Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

THẬP TỰ GIÁ: TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO NHÂN LOẠI

THẬP TỰ GIÁ: TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO NHÂN LOẠI 
DMIN-02 NGỌC HUỆ
DẪN NHẬP
 “Thập Tự Giá thâm nhập toàn bộ Kinh Thánh. Những giáo huấn của Môi-se nói trước ý nghĩa của nó, các sách lịch sử cho thấy nó là cần thiết, các sách Thi Thiên vẽ ra thực tại của nó, các vị tiên tri mô tả nó sẽ đến như thế nào. Các sách Phúc Âm công bố sự hiện diện của nó, sách Công vụ rao giảng quyền năng của nó, các sách thư tín giải thích mục đích của nó, và sách Khải Huyền cho thấy kết cuộc phước hạnh của nó.” [1].

Nếu sự giáng sinh của Chúa Jésus chia đôi dòng lịch sử loài người, thì thập tự giá của Ngài chia cõi đời đời khỏi cõi hư mất của con người. Sự chết của Ngài đã được tiên báo từ Cựu Ước. Sáng thế ký 22: 1 – 24 đề cập đến việc dâng Y-sác làm của lễ. Đối với Áp-ra-ham đây là mạng lệnh của Đức Chúa Trời nên ông vâng mệnh làm theo, mọi lời hứa và phước hạnh đều thành tựu qua Y-sác. Lòng của Áp-ra-ham chắc tan nát khi Y-sác hỏi rằng: “Cha ơi, củi đây, lửa đây, nhưng chiên con ở đâu để dâng của lễ thiêu?”. Áp-ra-ham bảo rằng: “Con ơi, chính Đức Chúa Trời sẽ dự bị chiên con”, khi nói câu đó ông Áp-ra-ham đâu biết rằng ông đã nói có tính cách tiên tri (Giăng 8:56). Con trai của Áp-ra-ham đã không chết, nhưng khi Đức Chúa Trời đưa con yêu dấu của Ngài đến cây thập tự thì Ngài đã không giải thoát cho con mình khỏi nhục hình và sự chết. Áp-ra-ham dâng con trai độc nhất của mình làm sinh tế thì Đức Chúa Cha cũng không tiếc chính con Ngài, vì thế gian mà bằng lòng làm sinh tế để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại (Rô 8:32; Giăng 3:16). Sự vâng phục của Y-sác đối với Áp-ra-ham, cho thấy hình ảnh Chúa Jésus vâng phục Đức Chúa Cha khi Ngài cầu nguyện “Lạy Cha…không theo ý con nhưng ý Cha được nên. [2]”. Thập giá trở thành trung tâm của thần học Cơ-đốc, chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Vậy Thập giá là thế nào? Chúa Jésus nói gì về thập tự giá của chính Ngài? Bốn tác giả Phúc âm đã nói gì về việc Đức Chúa Jésus  phải chịu chết trên Thập giá? Mỗi cơ-đốc-nhân đều phải vác thập tự giá mình và phải có kết quả trong đời sống trong linh trình theo Chúa Jésus là điều phải làm.

            “Cái chết trên cây thập tự, đó một hình thức xử tử của Đế quốc La-mã. Khi ấy, mọi người coi cây thập giá là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn. Hiện nay, có nhiều loại Thánh Giá được sử dụng trong các giáo phái: Thánh Giá Hy Lạp (có hình như dấu +), Thánh Giá La Tinh (có thanh đứng dài và thanh ngang ngắn hơn †) , Thánh giá chữ T (giống chữ T)... 
                                             
Theo bộ Bách Khoa Từ Điển Anh, vào khoảng năm 519 TCN, Vua Đa-ri-út đệ nhất của Đế quốc Phe-rơ-sơ đã ra lệnh đóng đinh 3.000 người không cùng chung quan điểm về chính trị với ông vào thập tự giá tại Ba-by-lôn. Cách xử tử này được lưu truyền đến Đế quốc Hy-lạp, rồi Đế quốc La-mã. Đến cuối thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, hình phạt bị đóng đinh trên thập tự giá trong Đế Quốc La-mã chỉ dành riêng cho những nô lệ và những tội nhân không có quốc tịch La-mã, trừ khi là tội phản quốc. Thập tự giá bao gồm một thanh đứng và một thanh ngang. Thanh đứng được chôn sẵn tại pháp trường (nơi thi hành án). Thanh ngang được lưu trử tại pháp đình (nơi xử án). Sau khi bản án được tuyên bố thì tội nhân bị đánh đòn, rồi thanh ngang của thập tự giá được đặt ngang trên hai vai của tội nhân và tội nhân bị quân lính áp giải từ pháp đình ra pháp trường. [4]  

Theo luật La mã tử tội phải bị treo lên cho đến chết còn luật Do Thái thì tử tội phải được hạ xuống trước khi trời tối ngày mới bắt đầu. Theo luật La mã thì xác chết nầy không được chôn mà đem ném cho chim chóc hoặc chó đồng ăn, còn luật Do Thái thì trên đất không được để sọ người, chính vì vậy mà hai tên tướng cướp bị đánh gãy ống chân để máu ra nhanh mà chết sớm, nhưng quân lính đến thấy Đức Chúa Jésus đã chết rồi nên chúng không đánh gãy xương chân nữa mà một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài tức thì máu và huyết chảy ra.” [5]

            “Đối với người La-mã ý nghĩa của cực hình đóng đinh vào thập tự giá được diễn tả bằng câu nói của Cicero: Các công dân La-mã cố tìm cách để giữ không những thân thể họ mà cả đến tư tưởng, mắt tai của họ thật cách xa chính cái tên của thập tự giá”[6]. “Thế kỷ thứ IV, Constantius đại đế (đế quốc La Mã) theo Cơ đốc giáo, tuyên bố đình chỉ và loại bỏ cách hành hình tàn khốc là đóng đinh trên cây thập tự. Từ đó, phương Tây theo Cơ đốc giáo, cây thập tự không còn là công cụ hành hình tàn khốc mà chỉ là dấu hiệu của tôn giáo.” [7]
Chúa Jésus nói về sự chết của Ngài trên thập tự giá: Vấn đề được bàn đến không chú trọng vào cây thập tự mà là Đấng bị treo trên thập tự giữa 2 tên cướp. Chúng ta có thể thấy hai tên cướp gian ác đến nỗi bị xử tử bằng cách đóng đinh, như là bối cảnh đen xịt tối tăm của tội lỗi và cũng để làm nổi bật Đấng bị đóng đinh ở giữa là Đấng vô tội. Trong tất cả các án tử hình, người ta chuẩn bị mọi thứ cần thiết còn tử tội chỉ cần chịu án mà thôi, nhưng trong án đóng đinh, chính tử tội phải vác cây thập tự của chính mình, khiến cho tử tội suy sụp tinh thần lẫn thể xác trước khi chịu án. Chúa Jésus đã phải vác cây thập tự của chính mình, có thể Ngài không bị suy sụp tinh thần nhưng bị mất sức bởi những trận đòn roi nên không thể vác thập tự đi hết được đoạn đường đến đồi Gô-gô-tha được. Vì thế, bọn lính phải nhờ một người tên là Si-môn vác hộ thập tự giá cho Chúa Giê-xu. Kinh thánh ghi lại “Lúc ấy, có một Sy-môn người Sy-ren (cha của A-léc-xan-đơ và Ru-phu) ở ngoài ruộng về, đi ngang qua đó, họ bắt ông vác cây thập tự cho Chúa Jésus” (Mác 15:21). Khi đến một chỗ gọi là chỗ sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự [8], Ước giờ thứ sáu, khắp xứ đều tối tăm cho đến giờ thứ chín [9].
“Chúa Jésus đã chịu sự đoán xét của con người, Ngài cũng chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Khi Chúa Jésus bước vào trong sâu thẳm của sự khổ đau thì Đức Chúa Trời giữ không cho mặt trời chiếu sáng…Sự đoán phạt đỗ trên Đấng Christ đã hết, lẽ công bằng được thỏa  mãn[10].

 Sau ba giờ tăm tối, Chúa Jésus kêu lên “Mọi việc đã được trọn[11]. Sự chết của Chúa Jésus là cần thiết để ứng nghiệm Lời Kinh Thánh [12], Chúa đã tuyên bố như vậy với những người bạn đồng hành trên đường Em-ma-út. Chính Ngài đã nói rằng, thập tự giá là mục đích cứu rỗi có chủ định của Ngài: “Vì Con người đã đến tìm và cứu người lạc mất[13]. Chúa Jésus đã nói đến những lời tiên tri trong cựu ước rằng Ngài sẽ chịu khổ nạn: “Ấy là Kinh Thánh làm chứng về Ta vậy[14]. “Vì Con người đã đến không phải để người ta phục vụ mình, song để phục vụ người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người[15]. Kế hoạch giải cứu nhân loại của Đức Chúa Trời được xây dựng trên hệ thống tế lễ, “giá chuộc” Chúa Jésus dùng để chỉ sự chết của Ngài. Đức Chúa Jésus đã trả cái giá để giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi, vì rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc…bèn là bởi huyết của Đấng Christ [16]. Việc này bởi Ngài yêu thương nhân loại nên Ngài mở ra một phương cách cho sự giải hòa, làm lành và chuộc mua. Phi-lip 2: 5 – 11, gương của Chúa Jésus “Ngài đã tự bỏ mình đi”, nghĩa đen là Ngài tự làm cho mình trở nên trống không. Ngài đã tự mình hạ thấp và vâng phục cho đến chết. Chúa Jésus phán: “Khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo các ngươi đến cùng Ta[17]. “Nếu hột giống lúa mì kia… chết đi thì kết quả được nhiều. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời này thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời[18]. Chúa Jésus đã Giáng sanh làm người để chết, vì Thượng đế vô hình không thể chết.
Sự chết của Chúa Jésus là một biến cố lịch sử, bốn tác giả Phúc âm đã nói gì? Nghiên cứu kỹ các sách Phúc Âm thấy rằng các sách không nhắc nhiều đến các biến cố của những năm trong đời Chúa Jésus nhưng lại nói nhiều về tuần lễ cuối cùng của Ngài, mô tả chi tiết các sự việc liên quan đến hành trình Chúa Jésus lên thập tự giá, như Phúc Âm Giăng đã dành ra 10 chương trong 21 chương của sách mô tả những biến cố dẫn đến thập tự giá và sự sống lại của Chúa Jésus. Chúa Jésus chết trên Thập giá được tất cả bốn tác giả Phúc âm thuật lại với ba giai đoạn: Ngài bị bắt: Tuy là Chúa Jésus bị bắt nhưng kỳ thực là Ngài đã được trao nộp theo chương trình của Đức Chúa Cha. Ngài bị xét xử: diễn ra ở hai tòa: Do thái và Rôma, kết thúc với án tử hình được thi hành ngay. Dù rằng Ngài vô tội như lời của Phi-lát. Ngài bị đóng đinh: Người ta đóng đinh Chúa Jésus vào Thập giá, Ngài chết và được an táng. Các sách Phúc Âm ghi lại với giọng văn kín đáo, gọn gàng, không có những chi tiết bi đát, đẫm lệ.
Mathiơ 27; Mác 15; Lu-ca 23 và Giăng 19, thuật lại sự chết của Chúa Jésus: Ngài bị đem đến một nơi gọi là “Đồi Sọ” bị đóng đinh với hai tên cướp ở hai bên [19], với cáo trạng là “Vua dân Do Thái”[20]. Lính La Mã chia nhau áo xống của ngài [21],  trước khi ngài gục đầu trút hơi thở cuối cùng [22]. Quyền lực của Chúa đã khiến những người lính La-mã bắt thăm lấy áo của Chúa đã ngăn chận những nhát búa của chúng, không cho đánh làm gãy chân Chúa Jésus. Cũng nhờ việc thay hình phạt ném đá của người Do thái bằng hình phạt “treo” Chúa Jésus lên cây thập tự, nên sự chết của Chúa đã trở thành tiêu biểu trọn vẹn cho Chiên Con lễ Vượt qua không tì vít. Giô-sép người ở thành A-ri-ma-thê đến gặp Phi-lát xin xác Chúa, rồi an táng ngài[23].   
Ba sách Phúc Âm Cộng quan ghi Si-môn người Sy-ren đã vác cây thập tự giúp Chúa Jésus [24]. Chúa Jésus bị phỉ báng, cả tên cướp bị đóng đinh cũng phỉ báng ngài [25], tuy nhiên, một trong hai tên cướp xưng nhận tội lỗi và cầu xin Ngài tha thứ [26]. Trời tối sầm từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín và bức màn trong đền thờ xé đôi từ trên xuống dưới. Các sách phúc âm cũng ghi lại lời của các chứng nhân, trong đó có lời chúc tụng Đức Chúa Trời của thầy đội La Mã [27]. Mác và Giăng thuật lại việc Giô-sép hạ xác ngài xuống từ thập tự giá [28]. Chỉ có Ma-thi-ơ ghi lại cơn động đất, các thánh sống lại, và lính La Mã được sai đến gác mộ Chúa [29]. Duy chỉ có Phúc Âm Mác ghi thời điểm đóng đinh là giờ thứ ba [30]. Chỉ trong Phúc âm Lu-ca ghi Lời Chúa Jésus nói với các phụ nữ đang than khóc, phản ứng của đám đông đi xem “đấm ngực mà trở về”, các phụ nữ chuẩn bị thuốc thơm để đến thăm mộ Chúa [31]. Giăng ghi lại chi tiết đánh gãy chân các tử tội, có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Chúa Jésus, máu và nước chảy ra, cũng như chi tiết Ni-cô-đem đến trợ giúp Giô-sép trong việc an táng [32].
            Luca đánh dấu việc suy niệm về ý nghĩa Thập giá: Không những thầy đội tuyên xưng rằng Chúa Jésus hoàn toàn vô tội; nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại như: một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc, một tên tử tội ăn năn, được Chúa cho vào Ba-ra-đi,… đó là cao điểm của ơn cứu chuộc. Đây là cách thể hiện tình yêu vô tận của Chúa, thần tánh của Chúa Jésus vẫn còn hiện diện, Ngài cứu kẻ hư mất khi họ ăn năn. Như vậy, đối với Lu-ca, việc Đức Chúa Jésus chịu chết trên Thập giá không còn phải là chuyện hành hình một tử tội nhưng là một biến cố cứu rỗi. Giăng thì nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Chúa Cứu Thế Jésus bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình. Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một của mình cho nhân loại; Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài tuyên bố vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa thế tục nhưng là vương quyền của tình yêu. Như vậy, bốn cuốn Phúc âm cho thấy có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Chúa Jésus cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa.
Trước khi trút linh hồn Chúa Jésus công bố “Mọi sự đã được trọn[33]. Đây là tiếng kêu đắc thắng của Chúa Jésus cho cả trên trời và dưới đất, cho Đức Chúa Trời và cả Sa-tan đều nghe, để biết rằng sự cứu rỗi đã được hoàn tất qua sự giá trả là chính mạng sống của Ngài trên thập tự giá. Từ đây, Đức Chúa Trời bằng lòng tiếp nhận con người qua dòng huyết vô tội của Chúa Jésus mà ma quỉ không có cớ gì để kiện cáo tội nhân một khi họ tin cậy vào hồng ân cứu rỗi của Thiên Chúa. “Mọi việc đã được trọn!” đối với thế gian Chúa Jésus chết vì bị đóng đinh trên cây thập tự, nhưng đối với Đức Chúa Cha đây là một sứ mệnh đền tội cho nhân loại được hoàn thành, công tác cứu rỗi con người qua Chúa Cứu Thế Jésus được trọn.
Giá trị các vĩ nhân thường căn cứ vào đời sống của họ, nhưng với Chúa Jésus thì sự chết của Ngài mới đem cho loài người phước hạnh lớn lao hơn hết. Chúa Jésus chết trên Thập Tự Giá là giáo lý nền tảng của Hội Thánh. Lý do Chúa chết trên thập tự giá là vì Ngài yêu loài người vô cùng, ngay cả những lúc khổ sở nhất mà Ngài vẫn chịu đựng không xuống khỏi thập tự giá. Nếu Ngài xuống khỏi thập tự giá thì loài người vẫn sẽ phải chết trong tội lỗi mình. Sức mạnh lớn lao nhất trong tình yêu là tình nguyện hy sinh cho dù có bị mọi người chế giễu chỉ trích, phỉ nhổ, sự này thật quá sự hiểu biết của mỗi một chúng ta.
Trong đời sống Cơ đốc nhân thập tự giá là hy vọng và vinh quang. Thập giá còn có nghĩa là bất cứ thử thách mà Cơ đốc nhân phải chịu trong đời sống cách tự nguyện chấp nhận trong sự vâng phục Thiên Chúa. Như thế, Thập giá không còn là nhục hình mà lại trở thành một mầu nhiệm được mặc khải, Chúa dạy: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta” [34]. Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư tín của Sứ Đồ Phao-lô [35]. Vác cây thập tự là hình ảnh của tử tội sắp bị hành hình, kể mình như phải chết và  chỉ biết tuân phục người dẫn mình đi. Nói như vậy nghĩa là nếu thật sự tin chúa, đi theo Chúa thì cái tôi kể như không còn nữa và chỉ có Thiên Chúa ngự trị tâm hồn, thay đổi tấm lòng tín hữu và hướng dẫn cuộc đời họ. Con đường thập giá là con đường duy nhất để dẫn đến vinh quang vì không có chết sẽ không có phục sinh. Thập giá là chìa khóa Nước Trời, giúp cơ-đốc-nhân xử lý những nan đề trong cuộc sống: Khi cô đơn, đau khổ, vất vả, thất vọng…cứ ngước nhìn Thập giá Chúa Cứu Thế Jésus thì người ta sẽ tìm được sự an ủi, nâng đỡ, bình an....
Sống kết quả cho Chúa là điều Chúa luôn luôn mong muốn Cơ đốc nhân đạt được. Tân ước không những chỉ nói tới Thập giá của Chúa Jésus mà còn nói tới Thập giá của môn đệ muốn đi theo Ngài. Phúc âm để lại hai lời mời gọi môn đệ vác Thập giá để theo Chúa: “Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình vác thập tự giá mình mà theo Ta…còn ai vì cớ Ta và đạo Tin lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu[36]. “Ai không vác lấy Thập giá của mình mà theo Ta thì cũng chẳng đáng với Ta[37]. Hai lời mời gọi nhưng kỳ thực chỉ có một và hướng tới hết thảy mọi người [38]. Toàn thể Cơ đốc nhân có trách nhiệm phải công bố sự chết của Chúa cho đến khi Ngài trở lại. Mỗi lần dự tiệc thánh, Phaolô bảo: Mỗi lần ăn bánh, uống chén nầy, thì công bố sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Chúa Jésus nói:  “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì sinh ra lắm trái vì ngoài Ta các ngươi chẳng làm chi được[39]. Nếu cuộc sống không kết quả cũng như nhánh nho khô, nhựa sống không thể tuôn tràn đến từng tế bào của lá, của hoa… cuối cùng cây sẽ khô héo dần dần và chết đi, chủ vườn sẽ chặt và đem đốt trong lửa. Đó là lời cảnh báo cho những đời sống không kết quả cho Chúa.

KẾT LUẬN

            Chúa đã chết trên thập tự giá đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, từ hình cụ nhục nhã, dã man đã trở thành biểu tượng của sự vinh hiển và tình yêu tuyệt vời. Ngày nay chúng ta nhìn thấy trên các bệnh viện, nhà thờ, hội Hồng thập tự, trong nhà các Cơ đốc nhân, hay ở nghĩa trang cũng có sự hiện diện của cây thập tự. Thập tự giá treo Chúa Jésus lên, Ngài đã chết để ai tin Ngài thì được sống [40]. Trải qua hơn hai ngàn năm, sự chết của Chúa Jésus là đầu đề của vô số bài thánh ca, bài giảng. Giờ đây, thập tự giá không còn là một hình ảnh ghê rợn nữa mà trở nên một vẻ đẹp đầy cảm xúc vì là nơi bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời, quyền năng của thập tự giá là quyền năng đắc thắng để ban sự đắc thắng cho Cơ đốc nhân. Thập tự giá cho chúng ta biết rằng mỗi người đều có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời, vì Ngài không thể chấp nhận tội lỗi cũng như điều ác, vì nếu ai phạm tội thì sẽ bị chết. Ngài không muốn ai phải chết về phần thuộc linh nên Ngài có giải pháp trong tình yêu nhằm để hàn gắn sự chia cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết và loài người tội lỗi qua Chúa Cứu Thế Jésus. Thập tự giá là chiếc thang duy nhất có đủ chiều cao để vươn đến thiên đàng. Chúa Cứu Thế Jésus là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời là loài người hễ ai tin vào Chúa thì sẽ hưởng được sự sống phước hạnh ban cho từ Đức Chúa Trời [41].


DÀN BÀI
DẪN NHẬP
Dự ngôn từ Cựu Ước về sự chết của Chúa Jésus
THÂN BÀI
A. Thập giá trong khung cảnh lịch sử của nó.
                      Thập tự giá dưới cái nhìn của người thế gian
B. Thập tự giá trong đời sống Chúa Jésus
                      a. Chúa Jésus nói về sự chết của Ngài trên thập tự giá: Tình yêu, sự vâng phục và kéo mọi người lại với nhau
                      b. Bốn tác giả Phúc âm đã nói gì về việc Đức Giêsu phải chịu chết trên Thập giá. c. Mọi sự đã được trọn
C. Thập tự giá trong đời sống cơ-đốc-nhân.
                     a. Thập tự giá là tình yêu
                     b. Thập tự giá: Hy vọng và Vinh quang
                     c. Sống kết quả cho Chúa.
KẾT LUẬN
THƯ MỤC

1/ Collin S. Smith, MƯỜI PHƯƠNG PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ HIỂU KINH THÁNH, không NXB.
2/ G. J Wenham, J.A. Motyer, D.A. Carson, R.T. Fance, GIẢI NGHĨA KINH THÁNH, ấn bản thế kỷ 21, tập 6, Viện UUC, NXB Tôn giáo.
3/ KINH THÁNH
4/ Paul E. Little, BIẾT RỎ ĐIỀU BẠN TIN, NXB Tôn giáo, 2004
5/ SGK, BA NGÔI THIÊN CHÚA, Viện UUC

CÁC TRANG WEB












[1] SGK, Ba Ngôi Thiên Chúa, Viện UUC, tr 87
[2] Luca 22:42.
[6] G. J Wenham, J.A. Motyer, D.A. Carson, R.T. Fance, Giải Nghĩa Kinh Thánh ấn bản thế kỷ 21, tập 6, Viện UUC, NXB Tôn giáo, tr 438
[8] Luca 23: 33
[9] Luca 23: 44.
[10] Collin S. Smith, Mười Phương pháp Chủ Yếu Để Hiểu Kinh Thánh, không NXB, tr 76.
[11] Giăng 19: 30
[12] Lu 24: 25 – 27; 1Cô 15:3
[13] Lu-ca 19:10.
[14] Giăng 5: 39; 12: 41
[15] Mác 10:45
[16] 1 Phi-e-rơ 1: 18 – 19.
[17] Giăng 12: 32
[18] Giăng 12: 24 – 25
[19] Mat 27: 38; Mác 15: 27 – 28; Lu-ca 23: 33; Gi 19: 18
[20] Mat 27: 37; Mác 15: 26; Lu-ca 23:38; Gi 19: 19 – 23
[21] Mathiơ 27: 35 – 36; Mác 15: 24; Lu-ca 23: 34; Gi 19: 23 – 24
[22] Mathiơ 27: 50; Mác 15: 37; Li-ca 23: 46; Gi 19: 30
[23] Mathiơ 27: 57 – 61; Mác 15: 42 – 47; Lu-ca 23: 50 – 33; Gi 19: 38 – 42
[24] Mathiơ 27: 32; Mác 15: 20 – 21; Lu-ca 23: 26
[25] Mahiơ 27: 39 – 43; Mác 15: 29 – 32; Lu-ca 23: 35 – 37
[26] Lu-ca 23: 39 – 43
[27] Mathiơ 27: 54; Mác 15: 39; Lu-ca 23: 47 – 48
[28] Mác 15: 45; Gi 19: 38
[29] Mathiơ 27: 51; 27: 62 – 66.
[30] Mác 15: 25; 15: 44 – 45
[31] Lu-ca 23: 27 – 32; 23: 40 – 41; 23: 48, 55.
[32] Giăng 19: 31 – 37; 19: 39 – 40.
[33] Giăng 19: 30
[34] Mat 16:24; Lu-ca 14:27
[35] Rô-ma 5:8; ICô 1:17; Gal 4:16 và Phil 2:6-11
[36] Mac 8:34 – 35; Lu-ca 9:23-27
[37] Mat 10:38
[38] Mat 28: 18 – 20.
[39] Giăng 15: 5
[40] Giăng 3: 16
[41] Giăng 3: 16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.