Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

LỄ TẠ ƠN

Hằng năm vào cuối tháng 11, dân chúng Hoa Kỳ lại kỷ niệm Lễ Tạ Ơn.  Lễ Tạ Ơn được những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức cách đây khoảng 400 năm. Những di dân đó là những tín hữu Tin Lành, họ quyết định mỗi năm biệt riêng ra một ngày để tạ ơn Chúa vì Chúa đã bao dung che chở họ giữa những khó khăn trong cuộc sống và đã ban cho họ cơ hội tự do thờ phượng Ngài. Truyền thống tốt đẹp đó theo thời gian đã được cả nước Mỹ công nhận và trở thành một ngày quốc lễ quan trọng tại Hoa Kỳ.

Bối Cảnh Lịch Sử
Giữa thế kỷ thứ 15, Âu Châu đang sống trong thời hoàng kim. Trong cuộc sống thịnh vượng vốn đã giàu có, việc khám phá ra những mỏ bạc tại Tyrol và tại nhiều nơi khác ở Âu Châu làm cho số lượng tiền bạc lưu hành tại Âu Châu ngày càng nhiều hơn. Tiền bạc dồi dào khiến giới quý tộc và cả giới trung lưu tại Âu Châu càng ăn chơi xa xỉ. Dân chúng Âu Châu ưa chuộng hàng hóa, phẩm vật, những của ngon vật lạ từ Ấn Độ, Viễn Đông và nhất là từ Trung Hoa xa xôi.
Khi ấy, mặc dầu Con Đường Tơ Lụa giữa Âu Châu và Trung Hoa đã được nối liền, nhưng sa mạc Gobi và những rặng núi cao chớn chở ở Trung Á khiến những đoàn thương buôn không thể nào cung ứng đủ nhu cầu hàng hóa, nhất là vải vóc, tơ lụa, hương liệu, cho dân chúng Âu Châu. Vì thế, các thương nhân Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã dong buồm ra khơi; những nhà hàng hải Âu Châu hy vọng sẽ tìm được một con đường đến Ấn Độ và Trung Hoa dễ dàng hơn qua mặt nước đại dương.
Năm 1487, Bartholomew Diaz đi vòng mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) tại Nam Phi đến Ấn Độ; và sau đó từ Ấn Độ trở về lại Âu Châu. Tuy nhiên tuyến đường đầy sóng gió này không mang lại nhiều triển vọng cho việc kinh doanh. Vùng biển nổi sóng quanh mũi Hảo Vọng đã làm cho nhiều nhà buôn khánh kiệt.
Vài năm sau, một thuyền trưởng người Ý tên là Christopher Columbus, quê tại Genoa, phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, đã thuyết phục Nữ hoàng Isabella trợ cấp tài chính để ông vượt biển tìm đường đến châu Á về hướng tây.  Ngày 3/8/1492, Columbus nhổ neo tại Palos. Hai tháng sau, ngày 12/10/1492, ông đặt chân đến quần đảo Watling, thuộc vùng biển Caribbean (Trung Mỹ). Columbus cho rằng đã đến được các quần đảo ngoài khơi Trung Hoa. Vài ngày sau, ông đổ bộ lên Cuba, vì nghĩ rằng đã đến đại lục Trung Hoa nên Columbus đã cử người đi triều kiến Thành Cát Tư Hãn.
Sau bốn chuyến vượt Đại Tây Dương, Columbus qua đời và ông vẫn tin rằng mình đã đến Á Châu. Những thổ dân đầu tiên mà ông gặp có nước da ngăm đen đã được gọi là người Indian vì Columbus và những người cùng đi cứ nghĩ rằng đó là người Ấn Độ (India).
Năm 1497, John Cabot, một nhà thám hiểm Anh đặt chân đến Bắc Mỹ. Vùng đất bao la trù phú này gần như không thấy bóng người. Đây đó có vài bộ lạc Da Đỏ đóng trại, những chú bò rừng nhởn nhơ gặm cỏ khắp nơi. Cuộc thám hiểm của John Cabot là sự kiện quan trọng giúp nước Anh trong những năm về sau công bố Bắc Mỹ là thuộc địa của Anh.
Sự kiện lịch sử quan trọng thứ hai liên quan đến việc những di dân đầu tiên đến Tân Thế Giới xảy ra 25 năm sau ngày Columbus tìm ra Châu Mỹ.   Ngày 31/10/1517 một linh mục người Đức tên là Martin Luther đã dán 95 Luận Đề trên cửa nhà thờ Wittenberg đề nghị các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo hãy sửa lại những sai lầm trong giáo hội. Không mấy ai vào lúc đó nghĩ rằng những luận đề trên của Martin Luther chính là khởi điểm của Phong Trào Cải Chánh và dẫn đến việc thành lập Giáo hội Tin Lành.  Tuy nhiên, Phong Trào Cải Chánh sau những khởi đầu tại Đức, Thụy Sĩ đã lan rộng sang nhiều quốc gia Âu Châu.
Trong thế kỷ 16, nhiều cuộc tranh giành quyền lực đã diễn ra tại Âu Châu.  Các nhà lãnh đạo Âu châu trong thời gian đó đã xem tôn giáo như là một phương tiện để giành ảnh hưởng chính trị; do đó dẫn đến việc các lãnh đạo địa phương hoặc quốc gia bày tỏ sự ủng hộ Tin Lành hoặc Công giáo.
Một sự kiện đáng lưu ý xảy ra vào năm 1534 tại Anh.  Sau những xung đột về chính trị, và đồng thời bất bình vì Giáo Hoàng không phê chuẩn cuộc hôn nhân cho ông và Anne Boleyn, vua Henry VIII của nước Anh đã quyết định tách Giáo hội Anh khỏi Công giáo và thành lập Anh Quốc giáo.   Vua Henry VIII tuyên bố Anh Quốc giáo không lệ thuộc vào sự điều khiển của Giáo Hoàng và vua tự xưng mình là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Anh.
Những Di Dân Đầu Tiên tại Hoa Kỳ
Lịch sử cho thấy động cơ dẫn đến thành lập Anh Quốc giáo của vua Henry VIII là vì quyền lợi riêng của nhà vua và nước Anh chứ không phải vì muốn ủng hộ Phong Trào Cải Chánh.    Trên thực chất, nghi thức thờ phượng và quan điểm thần học của Anh Quốc giáo vào lúc đó vẫn còn mang nặng đặc điểm của Giáo hội Công giáo.
Một số tín hữu Tin Lành tại Anh muốn được thờ phượng Chúa cách thuần khiết (purity) dựa trên căn bản Thánh Kinh. Những tín hữu này không hoàn toàn đồng ý với nghi thức, tín lý và tổ chức của Anh Quốc giáo.   Vì quan điểm niềm tin thuần khiết đó, những người này đã được gọi là những người Puritan (Thanh giáo). Cộng đồng Puritan tin rằng Cơ Đốc nhân là những người được Chúa chọn.  Hội Thánh được thành lập từ những người được cứu và cần được hướng dẫn bởi chính Chúa.
Mặc dầu không tán đồng quan điểm của Anh Quốc giáo, đa số tín hữu Puritan vẫn sinh hoạt trong Anh Quốc giáo.  Nhóm tín hữu này hy vọng sẽ kêu gọi và dần dần sẽ cải cách những tồn tại về nghi thức thờ phượng và tín lý của Anh Quốc giáo.  Những tín hữu theo khuynh hướng này được gọi là những người Thanh giáo bất ly khai (non-separating Puritan).
Tuy nhiên trong những người Puritan, có một nhóm không hy vọng sẽ cải cách được Anh Quốc giáo, họ đã quyết định ly khai. Năm 1606, những người này tách ra thành lập một Hội Thánh tại Scrooby, và được gọi là nhóm Thanh giáo Ly Khai (Separatists Puritan).
Quyết định ly khai này khiến chính quyền Anh và các nhà lãnh đạo Anh Quốc giáo nổi giận. Nhóm Thanh giáo Ly Khai đã bị chính quyền Anh bách hại. Trước những khó khăn chất chồng, năm 1609, một số tín hữu Thanh giáo Ly Khai đã rời nước Anh đến Hòa Lan, một quốc gia ủng hộ Tin Lành, để được tự do thờ phượng Chúa.
Mười năm sau, một lần nữa những tín hữu Thanh giáo Ly Khai lại lên đường. Lúc đó, Hòa Lan đang có chiến tranh với Tây Ban Nha.  Viễn ảnh phải sống dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha khiến các tín hữu Thanh giáo Ly Khai lo ngại. Lần này họ quyết định đi thật xa về phía tây, đến một vùng đất được mệnh danh là Tân Thế Giới.
Từ lúc còn sống tại Hòa Lan, các tín hữu Thanh giáo Ly Khai biết vào năm 1607 có 120 người Anh đã vượt Đại Tây Dương đến thành lập một cộng đồng cư dân tại Jamestown, vùng đất thuộc tiểu bang Virginia Hoa Kỳ ngày nay. Các tín hữu Thanh giáo Ly Khai biết đất đai tại Bắc Mỹ rất rộng.  Dù Bắc Mỹ là thuộc địa của Anh nhưng nơi đó thật sự chưa có chính quyền cai trị; do đó không ai bắt bớ họ trong vấn đề tín ngưỡng; như vậy họ có thể tự do sinh sống và thờ phượng Chúa theo ý nguyện tại vùng đất mới.  Những di dân này đã đến Hoa Kỳ vì lý do tôn giáo, do đó các sử gia đã gọi họ là những người đi hành hương (Pilgrim).
Tháng 9 năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người rời Âu Châu;  trong đó có 102 người là hành khách và số còn lại là thủy thủ đoàn.  Sau hai tháng vượt biển, ngày 9 tháng 11 năm 1620, tàu Mayflower cập bến Mỹ Châu. Ngay khi đặt chân đến vùng đất mới, những tín hữu Thanh giáo Ly Khai đã cũng nhau quỳ gối trên bờ biển cầu nguyện. Họ cùng đọc Thi Thiên 100 để cảm tạ Chúa. Sau nhiều năm tháng gian truân để giữ niềm tin, giờ đây họ đã đến vùng đất mới được bình an, họ được tự do thờ phượng Chúa. Nhớ đến quê nhà, họ đặt tên cho vùng đất mới là Tân Anh-cát-lợi (New England) và chỗ ở mới là Plymouth, tên một thị trấn tại Anh Quốc.
Sau đó, các di dân bắt tay vào việc xây dựng nơi trú ẩn qua mùa đông. Tuyết rơi phủ khắp mặt đất và núi rừng. Mặt biển ảm đạm mù sương, bầu trời mờ mịt nên thủy thủ đoàn tàu Mayflower cũng quyết định ở lại trú đông với họ.
Mùa đông ở Bắc Mỹ thật khắc nghiệt, kéo dài từ cuối tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau. Sau mùa đông đầu tiên đó, lạnh giá đã vật ngã nhiều di dân.  Trong số 102 người đến nơi bình an giờ đây chỉ còn 55 người sống sót.
Tuy nhiên, khi mùa xuân đến, tin cậy nơi Chúa, 55 người còn sống này vẫn quyết định ở lại Tân Thế Giới. Họ tiễn thủy thủ đoàn chiếc tàu Mayflower trở về Âu Châu. Tàu Mayflower ra khơi không một hành khách trên tàu. Những người tỵ nạn tôn giáo này quyết định ở lại, chấp nhận đối đầu với cuộc sống cam go để được tự do thờ phượng Chúa và xây dựng cuộc sống mới.
Lễ Tạ Ơn
Giữa những khó khăn đó, Đức Chúa Trời chăm sóc họ.  Ngài sai người đến giúp họ. Tisquantum là một thổ dân Da Đỏ thuộc bộ lạc Wampanoag, đã có lần theo chân các nhà thám hiểm sang Anh, nên biết nói tiếng Anh. Tisquantum đã đến giúp những người di dân, hướng dẫn họ cách săn bắn, bắt cá, trồng bắp và trồng các loại rau. Những di dân gọi Tisquantum là Squanto.
Squanto là người phiên dịch và cũng là người đứng ra giúp thương thuyết với các lãnh tụ Da Đỏ cho những di dân có chỗ định cư. Sau đó, họ đã ký một thỏa ước giữa những người Thanh giáo và bộ lạc Da Đỏ Wampanoag. Thỏa ước này đã được tôn trọng 50 năm.
Mùa thu đến, những di dân thu hoạch vụ mùa đầu tiên thật sung túc. Họ có đủ lương thực dự trữ cho mùa đông và đủ sống cho đến vụ mùa năm sau. Vui mừng vì Chúa đã nhậm lời cầu nguyện ban cho thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được mạnh khỏe, Thống đốc William Bradford quyết định công bố một ngày để tạ ơn Chúa. Những di dân cũng muốn dùng dịp này để cảm ơn những người Da Đỏ địa phương đã giúp họ trong những ngày mới đến định cư.
Mùa Thu năm 1621, lễ Tạ Ơn đầu tiên được cử hành. Sau thì giờ cầu nguyện, hát Thi Thiên tạ ơn Chúa, một bữa tiệc linh đình kéo dài trong ba ngày được tổ chức. Theo nhật ký của Edward Winslow, một trong số những di dân khi ấy thuật lại: thực khách bữa tiệc gồm có 90 người Da Đỏ, trong đó có vua Massasoyt và 50 người di dân. Đãi tiệc gồm có 4 phụ nữ Anh và 2 cô gái. Trên bàn ngoài những bánh làm từ bắp, khoai, đậu, còn có vịt trời, ngỗng trời và bốn chú gà tây rừng quay vàng rượm. Hai nhóm dân da trắng và da đỏ cùng chung vui. Những người Da Đỏ đáp lại lòng hiếu khách đã đi săn 5 con nai về tặng Thống đốc Bradford và những người di dân.
Mặc dầu lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào tháng 11 năm 1621, tuy nhiên dựa vào truyền thống của người Puritan, các sử gia cho rằng ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên thật sự, có lẽ diễn ra vào ngày 30/6/1623 tức hai năm sau đó.
Theo các sử gia, căn cứ theo lời ký thuật của Edward Winslow, ngày lễ Tạ Ơn vào tháng 11/1621 chỉ là một ngày hội mùa. Vì nếu đúng theo truyền thống của người Puritan thì lễ Tạ Ơn là một thánh lễ, thường dành nhiều thì giờ cho việc kiêng ăn, cầu nguyện, sẽ không có yến tiệc linh đình.
Cũng theo các sử gia, sau vụ mùa đầu tiên kết quả, mùa màng của năm thứ hai thâu hoạch sa sút. Sau mùa đông thứ ba, khi xuân đến, những di dân bắt đầu tỉa bắp; nhưng hạn hán kéo dài từ tháng Năm, tháng Sáu và sắp sang tháng Bảy. Trước tình hình đó, những người di dân dự định dành trọn tháng Bảy cho sự kiêng ăn, cầu nguyện. Không chờ đến tháng Bảy, tất cả cùng đồng ý và bắt đầu hiệp lòng cầu xin Chúa.
Chiều ngày 30/6/1623, mây đen xuất hiện và trời đổ mưa. Dân chúng vui mừng tạ ơn Chúa và họ càng vui hơn khi Miles Standish báo cho biết đã trông thấy dấu hiệu của tàu Anne chở theo những anh em Thanh giáo Ly Khai còn sót lại tại Leiden, Hòa Lan sắp đến. Trước niềm vui đó, Thống Đốc Bradford công bố dành một ngày dâng lên Chúa lời tạ ơn. Và theo các sử gia, đó mới chính thật là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên – ngày 30/6/1623.
Dù lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào năm 1621 hay 1623, những người di dân này đã quyết định mỗi năm dành một ngày để tạ ơn Chúa. Các tín hữu này quyết định làm như vậy vì họ muốn vâng theo mạng lệnh Chúa truyền cho người Do Thái ngày xưa khi sắp vào Đất Hứa.  Chúa đã dạy rằng: Nếu họ trung tín tin cậy, thờ phượng Chúa, Chúa sẽ ban phước cho họ và cho dòng dõi họ cách sung mãn. Ngược lại, nếu họ chối bỏ Ngài, tương lai của họ nơi vùng đất mới sẽ trở thành bi đát. Đức tin và lòng kính sợ Chúa của những người lập quốc Hoa Kỳ đã là nguồn phước cho nước cộng hòa non trẻ được thành lập hơn 150 năm về sau.
Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên Ở Đâu?
Mặc dầu câu chuyện Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra tại Plymount, New England vào năm 1621 đã được ghi lại trong nhiều sách sử Hoa Kỳ, nhưng nhiều địa phương khác vẫn công bố xứ mình mới là nơi đầu tiên tổ chức Lễ Tạ Ơn Chúa. Một trong những địa phương đó là Boston.
Khi nhóm Thanh giáo Ly Khai rời Anh Quốc ra đi thì nhóm Thanh giáo Bất Ly Khai vẫn ở lại với hy vọng cải cách Giáo hội Anh. Năm 1625, đến lượt những người này bị vua Charles Đệ I bách hại; và do đó họ cũng phải bỏ nước ra đi. Nhóm người này đông, giàu và có tổ chức hơn nhóm Thanh giáo Ly Khai. Thành phần gồm cả dân biểu, mục sư và những người tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, như những người Thanh giáo Ly Khai, họ cũng chỉ là những người tỵ nạn nơi vùng đất mới.
Năm 1630, người Thanh giáo đến Charlestown. Sau đó họ thành lập thành phố Boston tại Massachusetts. Những người này tự nhận là tuyển dân Israel mới và được Chúa chọn đem đến Tân Thế Giới. Họ quyết định xây dựng một cộng đồng sinh hoạt dựa trên căn bản Thánh Kinh. Khi còn ở Anh, những người Thanh giáo không muốn chính quyền can thiệp vào giáo hội, nhưng tại Tân Thế Giới, họ chủ trương giáo hội phải có ảnh hưởng tốt trên chính quyền.
Một điều không may, những di dân Thanh giáo đầu tiên đổ bộ lên Massachusetts vào mùa hè, họ không kịp gieo trồng nên không đủ lương thực cho đến mùa thu năm sau. Trước tình hình đó, Thống Đốc John Winthrop cử thuyền trưởng Pierce lái tàu Lyon trở về Anh tìm mua thêm lương thực.
Tháng ngày trôi qua, thời gian dự định cho chiếc Lyon quay lại đã qua nhưng con tàu vẫn biệt tăm. Mùa đông năm đó những người di dân này phải leo lên cây lấy hạt dẻ của sóc để ăn. Họ cũng đi dọc theo bãi biển kiếm sò giữa mùa đông lạnh giá. Những người này không biết rằng chiếc Lyon trên đường về Anh Quốc bất ngờ gặp tàu buồm Ambrose bị nạn, nên phải kéo giúp tàu Ambrose về Bristol sửa chữa. Do đó, sứ mạng tiếp liệu lương thực bị chậm trễ.
Tháng 2 năm 1631, tình thế trở nên tuyệt vọng, Thống đốc Winthrop quyết định công bố ngày 22 tháng Hai sẽ dành thì giờ kiêng ăn cầu nguyện. Trong hoàn cảnh không có thức ăn thì việc kiêng ăn có vẻ dường như là một việc hài hước, nhưng những người Thanh giáo đã thành kính thực hiện.
Bình minh trên cảng Boston. Đúng vào sáng ngày 22/2/1631, ngày dự định lễ kiêng ăn cầu nguyện, chiếc Lyon cập bến Boston. Con tàu mang tiếp liệu và lương thực thật dồi dào. Trước tình hình đó, Thống đốc Winthrop quyết định đổi ngày kiêng ăn cầu nguyện thành ngày Lễ Tạ Ơn. Từ đó, những người Thanh giáo tại Boston cho rằng họ mới thực sự là những người đầu tiên tổ chức Lễ Tạ Ơn Chúa tại Bắc Mỹ.
Vài năm sau, các nhóm Thanh giáo khác đổ đến Boston ngày càng đông. Năm 1634 đã có mười ngàn dân tại Boston. Tại cộng đồng mới, những luật lệ đặt ra đều dựa trên căn bản Thánh Kinh. Những tín hữu Thanh giáo tin rằng Hội Thánh phải có ảnh hưởng tốt trên xã hội; họ chủ trương các mục sư phải được huấn luyện chu đáo, do đó họ quyết định thành lập trường đại học để đào tạo các mục sư. Harvard College ra đời vào năm 1636. Đây là tiền thân của Viện Đại Học Harvard ngày nay. Ngôi trường đó do những tín hữu Tin Lành đầu tiên đến Mỹ thành lập với mục đích đào tạo các mục sư.  Ngày nay, Harvard là trường đại học cổ nhất nước Mỹ và là một trong những viện đại học danh tiếng nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải chỉ có Plymount và Boston, nhưng các thành phố khác như Maine, Virginia, Texas và Florida cũng công bố thành phố mình là nơi đầu tiên tổ chức Lễ Tạ Ơn. Dầu bắt đầu ở đâu, những cư dân đầu tiên đến Hoa Kỳ lập nghiệp đã thành kính nhận biết rằng cuộc đời và tương lai của xứ sở của họ đang ở trong sự quan phòng của Chúa. Họ tin cậy và dâng lên Chúa lòng biết ơn Ngài.
Độc Lập
Thời gian dần trôi, di dân đổ xô đến Bắc Mỹ càng đông. Họ xây dựng vùng đất này thành một khu vực trù phú. Chính phủ Anh vẫn kiểm soát xứ sở này và xem đây là một thuộc địa quan trọng của Anh Quốc.
Sau 150 năm hợp tác chấp nhận sự cai trị của Anh, năm 1774 dân chúng tại Bắc Mỹ quyết định đòi độc lập. Họ bất mãn trước sưu cao thuế nặng do mẫu quốc Anh áp đặt trên thuộc địa và các sắc thuế này cứ tiếp tục gia tăng.
Lúc ấy, tại Mỹ đã có rất nhiều giáo phái Tin Lành. Khi tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến tranh cách mạng nổ ra, những người từng được sinh trưởng và giáo dục tại Anh, và thuộc Anh Quốc giáo, đã rời thuộc địa Bắc Mỹ đi Canada, West Indian hoặc trở về Anh quốc. Trong khi ấy, các mục sư Giám Lý, Presbyterian, Congregational và các giáo phái Tin Lành khác vẫn ở lại thuộc địa. Họ giảng mạnh mẽ về ý thức độc lập, tự do trong các bài giảng nhân ngày Lễ Tạ Ơn.
Cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài từ năm 1773 đến năm 1783 kết thúc thành công. Năm 1793, tại Paris chính phủ Anh ký hòa ước và công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.
Năm 1789, George Washington, nguyên Tổng Tư Lệnh quân đội cách mạng, đắc cử và trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Khi ấy Elias Boudinot, đại biểu của tiểu bang New Jersey, đã đề nghị Tổng Thống George Washington dành một ngày tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho người Mỹ được độc lập, tự do; và cũng để cầu xin Chúa giúp họ xây dựng một quốc gia bình an và hạnh phúc. Tổng Thống George Washington chấp thuận đề nghị này nên công bố ngày 26/11/1789 là ngày Tạ Ơn trên toàn quốc Hoa Kỳ.
Thật ra, trước đó Lễ Tạ Ơn vẫn được tổ chức hằng năm, tuy nhiên lễ chỉ được tổ chức theo truyền thống của từng địa phương. Đây là lần đầu tiên, một ngày Lễ Tạ Ơn được chính thức tổ chức trên toàn quốc với mạng lệnh của vị nguyên thủ quốc gia.
Tổng Thống George Washington vốn là một tín hữu tin kính Chúa, thuộc Giáo hội Episcopal. Khi còn làm Tổng Tư Lệnh quân đội, George Washington đã ra lệnh cho bốn vị tuyên úy dưới quyền mình phải tổ chức lễ thờ phượng mỗi Chúa Nhật và Lễ Tạ Ơn hàng năm cho binh sĩ. Ông cho rằng sự thờ phượng Chúa sẽ giúp nâng cao đạo đức trong quân đội, đem lại niềm vui cho người lính, và sẽ giảm thiểu tình trạng say rượu và chưởi thề.
Khi trở thành nguyên thủ quốc gia, Tổng Thống George Washington đã hai lần công bố ngày Tạ Ơn trên toàn quốc. Khi vấn đề này được đem ra thảo luận tại Quốc Hội, một vài đại diện dân cử đã phản đối. Thomas Tucker, đại biểu của tiểu bang South Carolina, cho rằng: “Tại sao Tổng Thống lại ra lệnh cho người dân làm một điều mà có thể người dân không muốn làm? Hãy để việc đó cho các viên chức tiểu bang lo.”
Tuy nhiên, ý kiến của Thomas Tucker khi ấy đã không được các đồng viện tại quốc hội chấp thuận. Do đó, Tổng Thống George Washington đã công bố ngày Tạ Ơn trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong lời công bố, Tổng Thống George Washington viết: “Đây là ngày được tổ chức để công chúng cầu nguyện, tạ ơn bằng sự nhận biết với tấm lòng tri ân về rất nhiều ân huệ từ Đức Chúa Trời Toàn Năng.”
Trở Thành Quốc Lễ
Dầu Tổng Thống George Washington đã hai lần công bố ngày Tạ Ơn trên toàn quốc,Tổng Thống đã không tiến một bước xa hơn công bố ngày Tạ Ơn thành một quốc lễ hằng năm.  Suốt ba phần tư thế kỷ kế tiếp, Lễ Tạ Ơn vẫn được tổ chức mỗi năm nhưng chỉ dựa vào lòng tự nguyện và truyền thống chứ không phải là một ngày quốc lễ. Tại vài tiểu bang, các vị thống đốc thường kêu gọi dân chúng trong tiểu bang tổ chức Lễ Tạ Ơn thường xuyên hàng năm; tuy nhiên việc Lễ Tạ Ơn trở thành một ngày lễ trên toàn quốc Hoa Kỳ là nhờ công khó của một phụ nữ tên là Sarah Josepha Dale.
Sarah Josepha Dale chào đời vào năm 1788, trong một gia đình có 5 chị em. Cha bà là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh độc lập. Khi cha của Sarah qua đời, cả gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Vào thời đó, vai trò của phái nữ vẫn chưa được coi trọng; dầu vậy Sarah quyết định sẽ phụ giúp gia đình bằng ngòi viết của mình. Bà xuất bản một tiểu thuyết tựa đề Northwood, còn gọi là Life North and South. Sách viết về cuộc sống thôn dã tại New England so sánh với cuộc đời của những nông dân nô lệ tại phương Nam. Cuốn tiểu thuyết dành một chương mô tả ngày Lễ Tạ Ơn tại một gia đình ở miền quê New England, và Sarah Dale đã nhận xét rằng: “Lễ Tạ Ơn phải được coi trọng như lễ Độc Lập của quốc gia.”
Cuốn tiểu thuyết Northwood thành công đã đem đến cho Sarah Dale chức biên tập viên của tờ Ladies’ Magazine tại Boston. Ladies’ Magazine là một trong những tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ và Sarah là một trong những nữ biên tập viên đầu tiên. Năm 1837, Ladies’ Magazine sát nhập với tờ Lady’s Book tại Philadelphia trở thành Ladies’ Book & Magazine.
Dưới sự điều hành của Sarah J. Dale, hai mươi năm sau đó, tờ Ladies’ Book & Magazine đã trở thành thời thượng và mẫu mực trong các gia đình Mỹ. Các nhà phê bình ngày nay đã so sánh ảnh hưởng của tờ Ladies’ Book & Magazine khi ấy bằng ảnh hưởng của các tờ báo Seventeen, Redbook, Good Housekeeping và Better Homes and Gardens ngày nay cộng lại.
Trong vị trí truyền thông thuận lợi như vậy, Sarah J. Dale quyết định vận động ngày Tạ Ơn trở thành quốc lễ tại Hoa Kỳ. Mỗi năm, cứ đến dịp Lễ Tạ Ơn là bà lại cho đăng những vần thơ đặc sắc về Lễ Tạ Ơn. Bà hướng dẫn các nội trợ Mỹ cách thức nhồi gà tây, làm bánh pie. Bà chỉ họ cách nào để tổ chức Lễ Tạ Ơn đầm ấm và biến nó thành một truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Sarah J. Dale kêu gọi mọi gia đình tạ ơn Chúa.
Thêm vào đó, Sarah J. Dale luôn luôn đăng những truyện ngắn thật đặc sắc và cảm động quanh chủ đề Lễ Tạ Ơn. Khi thì một cuộc đoàn viên của người con trai trong gia đình sau bao năm lưu lạc, tưởng đã mất tích giữa biển khơi nay lại quay về. Lúc thì chuyện của một người phiêu lưu trở về từ miền Viễn Tây hoang dã. Có khi, một cô gái gặp được tình yêu chân thật khi về thăm nhà vào dịp lễ Tạ Ơn. Khi khác chuyện một cậu trai thị thành hư hỏng chỉ biết được giá trị của tình thương khi gặp người anh em cô cậu của mình, … Hằng năm, những bài báo, những truyện ngắn của Sarah Dale đã được đọc giả trông ngóng mong chờ như những món quà ấm áp trong những ngày cuối thu.
Và mỗi năm, cứ đến Hè, bà Sarah Dale lại gởi thư cho các Thống Đốc tại Hoa Kỳ yêu cầu họ công bố kỷ niệm Lễ Tạ Ơn tại tiểu bang của mình và yêu cầu họ vận động tổ chức Lễ Tạ Ơn Chúa trên toàn nước Mỹ.
Sau 17 năm vận động kiên trì, đề nghị của Sarah Dale được sự ủng hộ khắp nơi. Cuối cùng, năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln quyết định công bố Lễ Tạ Ơn là một quốc lễ của Hoa Kỳ, và tuyên bố toàn quốc sẽ kỷ niệm ngày lễ này vào thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một.
Hai Lễ Tạ Ơn
Tuy nhiên vào những năm 1939, 1940, và 1941, việc tổ chức Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ đã bị xáo trôn.  Trong những năm đó, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã công bố thay vì tổ chức Lễ Tạ Ơn vào thứ Năm cuối tháng, Lễ Tạ Ơn đã được tổ chức vào thứ Năm tuần thứ ba của tháng Mười Một. Sự thay đổi này đã gây bất đồng và chia rẻ khắp nơi.  Nguyên nhân của sự xáo trộn đó như sau.
Sau những năm thịnh vượng, tháng 10 năm 1929, thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ sụp đổ. Sự kiện đó đem lại cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cả chục năm. Khi ấy, một phần ba lực lượng lao động trên toàn nước Mỹ không có việc làm. Trước tình hình đó, dân chúng bầu chọn Franklin Delano Roosevelt, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, làm Tổng Thống Hoa Kỳ với sứ mạng cứu vãn nền kinh tế quốc gia. Sau khi đắc cử, Tổng Thống Roosevelt đã đưa ra nhiều dự án cải cách kinh tế quan trọng, giúp nước Mỹ dần dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sau 10 năm cố gắng, các kinh tế gia tiên đoán năm 1939 là năm cuối cùng của nạn suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, vào năm ấy, Lễ Tạ Ơn trùng vào ngày 30/11, chỉ còn 24 ngày là đến lễ Giáng Sinh. Đã từ lâu, tại khắp nước Mỹ có một thông lệ, qua Lễ Tạ Ơn là dân Mỹ bắt đầu mua sắm Giáng Sinh. Các thương gia của Retail Dry Goods Association tính rằng thời gian đến Giáng Sinh nếu trừ 4 ngày Chúa Nhật các tiệm buôn đóng cửa, chỉ còn có 20 ngày cho dân chúng mua sắm, như vậy doanh số bán lẻ trên toàn quốc sẽ giảm. Do đó họ đã yêu cầu Tổng Thống Roosevelt dời Lễ Tạ Ơn sớm hơn một tuần cho dân chúng có thêm thì giờ mua sắm Giáng Sinh.
Vì nghĩ rằng việc thay đổi ngày lễ sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế quốc gia nên Tổng Thống Roosevelt đã chấp thuận. Tổng Thống công bố Lễ Tạ Ơn từ nay sẽ kỷ niệm sớm hơn một tuần. Quyết định của Tổng Thống Roosevelt gây bất bình và chia rẻ khắp nơi. Dù rằng các kinh tế gia của Retail Dry Goods Association tiên đoán kinh tế sẽ tăng thêm 10%, khoảng một tỷ đô-la, nhưng đa số dân chúng không đồng ý việc làm đó. Họ không chấp nhận quyết định chỉ vì lý do thương mại mà thay đổi truyền thống của quốc gia.
Tuy nhiên, một điều luật của Hoa Kỳ do Ogden Nash soạn thảo có ghi rằng: “Lễ Tạ Ơn, cũng như các đại sứ, thành viên hội đồng nội các, và các nhân viên chính phủ quan trọng, là do Tổng Thống quyết định.” Do đó, quyết định của Tổng Thống Roosevelt không thể thay đổi được.
Quyết định dời Lễ Tạ Ơn của Tổng Thống Roosevelt không chỉ là dịp cho phe đối lập Cộng Hòa chỉ trích, nhưng cũng gây bất mãn rất nhiều cho giới thể thao. Hằng năm tại Mỹ những trận football quan trọng thường được tổ chức vào dịp Lễ Tạ Ơn, bây giờ các trận tranh tài này diễn ra vào ngày thường, ai sẽ đi coi? Huấn luyện viên Bill Walton của đội Ouachita College tại Arkansas, nói rằng: “Nếu Tổng Thống can thiệp vào chuyện football thì tôi sẽ bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa.”
Những người kính sợ Chúa cũng bất đồng, nhưng có một nhận xét sâu sắc hơn. Thống Đốc Leverett Saltonstall của tiểu bang Massachusets nói rằng: “Không phải vì chuyện thể thao, cũng không phải vì chuyện mua sắm Giáng Sinh mà ngày Lễ Tạ Ơn được biệt riêng ra. Mục đích của ngày lễ này nhằm kêu gọi mọi người tri ân Đấng đã tạo dựng và bảo tồn quốc gia này.” Mục Sư Normal Vincent Peale, tại New York Marble Collegiate Church, sau này trở thành một nhà tư tưởng nổi tiếng, nhận xét: “Thật ra không có gì khác biệt nếu dành một ngày nào cho Lễ Tạ Ơn. Vấn đề được đặt ra ở đây là lý do dời một thánh lễ với một động cơ giúp việc bán hàng Giáng Sinh là không thể chấp nhận được. Nếu như vậy, chúng ta có thể dự đoán sang năm lễ Giáng Sinh có thể sẽ nhằm vào ngày 1/5 để ủng hộ Hội Chợ Thế Giới tại New York 1940.”
Trước quyết định thay đổi của Tổng Thống Franklin Roosevelt, Thị Trưởng Atlanta bất mãn công bố: Ngày 23/11/1939 là ngày “Frankgiving” và ngày 30/11/1939 là ngày Thanksgiving. Thị Trưởng George Leach của thành phố Minneapolis thì dung hòa hơn. Ông tuyên bố Lễ Tạ Ơn năm 1939 tại thành phố Minneapolis sẽ bắt đầu từ 12:01 am ngày 23/11 và kết thúc vào lúc 11:59 pm ngày 30/11. Trong tám ngày đó, dân chúng kỷ niệm Lễ Tạ Ơn vào lúc nào tùy lương tri hướng dẫn. Trong khi đó, một chủ tiệm buôn tại thị trấn Kokomo, Indiana đã chế diễu quyết định của Tổng Thống Roosevelt bằng cách treo quảng cáo rằng: “Bạn phải đi mua sắm ngay bây giờ vì không chừng ngày mai sẽ là lễ Giáng Sinh.”
Trong ba năm ấy, nước Mỹ kỷ niệm Lễ Tạ Ơn không được vui. Một số tiểu bang giữ Lễ Tạ Ơn theo lệnh Tổng Thống, một số thống đốc tiểu bang vẫn cho dân chúng giữ Lễ Tạ Ơn theo truyền thống, và một số tiểu bang giữ cả hai ngày Lễ Tạ Ơn.
Sau ba năm dời Lễ Tạ Ơn sớm, sự chống đối vẫn kéo dài. Các thống kê cho thấy hàng hóa bán cũng không tăng. Tổng Thống Roosevelt nhận khuyết điểm và quyết định dời Lễ Tạ Ơn trở lại như truyền thống. Trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, Tổng Thống Roosevelt cho biết đây là sai lầm duy nhất trong nhiệm kỳ 8 năm làm Tổng Thống của ông. Sau khi ngưng làm tổng thống một nhiệm kỳ như luật định, bốn năm sau, dù phải ngồi trên xe lăn tay, Tổng Thống Roosevelt lại tái đắc cử một lần nữa. Ông trở thành vị Tổng Thống Hoa Kỳ duy nhất đắc cử ba lần. Tuy nhiên sau đó, Tổng Thống Roosevelt đã qua đời trong khi chưa mãn nhiệm kỳ thứ ba.
Mặc dầu Tổng Thống Roosevelt đã quyết định trả ngày Lễ Tạ Ơn trở về theo truyền thống, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn lo lắng trong tương lai có thể một ai sẽ thay đổi nữa nên Quốc Hội đã thông qua một dự luật quyết định từ năm 1942 về sau Lễ Tạ Ơn sẽ được tổ chức vào thứ Năm tuần thứ tư của tháng Mười Một hàng năm và đó là một ngày cố định không ai thay đổi nữa.
Đây là một giải pháp trung dung giữa quyết định của hai vị Tổng Thống. Tổng Thống Abraham Lincoln chọn thứ Năm cuối tháng 11 và Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chọn vào thứ Năm tuần thứ ba của tháng 11. Theo cách chọn của Quốc Hội, cứ 7 năm có 5 Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ Năm tuần cuối tháng và 2 lần vào thứ Năm tuần áp chót của tháng 11. Tổng Thống Roosevelt đồng ý và phê chuẩn luật này vào ngày 26/11/1941.  Bộ luật đó vẫn còn hiệu lực cho tới ngày hôm nay.
Truyền Thống Lễ Tạ Ơn
Đoàn tụ gia đình
Tại Hoa Kỳ, Lễ Tạ Ơn là dịp cho mọi người trong gia đình gặp lại nhau. Vào dịp này, con cái thường về thăm cha mẹ, dù ở xa cả ngàn cây số cũng về. Các trường đại học ngay từ thứ ba hoặc thứ tư đã chuẩn bị các chuyến xe bus để đưa các sinh viên ở xa ra phi trường. Các bến Amtrak, trạm xe bus, Greyhound, phi trường đầy ắp người. Đối với ngành hàng không, Lễ Tạ Ơn thường là lúc có đông hành khách nhất trong năm. Đối với những người làm cha mẹ, đến ngày Lễ Tạ Ơn mà con cái không về không gởi thiệp hỏi thăm thì đó là một nỗi buồn rất lớn.
Thờ Phượng Chúa Tại Nhà Thờ
Tại New England, nơi tổ chức Lễ Tạ Ơn đầu tiên, vào dịp Lễ Tạ Ơn bất luận trời nắng hay tuyết rơi, mọi người đều đến nhà thờ tạ ơn Chúa. Việc vắng mặt tại nhà Chúa vào ngày Lễ Tạ Ơn là việc không thể chấp nhận được.
Vào ngày hôm ấy, sân nhà thờ đầy ắp người. Rất nhiều khuôn mặt mới xuất hiện. Những chàng trai rời làng ngày nào giờ đây tay bồng thêm một đứa trẻ. Mấy đứa con chú, bác, cô cậu, bạn dì có dịp gặp nhau vui mừng tung tăng chạy khắp nơi. Vợ chồng con cái lần lượt vào trong nhà thờ cùng ngồi chung nhau một băng ghế. Tất cả háo hức khi Mục Sư bước vào và hội chúng khởi hát bài thánh ca đầu tiên. Thông thường ngay sau đó, Mục Sư đọc thông điệp tạ ơn Chúa của Thống Đốc tiểu bang. Mục Sư sẽ đại diện Hội Thánh cầu nguyện, và bài cầu nguyện thường rất dài. Cả hội chúng cùng đứng dậy trang nghiêm trước mặt Chúa. Mục Sư sẽ cầu nguyện nhắc lại lời tạ ơn về những ơn phước Chúa đã ban cho Hội Thánh trong năm qua.
Sau khi Hội Thánh ngồi xuống và hát ngợi khen Chúa thánh ca thứ ba, họ sẽ lắng nghe sứ điệp Lễ Tạ Ơn. Bài giảng vào dịp Tạ Ơn là một trong những bài giảng quan trọng nhất trong năm. Tại New England vào dịp này các mục sư thường giảng rất dài, khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau đó, hội chúng đứng lên hát thánh ca ngợi khen Chúa. Sau lời cầu nguyện tạ ơn Chúa riêng từng người giữa hội chúng, mục sư cầu nguyện tất lễ.
Bữa Ăn Tối
Vào tối thứ Năm ngày Lễ Tạ Ơn, mỗi gia đình ở Mỹ luôn có một bữa ăn thịnh soạn. Rời nhà thờ, cả gia đình về nhà dùng bữa tối chung với nhau. Để chuẩn bị cho bữa ăn này, các bà nội trợ ngày xưa đã cặm cụi làm việc từ cả tuần trước. Trên bàn luôn luôn có bắp, bột khoai tây, các loại bánh pie, rau, thịt heo muối, và dĩ nhiên không thể thiếu món gà tây quay để nhắc lại bốn chú gà tây rừng đã có mặt trong buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ. Trong bữa ăn đó thỉnh thoảng có ngỗng hoặc vịt quay. Thức uống thường là nước táo và các loại nước trái cây.
Bắt đầu bữa ăn, mọi người thành kính cúi đầu, người cha trong gia đình dâng lên Chúa lời cầu nguyện tạ ơn. Sau đó, bà mẹ nhẹ nhàng cắt thịt gà tây phân phát cho cả gia đình, nhất là cho mấy đứa cháu từ xa mới về; dĩa nào dĩa nấy đầy tràn thức ăn. Cả gia đình dùng bữa chung với nhau thật vui vẻ.
Sau bữa ăn, cả gia đình lại quây quần với nhau, ngồi trên sofa hoặc dưới thảm. Những cuốn album cũ được lôi ra, mọi người xem và nhắc lại chuyện cũ. Mấy cháu nhỏ có thể đánh đàn, đọc thơ hoặc đọc thi thiên. Những người già có thể đi nghỉ. Mọi người uống trà, cà-phê và râm ran trò chuyện đến khuya.
Giúp Người Nghèo Khó
Trong niềm vui của sự bình an và sung túc, Lễ Tạ Ơn luôn là dịp để giúp người nghèo khó. Nhớ lại 47 người đã chết trong mùa Đông đầu tiên, các con cái Chúa luôn dùng dịp này để giúp những người nghèo khó. Nhiều nhà thờ thường tổ chức những bữa ăn nóng giúp những người vô gia cư trong thành phố. Có khi hàng tháng trước đó, hội thánh đặt những hộp quyên tiền, những thùng quyên thức ăn, quần áo ấm để giúp đỡ những người nghèo. Những thứ quyên góp được có thể dành cho những người nghèo trong thành phố, có khi được gói lại cẩn thận gởi đến những quốc gia nghèo xa xôi.
Tiếp Đón Lữ Khách & Di Dân
Khi dân Do Thái vào Đất Hứa, Chúa truyền cho họ phải đối xử tốt với những người ngoại quốc, trẻ mồ côi và người góa bụa. Những người di dân đầu tiên đã được những người Da Đỏ cứu giúp, do đó một trong những truyền thống của Lễ Tạ Ơn là giúp đỡ những kiều dân mới đến.
Hằng năm, Hoa Kỳ đón nhận hằng triệu người trên thế giới đến nhập cư. Số người nhập cư này nhiều hơn số cho phép nhập cư của tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại. Nếu những người nhập cư là những người tỵ nạn, những người này được trợ giúp một thời gian. Những luật lệ đó được ban hành dựa theo Lời Chúa trong Kinh Thánh và do sự thúc đẩy của những công dân là con cái Chúa.
Tóm Tắt
Hàng năm Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ được kỷ niệm long trọng khắp nơi. Điều đáng tiếc, nhiều người đã quên mất ý nghĩa chính của ngày Lễ Tạ Ơn. Dĩ nhiên, ngày thứ Năm cuối tháng 11 không phải là ngày để xem những trận football hấp dẫn hay là ngày chuẩn bị mua sắm cho lễ Giáng Sinh, nhưng đó là ngày được biệt riêng ra để tạ ơn Chúa.
Gần 400 năm trôi qua, nhìn lại cuộc sống con cháu những thuyền nhân đầu tiên đổ bộ xuống Plymount, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời vẫn thành tín và đầy lòng nhân từ. Chúa đã ban cho các di dân đầu tiên những điều mà Ngài hứa trong Phục Truyền đoạn 28. Từ đức tin của những người lập quốc đó, Chúa đã ban phước cho quốc gia Hoa Kỳ, từ một vùng đất hoang vu trở thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới. Thật vậy, sự tồn tại và phát triển của quốc gia Hoa Kỳ là một bằng chứng về sự thành tín và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời.  Theo lời hứa của Chúa trong Kinh Thánh, nếu chúng ta hết lòng tin cậy, tri ân và trung tín thờ phượng Chúa, phước hạnh của Chúa vẫn còn dư dật cho mỗi chúng ta.
Châu Thanh
Nguyệt San Linh Lực Tháng 10/1995
https://www.facebook.com/notes/lienlac-uuc/l%E1%BB%85-t%E1%BA%A1-%C6%A1n/117314168429695

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

BẢY LỜI TUYÊN BỐ "TA LÀ" CỦA CHÚA JÉSUS TRONG PHÚC ÂM GIĂNG


Những ý nghĩa đặc biệt trong những lời tuyên bố "Ta là ..." của Chúa Giê-su trong Phúc Âm Giăng
Phúc Âm  Giăng ghi chép những bài giảng dài của Chúa Jésus, tập trung vào vị phẩm, chức năng và vai trò của Ngài, với một loạt các tuyên ngôn bắt đầu bằng “TA LÀ”. Bảy Lời Tuyên Bố “Ta là” trong sách Phúc Âm Giăng là một trong những nét đặc trưng nhất có ý nghĩa:
1/ Ta là bánh của sự sống”(6:35): Là câu “Ta là” đầu tiên trong Phúc Âm Giăng, Ngài là bánh từ Đức Chúa Trời để nuôi dưỡng đời sống tâm linh được no đủ và Chúa Giê-su là nguồn sự sống tâm linh. Dân chúng không tin Chúa Jésus là Đấng mà Ngài khẳng định là “Bánh của sự sống”, đoàn dân đã chứng kiến Ngài làm các dấu lạ, nhưng họ không hiểu. Họ đang tìm kiếm những gì thuộc về vật chất, họ cũng mong muốn được như tổ phụ họ đã được ăn ma-na trong đồng vắng “Ngài đã ban cho họ ăn bánh từ trên trời xuống” (c 30-31). Khi Ngài nói “Ta là bánh của sự sống” là Ngài đang cung ứng sự thỏa mãn hoàn toàn và còn đến đời đời, để được dự phần vào bánh Ngài ban tặng thì phải tin nơi Ngài. Nhưng Chúa Jésus phán cái vấn đề là họ đã thấy Ngài nhưng vẫn không tin (c 36). Điều này cho thấy rằng, hết thảy những ai đến cùng và tin nhận Chúa Jésus đều được sự bảo đảm sự cứu rỗi, đó là có thái độ chọn Ngài hay từ chối Ngài.

2/ “Ta là sự sáng của thế gian” (8:12; 9:5): Chúa Giê-su là ánh sáng soi sáng cho nhân loại đang ở trong tối tăm của tội lỗi để họ thấy được con đường sự sống. Ngài là sự sáng dẫn đến lẽ thật của Đức Chúa Trời. Câu Chúa nói: “Ta là sự sáng của thế gian”, thì có câu nói tương tự ở phần mở đầu (1:4-5), gợi nhớ sự sáng mà Đức Chúa Trời đã dẫn dân sự Chúa đi trong đồng vắng vào ban đêm nhờ những trụ lửa, Ngài luôn luôn đồng hành với con cái Ngài ngày cũng như đêm (Xuất 13: 21 – 22). Lời tuyên bố của Chúa Jésus cho thấy sự tương phản giữa sự sáng và sự tối tăm, người nào theo Ngài “chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (c 12). Chúa Jésus là ánh sáng soi vào cõi tối tăm của con người, đó là cõi u mê không nhận ra được Chúa là Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê-xu tự xưng là ánh sáng của trần gian, ánh sáng nầy có đặc điểm là đưa người ta từ cõi chết, từ sự tối tăm của tội lỗi sang cõi sống vĩnh cửu.

3/ Ta là cái cửa của chiên” (10:7): Ngài là cái cửa mà một người nhờ đó mà bước vào sự sống đời đời. Chúa Giê-su là cổng vào Nước Trời  bình an, vinh quang, bảo đảm an toàn sự sống vĩnh cửu cho những ai tin nhận Ngài.

4/ “Ta là người chăn hiền lành” (10:11): Chúa Giê-su là người chăn nhân từ, chăm lo cho đàn chiên và hy sinh cho đàn chiên của mình. Sẳn sàng phó sự sống mình để cứu chiên, đem sự sống phong phú cho bầy chiên.

5/ Ta là sự sống lại và sự sống” (11:25): Chúa Giê-su là Đấng duy nhất đã chết thay cho nhân loại và đã sống lại để ban sự sống đời đời cho những ai tin Ngài. Ngài cứu sống kẻ chết trong tội lỗi của mình và ban sự sống đời đời cho họ. Điều này không chỉ ám chỉ sự tồn tại thuộc thể, mà còn nói đến sự sống dự phần vào sự sống đời đời nơi vương quốc của Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời trong Phúc Âm Giăng là nguyên tắc của sự sống tâm linh bắt nguồn từ Đức Chúa Trời và đưa con người ra khỏi tội lỗi đến cùng chính Đức Chúa Trời.

6/ Ta là Đường đi, lẽ thật và sự sống” (14:6): Chúa Giê-su là hiện thân của Đức Chúa Trời trong con người. Ngài là con đường duy nhất dẫn con người đến chân lý của Đức Chúa Trời, chính là sự sống thật và vĩnh hằng, Ngài là con đường duy nhất để đến được “chỗ” Ngài hứa sắm sẵn (14:2). Thành ngữ bộ ba này “Đường đi, lẽ thật, sự sống” cho thấy một số các phương diện của công tác cứu rỗi của Chúa Cứu Thế, Ngài đã khôi phục mối quan hệ của con người với Đức Chúa Trời qua chính sự chết và sự sống lại của Ngài.

7/ Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho” (15:1): Ngài là gốc nho mà Đức Chúa Trời chăm bón và cũng là nơi cấp dưỡng cho người khác. Chúa Giê-su là nguồn gốc của sự sống và là Đấng ban nhựa sống để những người tin theo Ngài nhờ Ngài mà có kết quả trong đời sống của mình, cũng như các các nhánh đơm hoa, kết quả được nhờ vào gốc nho được chăm bón tốt. Trong mỗi hình ảnh mang biểu tượng trong Phúc Âm Giăng, Chúa Jésus mô tả Ngài là Đấng mang đến sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Chúa Jésus không những chỉ dùng những hình ảnh minh họa, nhưng Ngài cũng phán với giọng điệu giống như Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-el, được sách Ê-sai chép lại để nhấn mạnh vai trò của Ngài như là tác nhân sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời: “Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có Cứu Chúa nào khác”; “Ta đã là Đức Chúa Trời, chẳng ai có thể giải cứu khỏi tay ta” (Ê-sai 43: 11,13, 15).
Chúa Jésus đã dùng chính ngôn ngữ tự mặc khải đó khi Ngài công bố “Ta là sự sáng của thế gian” (8:12; 9:5); “Ta là sự sống lại và sự sống” (11:25); “Ta là Đường đi, lẽ thật và sự sống” (14:6)… Qua những tuyên ngôn này Chúa Jésus khẳng định: Ngài là tác nhân cho sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

TĐ NGỌC HUỆ

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

THIỆT THÒI PHẬN GÁI XẤU NƠI CÔNG SỞ

         Loan xấu, ngoại hình không có một nét nào ăn điểm: lùn, quắt, da đen, mũi tẹt. Nhưng từ bé đến lớn cô chẳng bao giờ tự ti vì mình xấu. Bởi vì bù lại vẻ ngoài không ưa nhìn, Loan rất thông minh, sáng dạ. Suốt cuộc đời đi học, Loan luôn được các bậc phụ huynh lấy ra làm gương cho các bạn đồng trang lứa. Loan tự tin với trí tuệ của mình, tin rằng nhất định cô sẽ vô cùng thành công trong sự nghiệp.
         Loan không ngờ rằng mình lại ngã ngựa đau đớn ngay lần đầu tham gia tuyển dụng chỉ vì... xấu. Đi đến đâu, người ta cũng chê cô lùn dí lùn dị và cho out luôn từ vòng gửi xe. Có người còn nói thẳng “Em trông bé tí như học sinh cấp hai, ai người ta tin tưởng làm việc chung được.” Mãi tới một lần đăng ký thi tuyển online, Loan mới được một công ty “tặc lưỡi” nhận vào vì kết quả thi test online đứng đầu.
           Nghe tin có một em gái trẻ tuổi mới vào làm, cánh mày râu trong công ty nhao nhao sang phòng Loan để xem mặt. Nhiều người vô duyên hỏi to: “Em Loan mới vào là em nào thế? Có xinh không?” và nhận được câu trả lời cũng vô duyên chẳng kém: “Không. Vừa lùn vừa xấu.”; "Ối giời, về đi, không cần phải xem đâu cho mệt". Loan chẳng biết trốn mặt đi đâu.
        Càng làm việc lâu, Loan càng thấm thía câu nói “Phụ nữ xấu thì không có quà”. Cánh đàn ông trong công ty  chẳng để cô vào mắt, họ còn không thèm xem Loan là phụ nữ nữa.
Có lần Loan đến cửa công ty thì gặp anh Nam phó phòng. Hai anh em đang vừa đi vừa nói chuyện, bỗng dưng ông anh ném luôn cặp táp và một túi đồ nặng trịch cho Loan “Em đem lên phòng hộ anh cái, anh ra đây có tí việc”. Loan chao đảo một hồi mới đỡ được đống đồ. Tưởng Nam có việc gì, quay ra thì thấy chàng ta đang cun cút dắt xe cho “hoa hậu” của công ty, miệng cười nịnh nọt thể hiện sự ga lăng với người đẹp.


Chẳng ai thèm ga lăng với Loan vì cô là cô nàng xấu xí - (Ảnh minh họa).

          Ngày 8-3, các giai trong công ty họp nhau đóng quỹ để mua quà cho chị em. Trung – chàng kế toán có phần hơi “kỹ tính” và “nữ tính” được giao nhiệm vụ mua hoa và quà. Kỹ tính là thế mà chàng vẫn để sót cô em xấu xí của cơ quan. Sát đến giờ tổ chức buổi tiệc cho chị em, nhìn thấy Loan loe ngoe gần bàn tiệc, Trung mới tá hỏa: “Chết rồi mấy ông ơi, tôi quên không mua quà cho em Loan rồi”. Đám đàn ông xúm vào chửi Trung đần, có mỗi một em… xấu nhất công ty mà cũng quên cho được. Trung phân bua “Không phải tôi cố ý kỳ thị em nó đâu, chỉ là khuôn mặt đen đen của em ấy làm tôi sợ. Tôi buộc phải cố gắng xóa nó ra khỏi đầu nên mới quên béng quà của em ấy.”
Hôm đó, các chàng đành chữa cháy chạy ra mua tạm một bông hồng cho Loan. Nhìn bông hồng bọc ni lông kiểu quê quê, khác hẳn với những bông hồng của các chị em khác thắt nơ rất điệu, rất sang, ai cũng biết đó chỉ là quà mua vội để lấp chỗ trống. Cánh đàn ông trong công ty lúc nào cũng ga lăng, nhưng toàn ga lăng với người khác. Họ không có thời gian để ga lăng với Loan. Cô chẳng bao giờ nhờ được các anh trong công ty tí gì, bởi mỗi lần cô mở miệng thì y như rằng câu trả lời sẽ là: “Ơ, anh xin lỗi, anh mới nhận lời giúp cái A. việc xyz”. Chẳng cần nói cũng biết cô A. kia là “hot girl công sở”, đâu đến lượt phận gái xấu như Loan nhận sự giúp đỡ của các anh.
           Nhiều lúc, Loan tức điên với mấy em “chân dài óc ngắn”. Bọn đó chẳng làm gì, chỉ suốt ngày mắt chớp chớp, cười ngây thơ tán mấy ông dại gái trong cơ quan làm việc hộ, thế rồi toàn được sếp khen là làm nhanh, làm vượt chỉ tiêu. Trong khi đó, Loan mài mặt cả ngày cũng không hết việc, toàn bị mắng là chậm chạp dù thực tế đầu óc Loan rất thông minh, nhanh nhạy. Thực ra, thỉnh thoảng mấy ông trong công ty cũng nhớ đến Loan. Đó là những lúc có bạn bè là trai già bị ế, hoặc xấu quắc cần câu không tìm nổi người yêu. Khi được mấy tay đó nhờ mai mối, người đầu tiên họ nghĩ đến là “cô em xấu xí lùn dí lùn dị” ở chỗ làm.
           Vì thế, Loan đã mấy lần phải đi gặp mặt cùng những đối tượng “không còn gì để nói” kể trên. Toàn bộ những anh chàng rách nát tồi tệ nhất, cánh đàn ông trong công ty đều dắt Loan đến xem mắt. Lần nào mấy ông anh cũng động viên mà như móc mỉa cô: “Em nhớ phải biết mình là ai và đang ở đâu. Ngoại hình như em kiếm được người như bạn anh là tốt lắm rồi đấy. Đừng kén cá chọn canh”.
           Biết phấn đấu, gái xấu công sở tự kiếm được quà

         Nhiều khi rất tủi thân vì hành động vô duyên, “dìm” gái xấu của cánh mày râu trong công ty, nhưng Loan nhủ thầm: không chấp. Mà cũng may nhờ sự dìm ấy của các anh, Loan lại càng độc lập, nhanh nhẹn, thạo việc. Sau một thời gian vào làm, Loan đã chứng tỏ được sự vượt trội khi giải quyết hàng loạt các hợp đồng khó nhằn. Dù không cao, cô vẫn được mọi người ngước nhìn.
Không cần cố gắng lấy lòng những người kỳ thị mình, Loan gia nhập hội các cô, các chị hơi có tuổi một chút nhưng điềm đạm, biết cư xử. Ở đó, Loan ít tuổi nhất, lại thông minh sáng dạ nên rất được cưng. Thỉnh thoảng, các chị, các cô dẫn Loan đi spa cùng để cải thiện sắc đẹp. Được đầu tư tu sửa đúng chỗ, trông Loan cũng bớt xấu xí.


          Chơi với những người phụ nữ đứng tuổi, Loan càng thêm kinh nghiệm về cuộc sống. Cô học được nhiều điều hay ho, được dạy cho đối nhân xử thế. Thi thoảng, Loan còn “bị” các chị, các cô lôi tới nhà cùng nấu nướng, làm bánh trái tại gia. Loan đảm đang hơn hẳn, tay nghề nấu nướng nâng cao rõ rệt. Thấy tính cách Loan hiền hòa, chăm chỉ, nhanh nhạy, một bác nhanh tay "vợt" lấy cho đứa cháu. Trời se duyên, hai người thành một đôi thật. Người yêu Loan tài giỏi, có chức quyền và cũng rất từng trải. Anh ngán tận cổ mấy “chân dài óc ngắn” và muốn tìm người vợ “tốt gỗ” chứ không phải “tốt mỗi nước sơn”.
Có người yêu, Loan càng để ý, săn sóc ngoại hình, nữ tính và dịu dàng hơn bao nhiêu. Tính tình cũng ngọt ngào, đáng yêu hơn hẳn. Lúc ấy, mấy chàng trong công ty mới tiếc hùi hụi vì đã bỏ qua một viên ngọc chưa được mài ở ngay trước mắt.
http://vn.nang.yahoo.com/

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

ĐỪNG


ĐỪNG hạ thấp giá trị của mình


"BI HÀI" PHIÊN XỬ HÒN ĐÁ BỊ "BẮT GIAM"


(VTC News) - Nguyên đơn vụ kiện hòn đá bị "bắt giam" cho biết sẽ theo vụ kiện này đến cùng để đòi cho bằng được công lý.
       Sáng ngày 22/8, TAND huyện Chư Sê (Gia Lai) đã tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện “Yêu cầu huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 17/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 của Chủ tịch UBND huyện Chư Sê” của nguyên đơn là bà Trần Thị Sắc (42 tuổi, trú thôn Ia Sa, xã H’Bông, huyện Chư Sê).
          Bị đơn trong vụ án này là ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê. Bà Sắc kiện chính quyền xử phạt mình 2 triệu đồng vì hành vi “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp” và tịch thu hòn đá mà bà phát hiện được trong quá trình đào ao tưới hồ tiêu trên đất hợp pháp của gia đình bà là không hợp lý.
Đào ao tưới cây là vi phạm luật?
          Trước đó, vào ngày 14/3/2012, bà Sắc thuê máy đào ao chứa nước để tưới cây trồng trên diện tích đã được UBND huyện Chư Sê cấp GCNQSDĐ. Trong quá trình đào ao, máy móc đụng phải một tảng đá lớn, nên bà Sắc đã thuê người cẩu cục đá lên. Thấy cục đá có màu sắc đẹp nên bà Sắc thuê xe chở về chà rửa sạch, đánh bóng để làm đá cảnh trang trí trong nhà.
          Ngày 28/3/2012, không biết thông tin từ đâu mà lại đến tai chính quyền, huyện Chư Sê lập tức thành lập đoàn cán bộ liên ngành đến lập biên bản tịch thu cục đá nêu trên mà không nêu rõ lý do.
          Ngày 18/4/2012, Phòng TN&MT huyện Chư Sê mời bà Sắc đến trụ sở để lập biên bản về việc vi phạm hành chính vì hành vi “vận chuyển khoáng sản trái phép”.
           Ngày 30/5/2012, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, ông Nguyễn Hồng Linh ký QĐ số 17/QĐ-UBND về việc “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với bà Trần Thị Sắc” với hai hình thức: phạt tiền 2 triệu đồng và tịch thu hòn đá nêu trên. Không phục trước quyết định trên, bà Sắc đã nhiều lần khiếu nại lên các cấp nhưng đều không được quan tâm giải quyết.
Vì hòn đá này mà có bao chuyện hài hước xảy ra 
          Càng hài hước hơn, sau khi báo chí vào cuộc, cảm thấy dường như hòn đá lúc này như là “con thú dữ”, huyện Chư Sê sau khi xử phạt và tịch thu tang vật của bà Sắc đã bỏ ra một số tiền khá lớn làm một cái cũi sắt để “giam” cục đá một thời gian dài ngay trước trụ sở UBND.

Ông Lê Đình Huấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nói rõ “triết lý” của việc tịch thu hòn đá cảnh của gia đình bà Sắc: “Dù là cành cây, que củi, gạch, đá hay gỗ cũng đều là tài sản quốc gia, đều bị thu hồi”.
          Ngoài ra, ông Huấn cũng đã xác nhận bản thân ông đang sở hữu khá nhiều loại đá quý, có cục còn được ông xem là rất quý và “độc”. Tuy nhiên, không hiểu sao chẳng có đoàn liên ngành nào đến thu hồi “kho” đá quý của vị “quan” huyện này khiến người dân hết sức thắc mắc (?).
          Ngày 5/6/2012, bà Sắc gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến TAND huyện Chư Sê đề nghị tuyên huỷ QĐ số 17 của UBND huyện Chư Sê và trả cục đá cho bà.
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đình Viên - Trưởng phòng TN&MT huyện Chư Sê, người được ông Nguyễn Hồng Linh ủy quyền cho rằng: việc bà Sắc đào hồ lấy nước tưới tiêu trong đất dù đã được cấp giấy chứng nhận là sai luật vì làm đất biến dạng.
          Như vậy, tất cả những hộ trồng hồ tiêu, cà phê trên cả nước đào hồ, ao, giếng để lấy nước tưới là vi phạm luật? Luật sư Võ Thị Tiết Trưởng đoàn Luật sư Võ luật (Đoàn luật sư Bình Định) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn nêu câu hỏi.
          “Việc đào hồ của bà Sắc là hợp pháp vì trước khi đào hồ chứa nước bà Sắc có gửi đơn xin phép đến UBND xã H’Bông và được Phó chủ tịch UBND xã xác nhận cho phép gia đình bà Sắc dùng máy đào hồ vì mục đích lấy nước để tưới cây hồ tiêu, phục vụ trong mùa khô”. Vị luật sư nêu chứng cứ trước tòa.
Thủ tục của chính quyền có vấn đề?
          Khi gặp tảng đá, bà Sắc không biết được đó là đá quý hay đá thường, có phải là khoáng sản không. Ngay cả khi đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện đến lập biên bản kiểm tra cũng không biết được đó là loại đá gì nhưng vẫn lập biên bản tịch thu và tạm giữ cục đá của bà Sắc.
          Khi lập biên bản bàn giao tang vật giữa UBND xã H’Bông với phòng TN&MT huyện cũng chỉ xác định là một cục đá chưa xác định chủng loại. “Toàn bộ thủ tục, trình tự lập biên bản, tịch thu tang vật đối với bà Sắc đều do phía chính quyền thực hiện một cách nóng vội, cẩu thả và hoàn toàn không có căn cứ pháp lý”. Luật sư Tiết cho hay.
Bà Sắc- người đã đào hòn đá được cho là đẹp trong vườn nhà chính chủ 
          Ngày 04/5/2012, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai tiến hành lấy mẫu đá gửi đi giám định tại Trung tâm phân tích thí nghiệm (TTPTTN) – Liên đoàn bản đồ địa chất Miền nam. Kết quả xác định cục đá này là loại đá silic chalcedon (đá bán quý); như vậy, bản kết luận của TTPTTN Miền nam không có câu từ nào xác định hòn đá trên là đá quý thuộc loại khoáng sản cả.

          Thế nhưng trước đó, ngày 18/4/2012, UBND huyện Chư Sê đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực vận chuyển khoáng sản trái phép đối với bà Sắc.
Công văn số 1040/UBND ngày 11/4/2012 của UBND tỉnh Gia Lai nêu rõ: “Khi phát hiện các hộ gia đình, cá nhân khai thác được khoáng sản trong đất đang sử dụng thì phải tiến hành lấy mẫu kiểm tra, nếu là khoáng sản thuộc loại quý hiếm thì yêu cầu nộp cho Nhà nước.
          Nếu là khoáng sản thông thường thì nộp lại cho Nhà nước, đồng thời hỗ trợ chi phí khai thác, vận chuyển và một số phí khác (nếu có) cho người phát hiện. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra và khám xét thì các cơ quan chức năng phải thực hiện theo trình tự thủ tục pháp luật quy định và chú trọng việc vận động, giải thích cho nhân dân trước khi tiến hành kiểm tra, xử lý”. Tuy nhiên, việc này theo bà Sắc là không hề diễn ra.
         Không những vậy, trong quá trình tiến hành xử lý liên quan đến cục đá, chính quyền huyện Chư Sê còn tỏ ra có nhiều vấn đề khó hiểu. Biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành khai thác chế biến khoáng sản đối với cục đá này sai cả về hình thức và nội dung như không nêu rõ đoàn trực thuộc cơ quan chủ quản nào; mỗi trang của văn bản không có chữ ký của người vi phạm và những người tham gia trong thành phần đoàn kiểm tra.
          Còn về nội dung thì biên bản đề là kiểm tra về việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã H’Bông nhưng nội dung lại là biên bản tịch thu cục đá cảnh nêu trên chở về UBND huyện. Theo quy định, hành vi vi phạm hành chính diễn ra ở đâu thì biên bản phải được lập tại đó. Thế nhưng biên bản vi phạm hành chính đối với bà Sắc được lập tại phòng TN&MT huyện Chư Sê sau ngày phát hiện.
          Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật là cục đá và áp dụng biện pháp tịch thu, ngoài việc giám định chủng loại đá, thì phải tiến hành định giá tang vật, để biết được thẩm quyền tịch thu thuộc về cấp nào. Vì luật quy định tuỳ theo giá trị của tang vật bị tạm giữ mà thẩm quyền ký quyết định tịch thu sẽ thuộc cấp nào, chứ không phải tuỳ tiện được. Tuy nhiên ở trường hợp này là hoàn toàn không có.
          Về việc chính quyền cho đóng ngay một cái cũi sắt để “giam” cục đá một thời gian dài trước trụ sở UBND. Ông Nguyễn Đình Viên thay mặt UBND huyện Chư Sê cho rằng đây là biện pháp niêm phong tài sản vi phạm trong lúc bà Sắc không hề hay biết và không ký vào một văn bản niêm phong nào.
          Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn cho Sở VH-TT-DL phối hợp với Bảo tàng tỉnh đưa hòn đá nguyên vẹn về trưng bày tại quảng trường Đại Đoàn Kết- TP. Pleiku (Gia Lai) trong khi đó, chủ nhân của cục đá đang khởi kiện hành chính liên quan đến nó ra tòa án để đòi lại. Việc này liệu đã đúng quy định của pháp luật?
          Kết thúc phần tranh luận, Luật sư Tiết khẳng định rằng: “Toàn bộ các văn bản liên quan mà các cấp huyện Chư Sê ban hành để tịch thu cục đá đều trái quy định của pháp luật. Bởi rất nhiều văn bản ban hành trong quá trình kiểm tra, xử phạt, thu hồi…của chính quyền đều sai từ hình thức văn bản đến nội dung và trái quy định pháp luật nhưng tòa huyện vẫn không để ý đến.
Hòn đá dường như là một con thú dữ nên chính quyền địa phương phải tức tốc bỏ ra hàng đống tiền sắm cái cũi nhốt nó lại 
          Đơn cử như biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành khai thác chế biến khoáng sản đối với cục đá này sai cả về hình thức và nội dung như không nêu rõ đoàn trực thuộc cơ quan chủ quản nào; mỗi trang của văn bản không có chữ ký của người vi phạm và những người tham gia trong thành phần đoàn kiểm tra.

          Còn về nội dung thì biên bản đề là kiểm tra về việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã H’Bông nhưng nội dung lại là biên bản tịch thu cục đá cảnh nêu trên chở về UBND huyện. Theo quy định, hành vi vi phạm hành chính diễn ra ở đâu thì biên bản phải được lập tại đó. Thế nhưng biên bản vi phạm hành chính đối với bà Sắc được lập tại phòng TN&MT huyện Chư Sê sau ngày phát hiện.
         Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật là cục đá và áp dụng biện pháp tịch thu, ngoài việc giám định chủng loại đá, thì phải tiến hành định giá tang vật, để biết được thẩm quyền tịch thu thuộc về cấp nào. Vì luật quy định tuỳ theo giá trị của tang vật bị tạm giữ mà thẩm quyền ký quyết định tịch thu sẽ thuộc cấp nào, chứ không phải tuỳ tiện được. Tuy nhiên ở trường hợp này là hoàn toàn không có.
          Chứng cứ và quy định của pháp luật quy định rõ ràng là vậy nhưng TAND vẫn đồng tình với các quyết định trước đó của chính quyền huyện Chư Sê và bác toàn bộ đơn khiếu kiện của bà Sắc bao gồm việc không tuyên quyết định số 17 do chủ tịch UBND huyện Chư Sê ký là sai và không trả lại hòn đá cho bà.
          Trao đổi với chúng tôi bà Sắc cho rằng: “Tòa án không công tâm một tý nào. Sự việc đã rành rành như vậy, toàn bộ những văn bản liên quan đến tịch thu cục đá của tôi là không có cơ sở, hoàn toàn trái với quy định của pháp luật mà Hội đồng xét xử lại cho là đúng. Tôi không phục với cách làm kiểu của hội đồng xét xử bao biện cho cái sai của chính quyền nhằm làm khó người dân. Tôi sẽ theo vụ kiện này đến cùng để đòi cho bằng được công lý”.
          Người dân phố Núi phân tích rằng: việc lấy lại hòn đá của bà Sắc là điều rất khó vì hiện nó đã yên vị tại quảng trường Đại Đoàn Kết - một công trình trọng điểm của tỉnh Gia Lai, nên một cá nhân khó làm sao kiện “ông giời”.
          Tuy nhiên, nếu phiên tòa phúc thẩm mà bà Sắc chuẩn bị kháng cáo tới đây vẫn không làm rõ những điểm không đúng của chính quyền huyện Chư Sê thì người dân rất lo lắng về cách quản lý, điều hành hiện nay và về lâu dài.
 
Theo Luật Khoáng sản do Nhà nước ban hành quy định: “Khi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc QSD đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đất đó thì không cần phải cấp giấy phép”.

Theo điều 64 của Luật khoáng sản có hiệu lực ngày 01-7-2011 thì đá bán quý không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng cũng là loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Như vậy tại thời điểm UBND huyện Chư Sê lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định số 17 thì chính quyền vẫn chưa biết hòn đá này là loại đá gì.

Tại kết quả  phân tích mẫu thạch học của Liên đoàn bản đồ địa chất Miền Nam cũng không khẳng định được đá bán quý đó là thuộc bán quý nào. Tại thời điểm xét xử vụ án cũng chưa có một bản kết luận, đánh giá phân tích nào cho chuẩn xác về cục đá của bà Sắc là loại đá gì, và giá trị của nó như thế nào.

Ánh Ngân
http://vn.news.yahoo.com/bi-hài-phiên-xử-hòn-đá-bị-bắt-103000609.html

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

BỮA TIỆC TRONG NHÀ VỆ SINH


Chị là người giúp việc nhà cho một ông chủ rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, chị vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn...
Hôm ấy, chủ nhà có tiệc lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự. Ông chủ bảo: "Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không?" - "Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi." Ông chủ ân cần: "Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé."
Chị mang theo con trai đến. Đi đường chị nói với nó rằng: "Tối nay, mẹ con mình sẽ dự tiệc nhé!". Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết công việc của me là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giàu nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.
Khách khứa rất đông. Ai cũng lịch sự. Họ ăn uống, trò chuyện, khiêu vũ,... Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến con mình. Chị sợ nó làm hỏng buổi tiệc của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách: đưa nó vào phòng vệ sinh trên lầu vì đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay.
Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với con: "Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào bữa tiệc bắt đầu!" Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn "căn phòng dành cho nó" thật sạch sẽ, thơm tho, đẹp đẽ. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát... tự mừng cho mình.
Vào khoảng giữa buổi tiệc, người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị trong bếp và hỏi. Chị ấp úng: "Tôi không biết nó đã chạy đi đằng nào..." Ông chủ nhìn chị và phần nào hiểu được điều khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm... Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: "Cháu nấp ở đây làm gì? Cháu biết đây là chỗ nào không?" Thằng bé hồ hởi: "Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!"
Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống: "Con hãy đợi ta nhé." Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông lấy cái đĩa to với thật nhiều thức ăn và mang lên phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự. Thằng bé mở cửa. Ông bước vào: "Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé."
Thằng bé vui lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ... Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ... Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!
Nhiều năm tháng qua đi. Cậu bé trưởng thành và thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng cậu không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Bởi một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của cậu: bữa tiệc của lòng nhân ái và sự tôn trọng trong nhà vệ sinh năm nào.
Chúc bạn cuối tuần ấm áp nhé! st
CẦU QUAN TÂY NINH


Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

KỶ NIỆM 10 NĂM HỌC BỔNG VINAMILK TẠI TPHCM

1. Ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao Bằng khen cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.
1. Ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao Bằng khen cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.

Kỷ niệm 10 năm học bổng Vinamilk tại Tp.HCM

13/08/2013 11:03
Vừa qua tại Tp.HCM, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quỹ học bổng “Vinamilk – Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam”, tổng kết năm học 2012 – 2013 và Sân chơi “Tỏa sáng tài năng Việt” cho các em học sinh tiểu học.
Đây là một cột mốc quan trọng đối với chương trình Quỹ học bổng với hơn 34 ngàn suất học bổng có giá trị hơn 19 tỷ đồng được trao cho học sinh tiểu học có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện ở 63 tỉnh thành trên cả nước suốt 10 năm qua. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo Vụ tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.


Các em học sinh được nhận học bổng của Quỹ học bổng “Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” năm học 2013.

 
Tại buổi Lễ kỷ niệm, 50 em học sinh đạt thành tích tốt trong học tập trên địa bàn Tp.HCM đại diện 1.000 em học sinh trên toàn quốc nhận học bổng của năm học 2012 – 2013. Trong tháng 9 các suất học bổng còn lại với tổng trị giá 1 tỷ đồng sẽ được trao cho học sinh tiểu học là học sinh giỏi, có thành tích xuất sắc, đạt được các giải thưởng cấp huyện/tỉnh/thành phố/quốc gia trong các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao và nghệ thuật; học sinh nghèo, khuyết tật nhưng có ý chí vượt khó vươn lên trong học tập, đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện trên khắp cả nước.
Đăng Ngọc
dvhnn

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

CƠ-ĐỐC-NHÂN VỚI HẠNH PHÚC LỨA ĐÔI

CHỦ ĐỀ: TÌNH YÊU THƯƠNG
Câu gốc: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (Giăng 4: 8)
         
Tình yêu và hôn nhân là những đề tài quá xa xưa. Nhưng kỳ thật, là mối quan tâm đối với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Nó vô cùng quan trọng đối với những ai đang tìm kiếm cho mình một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Có nhiều người lầm tưởng tình yêu với hôn nhân chỉ là một "yêu nhau là có thể lấy nhau được”. Thật ra không đơn giản như vậy. Giữa tình yêu và hôn nhân còn có một khoảng cách của toan tính, đắn đo, sự cân nhắc, bước chuẩn bị kỹ càng để có thể xây dựng một hôn nhân hạnh phúc.            
        Đối với Cơ đốc nhân, tin Chúa Giê-Xu làm cứu Chúa của đời mình nên vấn đề hôn nhân lại vô cùng thiêng liêng. chúng ta không thể xây dựng hôn nhân dựa trên những tiêu chuẩn của người thế gian như: tiền bạc, danh vọng, địa vị, môn đăng hộ đối. Vậy Cơ đốc Nhân tìm được hạnh phúc lứa đôi ở đâu? Có phải Cơ Đốc Nhân chỉ tìm được hạnh phúc lứa đôi bền vững với người phối ngẫu cùng niềm tin
1) Quan niệm của người thế gian đối với hôn nhân
          Thời phong kiến, có quan niệm "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nhưng ngày nay quan niệm đó không còn thích nghi nữa!. Ông bà cha mẹ chúng ta không phải hoàn toàn vô lý khi có quan niệm buộc con cái phải đi theo ý hướng của mình trong việc lập gia đình. Với lập luận đáng để cho chúng ta suy nghĩ như quan niệm “Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng”.
          Khi phân tích kỹ, chúng ta mới thấy rằng ông bà xưa đã tích lũy hằng bao nhiêu kinh nghiệm để có được "Triết lý" đó. Thật ra cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống của con cái "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Một Triết Gia Tây Phương nói: “Thành phần xuất thân ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách”.
           Thường tình trong cuộc sống, người thế gian muốn dựng vợ gả chồng cho con cáí, họ hay đắn đo trước những vấn đề thực tế, họ có khuynh hướng chọn lựa theo các tiêu chuẩn sau: Sắc đẹp, địa vị, tiền tài, danh vọng... đôi khi lại còn có ẩn ý gì phía sau cuộc hôn nhân đó, như có ích lợi gì không! ... Như vậy khi hôn nhân được thành hình trên quan niệm duy lý thì lấy gì để bảo đảm vững bền khi gặp lúc “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Muốn có một cuộc hôn nhân bền vững, chúng ta là con cái của Chúa thì không thể xây dựng hôn nhân theo quan điểm của người thế gian được mà phải tìm biết ý Chúa: Cầu nguyện, Dựa vào lời Chúa, Thinh lặng để nghe tiếng mách bảo của Thánh linh.

2) Nền tảng kinh Thánh về hôn nhân
           a) Hôn nhân do Đức Chúa Trời thiết lập: Ngài thiết lập hôn nhân tại vườn Ê-đen. Ngài đã tạo dựng nên một "E-va" tuyệt hảo... Ngài ban tặng cho A-đam. Ngài phán: "Hãy sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất (Sáng 1:28) Đức Chúa Trời đã phán dạy về hôn nhân bằng một mạng lệnh “Ngừơi nam sẽ lìa cha mẹ dính díu với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” ( Sáng 2:24)
      
        - Tình yêu xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh nghĩa là thế nào? Đó là: thứ tình yêu khác hẳn với thế gian, được thấy trong 1Cô-rinh-tô 13:4 - 8 
          "Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhơn từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ."
        Thật chẳng có một quan điểm nào của thế gian có thể sánh bằng những ý nghĩa cao cả và trọn vẹn như tình yêu được xây dựng trên nền tảng thiêng liêng này.
       b) Tình yêu tuyệt đỉnh:
        Đây không phải là tình yêu xác thịt hay tính dục, mà là thứ tình yêu vượt lên trên tất cả cảm xúc của con người.
Tình yêu này là sự quan tâm, chăm sóc, để ý tới người chung quanh mình, mà người bạn đời là một trong những người gần gũi nhất.
Chúa đã ban tình yêu tuyệt đỉnh của Chúa cho nhân loại, giống như tinh thần của Galiti đoạn 6:2 “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”.

3)  Chìa khóa hạnh phúc cho gia đình Cơ đốc nhân
      
   a) Bí quyết thứ nhất: Tình yêu thương
            Mới nghe, có lẽ bạn nói rằng: "Ôi xưa quá!, có gì mới đâu?." thế mà tình yêu vẫn là đề tài muôn thuở và luôn luôn mớí mẻ với các văn nhân thi sĩ, nhạc sĩ. Nó là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác.
Nhưng Tình yêu thương muốn đề cập ở đây không giống như thứ tình yêu giữa bạn bè, trai gái, cha mẹ, nhưng là thứ tình yêu thiên thượng quan trọng hơn nhiều được sách 1Giăng 4:8 "Đức Chúa Trời là sự yêu thương."
Tình yêu thương che lấp mọi tội lỗi”(1Phi-e-rơ 4:8b).

Tình yêu thương vô cùng thiêng liêng được thể hiện nhiều cách. Có một bài thơ ví tình nghĩa vợ chồng giống như sự khắng khít của hai chiếc dép:
                            … Không thể thiếu nhau trên mọi bước đời
                                Dẫu mỗi bước ở một bên phải trái
                                Nhưng anh yêu em ở những điều ngược lại
                                Gắn bó đời nhau một bước đi chung.
               Hai mảnh đời thầm lặmg bước song song
               Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
               Chỉ còn một là không còn gì hết
               Nếu không tìm được một chiếc thứ hai kia
      b) Bí quyết thứ hai: Tôn trọng nhau
      Tôn trọng là quan tâm đến người phối ngẫu của mình và coi trọng họ. Lời của Đức Chúa Trời khuyên tất cả chúng ta "hãy lấy lẽ kính nhường nhau" (Rô 12:10b). Câu chuyện sau đây là bằng chứng cụ thể của sự thất bại, dành cho những ai không biết kính trọng người phối ngẫu của mình:
           Có một bà là vợ của một sĩ quan, mới được chồng bảo lãnh qua Mỹ được vài tháng, tiếng Anh không hiểu. Khi chồng đi làm về, bà đem vài bức thư của bưu điện cho chồng xem, bà nói "nhờ anh coi hộ họ nói cái gì đây?". Người chồng trả lời "Sao bà ngu quá vậy, thì mấy tờ quảng cáo chứ cái gì?". Kể từ đó người vợ không hề hỏi chồng một điều gì nữa. Hôm sau bà ghi danh đi học và miệt mài bốn năm đại học. Sau đó  bà đi làm và  bà li dị chồng chỉ vì câu nói: "Sao bà ngu quá ?"
        Đây là bài học đích đáng cho những ai coi thường người phối ngẫu của mình trong cách ăn nói cũng như đối xử.
   c) Bí quyết thứ ba: Bổn phận của vợ chồng
           Đối với người đàn ông tốt bụng và khôn ngoan, không chọn vợ ở vẻ đẹp bề ngoài vì cái đẹp hình thể sẽ phai tàn theo năm tháng, không phải là yếu tố tối cần thiết để có được một gia đình êm ấm, nhưng đôi khi chính cái đẹp lại là nguyên nhân của những đổ vỡ làm tan nát gia đình - Người vợ mà Đức Chúa trời tạo dựng từ buổi đầu sáng thế từ xương thịt của Adam, là người vợ dịu dàng để giúp đỡ (Sáng Thế Ký 2:18), chứ không phải kẻ để mà cạnh tranh.
Chính vì tầm quan trọng đó mà Lời của kinh Thánh trong 1 Phierơ 3:1-6 đã dạy dỗ người vợ một cách thận trọng:
Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo... Chớ tìm sự trang sức bề ngoài, như gióng tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt, nhưng hãy tìm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự trong sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là qúi trước mặt Đức Chúa trời.”
Kết luận:
         Quả đúng như vậy, qua bao nhiêu kinh nghiệm của lớp người đi trước, đã từng trãi cuộc sống lứa đôi, họ đều thấy rằng nền tảng của hôn nhân không thể xây dựng trên nền tảng của vật chất. Dẫu rằng tiền bạc cần thiết cho sự sinh hoạt. Tiền bạc có thể cho bạn một đám cưới linh đình, nhưng tiền bạc không thể cho bạn người chồng hay vợ lý tưởng được.
       Người đời cứ mãi đi tìm những bí quyết làm cho vợ chồng được hòa thuận. Nhưng họ có bao nhiêu người đạt? khi mạnh ai nấy đều làm chủ riêng mình, tự đặt cái tôi của mình lên trên hết.
        Còn Cơ Đốc Nhân. Vâng! Cơ Đốc Nhân, chính là những người cùng niềm tin, là những người đã hứa nguyện dâng chính mình cho Chúa, để Chúa làm chủ cuộc sống của mình. Trong phạm vi gia đình vợ chồng cùng thuận phục chung một chủ là Chúa, thì người chồng không điều hành gia đình theo ý riêng của mình, còn người vợ không bất cứ lý do gì mà lấn lướt chồng. Trong bầu không khí gia đình như thế, sự ngọt ngào của tình yêu lứa đôi chắc chắn đến với các đôi vợ chồng có chung một niềm tin, chung một Đấng để mình kính yêu và thờ phượng. Lời Đức Chúa Trời dạy dỗ về hôn nhân mà chúng ta có thể thấy thêm trong Ê-phê-sô đoạn 5:22, 25
      “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh, … Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới chồng mình trong mọi sự.
Hỡi người làm chồng hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh..." (Ê-phê-sô đoạn 5:22, 25)
TĐ NGỌC HUỆ

 Thư mục
1/ Cố MS Phạm Xuân Tín. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20
2/ Kinh thánh
3/ Nguyễn Trung Kiên. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20



Nguyễn Trung Kiên. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20
Cố MS Phạm Xuân Tín. Tạp Chí Hướng Đi. Số 20