Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

GIẢI QUYẾT MỆT MỎI VÀ GÁNH NẶNG

 Kính thưa Quý vị!

Nếu Quý vị đang cảm thấy mệt mỏi vì những khó khăn trên đời, hôm nay tôi xin chia sẻ với Quý vị một lời mời gọi của Chúa Giê-xu mà có thể sẽ thay đổi đời sống của Quý vị.

Phúc Âm Ma-thi-ơ 11: 28-30 ghi lại lời hứa của Chúa Giê-xu cho những người đang cảm thấy mệt mỏi và gánh nặng như sau:

28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.
30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.


CÂU GỐC: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11: 28)

Chúng ta nghiên cứu hai phần:

I.             Vấn đề: Mệt mỏi và gánh nặng 

Và phần thứ 2 là GIẢI PHÁP của Chúa; giải pháp đó là Chúa kêu gọi Hãy đến cùng với Chúa. Chúa Giê-xu bảo rằng:

II.           Giải pháp: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”  

Giờ đây chúng ta xem phần thứ nhất

I.             Vấn đề: Mệt mỏi và gánh nặng 

Trước hết, chúng ta tự hỏi Chúa Giê-xu đang nói chuyện với ai? Câu trả lời đó là: Với “những kẻ mệt mỏi và gánh nặng.

Chúng ta thấy rằng: Mệt mỏi khác với mệt nhọc.

Mệt nhọc sau một ngày làm việc là bình thường, nhưng mệt mỏi nói đến một tình trạng mệt nhọc kéo dài, có bóng dáng của sự chán nản xuất hiện, gây thiếu ý chí phấn đấu trong công việc. 

* Ở đây, điều Chúa Giê-xu muốn nói là do những hậu quả của những cố gắng của con người để làm cho mình được tốt hơn. Chúng ta cũng bị mệt mỏi trong những cố gắng tìm kiếm tiền tài danh vọng trong xã hội, những gánh nặng lo âu chúng không làm giảm đi những khó khăn, nhưng lại gây mệt mỏi làm giảm đi sức mạnh ngày hôm nay.

* Nhưng quan trọng hơn hết là sự mệt mỏi về phương diện thuộc linh. Như những cố gắng làm việc thiện, cố gắng ăn hiền ở lành để gây công đức; những sự chống trả cám dỗ khiến người ta mệt mỏi và phải làm biết bao nhiêu để biết rằng mình đã làm đủ công đức để hưởng được phước hạnh để tự cứu lấy mình. 

·        Chúng ta xem phần Chúa Giê-xu nói đến “gánh nặng” 

Gánh nặng nó đang đè nặng tấm lòng; khác với “mệt mỏi”, “mệt mỏi” đó là hậu quả của những cố gắng cho tương lai mai hậu! Còn “gánh nặng” là hậu quả của những điều xảy ra trong hiện tại hay quá khứ. Ðặc biệt, là gánh nặng do mặc cảm tội lỗi.

Nói đến tội lỗi, thì có những tội thấy được, định được tội. Có những tội mà không ai biết, nhưng cứ dai dẳng cắn rứt lương tâm của người phạm tội. Có những tội giấu kín chưa ai biết, nhưng người mang nó cứ sợ hãi là một ngày nào đó sẽ có người biết. Những gánh nặng này là những điều làm con người mệt mỏi.

Có ai trong chúng ta trước khi tin Chúa mà không mang những gánh nặng cũng như sự mệt mỏi nói trên? 

Lời kêu gọi của Chúa Giê-xu, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng” là bao trùm hết tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay giàu, nghèo. Vấn đề không phải là chúng ta có những gánh nặng trên đời hay không, nhưng có chịu công nhận mình có đang mang gánh nặng hay không. Chúng ta phải có sự thành thật với mình và khiêm nhường với Ðức Chúa Trời để công nhận điều này.

Như vậy giải quyết mệt mỏi và gánh nặng phải làm sao? GIẢI PHÁP CỦA CHÚA GIÊ-XU LÀ: “Hãy đến cùng Ta”, nghĩa là hãy đến cùng Chúa Giê-xu.

II. Giải pháp: “Hãy đến cùng Ta.” 

Khi mang gánh nặng. Có người muốn trút gánh nặng bằng cách đi tìm sự giải trí trong những thú vui trên đời, trong những chén rượu cay hay canh bạc thâu đêm suốt sáng.... Có người trốn đời bằng cách rút lui vào rừng sâu, hay đi chơi xa. Có tôn giáo dạy con người phải ngồi thiền, tĩnh tâm. Có người tìm đến nhà thờ, hay nhóm nhỏ. Nhưng Chúa Jésus bảo mọi người đến với Ngài.

Khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu, Ngài hứa chắc chắn, “Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Sự yên nghỉ ở đây không phải là sự nhàn hạ, trốn chạy khỏi đời, hay “ngồi chơi xơi nước.”

Thưa quí vị! Trong âm nhạc có dấu nghỉ, và tất cả mọi bài hát đều cần có những lúc nghỉ, nhưng những lúc nghỉ này không là sự cuối cùng của bài hát. Không những Chúa chỉ hứa là Ngài sẽ cho chúng ta sự an nghỉ hoàn toàn trong ngày cuối cùng, Ngài cũng hứa là ngay trên thế gian này, Ngài sẽ ban những quán trọ dọc đường, để chúng ta có thể dừng lại, lấy sức tiếp tục bước đi.

 Chúa Giê-xu muốn chúng ta đến với Ngài để có một mối liên hệ mật thiết với Ngài, và chỉ qua mối liên hệ này mà Ngài cất lấy những gánh nặng trên chúng ta. 
 

Có câu chuyện rằng: Có một người mẹ đang mệt nhọc vì phải thức đêm bên cạnh người con bị bịnh. Rồi có một người khác đến tình nguyện trông chừng em bé, để người mẹ có thì giờ nghỉ ngơi. Người mẹ này chỉ có thể giao con, nếu tin rằng người đó sẽ trung tín trông chừng con mình chu đáo, và biết phải làm gì nếu có điều bất trắc xảy ra. 

Cũng vậy, chúng ta chỉ có được sự bình an nếu có sự liên hệ cá nhân mật thiết với Chúa Giê-xu, để biết Ngài, và vì đó có thể tin vào quyền năng và sự thành tín của Ngài. Với niềm tin đó, chúng ta không còn phải đi tìm những điều tạm bợ trên đời, nhưng có sự yên nghỉ vì biết nương cậy vào một ĐẤNG bền chắc vững vàng, chính là Ðức Chúa Trời.

Chúa Giê-xu không tự ý, khống chế để giúp những người không yêu cầu Ngài giúp. Mà Ngài chủ động mời gọi chúng ta đến với Ngài. 

THƯA QUÍ VỊ Chúng ta phải đến với Ngài ngay lúc này, không chần chờ cho đến khi mình thành tốt hơn, hay xứng đáng hơn. Ðến với Ngài không phải là đến với một thượng đế do chúng ta tạo dựng theo sự suy nghĩ của mình, nhưng đến với Ðấng mà Kinh Thánh là Lời của Ngài. Ý nghĩa của việc đến với Chúa cũng không phải do chúng ta định đoạt muốn làm gì thì làm, nhưng bao gồm ít nhất hai điều mà Chúa nói sau đây:

     1) “Hãy gánh lấy ách của Ta” 

Cái ách ở xứ Do thái trong thời Chúa Giê-xu cũng giống như cái ách đôi ở Việt Nam sử dụng. Ðây là vật dụng người ta mang vào cổ con bò (trâu) để nó kéo xe hay cày bừa. Trước hết chúng ta để ý rằng Chúa Giê-xu không nói, “Hãy đến cùng ta, ta sẽ tháo gỡ mọi cái ách trên các ngươi.”

Tại sao Ngài không cho chúng ta một cái giường, cái gối để ngủ yên, nhưng lại là một cái ách? Thưa! Vì sống trên thế gian này, chúng ta không thể không làm gì hết, nhưng phải “đi cày” (làm việc), đó là như mang một cái ách.

Vấn đề không phải là chúng ta có mang ách hay không, nhưng mang cái ách nào. Trước khi đến với Chúa, có người mang cái ách ích kỷ, chỉ để phục vụ chính mình. Có người cao thượng hơn mang một cái ách để phục vụ tha nhân hay một tổ chức tôn giáo, như trong câu hỏi Phi-e-rơ đặt với các sứ đồ và các trưởng lão trong sách Công Vụ 15:10, “Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Ðức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi?” Khi chúng ta đến với Chúa, Ngài không tháo gỡ cái ách trên chúng ta để chúng ta không làm gì hết, nhưng cho chúng ta mang lấy cái ách của Ngài, để phục vụ Ngài.

Một đàng Chúa hứa trong Giăng là đến với Ngài, “Giăng 8:32 Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi,” nhưng đàng khác, Ngài lại trói buộc chúng ta bằng một cái ách. Có phải đây là một điều mâu thuẫn?

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:1-6 có một điều luật về sự nô lệ như sau: “Ðây là luật lệ ngươi phải truyền cho dân sự: Nếu ngươi mua một người đầy tớ Hê-bơ-rơ, nó sẽ hầu việc cho sáu năm;// nhưng qua năm thứ bảy nó sẽ được thả ra, không phải thối tiền. Nếu nó vào ở một mình, thì sẽ ra một mình; nếu có vợ, thì sẽ ra với vợ //. Nếu người chủ cưới vợ cho, và nếu vợ sanh được con trai hay gái, thì nó sẽ ra một mình, vợ và con thuộc về chủ// . Nếu kẻ tôi mọi nói rằng: Tôi thương chủ, vợ và con tôi, không muốn ra được tự do, thì người chủ sẽ dẫn nó đến trước mặt Ðức Chúa Trời, biểu lại gần cửa hay là cột, rồi lấy mũi dùi xỏ tai; nó sẽ hầu việc người chủ đó trọn đời.

Chúa Giê-xu không tự ý đặt một cái ách trên chúng ta, và ép chúng ta mang. Chúng ta yêu Ngài, vì Ngài đã yêu chúng ta trước. Từ tình yêu Chúa đó, trong sự tự do chọn lựa, chúng ta chọn mang ách của Ngài, như Ngài nói trong Giăng 14:15, “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn ta.

Ðọc qua lời dạy “Hãy gánh lấy ách của ta,” chúng ta có cảm tưởng rằng Chúa bảo chúng ta đến với Ngài, rồi ngồi đó, và đặt trên chúng ta một cái ách để chúng ta mang. Thế thì điều này có khác gì với việc mang cái ách của thế gian trước kia?

Tại sao mang lấy ách của Chúa lại được sự yên nghỉ?     

Ðiều quan trọng chúng ta cần phải để ý là mỗi cái ách đôi cần có hai con bò. Trong hình ảnh này, mỗi người chúng ta là một con bò, nhưng con bò thứ hai là ai? Thưa, chính là Chúa Giê-xu. Ngài không muốn chúng ta mang cái ách của Ngài một mình. Không những sẽ ban cho chúng ta thêm ơn sức để tiếp tục sống trên đời, Ngài làm việc bên cạnh chúng ta như một người bạn đồng lao.

Mang ách của Chúa Giê-xu, mang ý nghĩa chúng ta được nối liền với Ngài, và được sự giúp đỡ của Ngài. Trên thực tế, người ta thường không để hai con bò ngang sức với nhau mang cùng một ách, nhưng để một con to lớn, khỏe mạnh, chung với một con yếu đuối hơn để có thể kéo xe hay kéo cày (làm việc chung).

Như một con bò yếu, chúng ta có thể chuyển những gánh nặng trên vai chúng ta lên trên vai Chúa Giê-xu. Như vậy, sự yên nghỉ không phải là không có ách trên đời, nhưng đến từ việc có được một Ðấng quyền năng và yêu thương đang ghé vai mang ách chung. Vì thế, Ngài nói “Ách Ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.

Chữ “dễ chịu” trong nguyên bản nói đến sự thích hợp. Người ta làm những cái ách thể theo tầm vóc của mỗi con bò. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những gì vượt ra ngoài khả năng của chúng ta. Ách của Chúa cũng dễ chịu ở điểm là nó cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống.

Nếu cái ách Do thái giáo ngày xưa gồm biết bao nhiêu luật lệ phức tạp, ách của Chúa thật giản dị, bao gồm hai chữ “Yêu thương.” Thư IGiăng 5:3 viết, “Vì nầy là sự yêu mến Ðức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Ðiều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” Chúa Giê-xu tóm tắt điều răn của Ngài trong Phúc Âm Ma-thi-ơ: “Nầy là điều đầu nhất: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Ðức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.

Điều kế tiếp chúng ta học là Chúa Giê-xu nói:

 2) “và học theo Ta” 

Như đã bàn ở trên là người ta thường cho một con bò lớn mạnh mẽ mang ách chung với một con bò nhỏ yếu hơn. Ðã được huấn luyện từ lâu, đã quen đường đi nước bước, con bò lớn mang ách chung với con bò nhỏ để huấn luyện cho con bò nhỏ. Chúa gọi chúng ta đến với Ngài, để mang ách chung với Ngài, và cũng để học theo Ngài.

Học theo Chúa là một tiến trình kéo dài suốt đời. Chúng ta học theo Ngài bằng cách thường xuyên đọc và suy gẫm lời Ngài (Kinh Thánh), cũng như chuyên cần nhóm lại để chia sẻ lẫn nhau điều mình học được. Chúng ta phải học từ Ngài lòng yêu mến, vâng phục, và tin cậy hoàn toàn vào Ðức Chúa Trời, cũng như lòng yêu người. Ngài đi đâu chúng ta đi đó; Ngài làm gì chúng ta làm theo. Chúa nói là Ngài “có lòng nhu mì, khiêm nhường.” Ðây là gương sáng mà chúng ta phải học, và cũng là lý do mà việc học của chúng ta từ Ngài “dễ chịu và nhẹ nhàng.

Con bò nhỏ sẽ không cảm thấy gánh nặng của ách, nếu chịu đi theo con bò lớn. Ngược lại, nếu tìm cách đi theo ý riêng, nó sẽ chịu đau đớn vì ách kéo nó lại. Cũng vậy, nếu đến với Chúa mà chúng ta vẫn còn muốn cưỡng lại ý muốn của Ngài, chúng ta sẽ không thể nào có được sự yên nghỉ như Ngài đã hứa.

Chúng ta hãy tưởng tượng hình ảnh: Cái ách thường gồm một cây gỗ ngang để nối hai con bò chung với nhau, và một cây gỗ dọc để nối cây gỗ ngang với chiếc xe hay cái cày. Hình ảnh này cho chúng ta nhận thấy rằng: Nếu dựng đứng dàn gỗ dọc (bắp cày, cái xe bò) lên thì nó sẽ có hình thập tự giá!

Chúa Giê-xu đã mang thập tự giá trước, và cũng muốn chúng ta mỗi người sẽ mang thập tự giá của họ mà đi theo Ngài. Hôm nay, chúng ta thấy Ngài muốn chung vai gánh những gánh nặng cho chúng ta, nếu chúng ta chịu đến với Ngài, để gánh lấy ách của Ngài, cũng như để học theo Ngài. Khi chúng ta làm điều này, những mệt mỏi và gánh nặng trên đời sẽ trở nên được trút bỏ, chúng ta sẽ được yên nghỉ, bình an, thạnh mậu trong cuộc sống của đời này.

           GS. Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.