Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

DẠY CHO TRẺ THƠ CON ĐƯỜNG NÓ PHẢI THEO

 “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dù khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6). Động từ “dạy”, chỉ sự hướng dẫn đầu tiên mà người làm cha, mẹ cung cấp cho con cái của mình. Sự huấn luyện được vạch rõ ràng cho chúng cách cư xử trong cuộc sống mà chúng được chuẩn bị như sự lễ phép, trung tín, nhẫn nhịn... Bắt đầu giáo dục sớm cho con cái là một việc làm hết sức cần thiết và đó là thể hiện trách nhiệm của bậc làm cha, mẹ trong việc phát triển nhân cách của con mình.

          Gương mẫu của cha mẹ đối với con cái

          Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa trang, thấy người ta đào huyệt, chôn, lăn khóc. Về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: Chỗ nầy không phải chỗ con ta ở được. Rồi dọn nhà ra gần chợ, thấy người buôn bán giành mối nhau, chửi bới nhau, về nhà cũng bắt chước cách nói năng thô tục. Bà mẹ thấy thế lại nói: Chỗ nầy cũng không phải chỗ con ta ở được. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: Chỗ nầy là chỗ con ta ở được.

          Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà láng giềng giết lợn, về hỏi mẹ: Người ta giết lợn làm gì thế?.  Bà mẹ nói đùa: Để cho con ăn đấy. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: Ta nói lỡ lời rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối hay sao? Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con thật. Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cưởi; trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng giống mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt đứt đi vậy. Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi sau thành một bậc đại hiền, thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quý báo của mẹ hay sao?

          Dạy con biết lễ phép

         

Lễ phép là phẩm chất cần có trong mối quan hệ giao tiếp, giúp giảm những mâu thuẫn và tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người. Theo chuyên gia giáo dục Ngô Hải Khê: Thời kỳ trẻ từ 0 đến 6 tuổi được coi là thời kỳ nhạy cảm nhất, thời kỳ phát triển nhanh nhất của trẻ do não bộ phát triển mạnh, nên trẻ học hỏi và tiếp thu rất nhanh vì vậy, trách nhiệm của cha mẹ là phải tạo môi trường phù hợp để trẻ được phát triển toàn diện.

          Có một số cha, mẹ tỏ ra bàng quan với tính tình của trẻ, họ cho rằng một số thái độ, lời nói vô lễ là sự tự nhiên, con còn nhỏ nên chưa biết gì, khi lớn lên sẽ khác đi. Thực chất, trẻ rất cần bồi dưỡng, rèn luyện tính tình từ khi còn thơ ấu. Lễ phép cũng là khởi đầu việc trẻ học làm người, là một trong những tố chất cơ bản giúp trẻ đạt được thành công trong công việc khi trẻ lớn lên.

Trong cuộc sống, các bậc cha mẹ thiếu đi các yếu tố sau thì không thể nào dạy con trẻ thành công được đó là: Yêu thương, Kiên nhẫn, Trò chuyện và Khen ngợi. Những điều đó cha mẹ nào cũng có thể cho con cái mình, có khác chăng là cách mà mỗi cha mẹ làm mà thôi. Từ 0-3 tuổi là giai đoạn mà tất cả những gì trẻ được tiếp nhận, được dạy sẽ được lưu giữ và hấp thụ hoàn toàn trong ý thức của não, thời kỳ này không một ai có thể thay thế được vị trí và vai trò của người mẹ. Từ 3 – 6 tuổi kỹ năng tư duy của trẻ được phát triển. Một triết gia phương Tây nói rằng: “Thành phần xuất thân ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách.” Cho thấy rằng môi trường giáo dục trẻ cũng cần được chú ý đến.

          Luôn gần gũi con trẻ

Từ 4 – 6 tuổi, hãy tập cho trẻ giúp việc lặt vặt trong nhà, đây cũng là một cách giúp trẻ vận động và luyện kỹ năng cầm nắm, xử lý đồ vật. Thường xuyên khen ngợi mỗi khi trẻ giúp mình làm việc. Cũng có nhiều bà mẹ không để cho trẻ làm, vì nghĩ trẻ con còn nhỏ chưa biết gì, nên để trẻ chơi một mình hay giao trẻ làm bạn với điện thoại, các game vô cảm, còn mình thì bận rộn! Đây là, suy nghĩ sai lầm vì đã làm lỡ dịp dạy trẻ luyện kỹ năng làm việc, tuy nhiên, công việc phải phù hợp cho trẻ. Mẹ cùng bé làm việc mang lại lợi ích là vừa giúp mình giảm gánh nặng, tâm tình mẹ con gần gủi hơn và là một cách dạy trẻ học tập trực tiếp-cầm tay chỉ việc, kịp thời chấn chỉnh những sự sai sót. Qua việc tiếp xúc thường xuyên với con những kỹ năng được phát triển tốt như: khả năng sử dụng ngôn ngữ sẽ được rèn luyện, diễn đạt chính xác cảm xúc của mình, giao tiếp, ứng phó tình huống, giúp trẻ hướng thiện, biết yêu thương, đặc biệt là trẻ biết cư xử lễ phép….

Hãy để trẻ quyết định mọi việc liên quan đến bản thân như ăn gì, mặc gì. Trẻ có làm gì sai hay thất bại thì cũng không nên la mắng mà nên dùng lời dễ hiểu phân tích, khuyến khích cho trẻ làm lại và cũng hãy tích cực trả lời những câu hỏi của con. Dạy cho con trẻ con đường nó phải theo là một đề tài mà từ xưa đến nay các bậc làm cho mẹ không hề xao lãng. Trẻ con không phải là một người lớn thu nhỏ, tục ngữ Việt Nam có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.

NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.