ngài, để mang ách chung với Ngài, và cũng để học theo Ngài.

Học theo Chúa là một tiến trình kéo dài suốt đời. Chúng ta học theo Ngài bằng cách thường xuyên đọc và suy gẫm lời Ngài (Kinh Thánh), cũng như chuyên cần nhóm lại để chia sẻ lẫn nhau điều mình học được. Chúng ta phải học từ Ngài lòng yêu mến, vâng phục, và tin cậy hoàn toàn vào Ðức Chúa Trời, cũng như lòng yêu người. Ngài đi đâu chúng ta đi đó; Ngài làm gì chúng ta làm theo. Chúa nói là Ngài “có lòng nhu mì, khiêm nhường.” Ðây là gương sáng mà chúng ta phải học, và cũng là lý do mà việc học của chúng ta từ Ngài “dễ chịu và nhẹ nhàng.

Con bò nhỏ sẽ không cảm thấy gánh nặng của ách, nếu chịu đi theo con bò lớn. Ngược lại, nếu tìm cách đi theo ý riêng, nó sẽ chịu đau đớn vì ách kéo nó lại. Cũng vậy, nếu đến với Chúa mà chúng ta vẫn còn muốn cưỡng lại ý muốn của Ngài, chúng ta sẽ không thể nào có được sự yên nghỉ như Ngài đã hứa.

Chúng ta hãy tưởng tượng hình ảnh: Cái ách thường gồm một cây gỗ ngang để nối hai con bò chung với nhau, và một cây gỗ dọc để nối cây gỗ ngang với chiếc xe hay cái cày. Hình ảnh này cho chúng ta nhận thấy rằng: Nếu dựng đứng dàn gỗ dọc (bắp cày, cái xe bò) lên thì nó sẽ có hình thập tự giá!

Chúa Giê-xu đã mang thập tự giá trước, và cũng muốn chúng ta mỗi người sẽ mang thập tự giá của họ mà đi theo Ngài. Hôm nay, chúng ta thấy Ngài muốn chung vai gánh những gánh nặng cho chúng ta, nếu chúng ta chịu đến với Ngài, để gánh lấy ách của Ngài, cũng như để học theo Ngài. Khi chúng ta làm điều này, những mệt mỏi và gánh nặng trên đời sẽ trở nên được trút bỏ, chúng ta sẽ được yên nghỉ, bình an, thạnh mậu trong cuộc sống của đời này.

           GS. Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố



Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

RƯỢU MỚI BÌNH MỚI

“Rượu mới phải đổ vào bầu mới” (Lu-ca 5:38).

 

Rượu mới bình cũ là câu chuyện dụ ngôn trong Phúc Âm Lu-ca 5:37-39, Chúa Giê-xu nói với những người đương thời của Chúa. Lời dạy của Chúa Giê-xu không thích hợp với lễ nghi, truyền thống của người Do thái, không phù hợp với Do Thái giáo. Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ được, Chúa Giê-xu giải thích như sau: “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, nếu vậy rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi. Song rượu mới phải đổ vào bầu mới. Lại cũng không ai uống rượu cũ lại đòi rượu mới; vì người nói rằng: Rượu cũ ngon hơn” (Luca 5:37-39).


Những ẩn dụ của Chúa Giê-xu phù hợp với nền văn hóa đương thời của Chúa. Bầu rượu bằng da cũ sẽ căng phồng nếu được dùng để đựng rượu mới, vì rượu mới vẫn tiếp tục lên men, cuối cùng bầu da sẽ bung rách, không còn dùng được nữa. Với ngụ ý, cái cũ và cái mới không để đi chung, không thể song hành với nhau được, vì cái này sẽ phá cái kia.

 

Khi được tái sinh, tâm linh của chúng ta được Chúa đổi mới, thì sẽ không còn chấp nhận, không thể chịu đựng nỗi những thói quen hư cũ như: Lười biếng, ích kỷ, luông tuồng, làm chuyện vô bổ, đời sống vô trách nhiệm… Khi tâm linh của người được Đức Chúa Trời tái sanh, được Thánh Linh soi sáng, dẫn dắt thì chúng ta sẽ say mê đeo đuổi những điều mang đến “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhịn, nhân từ, hiền lành, trung tín…” Kinh Thánh 2Cô-rinh-tô 5:17, “Vậy! nếu ai ở trong Đấng Christ, thì là người dựng nên mới; những sự cũ qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

 

Những người mới được ở trong Hội Thánh của Chúa, nhưng họ vẫn ở trong nền văn hóa đương thời, mà Hội Thánh của Chúa cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của môi trường văn hóa. Thế nên, nếu Hội Thánh không cập nhật những tiến bộ của xã hội, thí dụ như: Internet đã khiến thế giới ngày nay đã phẳng, nhưng Hội Thánh không ứng dụng gì cả, vẫn dùng máy đánh chữ cổ xưa, đánh trên giấy stencil và in bằng công nghệ rô-nê-ô (ronéo), đi truyền giáo, thăm viếng vẫn dùng xe đạp… thì tân tín hữu mới gia nhập và những người trẻ trong Hội Thánh sẽ không thấy được việc làm cũng như hình ảnh tươi mới nào trong nơi sinh hoạt tâm linh. Nơi họ đến nghe giảng Lời Chúa là một bộ máy cũ rích, với không gian buồn thãm. Khiến họ nhìn sang Hội Thánh nơi khác, phòng nhóm thì đèn điện sáng choang, máy điều hòa mát rượi, chiếu slight câu gốc, Kinh Thánh trên màn hình led rõ ràng…. Cho dù đây là hình thức, nhưng ứng dụng công nghệ mới phục vụ cho đời sống tâm linh, khiến người ta thấy phần nào thỏa mãn trong lòng, nơi họ đến thờ phượng Chúa họ cho là “có ơn” Chúa nhiều thì họ thích đến hơn. Đây là sự thay đổi về hình thức, các Hội Thánh không nên bỏ qua.

 

Song song theo đó là nội dung bài giảng. Lời Chúa có quyền năng biến đổi con người từ xấu thành tốt theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, từ một người lạnh lùng trở thành người nóng cháy phục vụ Chúa. Chúa khiến người hâm hẩm trở nên người có tâm tình yêu mến Chúa thật tình, để không bị mất phước mà xa Chúa như Kinh Thánh Khải Huyền 3:16, “Vậy, vì ngươi hâm hẩm không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta”. Chúa là tình yêu cho nên bản chất của Hội Thánh Chúa cũng là tình yêu, nơi những thánh đồ của Chúa nhóm lại, để thực hiện những chức năng của Hội Thánh, rao truyền sứ điệp không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, hình thức để rao truyền sứ điệp cần phải được cập nhật luôn để chinh phục những người khác, trong đó lớp người trẻ tuổi cũng cần được Hội Thánh quan tâm chinh phục.

 

Trong một xã hội biến động như hiện nay, Hội Thánh của Chúa cần thể hiện đó là một cộng đồng yêu thương, không phải là một thể chế, với những luật lệ bó buộc các thành viên phải làm điều này, không được làm điều khác cách cứng ngắt. Mà cần thể hiện cho người khác thấy đó là một cộng đồng hiệp nhất có sự gặp gỡ Chúa. Theo Chúa là đi vào con đường hẹp, nhưng dẫn đến sự sống (Ma-thi-ơ 7:13-14), cho nên Sứ đồ Phao lô đã khuyên: “Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2Ti-mô-thê 4:2). Lời khuyên này so với hai quan điểm về “sự thay đổi” của Rick Warren và Walt Wilson được mở rộng và cụ thể những việc cần phải làm khi rao truyền Danh Chúa cho người chưa tin và làm với tâm tình của người phục vụ trong sự chuyên cần, nhẫn nhịn, bền đỗ…

 

Mục sư Rick Warren viết: “Nghĩ về một Hội Thánh để chinh phục những người hư mất cho Đấng Christ. Và Chúa Giê-xu đã phán trong Lu-ca 5:38: “Rượu mới nên được đổ vào bầu da mới.” Theo Walt Wilson, “… cẩn thận lựa chọn các hình thức thích hợp để thực hiện chúng…” Đây là những lời khuyên tâm huyết để sinh ra những việc làm có ích lợi cho Hội Thánh Chúa như: Họ đã bỏ việc hướng về chuyện huyễn, tiết độ trong mọi sự, chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành… Thế giới phẳng hiện nay là phương tiện truyền thông nhanh nhất và hiệu quả, tạo nên sự tươi mới giữa người truyền tin và kẻ nhận tin, Cơ Đốc nhân cần tận dụng để thích nghi và đáp ứng cho hoàn cảnh mới. Tôi dùng lời sau đây: “Tạo Ra Sự Thay Đổi” để kết thúc bài này: “Một tổ chức không còn thích hợp khi sự thay đổi bên ngoài tổ chức vượt quá sự thay đổi bên trong của tổ chức”[1] (Walt Wilson).

 

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ



[1] David T. Bourageois, Mục Vụ Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số (Downers Grove, Illinois: InterVasity, 2013), tr 31.

 


Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

LỜI NGUYỆN TRƯỚC KHI HỌC – HÔM NAY HỌC VỀ CHÚA THÁNH LINH – HL CN 28/06/2020


 Đức Chúa Thánh Linh được sai phái đến để hướng dẫn chúng ta, là những người được Chúa Giê-su cứu, để cho chúng ta trở thành Cơ Đốc nhân, và bước vào chân lý của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Thánh Linh là Thần chân lý.

Đức Chúa Thánh Linh không tự mình nói điều gì, nhưng sẽ nói những gì Ngài nghe từ Đức Chúa Trời. Một trong những công việc của Đức Chúa Thánh Linh được sai phái đến thế gian là để làm vinh hiển Chúa Cứu Thế Giê-su. Trong chúng ta, không ai hiểu hết ý muốn của Đức Chúa Trời ban cho đời sống của mỗi người. Cho nên, ai cũng cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Thánh Linh. Thánh Kinh cho biết không có sự giúp đỡ, dạy dỗ và rèn luyện của Đức Chúa Thánh Linh thì không ai có nếp sống đẹp lòng Chúa cho được: “Nhưng Đấng yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi” Giăng 14:26).

Công việc Chúa Thánh Linh làm là vô hình, Chúa Giê-su nói về Đức Thánh Linh như gió vậy, gió muốn thổi đâu thì thổi, người nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu. Ai được sinh ra từ thiên thượng, nghĩa là bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời cũng như vậy. Được sinh ra từ Chúa, Cơ Đốc nhân đã thoát khỏi chốn tối tăm, thế giới mà sa-tan cai trị hiện nay, Kinh Thánh Giăng 3:8, đã cho biết như vậy: “Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ.”  

Đức Thánh Linh đến như gió. Điều này mô tả quyền năng và sự hướng dẫn của Ngài trong cuộc đời của người tin cậy Chúa Giê-su. Đức Thánh Linh hà hơi của Ngài vào chúng ta, để chúng ta được đầy dẫy Ngài mà học Lời Chúa cho có kết quả. Điều này xảy ra cho chúng ta khi chúng ta được sinh lại từ thiên thượng từ trên bởi Đức Thánh Linh và Lời hằng sống của Đức Chúa Trời, khi chúng ta luôn luôn ở trong Ngài.

Nhờ ơn Chúa, chúng ta giờ đây chịu ngồi học, suy ngẫm, và ăn nuốt Lời Chúa trong Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. GIỜ CHÚNG TA BẮT ĐẦU VÀO BÀI HỌC. Bài học sẽ kéo dài từ 45 phút đến 60 phút. Amen!

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ