Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Tha thứ hết lòng


Đề tài: Tha thứ hết lòng.
Kinh Thánh : Ma-thi-ơ 18:21-35.
Phương Pháp Giảng : Giải Kinh. Bố cục: Tiệm tiến.
HÔNG ĐỨC
Mục đích : Kêu gọi con cái Chúa sống một đời sống độ lượng, vị tha như lời Chúa dạy. Qua đó đem thế gian về với Đức Chúa Trời.


I.                    DẪN NHẬP
Câu chuyện “Tha thứ cho chính mình”
(Ma-thi-ơ 6:14-15)
II.                 ĐỐI TƯỢNG CẦN SỰ THA THỨ
1.      Ai cần được tha thứ ? (C21)
2.      Mức độ tha thứ (C21b-22)
III.               LÝ DO PHẢI THA THỨ
1-      Tất cả đều mắc nợ (C23-26)
2-      Chúa tha thứ cho chúng ta (C27)
IV.               HẬU QUẢ CỦA SỰ KHÔNG THA THỨ
1-      Người chưa thực sự ăn năn, chưa kinh nghiệm sự tha thứ (28-30)
2-      Một đời sống không có tiếng tốt (C31)
3-      Đánh mất tự do! Tự chuốc cay đắng, muộn phiền, bất an... (C32-34)
V.                  KẾT LUẬN
“Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”Mat 18:35

Thưa  Hội Thánh.
Trong xã hội hiện tại nhan nhản trên báo chí những câu chuyện đau lòng, một vụ va chạm nhỏ khi tham gia giao thông trên đường dẫn đến cự cãi, rồi hậu quả là một mạng người bị tước đoạt... Hình như sự tha thứ đã trở thành xa xỉ khi mà “cái tôi” của con người đã trở nên quá lớn!

Chúa Giê-Xu dạy rằng :
“Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:14-15).

Bên cạnh sự hẹp hòi, chật bụng, cố chấp thường thấy thì đâu đó vẫn còn có những tấm lòng vị tha mà chúng ta những tín hữu Cơ Đốc cần suy nghĩ.
Trên trang báo điện tử “An ninh thủ đô” ngày 26/9/2015thuật lại một câu chuyện về sự tha thứ như sau :
 Nhân dịp cô con gái Mira làm việc ở nước ngoài về thăm nhà, ông bà Louis quyết định cả gia đình sẽ đi ăn tối cùng nhau ở một nhà hàng sang trọng trong vùng.
Cả nhà ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình, vui vẻ ngồi vào bàn chờ đợi được phục vụ đồ ăn. Cô hầu bàn trẻ bưng trên tay chiếc khay có món cá sốt thơm lừng tiến đến, cô lúng túng và làm nghiêng đĩa cá, nước sốt trên đĩa rưới thẳng xuống chiếc túi da đắt tiền của bà Louis.

Cô hầu bàn sợ đến mức đứng đờ người, lắp bắp xin lỗi và chờ đợi cơn thịnh nộ của khách hàng nhưng bà Louis chưa kịp tuôn ra những câu quát mắng thì cô con gái Mira đã đứng bật dậy chạy đến bên và nhẹ nhàng bảo: “Không sao đâu, chỉ là chút nước sốt thôi, lau qua là ổn mà, cô đi làm việc của mình đi”.

Cô hầu bàn rối rít cảm ơn và đi vào, bà Louis vẫn chưa hết tức giận nhưng thấy cô con gái như đang rất xúc động nên thôi. Khuya hôm đó, Mira nhẹ nhàng đến bên mẹ và cô đã kể cho bà Louis câu chuyện về cuộc sống của mình khi mới bắt đầu lập nghiệp ở nơi đất khách quê người, đó cũng là lý do tại sao cô hành xử như thế với cô hầu bàn.

Ngày đầu tiên làm việc tại một nhà hàng của một khách sạn lớn, Mira được phân công rửa ly rượu, những chiếc ly thủy tinh mỏng mảnh trong suốt, tưởng như chỉ động mạnh một chút là có thể vỡ ngay. Mira rất thận trọng, cô nhẹ nhàng, nâng niu từng chiếc nhưng khi cô xoay người, vô tình tay chạm phải chiếc ly và gạt nó xuống đất, vỡ tan, Mira sợ đến nỗi cứng đờ cả người, cô có cảm tưởng như mình đang rơi xuống địa ngục.

Người phụ trách ca đi tới, vỗ vỗ vào vai Mira và nói: “Không sao đâu”, rồi bà gọi những nhân viên khác tới dọn dẹp đống thủy tinh vỡ, không một lời trách móc Mira. Một ngày khác khi đang phục vụ rượu vang đỏ, Mira đã sơ ý để rượu vấy lên chiếc váy trắng của một vị khách, Mira đã sẵn sàng chịu trận nhưng không ngờ vị khách ấy đứng lên nói nhẹ nhàng với cô: "Không sao đâu, chỉ cần gột bằng nước là sạch mà” rồi đi vào nhà vệ sinh, không một lời mắng mỏ hay to tiếng.

Bà Louis chăm chú nghe câu chuyện của con gái và bà đã hiểu ra lý do tại sao con gái lại xúc động như vậy. Nhìn mẹ, Mira gật đầu bảo: “Mẹ à, bởi vì những lỗi lầm của con đều được tha thứ bởi sự rộng lượng của mọi người nên con cũng đã học được cách rộng lượng và tha thứ cho người khác khi họ mắc lỗi với mình”. [1]

Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình vì điều ấy sẽ làm ta hạnh phúc hơn, cho ta cuộc sống đẹp hơn.như thế, mỗi ngày của chúng ta sẽ đều là hạnh phúc và may mắn!
Bây giờ chúng ta đến với câu chuyện khác. Một câu chuyện dụ ngôn do chính Chúa Giê-Xu kểtrong Ma-thi-ơ 18:21-35,  để tìm hiểu xem Kinh Thánh dạy gì về sự tha thứ?

I. ĐỐI TƯỢNG CẦN SỰ THA THỨ

1. Ai cần được tha thứ ? (C21)
“Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?”

Kinh Thánh cho biết tất cả mọi người đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhân vô thập toàn!” Nghĩa là con người ta, dù ít hay nhiều đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Như vậy khi đứng trên tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời hay đạo lý của loài người thì không một con người nào hoàn toàn! Và đúng luật công bình vay phải trả, có tội phải bị trừng trị nếu không được sự tha thứ!Vậy, chúng ta đã có câu trả lời : Tất cả mọi người đều cần sự tha thứ.

Con người thường hay mắc lỗi! Có thể họ không lặp lại lỗi lầm đã phạm phải trước đó nhưng lại vấp lỗi lầm mới trong một trường hợp khác. Vậy, mức độ của sự tha thứ là bao nhiêu theo quan điểm của Thánh Kinh? Đó là câu hỏi mà Phi-e-rơ hỏi Chúa và chắc không ít lần chúng ta đã hỏi Ngài khi một ai đó mắc lỗi hay gây tổn thương cho chúng ta.

2. Mức độ tha thứ (C21b-22)
“Có phải đến bảy lần chăng? 22 Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”

Là một người Do Thái thấm nhuần Cựu Ước, có lẽ Phi-e-rơ cho rằng con số 7 là trọn vẹn nên ông nghĩ và thưa với Chúa : Có phải đến bảy lần chăng? Chúa đã trả lời “Ồ, không! Phi-e-rơ . Tha thứ đến bảy mươi lần 7” 

Chúng ta hiểu như thế nào? 70 x 7 = 490 chăng? Cũng chưa đủ!
 
Có bạn thanh niên nào cho tôi biết 70 lũy thừa 7 là bao nhiêu không? Một con số quá lớn phải không? Nhưng ý Chúa ở đây vượt trên phạm trù toán học, sự tha thứ không có giới hạn đồng thời ta phải tìm mọi phương cách để giúp người mắc lỗi nhận ra lỗi lầm của họ (Mat 18: 16-17).

Nhiều người sẽ thắc mắc “Ồ! Tại sao tôi cứ phải tha thứ khi người nọ cứ gây thương tích cho tôi?” 
Chúng ta sẽ xem xét những lý do sau đây :

II. LÝ DO PHẢI THA THỨ
1- Tất cả đều mắc nợ (C23-26)
“Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình.  Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả,thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ.  Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết!”

Phân đoạn Kinh Thánh trên với hàm ý rằng chúng ta là những người mắc nợ và không thể nào trả nổi! Mà thật vậy, khi tội lỗi vào trần gian do tổ phụ, tổ mẫu loài người gây ra tại vườn Ê-đen khiến cho mục đích tạo dựng ban đầu của Đức Chúa Trời bị phá hỏng! Sự kết nối với Chúa không còn, đúng luật công bình thì nợ phải trả (c25) cho nên, sự chết xuất hiện “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” Rô 6:23.

Con người đã mắc một món nợ! Đó là sự sống phước hạnh, sung mãn được ban cho bởi Đức Chúa Trời.

2- Chúa tha thứ cho chúng ta (C27)
“Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho

Để giải phóng con người khỏi tình trạng tăm tối và chết mất thì Đức Chúa Trời đã có kế hoạch và chương trình cứu chuộc nhân loại qua Chúa Cứu Thế Jesus được mặc khải và thực hiện theo đúng bản tính của Đức Chúa Trời công bình với nguyên tắc duy nhất là “thay thế”. Một con sinh phải chết đi để một người vi phạm luật pháp Môi-se được tha tội, để tha tội cho nhân loại, Chúa Jesus đã thọ hình trên thập tự giá, chết đền tội cho chúng ta.Con người đã mắc một món nợ quá lớn không cách nào trả nổi và Đức Chúa Trời đã tha nợ cho chúng ta qua sự chết của con Ngài.

Câu chuyện mà tôi kể lại ở trên. Người hầu bàn được tha thứ vì người thực khách trẻ Mira đã được người khác tha thứ. Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục phân tích hậu quả của sự không tha thứ qua ánh sáng Lời Chúa.

III. HẬU QUẢ CỦA SỰ KHÔNG THA THỨ
1- Người chưa thực sự ăn năn, chưa kinh nghiệm sự tha thứ (28-30)
“28 Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! 29 Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. 30 Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ.

Người chưa thực sự ăn năn, chưa thực sự biết mình là một tội nhân để kiên quyết từ bỏ bản ngã, từ bỏ con người cũ xác thịt của mình để đóng đinh chính mình vào thập tự giá với Đấng Chirst, thì cũng chưa kinh nghiệm sự tha thứ lớn lao và dồi dào của Đức Chúa Trời dành cho mình. Từ đó sẽ dẫn đến những tai hại cho chính bản thân họ như người được chủ tha nợ trong câu chuyện ẩn dụ mà Chúa Jesus kể cho môn đồ. 

Cuộc sống mỗi người luôn được quan sát bằng hàng trăm cặp mắt của người xung quanh. Nếu thử làm một cuộc khảo sát thì chắc không ai khen ngợi khi chúng ta không biết tha thứ cho người khác mặc dù họ chưa chắc đã tha thứ khi đặt họ vào tình trạng phải chọn lựa tha hay không! Nhưng chúng ta những người tín hữu Cơ Đốc thì tha thứ cho người khác chính là mệnh lệnh của Chúa 

2- Một đời sống không có tiếng tốt (C31)
“Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra.”

Thái độ và hành vi của người được tha nợ trong câu chuyện đã gây ra phản ứng quyết liệt từ cộng đồng “Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra.” CĐN là ánh sáng cho thế gian đồng thời phản ánh tình yêu của Đấng Chirst qua đời sống của mình để từ đó chinh phục những linh hồn tội nhân quay trở lại cùng Đức Chúa Trời. Làm thế nào để họ tin Chúa khi đời sống chúng ta không có lòng vị tha ? Chúng ta sẽ không thể có tiếng tốt khi cũng ích kỹ, hẹp hòi, cố chấp...là thái độ thường tình của nhân gian và đó cũng chính là cớ để ma quỷ kiện cáo chúng ta nữa!

3- Đánh mất tự do! Tự chuốc cay đắng, muộn phiền, bất an... (C32-34)
“32 Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; 33 ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? 34 Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ.”
Khi con người cứ chăm bẳm vào lỗi người khác thì sự bình an không còn. Đóng chặt cửa lòng khoan dung là thứ ngục tù tệ hại nhất thế gian. Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ không bắt chúng ta bỏ vào ngục nhưng nếu từ chối tha thứ cho người khác thì chính lúc đó chúng ta đang tự giam hãm chính mình và gây ra nỗi khổ riêng mình,tự chuốc cay đắng, muộn phiền, bất an.Làm sao thanh thản cho được khi luôn vắt óc toan tính tìm mọi cách trả thù ai đó?! Điều chỉ có được khi “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4: 32)

V. KẾT LUẬN
“Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (C35)

Qua bài học này chúng ta thấy rằng :

Tất cả mọi người cần được tha thứ và mức độ tha thứ là không giới han. Lý do, Chúa muốn chúng ta phải tha thứ cho người khác. Bởi vì ai cũng phạm tội, bị mắc nợ và Chúa đã tha nợ, tha tội chúng ta. Ngài đã tha tội cho chúng ta qua sự chết của Chúa Cứu Thế.
Hãy biết tha thứ cho người khác vì tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình, điều ấy sẽ làm chúng ta hạnh phúc hơn,  cuộc sống đẹp hơn đồng thời để bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời cho mọi người nếu không muốn giam hãm đời mình trong ngục tù của chính mình. Hãy gạt bỏ mọi cố chấp, hẹp hòi...và tha thứ cho những ai đã vô tình hay cố ý phạm lỗi đã gây tổn thương cho mình ngay hôm nay.
A men

HÔNG ĐỨC





[1]  Tha thứ cho chính mình. anninhthudo.vn/loi-song/tha-thu-cho-chinh-minh/635306.antd. Đăng nhập : 26/9/2015. Ngày truy cập : 11/2/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.