Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

THỜI KỲ GIỮA HAI GIAO ƯỚC

Liệt kê những sự kiện nổi bật về chính trị, văn học và tôn giáo trong thời gian giữa hai giao ước (Intertestamental period)
TĐ NGỌC HUỆ
HT CƠ ĐỐC LIÊN HIỆP TOÀN CẦU
Về mặt lịch sử, có khoảng hơn 400 năm bị gián đoạn giữa thời Cựu Ước với Tân Ước, đó là từ thời Nêhêmi làm tổng trấn xứ Giuđê xây lại đền thờ tại Jé-ru-sa-lem tới ngày Đức Chúa Jésus giáng sinh hay giai đoạn giữa sách tiên tri Malachi và Mathiơ. Thời kỳ nầy cũng được gọi là thời gian im lặng, vì không để lại dấu ấn tiên tri nào. Những thông tin chúng ta có được thời kỳ này nhờ vào các tài liệu lịch sử. Trong giai đoạn này người Do thái chịu ảnh hưởng của các thế lực lớn trong vùng, những các sự kiện xảy ra lúc ấy đã đem lại cho dân Giuđa thời Chúa Jésus một hệ tư tưởng rõ nét, cả về chính trị, văn học và tôn giáo qua các giai đoạn sau:
          1/ Đế quốc Ba-tư:
Những sự kiện nổi bật về chính trị, văn học và tôn giáo
a/ Về chính trị: Năm 333 TC đế quốc Ba-tư xụp đỗ trước sự tấn công của Alexander Đại đế (A-lịch-sơn Đại đế), ông là người Hy Lạp.
b/ Văn học: Tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ thờ phượng, tiếng A-ram là ngôn ngữ thông dụng trong vùng.
c/ Tôn giáo:
* Tên gọi Do Thái (Jew) trước kia chỉ dành để gọi dân xứ Gui-đa, nay được dùng để gọi toàn thể con cái Y-sơ-ra-el, những người hồi hương không còn thờ lạy hình tượng nữa.
* Luật Môi-se xuất hiện
* Giáo thuyết Pha-ri-si ra đời
* Hình thức thờ phượng đơn giản hơn trước khi bị lưu đày: Họ tụ họp lại để cầu nguyện, nghe đọc và giảng Luật pháp, không dâng của lễ.
* Tòa Công luận (Sanhedrin) hình thành với 70 Trưởng lão. Hội đồng này tư vấn cho thầy lế lễ. Việc này nói lên tầm quan trọng về mặt chính trị của chức thượng tế, có lợi ích cho kẻ thống trị nên người Ba-tư trao quyền cai trị cho thầy tế lễ thượng phẩm.
          2/ Đế quốc Hy-lạp:
a/ Về chính trị:
* Năm 336 TC, Alexander Đại đế lên ngôi cai trị Hy-lạp và đánh bại người Ba-tư trong trận Issus năm 333 TC.
* Năm 330 TC, toàn đế quốc Ba-tư rơi vào tay Alexander Đại đế, về sau ông bành trướng đế quốc của ông sang tận Ấn độ.
* Năm 323 TC, Alexander Đại đế băng hà (chưa đầy 30 tuổi). Sau đó, đế quốc của ông bị phân chia thành bốn vương quốc (khoảng 315 TC): (1) Ma-xê-đoan, (2) Ba-tư, (3) Sy-ri và Lưỡng hà, (4) Ai Cập và cực Nam Sy-ri (Xin xem Đa-ni-ên 8: 21 – 22).
* Từ năm 323 – 198 TC, miền Nam xứ Palestine dưới sự cai trị của dòng dõi các vua Ptolemies ở Ai Cập.
          b/ Văn học: Văn hóa Hy-lạp xâm nhập rộng rãi trong xứ Palestine, dưới ảnh hưởng này chức tế lễ bị thoái hóa thành chức vụ có tính cách hình thức lễ nghi. Giai đoạn này xuất hiện hai khuynh hướng khác nhau: (1) Một xu hướng muốn sống theo tư tưởng và nếp sống Hy-lạp; (2) Một xu hướng khác là vẫn theo truyền thống của tổ tiên, tin tưởng vào cách sống phân biệt, cách ly.
Alexander Đại đế (356 – 323 TC) là học trò của Aristotle, khi đem quân đánh chiếm tới đâu, ông đều đem các học giả để ghi chép địa lý, phong tục của các nơi ông chinh phục. Ông chủ trương cho duy trì văn hóa cổ truyền của các dân tộc, tuy nhiên ông cũng cho bành trướng văn hóa Hy-lạp, Hy-lạp hóa thế giới (Hellenism), nhờ đó, tiếng Hy-lạp trở thành thứ ngôn ngữ quốc tế. Khi triết lý và văn hóa của người Hy-lạp về cách sống, thương mại, giáo dục, kiến trúc … được truyền bá cho các nước, các rạp hát, vận động trường được xây dựng khắp nơi. Có một trung tâm văn hóa nổi tiếng, có thư viện chứa hơn 500.000 quyển sách, nơi Euclid tìm ra các định lý hình học phẳng, nơi Archimède tìm ra sức đẩy của nước [1]. Các thành phố lớn thu hút các di dân từ khắp nơi đến cư ngụ. Sau khi Alexander băng hà, dù đế quốc bị chia cắt nhưng các hoàng đế tiếp theo vẫn tiếp tục phong trào Hy Hóa.
c/ Tôn giáo:
* Dân Do thái tại Ai cập đông hơn dân Do thái tại Palestine bởi vì Alexander Đại đế đối đãi tốt với người Do thái, ông xây tại Ai Cập thành phố Alexander, nơi đây người Do thái được hoan nghênh. Về sau đây là những mối nối đầu tiên cho công cuộc truyền giáo của Cơ-đốc-giáo.
* Vua Ptolemy Philadelphus bảo trợ việc dịch Cựu Ước sang tiếng Hy-lạp, Bản Bảy mươi (Septuagint) do 70 dịch giả dịch. Đây là bản Kinh Thánh mà người Do thái tản lạc dùng, các trước giả Tân Ước cũng quen thuộc với bản này.
                   3/ Cuộc khởi nghĩa của anh em Mác-ca-bê:
a/ Về chính trị:
* Năm 198 TC, xứ Palestine được chuyển sang quyền kiểm soát của các vua Sy-ri thuộc triều đại Seleucid.
* Sách Đa-ni-el 8:23 có nhắc đến một vua có “bộ mặt hung dữ” cầm quyền đó là vua Antiochus IV, tên ông vua này đã trở thành biểu tượng của sự gian ác.
* Vua Antiochus IV cho dâng con heo lên bàn thờ trong đền thờ Do thái giáo khiến người Do thái bất mãn. Thầy tế lễ Ma-ta-thia (Mattathias) thuộc dòng họ Hasmonaean đã giết một sỹ quan Sy-ri, cuộc khởi nghĩa chống Sy-ri nổi dậy.
* Năm 166 TC Ma-ta-thia qua đời, người con trai thứ ba của ông là Gui-đa Mác-ca-bê hay Gui-đa Búa lên nắm quyền lãnh đạo đã đẩy lui quân Sy-ri.
b/ Tôn giáo:
* Sách Đa-ni-el 11:31 “Sự gớm ghiết làm ra sự hoang vu”, do vào năm 167 TC, khi đang trên đường đánh Ai Cập, về ngang Jé-ru-sa-lem, vua Antiochus IV hay tin hành động xấu xa của các thầy tế lễ, ông dẹp đền thờ Do thái giáo và ông cho vây đền thờ dựng thần Zeus trong đền thờ và cho dâng một con heo trên bàn thờ làm của lễ thiêu
* Lễ Khánh thành đền thờ: Với loạt chiến công khó tin, Gui-đa Mác-ca-bê chiến thắng quân Sy-ri, nên ngày 25, tháng Kít-lơ của người Do thái, năm 165 TC, đền thờ được tẩy uế và phục hồi các của lễ hằng dâng tại Jé-ru-sa-lem. Ngày này trở về sau trở thành Lễ Khánh thành đền thờ.
          4/ Các con trai của Ma-ta-thia:
Về chính trị:
* Năm 161 TC Gui-đa Mác-ca-bê tử trận, Giô-na-than là con út đứng lên lãnh đạo.
* Sy-ri có nhiều xáo trộn do Đê-mê-triu (Demetrious) và Alexander Balas, lạm xưng là con trai của vua Antiochus IV tàn ác tranh quyền nối ngôi vua. Cả hai đều muốn tranh thủ sự hậu thuẩn của các lãnh tụ dòng họ Mac-ca-bê. Alexander đến trước để bổ nhiệm Giô-na-than làm “Thầy Tế lễ Thượng Phẩm Toàn Quốc.”
* 142 TC, Giô-na-than bị tướng Trypho của Alexander Balas gài bẫy và giết chết.
* Si-môn là người con cuối cùng của Ma-ta-thia lên nối nghiệp, ông có tài lãnh đạo khiến dân Do thái ngày càng thịnh vượng.
* Năm 135 TC, thời kỳ hưng thịnh của Si-môn chấm dứt vì ông bị con rễ  là Ptolemy mưu sát.
Về văn học và tôn giáo trong thời kỳ này không có gì nổi bật.
5/ Các con cháu của Mác-ca-bê:
A/ John Hyrcanus (135 – 105 TC):
 a/ Về chính trị:
* Thế lực Do thái mạnh, bành trướng về phía Bắc, phía Nam và phía Đông.
* Dân Ê-đôm ở miền Nam xứ Gui-đê đã bị chinh phục, cải giáo và sáp nhập vào dân Do thái.
* John Hyrcanus lúc đầu thiên về phía người Pha-ri-si nhưng về sau ông lại theo phái Sa-đu-sê.
b/ Văn học: Văn hóa Hy-lạp ảnh hưởng rộng rãi trong giới quí tộc và thầy tế lễ. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận việc để văn hóa Hy-lạp đi vào đời sống của họ như: Lấy tên Hy-lạp, chấp nhận trường phái triết học Hy-lạp, các thần của Hy-lạp …
c/ Tôn giáo:
* Si-môn chết, con trai ông là John Hyrcanus lên kế vị làm thầy tế lễ thượng phẩm.
* Trong cuộc Bắc tiến, thành phố Si-chem và đền thờ của người Sa-ma-ri trên núi Ga-xi-rim bị phá hủy, điều này làm trầm trọng thêm mối thù của người Do thái và Pha-ri-si.
* Hình thành phái Sa-đu-sê: Lúc này giai cấp quí tộc và gia tộc thầy tế lễ theo khuynh hướng Hy-lạp hóa, trở thành phái Sa-đu-sê.
* Hình thành phái Pha-ri-si: Phái Chasidim trở thành phái Pha-ri-si muốn tuân thủ luật pháp.
          B/ Alexander Jannaeus (104 – 78 TC):
Về chính trị:
* Giai đoạn này đánh dấu sự suy tàn của dòng quý phái là gia đình Mat-ta-thia, đất nước do Alexander Jannaeus cai trị, đầy nội loạn, trong đó có cuộc nội chiến giữa phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê; ông là con của John Hyrcanus (băng hà năm 105 TC).
* Hình thức xử tử đóng đinh vào thập tự giá ra đời khi kết thúc cuộc nội chiến.
* Cuộc bạo loạn tại Jé-ru-sa-lem, Alexander đã ra lịnh đóng đinh tám trăm lãnh tụ của phái Pha-ri-si.
          C/ Nội chiến và loạn lạc (78 – 65 TC):
Về chính trị: Năm 78 TC, Alexander Jannaeus băng hà, vợ góa của ông là Alexandra cai trị khá khôn ngoan. Alexandra lập Hyrcanus là trưởng nam làm thầy tế lễ thượng phẩm. Khi bà qua đời, Aristobulus là con trai thứ vốn hiếu chiến và táo bạo đã cướp chính quyền tại xứ mình để tiếm ngôi.
Đế quốc La-mã xuất hiện.
Về tôn giáo: Bà Alexandra lập Hyrcanus là trưởng nam làm thầy tế lễ thượng phẩm. Tuy nhiên, ông này là người nhu nhược lại nhiều tham vọng
          6/ Đế quốc La-mã xuất hiện:
Hoàng đế Au-gút-tơ (63 TC – 14 SC) đã xây dựng một nền quân chủ bằng cách đặt ra thể chế công dân La-mã (công dân hạng nhất – fist citizen). Để tiện việc thông tin, di chuyển hàng hóa, quân đội, đế quốc xây dựng hệ thống đường bộ, hải cảng, các thuyền vận tải lớn (Phao Lô đã đi theo thuyền này tại cảng My-ra xứ Ly-si – CV 27:6). Về phương diện hành chánh, đế quốc cho các thành, các địa phương tự trị, nơi cần yếu mới có tổng đốc La-mã. Điều đặc biệt là người La-mã thì cai trị đế quốc nhưng văn hóa và ngôn ngữ phổ thông là tiếng Hy-lạp. Nhờ giao thông thuận tiện, chung một ngôn ngữ nên đây là điểm thuận lợi cho công cuộc truyền giáo sau này.
Năm 65 TC, đại tướng La-mã là Pompey đi chinh phục Đông phương; phó tướng Scaurus kéo quân đến Đa-mách. Hai anh em Hyrcanus và Aristobulus đều sai sứ cầu viện La-mã.
          A/ Pompey:
Chính trị:
* Scaurus ủng hộ Aristobulus; năm 63 TC Pompey đến Jé-ru-sa-lem, ông ủng hộ Hyrcaunus. Ông vây Jé-ru-sa-lem ba tháng và giết 12.000 người Do thái, Jé-ru-sa-lem thất thủ.
* Pompey cho Hyrcanus làm vua chư hầu chỉ cai trị xứ Gui-đê. Nền độc lập của Do thái bị mất
Tôn giáo:
Nơi Chí thánh trống rỗng khi Pompey tò mò vào để xem. Pompey cho Hyrcanus làm thầy tế lễ thượng phẩm và gọi là “etnarth” vua chư hầu chỉ cai trị xứ Gui-đê mà thôi. Pompey xem chức thầy tế lễ thượng phẩm như một địa vị chính trị mà ông có quyền bổ nhiệm nhưng đối với người Do Thái tin kính chức thầy tế lễ vốn là thiêng liêng việc làm nầy là một tội lỗi chống lại Đức Chúa Trời.
          B/ Antipater làm tổng đốc:
* Năm 47 TC, Antipater được ban cho quyền công dân La-mã, được bổ nhiệm làm tổng đốc xứ Gui-đê. Julius Caesar tỏ ra ưu ái dân Do thái nên đã miễn thuế cho họ, cho được tự do tôn giáo, cho xây lại vách thành Jé-ru-sa-lem mà Pompey đã phá hủy, Caesar băng hà năm 44 TC.
* Năm 45 TC, Antipater bị đầu độc, tuy nhiên ông cũng đã kịp thời bổ nhiệm cho con mình là: Phasael làm tổng đốc Jé-ru-sa-lem và Hê-rốt làm tổng đốc xứ Ga-li-lê, đây chính là vị vua Hê-rốt Đại đế cai trị khi Chúa Jésus giáng sinh.
          C/ Hê-rốt Đại đế:
Chính trị: Ông là người có tài tổ chức. Trong đời ông cai trị Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ lập sổ dân trong khắp thiên hạ. Ma-ri và Giô–sép  phải trở về Bết-lê-hem để khai tên mình vào sổ. Khi các bác sĩ đến tìm Vua dân Gui-đa, Hê-rốt hoảng hốt ra lệnh giết chết hết trẻ em từ hai tuổi trở xuống tại Bết-lê-hem. Tuy nhiên, việc làm tàn ác này với mục đích giết chết Chúa Jésus đã thất bại.
Tôn giáo: Hê-rốt cho xây lại đền thờ, đền thờ này nguy nga hơn đền thờ do Sa-lô-môn xây.
7/ NGƯỜI DO THÁI:
Do thái giáo (Judaism) không còn là tinh thần quốc gia mà là niềm tin tôn giáo, bối cảnh lịch sử, xã hội đã góp phần thay đổi cung cách thờ phượng. Trong Do thái giáo có nhiều khuynh hướng khác nhau, đa số không muốn bị đồng hóa trong văn hóa mới, họ muốn theo luật pháp Môi-se.
Văn chương “mạt thế” (apocalypticism) dần dần thịnh hành, với các đặc tính sau: - Thế giới hiện tại không thể cứu vãn được. – Đời này sẽ bị xụp đỗ và thay thế bởi một thế giới mới. – Chúa sẽ phục sanh và ban thưởng cho người trung tín. – Các cấp bực thiên sứ chiến tranh chống lại kẻ thù của Chúa.
NHỮNG THÀNH PHẦN TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI DO THÁI[2]:
1/ Phái Sa-đu-sê: Nhóm người này vừa bảo thủ, vừa truyền thống, thuộc tầng lớp tế lễ và người giàu trong xã hội. Họ cộng tác với người La-mã, người ta ít biết đến tín ngưỡng của phái này. Tuy nhiên, quan điểm truyền thống cho rằng họ chỉ nhìn nhận Luật pháp Môi-se, Kinh Thánh có thẩm quyền tức là Ngũ Kinh hay Toral. Do Toral không nói rỏ ràng niềm tin về sự phục sinh nên người Sa-đu-sê bát bỏ niềm tin này. Đồng thời không chấp nhận niềm tin liên hệ đến Đấng Mết-si-a của người Do thái trong thế kỷ thứ nhất. “Người Sa-đu-sê quyết rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên sứ, thần chi hết, còn người Pha-ri-si lại nhận cả hai điều tin ấy” (CV 23:8).
          2/ Phái Pha-ri-si: Người Pha-ri-si không giống như phái Sa-đu-sê, họ không thuộc tầng lớp thầy tế lễ giàu có lúc nào cũng muốn duy trì hiện tại để hưởng vinh hoa của đời này. Họ không liên quan đến việc chính trị, họ chiếm số đông hơn phái Sa-đu-sê trong đó đa số là các học giả và giáo sư Cựu Ước. Họ không phải là những người bảo thủ về Kinh Thánh cũng như giáo lý, ngược lại họ cởi mở đối với sự phát triển của luật pháp và giáo lý, do tư tưởng của người Pha-ri-si có phần linh hoạt trong cách hiểu ý nghĩa của luật pháp và đền thờ, đôi lúc họ được xem như là phong trào khoáng đạt/ tự do. Họ tranh luận rằng sự thanh sạch tại đền thờ không chỉ dành riêng cho các thầy tế lễ, mà sự thanh sạch tôn giáo dành cho tất cả mọi người Do thái trong đời sống hàng ngày. Phái này nổi tiếng chính thống, tin Cựu Ước, dạy về sự sống lại và phán xét cuối cùng, công nhận sự hiện hữu của thiên sứ và các thần linh. Mặc dù trong Tân Ước cả người Pharisi lẫn người Sađusê đều tố cáo lẫn nhau, nhưng họ có một điểm chung là cùng chống lại Chúa Giêxu. Phái Pha-ri-si bị Chúa Jésus lên án không phải vì mất chính thống mà vì nhấn mạnh điều không quan trọng mà quên đi điều thiết yếu trong Luật pháp (Mat 23:23).
          3/ Phái Essenes: Phái Essenes không được nêu tên trong Kinh Thánh Tân Ước, họ sống cùng thời với Chúa Jésus tại Palestine. Vị Thầy Công Bình sáng lập ra phái nầy, họ có chủ trương tách biệt khỏi người ngoại bang. Cộng đồng này chờ sự can thiệp mạnh mẽ của Đức Chúa Trời trong lịch sử để chấm dứt cuộc khổ hạnh. Qumran là một trong những cộng đồng như vậy. Phái Essenes có nhiều điểm tương đồng với Cơ-đốc-giáo, tuy nhiên cũng có điểm khác biệt như: Phái Essenes cho rằng chỉ có số ít người được chọn mới vào được Nước Đức Chúa Trời, Kinh Thánh ứng nghiệm trong cộng đồng của họ trong khi Cơ-đốc-giáo tin rằng Kinh Thánh ứng nghiệm trong đời sống, sự chết và phục sinh của Chúa Jésus...
          4/ Phái Xê-lốt (Zealots): Ít được biết đến, họ là những người có tinh thần quá khích, có phần cực đoan, với chủ trương là “ám sát” bất cứ ai tin vào thứ luật mà họ chống.
          5/ Phái triết Thuyết thứ tư (Fouth Philosophy): Có niềm tin giống người Pha-ri-si. Họ coi Chúa là lãnh đạo, là chủ đuy nhất. Thế nên họ sẳn sàng chết chứ không gọi ai là chúa, là chủ.
          6/ Người bình dân không theo nhóm nào: Đây là những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-el (Mat 10:6), chiên không có người chăn (Mác 6:34) mà Chúa tìm. Đây là những người theo Đức Chúa Jésus.
          7/ Người Sa-ma-ri: Kinh Thánh của họ chỉ có Ngũ Kinh, thờ phượng Chúa mà còn thờ các thần khác nữa (II Các Vua 17:29,33). Họ không được dự phần xây dựng đền thờ trong thời E-xơ-ra (E-xơ-ra 4:3), thay vào đó họ xây đền thờ riêng tại núi Ghe-ri-xim. Người Sa-ma-ri họ là những người không thuần Do thái, lý do là vùng Sa-ma-ri là vương quốc của Y-sơ-ra-el xưa, bị người A-sy-ri phá hủy năm 772 TC, khi đó các vua A-sy-ri đem các dân ở nước khác tới ở, tạo thành sự pha tạp giống nòi. Do tinh thần tự tôn dân tộc cao người Do thái rất xem thường người Sa-ma-ri vì là giống người lai tạp, nên sự thù hận giữa hai dân tộc rất lớn.
          Giữa lúc các hoàng đế La-mã cai trị hầu hết những miền có dân cư trên đất, thì tại một thị trấn nhỏ xứ Palestine, một người ra đời làm thay đổi cục diện thế giới, đó là Chúa Jésus ở Na-xa-rét. Đây không là sự kiện bất ngờ mà là kết quả của sự chuẩn bị của Thượng đế (Gal 4:4) như:
* Cuộc chuẩn bị cho Người Do thái: Đức Chúa Trời chọn Do thái làm nước Thầy tế lễ, một dân thánh (Xuất 19:6) làm sứ giả của Ngài cho các dân tộc. Về tôn giáo thờ Độc thần là Đức Chúa Trời và Luật pháp của Ngài.
* Cuộc chuẩn bị người Hy-lạp: Một ngôn ngữ cho toàn thế giới, dù đây là tham vọng của Alexander đại đế (334 – 323 TC) chinh phục cả Cựu thế giói như cơn lốc, ông đã lập tiếng Hy-lạp làm ngôn ngữ chung. Ảnh hưởng của ngôn ngữ Hy-lạp rất lớn, đã cung cấp phương tiện truyền bá sứ điệp Cơ-đốc, các Sứ đồ giảng dạy bằng tiếng Hy-lạp và Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp.
* Cuộc chuẩn bị người La-mã: Người La-mã nổi tiếng về việc duy trì luật pháp và trật tự với các tổng trấn, tạo được thời kỳ hòa bình dưới triều Sêsa Augúttơ (Augustus) . Hệ thống đường giao thông đi lại dễ dàng. Ngoài ra cũng có tiêu cực: suy đồi luân lý, tôn giáo hình thức, thiếu sức sống, có phái huyền bí giao thông với các thần linh…, tạo niềm khát khao về sự cứu chuộc.
          Khi Ngôi Lời trở nên xác thịt, Ngôi Lời đã nhập thể trong một bối cảnh phức tạp của thực tại xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế và tôn giáo. Trong khung cảnh đó, trong thời điểm đó, dân Do Thái nói riêng và nhân loại nói chung đang khao khát một Đấng Cứu Tinh và Đức Chúa Trời thành người. Bất cứ một người Do Thái nào cũng mong chờ sự ra đời của Đấng Mết-si-a. Sách Mathiơ là nhịp cầu giũa Tân Ước và Cựu Ước, nối kết các lời tiên tri với sự ứng nghiệm trong Chúa Jésus: Cựu Ước tiên tri về Đấng Mết-si-a và đây Ngài đã đến rồi.
Bài viết có tham khảo SGK, Viện UUC, Tìm hiểu Tân Ước, bài 1 & 2.
TĐ NGỌC HUỆ
HT CƠ ĐỐC LIÊN HIỆP TOÀN CẦU




[1] Howard Clark Kee, Understanding the New Testament, tr.18 – Theo SGK Tìm hiểu Tân Ước, tr 23.
[2] Sgk, Tìm hiểu Tân Ước, tr 27.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.