Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

TÌNH YÊU CỦA ANH

  









TÌNH YÊU CỦA ANH

Xưa cứ ngỡ... là yêu... tình sâu lắng, 
Trải cõi lòng, dang rộng cả vòng tay. 
Đón yêu thương, sống trọn vẹn tháng ngày 
Cho hạnh phúc riêng mình... nhiều mơ ước. 

Nhưng! với anh... tình yêu là say đắm, 
Mộng tưởng cuộc đời anh cất bước xa tôi. 
Tuổi mười lăm, yêu... nhưng mà đâu dám nói. 
Xa nhau rồi, biền biệt mất tin nhau. 

Giờ biết được “anh tôi", như vầng quang tỏa sáng, 
mộng năm xưa, nay đã thực cho đời. 
Tôi gặp anh trên trang “khuyến nông”... “thường trực” 
Trên trang Google, trên sóng phát hình. 

Vâng! Tiến bước nữa đi anh...
Hành trình khuyến nông còn đợi, còn chờ 
Nhiều bàn tay, chung lòng, chung sức, 
Làm bức tranh quê...

Nên ruộng đồng cò bay thẳng cánh, 
Với tiếng máy cày, cơ giới hóa cánh đồng xanh 
Gửi lại nhé anh, nhiều ước mơ cháy bỏng, 
“Cây trái chín ngọt lành 
Như kết quả đời anh”.

                                   NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: CHỮ HIẾU TRONG CƠ ĐỐC GIÁO

 

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: CHỮ HIẾU TRONG CƠ ĐỐC GIÁO

Giáo Sư Phạm Ngọc Huệ

(thevbi.net) 


Điều răn thứ Năm, Lời của Đức Chúa Trời, trong nền tảng Kinh Thánh: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất-ê-díp-tô Ký 20:12).

Sau bốn điều răn, dạy về bổn phận của con người đối với Đức Chúa Trời, đến điều răn thứ năm là mối quan hệ giữa người với người, điều răn đầu tiên Chúa muốn con người phải thực hiện với nhau là mối quan hệ trong gia đình: “Hiếu kính cha mẹ.” Điều này có nghĩa sự liên hệ giữa con cái với cha mẹ chỉ đứng sau mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa mà thôi. Cơ Đốc giáo đặt nặng bổn phận con cái đối với cha mẹ đó là những lời dạy trong Cựu Ước, sách Châm Ngôn: “Con ơi, phải nghe lời cha khuyên dạy, đừng bỏ khuôn phép của mẹ con” (1:8). “Này con, nghe cha khuyên dạy, lắng tai để có sự hiểu biết” (4:1). “Hành hung cha và xô đuổi mẹ, là con làm điều nhục gia phong” (19:26). “Lắng tai nghe lời khuyên dạy của cha, khi mẹ yếu già con chớ khinh khi” (23:22)...

Điều răn “Hiếu kính cha mẹ” được kèm theo lời hứa của Chúa, “hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” Đây là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa của Chúa cho thấy tầm quan trọng của điều răn này. Trong Tân Ước Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhỡ: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3). Sự hiếu kính, Chúa dạy là áp dụng cho mọi trường hợp, dù cha mẹ trẻ, khỏe mạnh hay già nua, đau yếu; cha mẹ giàu hay nghèo....

Cũng cần hiểu quan niệm hiếu kính trong đạo Chúa khác biệt với quan niệm của các nền văn hóa, nhất là văn hóa phương Đông. Chữ hiếu trong đạo Chúa không phải là những nghi lễ mà là mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ. Trong Cựu ước, hiếu kính là Kabad (Xuất. 20:12) có nghĩa là tôn kính, kính sợ. Trong Tân Ước thì dùng từ Timao (Ê-phê-sô 6:2) cũng có ý nghĩa tương tự, và từ Eusebeo (I Ti-mô-thê 5:4) được dịch là “hiếu thảo”. Hiếu kính theo Kinh Thánh là thái độ thương yêu, kính trọng, có mối quan hệ tốt đẹp với bậc sinh thành, cũng như quan tâm chăm sóc cha mẹ lúc già yếu.[1]


Phúc Âm Ma-thi-ơ 15:4 “Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn nầy: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều nầy: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết.” Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương và tôn kính cha mẹ. Chúng ta yêu thương cha mẹ vì ngoài Chúa ra, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Kinh Thánh dạy rất nghiêm khắc về việc phải tôn kính cha mẹ. Theo luật của Thánh Kinh Cựu Ước tội bất hiếu với cha mẹ được xử rất nặng như sau: “Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử. Kẻ nào bắt người và bán, hoặc giữ lại trong tay mình, sẽ bị xử tử. Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” (Xuất-ê-díp-tô Ký 21:15-17).

Ca dao Việt Nam cũng dạy con cái biết ơn cha mẹ mình:

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, nuôi dạy và mong mỏi chúng ta lớn lên, trở nên người hữu dụng. Cho nên, chúng ta phải biết ơn cha mẹ, và bày tỏ lòng biết ơn đó qua lời nói, hành động và cách cư xử, nhất là làm theo lời cha mẹ khuyên răn, theo sự dạy dỗ của Lời Chúa thì con cái phải “vâng phục cha mẹ mình vì điều đó là phải” (Ê-phê-sô 6:1-3). Đối với người làm cha, mẹ cũng phải dạy dỗ con trẻ khi chúng còn ấu thơ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

Đáp đền ơn nghĩa sinh thành

Theo diễn biến tự nhiên của đời người, bốn giai đoạn này có lẽ đa số người sẽ trải qua: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Cha mẹ chúng ta cũng không thoát khỏi vòng sinh hóa ấy. Vậy nên, làm con cái chúng ta phải lo phụng dưỡng cha mẹ, nghĩa là chu cấp cho cha mẹ về tình yêu, sự kính trọng, tài chánh, sự chăm sóc thăm hỏi thường xuyên để tỏ lòng hiếu thảo khi cha mẹ còn sống, nếu không, khi cha mẹ qua đời rồi thì người làm con chẳng thể báo hiếu được cho bậc sanh thành nữa!

Sự tôn kính cha mẹ còn được thể hiện qua cách sống của người làm cha, mẹ. “Cha người công bình sẽ có sự vui vẻ lớn, và người nào sanh con khôn ngoan sẽ khoái lạc nơi nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn hở, và người đã sanh con lấy làm vui mừng” (Châm Ngôn 23:24-25). Mặc dầu vấn đề hiếu kính của con cái đối với cha mẹ, là bổn phận của những người làm con, nhưng lời Chúa cũng dạy trách nhiệm của các bậc phụ huynh phải biết dạy dỗ và hướng dẫn con cái mình về sự hiếu thảo với cha mẹ là việc cha mẹ cần phải làm gương cho con cái noi theo.  


Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có gương hiếu thảo của Ru-tơ, dù rằng nàng Ru-tơ là con dâu của bà Na-ô-mi: “Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi! Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa” (Ru-tơ 1:16-18).

Chính vì sự hiếu thảo của Ru-tơ, bà Na-ô-mi phác thảo một kế hoạch cho con dâu và ông Bô-ô cưới nàng Ru-tơ làm vợ, kết quả tốt đẹp đó là “Ô-bết sanh Y-sai, và Y-sai sanh Đa-vít” (Ru-tơ 4:21). Chúng ta hãy xem phân đoạn Kinh Thánh: “9Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-li-ôn, và về Mạc-lôn, 10và cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi, đặng nối danh kẻ chết cho sản nghiệp người; hầu cho danh kẻ chết không mất khỏi giữa anh em mình và khỏi dân sự của thành người; ngày nay các ông làm chứng về điều đó.... 13Như vậy, Bô-ô lấy Ru-tơ làm vợ, người đi lại cùng nàng; Đức Giê-hô-va làm cho nàng được thọ thai và sanh một con trai.... 17Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết... 22Ô-bết sanh Y-sai, và Y-sai sanh Đa-vít” (Ru-tơ 4 :1-17).

Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương đối đãi với Ru-tơ rất nhân từ, ban cho nàng đức tin để nàng tin cậy Ngài và được cứu rỗi, do nàng đã rời khỏi Mô-áp. Hồng ân của Chúa còn tiếp tục tuôn đổ trên đời sống của Ru-tơ khi bà chuyển đến Bết-lê-hem, Chúa đưa dẫn bà đến đồng lúa của Bô-ô và tại nơi đó Bô-ô đã biết và phải lòng nàng. Chúa cho bà với Bô-ô sanh được một bé trai, người ta đặt tên đứa trẻ đó là Ô-bết. Và Ô-bết là ông nội của Đa-vit (sau này là vua của Y-sơ-ra-ên).

Sách Ru-tơ nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời đang làm việc trong thế giới chúng ta, Ngài đang tìm kiếm cô dâu và đang thu hoạch mùa màng; chúng ta phải tìm cho mình vị trí trong chương trình tìm kiếm những linh hồn hư mất của Ngài. Những sự kiện trong sách Ru-tơ xảy ra thuộc thời kỳ Các Quan Xét, là thời kỳ chẳng khác gì mấy so với thời hiện tại này của chúng ta. Nếu bạn chỉ cứ mãi lo nghĩ về những điều xấu, điều ác trong xã hội thời nay thì chắc chắn bạn sẽ trở nên người bi quan, yếm thế và hay hoài nghi; nhưng, nếu bạn cầu hỏi Đức Chúa Trời để biết Ngài muốn bạn đến làm việc tại cánh đồng nào của Ngài và bạn hãy trung tín hầu việc Ngài, thì bạn sẽ nếm trải được ân huệ, tình yêu thương và niềm vui thoả từ nơi Ngài.[2]

Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa (Cô-lô-se 3:20). Khi lớn tuổi, cha mẹ có thể cần sự hỗ trợ thực tế. Con cái hành động hiếu kính cha mẹ bằng cách bảo đảm rằng họ có được những điều cần thiết trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, nói chuyện với họ bằng những lời tử tế, lễ phép, và ân cần. Hiếu kính cha mẹ không chỉ là một lời khuyên mà là một mệnh lệnh. Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ phát xuất từ sự biết ơn đối với Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta. Gương của Chúa Giê-su cũng sẵn sàng vâng lời cha mẹ (Lu-ca 2:51[3]). Tại bên thập tự giá, Đức Chúa Giê-su thấy có mẹ Ngài đứng đó, Chúa Giê-su sắp xếp để mẹ ngài được chăm sóc (Giăng 19:25-27).

Chối bỏ cha mẹ, bất kính đối với ông bà cha mẹ là một tội lớn. Khi cha mẹ còn sống, nếu chúng ta làm cho cha mẹ có đời sống an nhàn, vui thỏa, đó là chúng ta đã hiếu kính cha mẹ và làm trọn điều răn của Chúa. Khi cha mẹ mất: “.... bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12:7), tức là khi chúng ta qua đời, thể xác sẽ trở thành bụi đất, còn phần linh hồn sẽ phải trình diện Đức Chúa Trời. Thực hành đạo hiếu với cha mẹ cũng là phục vụ Chúa của người Cơ Đốc, cho nên “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta,” (Cô-lô-se 3:23 ).



[1] Trịnh Phan, Cơ Đốc Nhân Và Chữ Hiếu, https://httlvn.org/co-doc-nhan-va-chu-hieu.html, truy cập ngày 25/11/2020.

[2] Warren W. Wiersbe, Ru-tơ, http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/kinh-thanh-7635/gia-i-ngh-a-kinh-tha-nh-warren-w-wiersbe/4421-ru-to, truy cập ngày 30/11/2020.

[3] Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng” (Lu-ca 2:51).