Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

BẢY LỜI TUYÊN BỐ "TA LÀ" CỦA CHÚA JÉSUS TRONG PHÚC ÂM GIĂNG


Những ý nghĩa đặc biệt trong những lời tuyên bố "Ta là ..." của Chúa Giê-su trong Phúc Âm Giăng
Phúc Âm  Giăng ghi chép những bài giảng dài của Chúa Jésus, tập trung vào vị phẩm, chức năng và vai trò của Ngài, với một loạt các tuyên ngôn bắt đầu bằng “TA LÀ”. Bảy Lời Tuyên Bố “Ta là” trong sách Phúc Âm Giăng là một trong những nét đặc trưng nhất có ý nghĩa:
1/ Ta là bánh của sự sống”(6:35): Là câu “Ta là” đầu tiên trong Phúc Âm Giăng, Ngài là bánh từ Đức Chúa Trời để nuôi dưỡng đời sống tâm linh được no đủ và Chúa Giê-su là nguồn sự sống tâm linh. Dân chúng không tin Chúa Jésus là Đấng mà Ngài khẳng định là “Bánh của sự sống”, đoàn dân đã chứng kiến Ngài làm các dấu lạ, nhưng họ không hiểu. Họ đang tìm kiếm những gì thuộc về vật chất, họ cũng mong muốn được như tổ phụ họ đã được ăn ma-na trong đồng vắng “Ngài đã ban cho họ ăn bánh từ trên trời xuống” (c 30-31). Khi Ngài nói “Ta là bánh của sự sống” là Ngài đang cung ứng sự thỏa mãn hoàn toàn và còn đến đời đời, để được dự phần vào bánh Ngài ban tặng thì phải tin nơi Ngài. Nhưng Chúa Jésus phán cái vấn đề là họ đã thấy Ngài nhưng vẫn không tin (c 36). Điều này cho thấy rằng, hết thảy những ai đến cùng và tin nhận Chúa Jésus đều được sự bảo đảm sự cứu rỗi, đó là có thái độ chọn Ngài hay từ chối Ngài.

2/ “Ta là sự sáng của thế gian” (8:12; 9:5): Chúa Giê-su là ánh sáng soi sáng cho nhân loại đang ở trong tối tăm của tội lỗi để họ thấy được con đường sự sống. Ngài là sự sáng dẫn đến lẽ thật của Đức Chúa Trời. Câu Chúa nói: “Ta là sự sáng của thế gian”, thì có câu nói tương tự ở phần mở đầu (1:4-5), gợi nhớ sự sáng mà Đức Chúa Trời đã dẫn dân sự Chúa đi trong đồng vắng vào ban đêm nhờ những trụ lửa, Ngài luôn luôn đồng hành với con cái Ngài ngày cũng như đêm (Xuất 13: 21 – 22). Lời tuyên bố của Chúa Jésus cho thấy sự tương phản giữa sự sáng và sự tối tăm, người nào theo Ngài “chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (c 12). Chúa Jésus là ánh sáng soi vào cõi tối tăm của con người, đó là cõi u mê không nhận ra được Chúa là Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê-xu tự xưng là ánh sáng của trần gian, ánh sáng nầy có đặc điểm là đưa người ta từ cõi chết, từ sự tối tăm của tội lỗi sang cõi sống vĩnh cửu.

3/ Ta là cái cửa của chiên” (10:7): Ngài là cái cửa mà một người nhờ đó mà bước vào sự sống đời đời. Chúa Giê-su là cổng vào Nước Trời  bình an, vinh quang, bảo đảm an toàn sự sống vĩnh cửu cho những ai tin nhận Ngài.

4/ “Ta là người chăn hiền lành” (10:11): Chúa Giê-su là người chăn nhân từ, chăm lo cho đàn chiên và hy sinh cho đàn chiên của mình. Sẳn sàng phó sự sống mình để cứu chiên, đem sự sống phong phú cho bầy chiên.

5/ Ta là sự sống lại và sự sống” (11:25): Chúa Giê-su là Đấng duy nhất đã chết thay cho nhân loại và đã sống lại để ban sự sống đời đời cho những ai tin Ngài. Ngài cứu sống kẻ chết trong tội lỗi của mình và ban sự sống đời đời cho họ. Điều này không chỉ ám chỉ sự tồn tại thuộc thể, mà còn nói đến sự sống dự phần vào sự sống đời đời nơi vương quốc của Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời trong Phúc Âm Giăng là nguyên tắc của sự sống tâm linh bắt nguồn từ Đức Chúa Trời và đưa con người ra khỏi tội lỗi đến cùng chính Đức Chúa Trời.

6/ Ta là Đường đi, lẽ thật và sự sống” (14:6): Chúa Giê-su là hiện thân của Đức Chúa Trời trong con người. Ngài là con đường duy nhất dẫn con người đến chân lý của Đức Chúa Trời, chính là sự sống thật và vĩnh hằng, Ngài là con đường duy nhất để đến được “chỗ” Ngài hứa sắm sẵn (14:2). Thành ngữ bộ ba này “Đường đi, lẽ thật, sự sống” cho thấy một số các phương diện của công tác cứu rỗi của Chúa Cứu Thế, Ngài đã khôi phục mối quan hệ của con người với Đức Chúa Trời qua chính sự chết và sự sống lại của Ngài.

7/ Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho” (15:1): Ngài là gốc nho mà Đức Chúa Trời chăm bón và cũng là nơi cấp dưỡng cho người khác. Chúa Giê-su là nguồn gốc của sự sống và là Đấng ban nhựa sống để những người tin theo Ngài nhờ Ngài mà có kết quả trong đời sống của mình, cũng như các các nhánh đơm hoa, kết quả được nhờ vào gốc nho được chăm bón tốt. Trong mỗi hình ảnh mang biểu tượng trong Phúc Âm Giăng, Chúa Jésus mô tả Ngài là Đấng mang đến sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Chúa Jésus không những chỉ dùng những hình ảnh minh họa, nhưng Ngài cũng phán với giọng điệu giống như Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-el, được sách Ê-sai chép lại để nhấn mạnh vai trò của Ngài như là tác nhân sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời: “Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có Cứu Chúa nào khác”; “Ta đã là Đức Chúa Trời, chẳng ai có thể giải cứu khỏi tay ta” (Ê-sai 43: 11,13, 15).
Chúa Jésus đã dùng chính ngôn ngữ tự mặc khải đó khi Ngài công bố “Ta là sự sáng của thế gian” (8:12; 9:5); “Ta là sự sống lại và sự sống” (11:25); “Ta là Đường đi, lẽ thật và sự sống” (14:6)… Qua những tuyên ngôn này Chúa Jésus khẳng định: Ngài là tác nhân cho sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

TĐ NGỌC HUỆ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.