Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

ĐẠO GIÁO TẠI VIỆT NAM



I. Lão giáo quá trình du nhập và hình thành
* Tôn chỉ:
* Triết lý:
II . Các nhánh của Lão giáo
A/ Lão giáo chính thống.
B/ Lão giáo dân gian hay Đạo giáo            
1 - Nhánh "phù thủy”
2 - Nhánh "thần tiên”
a) Phái Nội Tu                                                                                                      
b) Phái Ngoại Dưỡng 
III. Ảnh hưởng của Đạo Giáo tại Việt Nam
1 - Phạm vi chính trị
2 - Phạm vi tư tưởng văn học
3 - Phạm vi ứng xử với thời cuộc
4 - Phạm vi tín ngưỡng
IV. Kết luận
1 – Tích cực.
2 – Tiêu cực.
3 – Áp dụng


                                                 BÀI CHI TIẾT [1]

I.                  Lão giáo quá trình du nhập và hình thành
Đạo Giáo Kinh Thánh là Đạo Đức Kinh. Từ một học thuyết trở thành một tôn giáo, thờ và tôn Lão Tử (tên thật là Lý Nhĩ), người nước Sở làm giáo chủ (Thái Thượng Lão Quân). Du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ thứ 2.

“Sau khi vua Hán Linh Đế băng hà, xã hội Trung Hoa rối loạn, chỉ có đất Giao Châu được yên ổn, người phương Bắc sang lánh nạn tại đó, phần nhiều là các đạo sĩ luyện phép trường sinh theo cách nhịn ăn. Nhiều quan lại Trung Hoa sang cai trị nước ta, cũng dùng những phương thuật ấy và đáng kể nhất là trường hợp Cao Biền đời Đường, tương truyền ông đi lùng khắp nước ta để tìm cách yểm huyệt cắt đứt các long mạch không cho phát sinh đế vương và nhân tài, và đồng thời cũng khám phá các mỏ thần sa để luyện thuốc trường sinh”. [2]
         
* Tôn chỉ:
Phan Kế Bính tóm tắt trong quyển Việt Nam Phong Tục như sau: "chủ ý cốt theo cách tự nhiên thanh tĩnh, không cần phải làm gì, nghĩa là muôn việc cứ phó mặc tự nhiên, không cần phải lo lắng, nghĩ ngợi,mới hưởng được sự khoái lạc tiêu diêu". Trọng nhất là ba đức tính gọi là Tam Bảo của Lão giáo: TỪ, KIỆM, KHIÊM

* Triết lý:
Lão giáo không tin có Thượng Đế, hàm ý giả định: Có lẽ Đạo còn có trước cả Thượng Đế. Vũ trụ luận và bản thể luận (cosmology & ontology): Vũ trụ và muôn vật được sinh ra từ Đạo. Đạo Đức Kinh có chép: "Đạo khả đạo, phi thường Đạo", có nghĩa là cái Đạo mà có thể diễn được bằng lời thì không phải là Đạo vĩnh hằng.
          Một ý quan trọng nữa của Lão giáo là Dịch: muôn vật đều biến đổi, vô thường (impermanent) xoay vòng theo chu kỳ: hết đêm rồi tới ngày…
          Nhận thức luận (epistemology): Do mọi vật đều biến đổi nên không có chân lý tuyệt đối (ngoại trừ Đạo). Các triết gia sau này như Liệt Tử và Trang Tử đẩy ý này đến thuyết bất khả tri (agnosticism), thậm chí nghi ngờ cả sự hiện hữu của thực tại.
Tóm lại, triết học Lão giáo có thể xếp vào loại phiếm thần duy tâm khách quan (pantheistic objectivist idealism). Gọi là phiếm thần vì không tin có Thượng Đế hữu ngã - personal God - (sau này Đạo gia đưa vào cả một cung đình thiên giới, biến đạo Lão thành ra đa thần giáo). Gọi là duy tâm vì xem ý thức là cái có trước vật chất. Gọi là khách quan vì công nhận (dù là nghi ngờ đi nữa) sự hiện hữu của thực tại khách quan, khác với đạo Phật.

II . Các nhánh của Lão giáo
A/ Lão giáo chính thống.
Việt Nam ít có người am hiểu, ngay cả giới trí thức. Nhánh này ít ảnh hưởng đến tín ngưỡng VN, nếu có thì chỉ ảnh hưởng đến tư tưởng và văn hóa: tính nhu mì hiếu hòa, tinh thần yêu thiên nhiên. Đây có thể nói là mặt tích cực duy nhất của Lão giáo.

B/ Lão giáo dân gian hay Đạo giáo  [3] :
1 - Nhánh "phù thủy (chuyên luyện phù phép):
Ngay từ khi Đạo Nho chưa có cơ sở xã hội ở nước ta, thì Đạo Phù Thuỷ nhờ sự tưong đồng với các ma thuật phù phép địa phương, nên đã bắt đầu phát triển rộng rãi từ đời Tiền Lê. Thời xa xưa, ngưòi Việt ta thường dùng bùa chú, họ tin rằng có thể trị tà ma, chữa bệnh, sai âm binh, tàng hình v.v.
Cổ Sử Trung Hoa có ghi việc Hùng vương là người nhờ giỏi pháp thuật (Phù Thuỷ) mà thu phục được 15 bộ lạc lập nên nước Văn Lang. Về sau, đời Hồng Bàng có Chử Đồng Tử cũng giỏi về pháp thuật theo Đạo Giáo Thần Tiên. Một số nhà sư ngày xưa cũng phải học phù phép, chữa bệnh, đuổi tà, gây uy tín trong dân gian để có thể truyền bá Phật Giáo cho dễ dàng.

2 - Nhánh "thần tiên” (mục tiêu là tu tiên để trường sinh): Chia thành 2 phái:
a) Phái Nội Tu:
          Thế kỷ 17, đời vua Lê Thần Tông (1619-1643), xuất hiện một giáo phái Việt Nam có quy mô lớn gọi là Nội Đạo. Người sáng lập là Trần Toàn, quê Thanh Hoá, nguyên là một quan to triều Lê, không theo nhà Mạc, từ quan về tu theo Đạo Giáo Thần Tiên, giúp dân trừ tà ma quỷ quái trong các vùng Thanh, Nghệ, Tỉnh. Tương truyền Lê Thần Tông bị bệnh mọc lông cọp, Trần Toàn dùng bùa và thần chú chữa khỏi. Phái này phát triển vào Nghệ An và ra Bắc, có đến 10 vạn tín đồ, đến thế kỷ thứ 20 còn tồn tại ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội.

b) Phái Ngoại Dưỡng:
          Cho rằng con người có thể thành tiên, sống lâu bất tử nhờ uống thuốc trường sinh (kim đan). Sau khi vừa xuất tiện ở Nam Trung Hoa thì phái nầy du nhập vào nước ta ngay…Giới Sĩ Phu ta ngày xưa thường tổ chức 'cầu tiên' (hay phụ tiên) ở tư gia hay ở các đền như Ngọc Sơn (Hà Nội), Tản Viên Sơn Tây), Đào Xá Hưng Yên ở miền Bắc. Ở miền Nam sau nầy, do các cuộc cầu tiên, mà Đạo Cao Đài phát sinh, thờ cả 3 giáo chủ Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử.

III. Ảnh hưởng của Đạo Giáo tại Việt Nam
1 - Phạm vi chính trị:
          Đời nhà Trần (1247) vua Thái Tông, mở khoa thi Tam Giáo (Nho Giáo, Phật Giáo và Đạo Giáo). Trong lịch sử, các vua Đinh, Lê, Lý, Trần đều chọn các tăng sư và đạo sĩ vào triều làm cố vấn.
          “sự học vấn đời nhà Trần cũng rộng : Nho, Phật, Lão đều trọng cả. Nhưng không rõ cách học hành, và phép thi cử lúc bấy giờ ra thế nào, vì chỗ nầy sử chỉ nói lược qua mà thôi”. [4]         
          Trong khi Nho Giáo, bản chất là một công cụ tổ chức an ninh trật tự xã hội rồi trở thành vũ khí của kẻ thống trị, thì Đạo Giáo xây dựng trên những tư tưởng phản kháng các nhà cầm quyền, đã được dân chúng, ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, đã dùng làm vũ khí tinh thần chống lại kẻ thống trị

2 - Phạm vi tư tưởng văn học:
Nhiều áng thi ca còn lưu lại đến bây giờ của các nhà Nho chịu ảnh hưởng của Lão như:
* Nguyễn Trãi (1380-1442) có nhiều câu thơ ca tụng thú thanh nhàn (một bầu phong nguyệt) tiêu dao tự tại giữa thiên nhiên, đúng với lời dạy bảo trong Đạo thường mà không còn nghĩ đến sự đua tranh :

Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại,
Hai chữ công danh biếng vả về.
(Quốc Âm Thi Tập bài số 155)

* Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đỗ Trạng Nguyên năm 1535, làm quan thời nhà Mạc, xin về hưu (1544), đưọc vua Mạc phong tước Trình Tuyền Hầu (ngụ ý khen tài đức như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa) nên được gọi là Trạng Trình. Ông đã theo phép xuất xử của Nho Giáo (Gặp thời có chính nghĩa thì ra giúp đời, không thì đi ở ẩn (nhà Mạc vốn bị coi như là nguỵ, tiếm ngôi vua Lê) có lẽ vì thế nên ông cáo quan về ở ẩn, nhưng tư tưởng của ông lại thấm nhuần thuyết “tính-tự-nhiên” của Trang Tử, trong Bạch Vân Am thi tập có câu :
          Làm người thìn (giữ gìn) được tính-tự--nhiên,
Dại dột nhìn ra có phận yên
(BVATT bài số 53).

* Đặc biệt ông Nguyễn Công Trứ (1778-1858), bận rộn với việc khẩn hoang lập làng, cầm quân đánh giặc, mà vẫn có cách nghĩ, sống theo thuyết Đạo Giáo như: “Tri túc, tiêu diêu xoay xở để hưởng nhàn” (ngao du sơn thuỷ); “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” (biết đủ thì có đủ, còn đợi cho đủ, biết bao giò mới đủ?. biết nhàn thì có nhàn, còn đợi cho nhàn, biết bao giờ mới nhàn?), theo thuyết “tri túc bắt nhục” của Lão Tử : nghĩa là biết đủ, khỏi bị nhục (Đạo Đức Kinh, chương 44).
          “Cầm kỳ thi tửu với giang san ...” và “Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn”, theo thuyết Tiêu Diêu hưởng lạc thoả thích giữa thiên nhiên của Trang Tử (Tiêu Diêu Du). 

*Đề tài đời và mộng lẫn lộn nhau, ảnh hưởng của chuyện Trang Chu chiêm bao làm bướm, được các văn thi sĩ lặp đi lặp lại, đặc biệt có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) là sâu sắc hơn hết, ông có truyện dài “Giấc Mộng Con”… Về thi ca, hiện nay bài “Nhớ mộng” của ông còn được nhiều người nhớ:
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời ngán nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu
Với khi cánh điệp (bướm) bốn phương trời.
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai ?

3 - Phạm vi ứng xử với thời cuộc: Các nhà Nho ngày xưa thường theo chủ trương “Công toại, thân thoái” (Đạo Đức Kinh, chương 9).
4 - Phạm vi tín ngưỡng: Khái nim Thượng Đế, trong tín ngưỡng dân gian còn có sự tôn kính nhất định. Đến khi chịu ảnh hưởng của Lão giáoàbiến thành một ông vua là Ngọc Đế (hay Ngọc Hòang Thượng Đế) cai trị thiên đình mà quyền lực thực tế rất hạn chế dù trên lý thuyết là ngài đứng đầu chư tiên. Nên dân gian thờ "thêm" một số các thần khác để lo những việc cụ thể trong đời sống (tiền tài, sức khỏe,...).
Có 2 ảnh hưởng rõ rệt nhất đối với tín ngưỡng Việt Nam đó là: (a) thói mê tín dị đoan, coi ngày, bói quẻ... rất phổ biến ở mọi hình thức thờ thần và thờ mẫu (các trung tâm lớn thờ thần hay thờ mẫu thường cũng là những trung tâm xin xâm, bói quẻ,... (b) thói thờ đủ thứ các loại thần tiên ma quỷ.
IV. Kết luận

1 – Tích cực:
          Ba đức tính: Từ – Kiệm – Khiêm. Từ là lòng nhân ái, phải yêu thương, không chỉ người khác, mà cả muôn vật, vì người với vật đều cùng một bản thể do Đạo sinh ra. Kiệm là tiết kiệm, đạm bạc, không xa hoa, phung phí. Khiêm là nhu mì, hạ mình, giống như nước lúc nào cũng mềm mại, chảy xuống chỗ thấp, không có hình dạng riêng của mình, nhưng không gì có thể đập vỡ được. Đã gây ảnh hưởng đến tư tưởng và văn hóa: Tính nhu mì hiếu hòa, tinh thần yêu thiên nhiên. Đây có thể nói là mặt tích cực duy nhất của Lão giáo.    
2 – Tiêu cực:
* Một xã hội nếu thuần theo Đạo giáo sẽ sinh ra rối ren vì chủ trương mọi việc cứ thuận theo tự nhiên, không nên tổ chức gì cả.
* Sẽ sinh ra nhiều thành phần yếm thế vì cứ thích an nhiên, tự tại à Xã hội khó phát triển.
* Mê tín dị doan, huyển hoặc, thờ cúng những nhân vật do trí con người tưởng tượng, bùa chú, luyện thuốc trường sanh, tu tiên … đốt giấy vàng mã, tiêu tốn của cải, mất một số lực lượng lao động của xã hội à Nhiều kẻ ăn bám.

3 – Áp dụng:
          * Về mặt tích cực của Đạo giáo cũng nên phát huy vì người có ba đức tính: Từ – Kiệm – Khiêm, là những đức tính mà Chúa cũng khuyến khích người theo Chúa nên có. Đồng thời nên phát triển thêm việc phải tôn thờ Thượng đế, là Đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo là Vua trên muôn vua là Chúa trên muôn chúa.
          * Con người ai ai cũng phải chết, nên việc tu luyện thành tiên là điều chưa thấy bao giờ à không có thật, không nên theo.
          * Loại trừ những mê tín dị đoan, thờ đủ thứ thần, ra khỏi đời sống của chính mình cũng như rao truyền Tin lành của Chúa cho người khác, vì chính Chúa ban cho sự sống đời đời, chứ không phải do kỳ công tu luyện mà có.
          * Để đời sống thờ phượng của con người được thỏa mãn, khi tiếp cận với người theo các loại tín ngưỡng thì sau khi phân tích điều nào nên theo điều nào không thì nên tích cực rao truyền Tin lành của Chúa, đồng thời chính mình hay nhờ con cái Chúa khác chăm sóc cho họ, vì là con người nên có nhu cầu thờ phượng:
“Các nhà nhân loại học nhận xét, thờ phượng là một thôi thúc phổ cập được Thiên Chúa đan quyện chặt chẽ trong bản thể con người chúng ta, đó là một nhu cầu đặt sẵn trong con người để con người có thể thông hiệp với Thiên Chúa. Thờ phượng cũng tự nhiên như ăn uống hay hít thở. Nếu không thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm một cái gì đó để thế chỗ Ngài, dù cái đó cuối cùng là chính bản thân chúng ta. Lý do Thiên Chúa tạo dựng chúng ta cùng với thao thức này là vì Người ước ao có những con người thờ phượng! Đức Giêsu nói với thiếu phụ Samari, “Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài” (Ga 4, 23b)” [5].
tinlanhvaxahoi@gmail.com
Thithien1956

[1] Bài làm dựa theo Bài Giảng Học phần 2 của GS Trương Ngọc Bích, Viện UUC, năm 2011.
[3] GS Võ Thu Tịnh, đường Link đã dẫn.
[4] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr 124.
[5] http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=376&ict=4244